Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chiến Tranh Và Hòa Bình - Quyển 10 Chương 37





Nhìn cảnh tượng khủng khiếp của bãi chiến trường ngổn ngang những chiếc xác chết, những người bị thương, trong khi đầu óc còn choáng váng vì được tin hai mươi viên tướng quen thuộc của mình đã bị thương và tử trận, và nhận thức rõ rệt rằng cánh tay bấy lâu vô địch của mình đã trở thành bất lực, Napoléon thể nghiệm một ấn tượng không ngờ, mặc dầu thường ngày ông vẫn thích nhìn những người tử trận và bị thương, để thử thách sức mạnh tinh thần của mình (như ông ta vẫn tưởng). Nhưng hôm nay cảnh tượng ghê rợn của chiến trường đã thắng cái sức mạnh tinh thần mà ông ta cho là đã làm và nên làm những công đức và vì sự vĩ đại của mình. Ông vội vã rời khỏi chiến trường và trở về đồi Sevadino. Mặt vàng võ sưng húp, người nặng nề, mắt đục ngầu, mũi đỏ gay và tiếng nói khản đặc, ông ta ngồi trên chiếc ghế xếp, bất giác lắng nghe tiếng súng, mắt ngước lên. Ông ta bồn chồn lo lắng chờ giờ kết thúc trận chiến đấu mà ông tưởng mình đã nhúng tay vào, nhưng thực ra thì ông không thể nào bắt nó dừng lại được.


Trong giây lát, một tình cảm bầm sinh của con người đã thắng cái ảo ảnh dối trá về cuộc đời mà lâu nay ông vẫn phụng sự ông hình dung chính mình đang chịu những nỗi đau khổ và chết chóc mà ông đã thấy trên chiến trường. Cái cảm giác như có một cái gì đè nặng lên đầu và lên ngực ông khiến ông nhớ ra rằng mình cũng có thể đau khổ và chết như mọi người.


Trong giây phút này, ông không còn muốn chiếm Moskva, không còn muốn thắng trận, không còn muốn vinh quang nữa (ông còn cần thứ vinh quang gì nữa?). Bây giờ ông chỉ mong ước được nghỉ ngơi, yên tĩnh và tự do. Nhưng khi ông đứng trên cao điểm Xemonovkoye thì viên tư lệnh pháo binh đề nghị ông bố trí một vài đội pháo ở đấy để tăng cường hoả lực của những đội đang nã vào các đạo quân Nga tập trung ở Knyazkovo. Napoléon đồng ý và ra lệnh phải báo cho ông ta biết kết quả ra sao. Viên sĩ quan phụ tá đến nói rằng theo lệnh của hoàng đế, hai trăm khẩu pháo đã nã vào quân Nga, nhưng quân Nga vẫn giữ vững.


- Hoả lực của chúng ta đã quét sạch từng hàng quân, nhưng chúng vẫn giữ vững. - Viên sĩ quan phụ tá nói.


- Chúng còn muốn ăn đạn nữa đấy - Napoléon nói, giọng khản đặc.


- Tâu bệ hạ? - viên sĩ quan phụ tá chưa nghe rõ bèn hỏi lại.



- Chúng còn muốn ăn đạn nữa, - Napoléon cau mày - bồi thêm cho chúng.


Không có lệnh của ông thì ý muốn của ông vẫn cứ được thực hiện, và sở dĩ ông ra lệnh chẳng qua vì ông nghĩ rằng người ta đợi lệnh của mình. Thế rồi, ông lại quay trở về cái thế giới giả tạo trước kia, cái thế giới đầy những ảo ảnh về võ công vĩ đại. Cũng như một con ngựa quay bánh xe nước tưởng đâu rằng nó đang làm một cái gì cho bản thân nó, ông ta lại ngoan ngoãn thực hiện cái vai trò tàn ác, đáng buồn và khổ sở, phi nhân tính mà số phận đã định trước cho ông ta.


Không phải chỉ trong vài ngày ấy, giờ ấy, trí óc và lương tâm của con người này - một con người mang cái trách nhiệm nặng nề hơn ai hết trong tất cả những việc đã xảy ra - mới bị mờ tối đi, mà mãi cho đến khi nhắm mắt, không bao giờ con người ấy có thể hiểu được cái gì là thiện, cái gì là mỹ, cái gì là chân, và đâu là ý nghĩa những hành vi của mình, những hành vi trái ngược hẳn với chữ ấy không thể nào chối cãi những hành vi của mình đã được nửa thế giới ca ngợi, cho nên ông ta đành phải từ bỏ cái chân và cái thiện cũng như tất cả cái bản chất của con người.


Không phải chỉ có ngày hôm ấy, trong khi cưỡi ngựa qua bãi chiến trường ngổn ngang những xác chết và những người bị tàn phế, (ông ta tưởng đó là do ý muốn của mình), và đưa mắt nhìn họ, ông mới tính xem cứ mỗi tử thi người Pháp thì có năm tử thi người Nga.


Không phải chỉ hôm ấy ông mới viết thư gửi về Paris nói rằng "Chiến trường thật là hùng vĩ bởi vì trên bãi chiến trường có năm vạn tử thi", mà ngay ở đảo Saint Helen trong cảnh tĩnh mịch cô đơn mà ông đã định dùng những năm còn lại để tường thuật những việc vĩ đại mà mình đã làm, ông viết:


"Cuộc chiến tranh với Nga phải là một cuộc chiến tranh được lòng nhiều người nhất của thời đại: đó là cuộc chiến nanh của lương tri; và của sự an toàn của mọi người; nó có tính chất thuần tuý hoà bình và báo thù".



