Hai tuần nằm viện vì suy nhược đã lấy đi từ tôi rất nhiều thời gian, tiền bạc lẫn kiến thức. Quay lại lớp học, mọi thứ đều trở nên xa lạ, cho dù đó chỉ môn Luyện dịch Việt-Anh sơ cấp. Nhưng tôi đến nơi này không phải để học mà là nhìn lại những điều đã từng gắn bó với mình suốt hai năm qua, sau đó, tôi sẽ rời khỏi môi trường giảng đường, lao vào các quán bar, nhà hàng để kiếm tiền trả hết khoản nợ đã vay từ bọn cho vay nặng lãi để lo tiền viện phí cho chính mình. Chuyện đến nước này, đều là do tôi ngu dại.
Nếu như ngày đó không nuôi hi vọng gương vỡ lại lành, không tin vào những gì tên người yêu cũ từng nói, có lẽ, hôm nay sẽ khác. Nghĩ lại, hai chữ “ngu dại” vẫn là quá nhẹ để nói về tôi của những ngày tháng đã qua. Nhưng chuyện qua rồi, nhắc lại cũng không ích gì. Hiện tại, tôi phải sống cho tôi, sống cho cái hiện tại u ám đang bủa vây quanh mình.
Tôi lấy bút chì và giáo trình trong cặp da, đặt lên bàn, cố gắng tập trung dịch bài để quên đi những cảm giác nặng nề khi nhớ về những điều không nên nhớ. Mỉa may thay, càng cố gắng quên lại càng nhớ nhiều hơn, nhiều đến mức ám ảnh.
Có tiếng gót giày gõ nhẹ, đều đều xuống sàn. Thu Hương vào lớp, vừa nhìn thấy tôi ngồi dán mắt vào những trang bài tập, nó vội ngồi xuống, hỏi dồn:
“Hai tuần nay mày đi đâu? Thầy Khiêm nói nếu mày nghỉ thêm hôm nay nữa sẽ gạch tên mày ra khỏi danh sách lớp. Ngày mai nhóm mình sẽ thuyết trình môn này, mày chuẩn bị gì chưa?”
“Tao có hỏi tụi Trâm An với Quốc Bảo, hai đứa nó cũng nói vậy.” Tôi trả lời và đặt bút chì xuống bàn, quay ra sau lưng lấy một xấp giấy mỏng đưa cho Thu Hương rồi nói tiếp. “Cái này là văn bản cho nhóm mình luyện dịch và thuyết trình. Tao sẽ lo phần soạn thảo bày trình chiếu và sửa lỗi. Mày phân công công việc cho mấy đứa còn lại, đừng để hai đứa mình quá tải như mấy lần trước. Được không?”
Thấy tôi nghiêm túc, Thu Hương gật đầu và lấy bài viết trên tay tôi, cuộn tròn lại, cho vào túi vải rồi lại tiếp tục hỏi thăm những chuyện linh tinh về tôi. Những chuyện cần nói, tôi không giấu một chút gì. Còn những chuyện không cần nói, ví như buổi sáng hôm nay là buổi học cuối cùng của tôi, tôi không tiết lộ. Để con bạn thân dễ bị kích động này biết, chắc chắn, nó sẽ tìm mọi cách khuyên giải, ép tôi tiếp tục đi học bằng mọi giá. Lúc đó, tôi khó mà từ chối.
“Tan học, mày lên Văn phòng khoa Ngoại Ngữ với tao.” Thu Hương nói nhanh.
“Làm gì?”
“Tao làm đơn xin giảm học phí. Đi một mình hơi sợ…” Con bạn thân của tôi nhe răng cười như khỉ sau câu trả lời lấp lửng.
Thoáng nhìn qua thái độ cũng thừa sức đoán ra đây là lần đầu tiên Thu Hương lên Văn phòng khoa. Hai năm trước, nó đều lập danh sách sinh viên cần miễn giảm học phí trong lớp, nhờ Mai Quỳnh – lớp trưởng – lên Văn phòng khoa gom đơn xin miễn giảm về. Năm nay, nhờ sự đễnh đãng của lớp trưởng mới nên Thu Hương bị bỏ quên, phải tự mình làm tất cả trước khi ngày nộp học phí đến hạn chót.
