Chiến Tranh Và Hòa Bình

Chiến Tranh Và Hòa Bình - Quyển 10 Chương 36





Một bác sĩ ở trong lều bước ra. Chiếc áo choàng trắng cũng như hai bàn tay nhỏ nhắn của ông đều vấy máu. Một tay ông ta cầm điếu xì gà giữa ngón tay cái và ngón tay út để cho nó khỏi dây bẩn.


Ông ngẩng đầu đưa mắt nhìn quanh nhưng lại nhìn qua đầu những người bị thương. Hẳn là ông ta đang muốn nghỉ ngơi một chút. Ông ngoảnh đầu sang trái, sang phải một lúc rồi thở một hơi dài và đưa mắt nhìn xuống.


- Được tôi làm ngay đây! - Ông trả lời ngay y tá đang chỉ công tước Andrey, và ra lệnh đưa chàng vào lều.


Có tiếng xì xào vang lên trong số những người bị thương đang đợi từ nãy đến giờ:


- Thì ra ngay ở thế giới bên kia, cũng chỉ có các quan mới có quyền được sống mà thôi - Một người nói.


Người ta đưa công tước Andrey vào lều và đặt chàng lên một cái bàn vừa được rảnh mà người y tá mới rửa xong. Công tước Andrey không thể phân biệt được tách bạch những vật ở trong lều.


Đâu đâu cũng nghe tiếng rên la. Cảm giác đau đớn dữ dội ở hông, ở bụng và ở lưng làm chàng không sao tập trung tư tưởng được. Tất cả những gì chàng trông thấy ở chung quanh đều hoà lại làm một trong tâm trí chàng thành một biểu tượng duy nhất: hình ảnh của một thân thể trần truồng và đẫm máu choán hết cả gian lều thấp hẹp, cũng như cách đây mấy tuần, vào một ngày tháng tám nồng nực, chính cái thân thể ấy đã tràn đầy cả cái ao tù trên con đường Smolensk. Phải, đây cũng chính là cái thân thể ấy, cũng chính là thứ thịt làm mồi cho đại bác hồi ấy đã làm cho chàng ghê rợn, dường như thế vì nó báo trước việc xảy ra hôm nay.



Trong lều có ba cái bàn, hai cái đã có người. Người ta đặt công tước Andrey lên cái bàn thứ ba. Họ để mặc chàng nằm một lát và chàng vô tình nhìn thấy những việc đang diễn ra ở hai bàn kia.


Một người Tatar ngồi trên cái bàn gần nhất, chắc hẳn anh ta là một người lính cô-dắc, vì thấy có một bộ quân phục cô-dắc vắt ở bên cạnh. Bốn người lính đang giữ chặt lấy anh ta. Một bác sĩ đeo kinh đang rạch cái lưng lực lưỡng và rám nắng của anh ta.


- U u u! - Người Tarta rên đều đều như tiếng cuốc kêu rồi đột nhiên anh ta ngẩng cái khuôn mặt gân guốc rám nắng với đôi lưỡng quyền cao và cái mũi tẹt, nhe ra hai hàm răng trắng nhởn ra, bắt đầu giãy giụa và gào lên những tiếng kéo dài lanh lảnh.


Trên một cái bàn khác, nhiều người xúm quanh một người cao lớn đẫy đà: Anh ta nằm ngửa, đầu hất ngược ra đằng sau. Công tước Andrey có cảm giác kỳ lạ là mái tóc quăn, màu da và hình dáng cái đầu có một cái gì quen quen. Mấy người y tá ra sức đè lên ngực người đó và giữ chặt lấy anh ta. Mọt bên chân to lớn, trắng trẻo và mập mạp của anh ta cứ luôn luôn giật bắn lên. Người ấy khóc nấc lên, quằn quại và sặc sụa. Không nói một tiếng, hai bác sĩ - một người mặt tái mét và run lẩy bẩy - đang lúi húi làm gì trên cái chân kia của anh ta đỏ lòm những máu.


Sau khi đã mổ người Tarta và phủ chiếc áo khoác lên mình anh ta, người bác sĩ đeo kính lau tay và đến cạnh công tước Andrey.


Ông ta nhìn vào khuôn mặt công tước Andrey rồi bỗng vội vã ngoảnh mặt đi.


- Cởi áo cho ông ta! Sao lại đứng đực cả ra đấy? - Ông giận giữ quát hai người y tá.



Trong khi người y tá, ống tay áo xắn lên, hấp tấp mở hết các khuy cúc, cởi áo quần cho công tước Andrey, những kỷ niệm xa xôi nhất của thời thơ ấu đầu tiên vụt hiện lên trong ký ức của chàng.


Bác sĩ cúi xuống, lấy tay nắn nắn vết thương và thở dài một tiếng nặng nề.


Đoạn ông ta ra hiệu cho một người khác. Một cơn đau khủng khiếp ở bụng làm cho công tước Andrey ngất đi. Khi chàng tỉnh dậy thì những mảnh gẫy của xương hông đã được lấy ra, những mảnh thịt đã được cắt bỏ đi và vết thương được băng bó lại. Người ta vã nước lên mặt chàng. Công tước Andrey vừa mở mắt thì bác sĩ cúi xuống mình chàng và lặng lẽ hôn lên môi chàng, không nói một lời rồi vội vã bỏ đi.