"Đó là cuộc đấu tranh vì đại nghĩa, để chấm dứt những sự ngẫu nhiên và để mở đầu cho sự an toàn. Một chân trời mới sẽ mở ra, những công trình mới sẽ được thực hiện đem lại vô số phúc lợi và sự phồn vinh cho tất cả mọi người. Hệ thống châu Âu đã có cơ sở, bây giờ vấn đề còn là tổ chức nó nữa mà thôi".


"Thoả mãn về tất cả vấn đề lớn này, đâu đâu cũng được yên lòng, tôi cũng sẽ có đại hội của tôi, và Liên minh thần thánh của tôi. Đó là những tư tưởng mà người ta đã ăn cắp của tôi. Trong cuộc hội họp các vị đế vương, chúng tôi sẽ bàn đến quyền lợi của chúng tôi như trong một gia đình và sẽ báo cáo với quốc dân như người thư ký báo cáo với ông chủ".


"Như thế, Âu châu chẳng bao lâu sẽ thực sự trở thành một dân tộc duy nhất, và bất kỳ ai trong khi đi du lịch khắp nơi cũng sẽ luôn luôn cảm thấy mình ở trong tổ quốc chung. Tôi sẽ yêu cầu các sông ngòi được hưởng tự do giao thông, bốn bè là cộng đồng, không chia hải phận, và những đạo quân lớn thường trực từ nay sẽ giảm hẳn đi, chỉ còn lại những đội vệ binh của các quốc trưởng mà thôi".


"Khi trở về Pháp, trở về tổ quốc vĩ đại, cường tráng, tráng lệ, thái bình, quang vinh, tôi sẽ tuyên bố rằng biên giới nước ta là bất di bất dịch, mọi cuộc chiến tranh sau này sẽ thuần tuý chiến tranh tự vệ; mọi sự mở mang bờ cõi sau này đều là phản dân tộc, tôi sẽ cho con tôi cùng trị vì đế quốc, thời kỳ chiến trinh của tôi sẽ chấm dứt, thời kỳ được hiến của con tôi sẽ bắt đầu".


"Paris sẽ là thủ đô của thế giới, và địa vị của người Pháp sẽ được mọi dân tộc ước ao".


"Sau đó, trong thời kỳ tập sự làm vua của con tôi, tôi sẽ dành ngày giờ nhàn rỗi và tuổi già của con tôi để cùng hoàng hậu, như một cặp vợ chồng thôn dã thật sự, thong dong cưỡi ngựa nhà đi thăm tất cả những nơi sơn cùng thuỷ tận của đế quốc, để tiếp nhận những lời khiếu nại, trừ bỏ những điểm bất công và đến đâu cũng xây dựng lâu đài và ban thí ân đức".


Con người mà ý trời đã tiến định cho đóng cái vai trò thảm hại của tên đao phủ đối với các dân tộc, lại muốn biện hộ rằng mục đích những hành động của mình là lợi ích của các dân tộc, và mình có thể thao túng số phận hàng triệu con người, và có thể dùng quyền lực để tạo nên hạnh phúc cho họ.


Về cuộc chiến tranh với Nga ông còn viết:


"Trong số 400.000 người vượt qua sông Vixla, một nửa là người Áo, người Phổ, người Xắc-xôn, người Ba Lan, người Beyer, người Vuyrtemberg, người Mecklemberg, người Tây Ban Nha, người Ý, người Napôli. Quân đội hoàng gia thực ra là gồm những người Hà Lan, người Bỉ, những cư dân ở trên bờ sông Ranh, ở Piemont, ở Thuỵ Sĩ, ở Geneva, ở Toxcan, ở La Mã, cư dân của quân khu thứ 32, cư dân các thành phố Brem, Hamburg v.v…, nó gồm không đầy 140.000 người nói tiếng Pháp. Cuộc viễn chinh sang Nga làm hao tổn của người Pháp hiện thời không đến năm vạn người. Quân đội Nga, khi rút lui từ Vilna đến Moskva, trong các trận giao chiến đã tổn thất bốn lần nhiều hơn quân đội Pháp; Việc Moskva phát hoả đã làm cho 100.000 người Nga phải chết rét, chết đói ở trong rừng; cuối cùng trong một cuộc hành quân từ Moskva đến sông Oder, quân đội Nga cũng bị thời tiết ác nghiệt làm tổn hại, khi đến Vilna nó chỉ còn có 50.000 người và khi đến Kalis chỉ còn non 18.000".


Ông ta tưởng rằng cuộc chiến tranh với Nga đã xảy ra do ý muốn của mình, thế mà cái biến cố thủ khủng khiếp đã diễn ra không làm cho tâm hồn ông mảy may xúc động. Ông ta mạnh dạn nhận lấy tất cả trách nhiệm về biến cố ấy, và đầu óc mờ tối của ông ta lại muốn hiện cho bằng cách nêu ra rằng trong số hàng chục vạn người tử trận, số người Pháp ít hơn số người xứ Hess và xứ Bayer.