Cậu Hai Nhà Họ Bùi

Chương 55: Chia Cắt (1)




Có câu “Cáy tháng ba, cà ra tháng mười”, thời gian trôi qua tựa hồ như một cái chớp mắt, chớp mắt cô cả đã hạ sinh con gái đầu lòng, cả nhà phú ông hồ hởi bắt xe lên phố huyện thăm cháu ngoại ngay trong đêm.

Chớp mắt, Thằng Tí đã được đến trường, nhờ vào số tiền mà Lợn bán hàng tích góp lại và xài thâm qua tiền mà anh cả gửi, chớp mắt mùa cáy tháng ba đã qua, mùa cá lòng tong nhảy nước tháng sáu cũng hết, rồi sau cùng là mùa cà ra tháng mười vừa đến.

Đồng nghĩa với việc cậu Hai lại miệt mài đèn sách để chuẩn bị thi Hội, thi Hương khó bảy, tám phần thì thi Hội khó cũng tám, chín phần chứ chẳng ít.

Nếu cậu Hai đỗ thi Hội thì năm sau lại được cử thi Đình. Thi Đình là khoa thi cao cấp nhất do triều đình tổ chức, được thi trong điện của Vua, được chính Vua đích thân ra đề và làm giám khảo chấm thi.

Thi Đình gồm ba bậc hay còn gọi là tam giáp, thấp nhất là bậc ba, cao nhất là bậc một, ở giữa là bậc hai. Bậc ba đỗ tiến sĩ, bậc hai đỗ hoàng giáp.

Bậc một đỗ tiến sĩ đệ nhất giáp, gồm ba thí sinh đỗ cao nhất (gọi là tam khôi) hạng ba là thám hoa, hạng nhì là bảng nhãn, đỗ đầu là trạng nguyên.

Với tham vọng của phú bà, e là cậu phải đỗ trạng nguyên, phú ông thì chẳng giống phú bà, phú ông bảo cậu tùy theo sức của mình, giá kể cậu có thi rớt đi chăng nữa thì lọt được vào đến vòng thi Hội cũng khiến ông nở mày nở mặt lắm rồi.

Lợn là Lợn cứ bị thích Phú ông hơn, không phải vì phú bà thường xuyên chì chiết, đay nghiến nó mà nó không thích bà, mà là Phú ông có những lí lẽ mà khi nghe xong Lợn phải cúi đầu thán phục ngay thôi.

Lợn không ghét cũng không thích phú bà, vì cái lí lẽ của bà nó vừa ngang vừa theo hướng phiến diện, cứ bị cùn kiểu gì ý, nhưng vì bà là bu cậu, Lợn cũng chẳng dám nói nhiều, bằng mặt nhưng không bằng lòng vậy.

Lợn lội ao xúc được mớ tép, trong đầu lại nhảy ra món tép rang mặn, tép ao nhảy lạch tạch rửa sạch với nước đem đi ướp, sau đó rang chín rồi cho thêm hành tỏi và ớt, thịt tép chắc ngọt, vỏ tép giòn giòn, ăn với cơm trắng nóng hổi thì chuẩn bài.

Vừa suy nghĩ xong Lợn đã bắt tay vào làm, Lợn làm một niêu tép rang to tướng, khi đã để đủ phần cho bu Thắm và Tí xong thì Lợn múc thêm một niêu nhỏ nữa, lén la lén lút chạy ra cái chồi nhỏ gần hồ sen để ăn trưa với cậu.

Dạo này trời nóng bức, cậu có thói quen ra đó học bài. Tầm trưa cơm nước xong xuôi Lợn cũng chạy ra với cậu luôn, thập thò lén lút như vậy cũng gần năm trời rồi, bình yên đến lạ ý.

Mà Lợn không biết rằng, sau lưng mình luôn có một bóng người dõi theo.

******

Mỗi lần nhìn thấy cậu Hai với Lợn tình chàng ý thiếp bên nhau là một lần con tim Mận uất nghẹn, rõ ràng là nó thương Lợn trước cậu Hai, mà hình như Lợn cũng thích nó rồi ý.

Cớ vì sao mà cậu Hai lại cướp đi Lợn của nó? Mận thương Lợn từ năm tám tuổi, giờ gần mười ba cũng vẫn hoài chữ thương, năm năm trời? Mận dõi theo Lợn đến năm năm.

Lợn lại dùng năm năm đó, để thích một người khác, mà còn là người Mận ghét nhất nữa. Mận là Mận không cam lòng xíu nào, thứ mà Mận không có được thì cậu Hai cũng đừng hòng mà có.

Nên hôm đó Mận đã quyết tâm làm người xấu.

Mận đem chuyện Lợn với cậu Hai vụng trộm quen nhau thọc mạch với phú ông, ban đầu là phú ông không tin còn cho là nó dám bêu xấu cậu Hai, ông sắp phạt đánh nó năm mươi hèo thì nó bảo ông không tin ra cái chồi gần hồ sen mà coi.

Phú ông bán tính bán nghi, canh ngay giờ trưa thập thò ra ngoài đó, cảnh tượng trước mắt làm ông xém chết đứng, Cậu Hai con trai ông đang ngồi ăn trưa với thằng Lợn ở ngoài đó.

Giá kể tụi nó chỉ ăn trưa cùng nhau một cách bình thường thì ông không nói, đằng này cậu Hai còn lấy tay quẹt lấy hạt cơm dính trên miệng thằng Lợn rồi đưa vào miệng mình, thật chẳng ra hệ thống gì sất.

Thằng Lợn bình thường ẻo lả thì ông cũng nghi nó lại cái lâu rồi, còn đằng này con trai của ông từ nhỏ đến lớn nam tính ngời ngời, cớ vì đâu lại sinh nông nỗi như vầy?.

Ông giận run người, nhưng không ra bắt tại trận. Ông rình từ trưa trời trưa trật cho đến khi mặt trời ngả bóng sau ngọn tre, đợi thằng Lợn đang chân sáo chạy về nhà, đi ngang qua hàng cây roi trước mặt, ông chặn đường nó lại, Lợn sợ muốn són ra quần.