Chương 6: Thực Kinh.
Lý Thăng Long.
Lý Thăng Long lúc nào cũng cười.
Lý Thăng Long lúc nào cũng ăn.
Dường như lý tưởng sống và ý nghĩa sống của Lý Thăng Long chỉ có ăn và ăn.
Lý Thăng Long là con trai độc nhất của “Nhân Gian Hữu Thiện” Lý Hữu Thiện, gia chủ Lý Gia, một trong ngũ đại gia tộc của Đại Cồ Việt. Ngày đó mẹ chàng hạ sinh ở thành Đại La, khi chàng vừa chào đời thì thấy rồng vàng bay lên trời. Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La thấy cảnh rồng bay bèn đổi tên Đại La thành Thăng Long, cha chàng cũng đặt tên chàng là Thăng Long.
Năm mười bốn tuổi Lý Thăng Long trốn khỏi nhà họ Lý lưu lạc giang hồ, từ đó người Lý Gia ít khi nhắc đến cái tên Lý Thăng Long.
Lí do Lý Thăng Long bỏ nhà ra đi không một ai biết, chỉ có hai người Bùi Nguyễn Văn Phương và Trần Hoài Phong biết nhưng hai người bọn họ cũng không nói một lời, thành ra không một ai biết.
Đó là bí mật duy nhất của Lý Thăng Long.
Lý Thăng Long là một người không có bí mật hay nói đúng hơn là không biết giữ bí mật, chuyện gì ngươi muốn biết chàng đều có thể nói cho ngươi biết, thậm chí còn rất nhiệt tình.
Nếu ngươi hỏi Lý Thăng Long có phải là bằng hữu tốt không? Câu trả lời Lý Thăng Long là một bằng hữu tốt, tốt nhất trên đời. Không chỉ bằng hữu, chàng còn có thể là một đồng minh tốt, một tri kỷ tốt, một sư phụ tốt, một đệ tử tốt, một người con tốt, một người em tốt, một người anh tốt, một tình nhân tốt, một phu quân tốt, một người cha tốt... thậm chí là một kẻ địch tốt.
Lý Thăng Long đối xử với mọi người rất tốt, bất kể là ai chàng đều đối xử rất tốt hơn nữa luôn luôn tươi cười với mọi người, thậm chí với kẻ địch, kẻ thù hay hắc đạo đều rất tốt. Câu cửa miệng của chàng là "dĩ hòa vi quý, một điều nhịn chín điều lành".
Lý Thăng Long không hề, không thích, không muốn gây sự hay gây thù chuốc oán với ai nhưng y lại vì gia đình của mình mà trở thành kẻ thù của không ít người trong võ lâm.
Lý Thăng Long thích ăn uống.
Lý Thăng Long rất thích ăn uống, sở thích của Lý Thăng Long chính là ăn uống, sở trường của Lý Thăng Long cũng là ăn uống.
Cả cuộc đời của Lý Thăng Long chỉ gói gọn trong một chữ: Ăn!
Ăn nữa! Ăn mãi! Ăn đến khi nào không thể ăn nữa mới thôi! Ăn đến c·hết thì thôi!
Lý Thăng Long không chỉ thích ăn chàng còn thích nấu ăn, hơn nữa còn là một đầu bếp giỏi.
Ước nguyện lớn nhất của Lý Thăng Long là có thể ăn mọi món ăn trong thiên hạ cũng như nấu được tất cả món ăn đó.
Lý Thăng Long không chỉ thích ăn mà còn ăn rất nhiều, nhiều đến mức Bùi Nguyễn Văn Phương luôn gọi chàng là Trư Bát Giới đầu thai.
Lý Thăng Long có thể ăn bất cứ lúc nào, xuân hạ thu đông, sáng trưa chiều tối, chàng đều không ngừng ăn thậm chí ngay cả lúc tắm chàng cũng ăn được.
Lý Thăng Long có thể ăn bất kỳ đâu, trong nhà ngoài sân,trên cây dưới đất, từ trong rừng rậm đến ngoài đại dương xa xôi, chàng đều có thể ăn được thậm chí ở trong nhà xí cũng không thể ngăn cản sở thích ăn uống mãnh liệt của chàng ta.
Nếu ngươi thấy miệng Lý Thăng Long ngừng nhai? Vậy chỉ có thể là chàng đang ngủ hoặc không có gì ăn được. Kì lạ là Lý Thăng Long ăn rất nhiều nhưng không mập lên nổi, điều này khiến cả Hồ Thị Thoa Thoa lẫn Đinh Tuyết Băng không khỏi ghen tỵ.
Lý Thăng Long năm nay đã hai mươi hai tuổi nhưng vẫn hồn nhiên trong sáng như lúc mười bốn tuổi, cũng có thể vì lí do đó mà chàng được chọn là truyền nhân của Chiến Khải Thần Công trứ danh giang hồ.
Lý Thăng Long biệt hiệu là Chiến Khải truyền nhân nên ai cũng nghĩ võ công chủ đạo của y là Chiến Khải Thần Công, Hiên Viên Hạo cũng nghĩ như vậy.
Thực ra nếu không phải uỷ thác của Chiến Khải truyền nhân đời trước tức sư phụ chàng thì chàng đã không học môn võ công này bởi vì năm mười tuổi chàng đã tự sáng tạo ra một lộ võ công của riêng mình gọi là Thực Kinh.