Sau những cơn đau vừa phải chịu đựng, công tước Andrey có một cảm giác thư thái dễ chịu mà lâu nay chàng không hề thể nghiệm. Tất cả những giờ phút tốt đẹp, sung sướng nhất của đời chàng, nhất là của thời thơ ấu xa xôi nhất, khi người ta cởi áo cho chàng và đặt chàng nằm trên chiếc giường nhỏ, khi người vú em hát để ru chàng ngủ, khi chàng vùi đầu vào gối, và cảm thấy mình sung sướng chỉ vì biết mình đang sống, những giờ phút ấy hiện ra trong tưởng tượng của chàng không phải như những việc đã qua mà như một sự thực đang diễn ra trong hiện tại.


Chung quanh người bị thương mà hình dáng cái đầu chàng thấy có vẻ quen quen, các bác sĩ đang bận rộn lui tới, họ vực người đó dậy, an ủi anh ta.


- Đưa cho tôi xem… ôôôô! Ôôôô - có thể nghe rõ tiếng rên sợ hãi và cam chịu đau đớn, luôn luôn bị ngắt quãng vì tiếng khác.


Nghe những tiếng rên ta kia, công tước Andrey muốn khóc. Phải chăng vì chàng phải chết không chút vinh quang? Phải chăng vì chàng còn luyến tiếc cuộc đời, hay là vì những kỷ niệm của thời thơ ấu không bao giờ còn trở lại nữa, hay là vì chàng đau khổ khi thấy người khác đau khổ, vì người kia đang rên rỉ thảm thiết trước mặt chàng. Dù sao chăng nữa thì chàng cũng muốn khóc những giọt nước mắt thơ ngây, hiền hậu, gần như những giọt nước mắt vui mừng.


Người ta đưa cho người bị thương cái chân của anh ta cái chân vừa bị cưa, máu đông lại, còn nguyên cả chiếc ủng.


- Ô ôôôô! - Người kia khóc rống lên nhưmột người đàn bà.


Vị bác sĩ nãy giờ đứng trước người bị thương và che lấp mặt anh ta, bỗng bỏ đi nơi khác.


- Trời ơi! Làm sao thế này? Tại sao hắn lại ở đây? - Công tước Andrey tự nhủ. Chàng nhận ra con người bất hạnh kiệt sức đang khóc nức nở kia, mà người ta vừa cưa mất một chân, là Anatol Kuraghin. Người ta xốc nách đỡ Kuraghin dậy và đưa cho hắn một cốc nước. Nhưng đôi môi run bần bật và sưng phù của hắn không áp được vào miệng cốc. Anatol khóc rưng rức. "Đúng rồi! Chính hắn rồi, đúng rồi, có một cái gì ràng buộc ta với con người này một cách chặt chẽ và đau đớn". Công tước Andrey nghĩ thầm, trong lòng vẫn chưa hiểu rõ điều trông thấy trước mắt. "Mối liên hệ giữa con người này với thời thơ ấu của ta, với cuộc đời của ta thế nào?" - Chàng tự hỏi, nhưng không tìm thấy câu trả lời. Và đột nhiên, một kỷ niệm mới mẻ bất ngờ từ trong cái thế giới trong sáng và chan chứa yêu đương của thời thơ ấu hiện ra trong ký ức chàng. Chàng sực nhớ tới Natasa in hệt như khi chàng thấy nàng lần đầu trong tối khiêu vũ năm 1810, với cái cổ thon thon và hai cánh tay mảnh dẻ, với gương mặt sợ hãi và sung sướng, sẵn sàng hân hoan, và trong lòng chàng, tình yêu đằm thắm đối với nàng lại sống dậy mãnh liệt và sôi nổi hơn bao giờ hết. Bây giờ chàng đã nhớ ra mối liên hệ giữa chàng với con người này trong khi hắn đưa cặp mắt sưng vù nhìn chàng qua làn nước mắt. Công tước Andrey nhớ lại tất cả, và một niềm trắc ẩn và thương yêu tha thiết đối với con người này tràn ngập cõi lòng sung sướng của chàng.


Công tước Andrey không thể tự chủ được nữa, chàng khóc, những giọt nước mắt thương yêu, tự ái đối với mọi người, đối với mình, đối với những lầm lạc của họ và những lầm lạc của mình.


"Lòng trắc ẩn, tình thương yêu đối với anh em đồng loại, đối với những người yêu ta, lòng thương yêu đối với những người thù ghét ta, đối với kẻ thù, phải, cái lòng thương yêu mà Chúa đã truyền phán trên trái đất này, và nữ Công tước Maria đã dạy cho ta mà ta không hiểu; chính nó đã làm ta luyến tiếc cuộc đời, đó là điều duy nhất còn lại với ta nếu ta còn sống. Nhưng bây giờ thì đã muộn rồi. Ta biết lắm!".