Bảy giờ kém năm phút, lớp học Luyện dịch Việt-Anh sơ cấp bắt đầu đông người. Khi cả lớp đã ổn định chỗ ngồi, thầy Khiêm vào lớp, vẫn mang theo gương mặt nhăn nhó khó khăn năm học trước mà tôi từng thấy. Thầy lại gắt gỏng phê bình Công Hiếu và Đông Quân mang xôi và bánh mì vào lớp. Những mùi thơm hấp dẫn từ hai túi giấy do tên bạn mập ú giấu trong ngăn bài khiến thầy bị phân tâm. Nói chính xác hơn, thầy ghét những mùi đó.
Đông Quân xin phép ra ngoài cùng Công Hiếu. Hai tên con trai thân nhau như một đôi tình nhân đem bữa sáng ra ngoài, cùng ăn vội rồi khẩn trương chạy vào lớp trước khi nhóm đầu tiên bắt đầu thuyết trình.
Cảnh tượng này, tôi đã nhìn thấy rất nhiều lần kể từ ngày vào Đại học. Không phải do hai tên này không biết tính của các giảng viên trong khoa, mà do họ quá hiểu nên tìm cách chọc ghẹo để tìm niềm vui. Đó là cách để những kẻ ngông tìm niềm vui cho chính mình.
Những anh chị sinh viên năm cuối học cải thiện nâng điểm đã bắt đầu buổi thuyết trình. Bài trình chiếu được đầu tư khá cẩn thận cẩn thận, người thuyết trình đưa ra những lí lẽ, những lời giải thích về cách dịch từ văn bản gốc sang văn bản mới để thuyết phục bốn mươi vị khán giả khó tính ngồi bên dưới. Nhìn khung cảnh đó, tự nhiên, tôi cảm thấy buồn. Có lẽ, cả cuộc đời này, tôi sẽ không bao giờ được sống cuộc sống bận rộn của một sinh viên năm cuối, cũng không bao giờ biết được niềm vui khi mặc áo Cử nhân, cầm bằng Tốt nghiệp, chụp hình lưu niệm tại phòng Thư viện như tôi từng mơ ước.
Tương lai của tôi với giảng đường đã chấm dứt rồi.
Lại thêm một lần phải giả vờ tỏ ra mình ổn bằng cách tìm và viết lại những lỗi dịch nhỏ nhất để bọn bạn ngồi xung quanh không chỉ trích và cũng là tìm một cái cớ chất vấn các anh chị đứng trên bục giảng, học hỏi một chút kinh nghiệm từ những người đi trước dù biết những kiến thức có được khó có cơ hội ứng dụng vào thực tiễn.
Khi bài thuyết trình của nhóm sinh viên năm tư kết thúc, thầy Khiêm yêu cầu cả lớp đặt câu hỏi. Thu Hương thúc giục tôi đứng lên để trình bày những thắc mắc tôi đã viết sẵn trên giấy để kiếm điểm cho nhóm. Cuối cùng, không đợi tôi có thời gian quyết định, Thu Hương giơ tay, thay tôi trình bày mọi điều trong mảnh giấy ghi chép.
Nhìn cách con bạn thân đứng nói lí, tôi có cảm tưởng suốt hai năm qua, tôi đã nhận nhầm chức vụ. Nhóm trưởng như tôi chưa bao giờ thuyết phục được ai, chưa từng làm ai tâm phục khẩu phục. Chức vụ tôi nắm giữ như cái hư danh, một tấm bình phong che chắn, hứng chịu những cơn phẫn nộ từ các giảng viên và gánh vác nhiệm vụ của cả nhóm khi có bài tập nhóm hoặc thuyết trình. Còn Thu Hương thì hoàn toàn trái ngược. Cả nhóm luôn nể sợ, răm rắp làm theo sự phân công của con bạn gầy còm, khó tính này.
Xem ra, đã đến lúc chấm dứt “kỉ nguyên thống trị” của tôi với nhóm rồi.
Trước giờ giải lao, thầy điểm danh và dừng lại một chút khi nhận ra sự hiện diện của tôi rồi lại tiếp tục xướng tên những sinh viên khác và chấm chấm, gạch gạch, nói những lời cũ kĩ như em này đã nghỉ hai buổi, em kia nghỉ được hai tiết đầu thì nghỉ luôn hai tiết còn lại đi, canh giờ giải lao rồi chạy vào làm gì? Lớp học này không phải chợ, không thể chấp nhận một người vô kỉ luật như thế…
Nghe thầy cằn nhằn, những nhân vật bất trị chỉ cười giả lả cho qua rồi xuống cuối lớp tìm chỗ ngồi.