Thực Kinh thực ra không phải võ công bởi vì không có võ công nào như Thực Kinh, có thể gọi Thực Kinh là pháp thuật, thần kỹ hoặc một bài tập dưỡng sinh.
Thực Kinh không có gì phức tạp, nguyên lý của nó vô cùng đơn giản, khi Lý Thăng Long ăn thức ăn thì một phần thức ăn sẽ chuyển hoá thành dinh dưỡng nuôi sống cơ thể, phần còn lại chuyển thành một loại năng lượng tự cổ chí kim chưa từng có, Lý Thăng Long đặt tên cho loại năng lượng này là “ẩm thực chi lực”. Ẩm thực chi lực không chỉ nâng cao thể lực, khiến da thịt cứng cáp hơn mà còn cường hoá sức mạnh cơ bắp của Lý Thăng Long lên gấp nhiều lần.
Lý Thăng Long ăn càng nhiều thì ẩm thực chi lực tích luỹ càng nhiều, chàng cũng trở nên mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy Lý Thăng Long ăn rất nhiều, Bùi Nguyễn Văn Phương từng nói chàng ăn như muốn ăn cả thiên hạ vào trong bụng. Và cũng vì Thực Kinh nên chàng dù ăn có bao nhiêu cũng không béo lên được.
Khối lượng thức ăn mà Lý Thăng Long ăn được đến bây giờ ít nhất cũng trên dưới bốn ngàn tấn (1). Những võ công khác dùng các cấp độ để phân chia sức mạnh, dùng “thành” để nói về nội lực còn Thực Kinh cực kỳ khác biệt, Lý Thăng Long dùng khối lượng để chỉ lượng ẩm thực chi lực mà chàng sử dụng, theo thứ tự từ thấp lên cao là: lạng, cân, yến, bình, tạ, quân và tấn. (2)
Bùi Nguyễn Văn Phương từng hỏi Lý Thăng Long rằng:
“Mày nghĩ sao mà sáng tạo cái võ công quái đản như vậy hả? Mày xem con nhà người ta kia kìa, võ công nếu không dễ học thì cũng nổi danh khắp thiên hạ, còn Ẩm Thực quần què của mày cả thế gian này ngoại trừ mày thì có ai luyện được? Có phải ai cũng là heo đầu thai như mày đâu? Làm ơn sáng tạo võ công gì đó dễ phổ biến và nổi tiếng giùm tao cái! Tao vì bọn mày mà ra đường xấu hổ đến mức không dám nhìn bà con chòm xóm kia kìa!”
Lý Thăng Long chỉ tươi cười đáp:
“Anh hai cũng biết em thích nhất là ăn, nhưng chỉ ăn sao đủ để bảo gia đình mình chứ?”
Lý Gia là một gia tộc nổi tiếng về võ thuật, Lý Thăng Long từ nhỏ đã được dạy võ công trấn gia là Thuỵ Vân Thần Công nhưng chàng vì ham ăn mà chểnh mảng tập luyện, cha mẹ chàng cũng bó tay hết cách. Lý Thăng Long cũng nhận ra được tu luyện võ công là một chuyện gian khổ và tốn rất nhiều thời gian, nếu vậy thời gian đâu mà chàng được ăn uống thoả thích? Có cách nào để ăn uống thật nhiều mà vẫn có võ công cao cường không?
Câu trả lời là không!
Lý Thăng Long là người thông minh, dù lúc đó chỉ mới tám tuổi chàng đã tìm ra cách giải quyết, không cân bằng được thì ta kết hợp cả hai lại là được, cả ăn uống lẫn võ công và thế là Thực Kinh ra đời. Thực Kinh chỉ cần ăn là tăng sức mạnh, không cần tập luyện, cực kỳ thích hợp với một người háu ăn như Lý Thăng Long.
Điểm đáng sợ của Thực Kinh ngoại trừ không cần tập luyện vẫn tinh tiến thì còn có thêm một điều nữa, chính là không có giới hạn, không gian phát triển vô hạn, ẩm thực chi lực cũng có thể tăng tiến đến vô cùng vô tận.
Ngoài Thực Kinh Lý Thăng Long không luyện thêm bất kỳ môn nội công nào vì vậy chàng chỉ có ẩm thực chi lực chứ không có nội lực như các võ giả khác. Chiến Khải Thần Công vốn là nội công nhưng Lý Thăng Long đã dùng ẩm thực chi lực vào phương pháp vận khí của Chiến Khải Thần Công, từ đó tạo một Chiến Khải Thần Công có những đặc tính khác biệt với nguyên mẫu.
Chú thích:
(1) Tấn: Theo hệ thống đo lường cổ Việt Nam thì 1 tấn bằng 604,5 ki lô gam.
(2) Lạng, cân, yến, bình, tạ, quân và tấn: Theo hệ thống đo lường cổ Việt Nam thì:
1 lạng bằng 37,8 gam.
1 cân bằng 604,5 gam và bằng 16 lạng.
1 yến bằng 6,045 ki lô gam và bằng 10 cân.
1 bình bằng 30,255 ki lô gam và bằng 5 yến.
1 tạ bằng 60,45 ki lô gam và bằng 10 yến.
1 quân bằng 302,55 ki lô gam và bằng 5 tạ.
1 tấn bằng 604,5 ki lô gam và bằng 10 tạ.