Tập thể này lúc nào cũng vậy. Hai năm qua, thứ duy nhất thay đổi là sĩ số, còn những điều thầy luôn phê bình đã trở thành một sự thật hiển nhiên, một chân lí bất di bất dịch. Chắc chắn, khi vắng đi một người, lớp học sẽ không thay đổi. Chẳng ai thừa thời gian để hỏi thăm, quan tâm đến sự vắng mặt của một kẻ vô danh tiểu tốt.
Tan học, tôi đi cùng Thu Hương lên lầu. Con bạn thân nhanh chân chạy vào Văn phòng khoa Ngoại ngữ, còn tôi thì đứng đợi bên ngoài. Tranh thủ thời gian chờ đợi Thu Hương hoàn thành đơn xin miễn giảm học phí, tôi lấy điện thoại ra, kiểm tra tin nhắn ở các trang mạng xã hội của mình.
Có duy nhất một tin nhắn của người yêu cũ gửi đến.
“Anh đã yêu người khác rồi. Anh và cô ấy rất hạnh phúc, đừng làm phiền anh nữa.”
Tôi chết lặng, tưởng như mặt đất dưới chân mình đang sụp đổ.
Hóa ra, tôi đã quá ngu ngốc khi vẫn ôm hi vọng người ta sẽ vì chút tình cảm còn lại mà cho tôi thêm một cơ hội. Bây giờ thì, tất cả đã rõ như ban ngày. Chỉ có tôi ảo tưởng, trông chờ vào tình yêu vô vọng này.
Khoảnh khắc đó, không rõ thứ hiện hữu trên gương mặt mình là nụ cười hay nước mắt, tôi thấy ngạt thở vì tuyệt vọng, trống rỗng và nếu Thu Hương không xuất hiện, gọi giật, có lẽ tôi đã nhảy xuống, trở thành cái xác dập nát nằm dài trên vũng máu tươi trong sân trường.
“Mặt mày tái lắm. Hạ đường huyết hả?” Con bạn thân hỏi rồi lấy mấy viên kẹo trong túi áo khoác đưa cho tôi, nói “Ăn tạm đi. Mày xỉu giữa trường không ai cõng về đâu.”
“Tao khỏe. Tụi mình về đi. Chiều còn đi học.”
Thu Hương gật đầu và nhét mấy viên kẹo vào tay tôi rồi chạy về trước.
Buổi chiều, tôi ngồi một mình ở bàn sát cửa kính tầng hai của Tỏi Đen Bolero, nhìn bạn bè mình đang hối hả ở bên kia đường.
Lại một tin nhắn. Là tin nhắn của Thu Hương. Không đợi tôi kịp trả lời, con bạn thân gọi đến, gắt vào điện thoại:
“Mày đang ở đâu? Thầy vào lớp rồi!”
“Chiều nay, tao nghỉ học. Thầy gạch tên tao cũng được. Đuổi luôn càng tốt.” Tôi trả lời. Chưa bao giờ chuyện nghỉ học trở nên nhẹ nhàng như vậy. Nói xong, tôi tắt máy, tắt nguồn điện thoại, ngồi nhìn giấy quyết định nghỉ học vừa nhận được từ phòng Ban Giám Hiệu.
Đó là thành quả suốt một tuần chạy tới chạy lui khắp các khu nhà hành chính và các dãy phòng học để tìm và xin quyết định của các giảng viên. Động lực duy nhất giúp tôi làm được chỉ là một chữ “tiền”. Tiền quan trọng hơn tất cả mọi thứ tôi đang sở hữu trong hiện tại.
Từ hôm nay, không có người nào tên là Nguyễn Trần Quỳnh Anh góp tên trong danh sách lớp AVK39D nữa. Quỳnh Anh đó đã chết rồi.
Trở về phòng trọ, mảnh giấy đó bị gấp làm tư, nhét vào giữa một quyển từ điển bị bỏ quên rất lâu trong kệ sách. Phần về mình, tôi thay quần áo, trang điểm rồi đến chỗ làm thêm.
Đêm, bar Thư Kỳ chào đón tôi. Trong vai trò của một PG rượu, tôi tiếp khách, cùng họ uống rượu đến lúc say mèm. Tôi không nhớ ai đã đưa mình về khu trọ. Chuyện duy nhất mà tôi nhớ là cơn đau bụng dữ dội vào lúc rạng sáng khiến tôi chạy vào nhà vệ sinh và nôn ra rất nhiều máu.
Không biết bản thân đã phải trải qua bao nhiêu lần nôn mửa khủng khiếp như vậy, chỉ nhớ khi thứ cảm giác tồi tệ tạm thời lắng dịu, tôi phải vịn tay vào tường, cố điều khiển hai chân như đã nhũn ra, đi đến bàn học, cầm phích nước nóng lên, tự rót ít nước để làm ấm thân người đang run rẩy và lạnh như nước đá vì mệt và đói. Khi vừa uống được một chút nước vào người, cảm giác buồn nôn lại ập đến. Lần này, mặt sàn dưới chân tôi đầy máu cùng dịch dạ dày hôi đắng. Mùi hôi khủng khiếp đó khiến tôi muốn nôn và nôn đến khi trong người chẳng còn gì, tay chân mềm nhũn ra và không thể nhìn hay nghe rõ bất kì hình ảnh, âm thanh nào suốt một thời gian khá dài.
Tôi chìm vào giấc ngủ, mặc kệ không gian xung quanh đang bị thứ mùi khó ngửi ám lấy. Lúc thức dậy, dù đói đến lả người, tôi vẫn ép mình đứng dậy, rót một chút nước ấm sót lại trong bình giữ nhiệt để uống tạm rồi dọn dẹp qua loa trước khi lão chủ khó tính của khu trọ phát hiện và cằn nhằn. Những lúc bình thường, tôi sẽ im lặng nghe mắng chửi, nhưng những lúc lí trí không đủ mạnh như thế này, tôi sẵn sàng dùng bạo lực để giải tỏa. Thế nên, khi trong đầu còn một chút tỉnh táo, nhất định phải đối phó trước để đề phòng giả thiết đáng sợ kia thành sự thật.
Màn hình điện thoại chợt nhấp nháy, hắt chút ánh sáng yếu ớt lên bức tường màu kem cũ kĩ. Một dãy số lạ đang gọi đến. Từ lúc tôi ngủ quên cho đến tận bây giờ, số điện thoại này đã gọi cho tôi gần mười lần. Có lẽ người gọi không phải các chị PG hay anh quản lí của Thư Kỳ. Họ chẳng có thời gian để hỏi thăm tôi. Miễn cưỡng một lúc, tôi chấp nhận cuộc gọi đó. Đầu dây bên kia là giọng nam trầm nhưng không ấm và rất xa lạ với tôi.
“Cô em sao rồi?” Anh ta mở lời, giọng điệu khinh thường và đầy bỡn cợt.
“Ai đó?”
Một chuỗi tiếng cười vang lên. Anh ta châm chọc:
“Uống gần hết một chai vodka nhưng vẫn bình an vô sự. Tôi còn tưởng em đang sản xuất sốt cà chua bằng miệng trong nhà vệ sinh.”
“Quân mất dạy.” Tôi nghiến răng, lớn tiếng quát vào điện thoại.
“Vẫn nhớ được tên tôi à? Đáng khen.”
Vẫn cái ngữ điệu khốn nạn đó. Nếu biết anh ta đang ở đâu, tôi sẽ tóm lấy cổ áo, dùng hết tàn lực mà đánh cho hả giận.
“Tôi đang đứng trước cửa phòng trọ. Ra ngoài được không?” Giọng nói trong điện thoại chợt hạ xuống đầy khiêm nhường giống như đang năn nỉ.
Lời đề nghị đó khiến tôi giật mình. Có thể, anh ta chính là người đã đưa tôi về lúc tối, hoặc có thể là người khác, và anh ta chỉ là kẻ rảnh rỗi đi hỏi thăm địa chỉ, số điện thoại của tôi để quấy phá. Dù thế nào đi nữa, tôi cũng có lí do để không tin vào những gì đang xảy ra. Thế giới này vốn dĩ là chốn ở của lũ sinh vật giả tạo, dĩ nhiên, không ngoại trừ người như tôi.
Sau khoảng im lặng kéo dài, tôi tắt nguồn điện thoại, ném vật thể phiền phức đang cầm trên tay vào đống chăn bèo nhèo trên giường rồi đi vào nhà vệ sinh. Lần này, chỉ là nôn khan. Dạ dày đã trống đến mức chẳng còn gì để tống ra nữa. Cơn đau râm ran trong bụng dậy lên, cào xé thúc giục bản năng ăn uống trỗi dậy. Và tôi lại chọn uống nước sau khi đã đánh răng, rửa mặt sạch sẽ.
Ra đến cửa chính của khu trọ, tôi giật mình khi nhìn thấy một tên con trai đầu tóc gọn gàng, trên người mặc áo sơ mi trắng, quần jeans xanh, mang giày đúng chuẩn thư sinh lịch sự đang đứng trò chuyện với lão chủ khó tính của khu trọ. Thật không thể tin được. Tên thư sinh đó chính là tên khách đêm qua đã khích và uống rượu cùng tôi gần trọn một đêm.
Thấy tôi đứng sững một góc, lão chủ liếc nhìn, ra hiệu bảo đến chỗ “thằng bạn” đang đợi rồi vỗ vai tên kia bộp bộp như một lời chúc đểu cáng của kẻ đã đoán trước kết cục của cuộc gặp gỡ này và bỏ đi.
“Đi ăn với tôi. Cô không có quyền từ chối.” Anh ta gợi ý và nắm tay tôi, định kéo đi.
Tôi giật tay anh ta ra, gằn giọng:
“Tôi lên đây không phải để gặp anh!”
“Người gọi cho cô là tôi. Người mua trọn mười chai rượu đêm qua của cô cũng là tôi. Khách của cô là tôi. Thái độ với khách như vậy là cảm ơn à?”
Tôi xẵng giọng, quát vào mặt anh ta:
“Tôi không cần anh quan tâm! Không mượn anh làm mấy việc nhảm nhí đó! Anh không mua, người khác mua! Đừng nghĩ đừng vung tay ném ra một đống tiền thì tôi sẽ cảm kích! Cút đi!”
Nói xong, tôi bước đi thật nhanh.
Đời này, tôi đại ghét thể loại như vậy.
Tên khốn dai dẳng đó vẫn lì lợm bám theo tôi từ phòng trọ ra đến quán cơm gần trường Đại học, đến chợ, đến tận lúc trở về phòng trọ. Đến khi cổng chính được mở ra và đóng lại, anh ta vẫn đứng trong sân của khu trọ, nhìn theo một lúc thật lâu nhưng không nói một lời nào.
Căn phòng tĩnh lặng chào đón sự trở lại của tôi. Theo thói quen của một sinh viên tự ý nghỉ học, tôi lấy điện thoại, lên mạng xã hội xem những thông tin cập nhật của bạn bè rồi kiểm tra tin nhắn. Huyền Trâm và Hoài Thu nhắn tin hỏi lí do tôi không đến lớp. Hai đứa bạn nhiệt tình vẫn chưa biết tôi đã xin nghỉ nên vẫn chụp lại những trang giáo trình có bài tập được chỉ định phải làm gửi cho tôi. Thậm chí, chúng nó còn đùa, là nếu chiều có nghỉ thì nhớ rủ, chúng nó cũng muốn tạm trốn khỏi áp lực khủng khiếp do chuyện học gây ra.
Một lần nữa, điện thoại lại bị vứt vào góc tường. Tôi biết mình đang mỉm cười ngay cả khi trong lòng không cảm thấy vui vẻ. Giờ phút này khóc cũng chẳng ích gì.
Tôi chuẩn bị bữa trưa, ăn một chút rồi lại ra ngoài làm nhân viên bán thời gian ở một nhà hàng chuyên tổ chức họp mặt và sự kiện. Trái đất tròn, tên mặt dày thích đeo bám của lúc sáng cũng có mặt ở đó.
Anh ta là khách, đầu tóc gọn gàng, người mặc sơ mi trắng, khoác thêm vest đen bên ngoài, cổ áo thắt cà-vạt chỉnh tề, ngồi cùng bàn với một nhóm thực khách sang trọng khác, cười cười nói nói.
Buổi tiệc hôm nay là lễ cưới của người yêu cũ của anh ta. Bởi nụ cười trên mặt anh ta tắt đi rất nhanh khi nhìn thấy cô dâu cầm bó hoa thanh lịch, quý phái đi vào. Người vừa đến từ tốn bước đi trên thảm đỏ, cười rạng rỡ đầy hạnh phúc, quay đầu nhìn lướt qua anh ta, mỉm cười trong một khoảnh khắc ngắn ngủi rồi lại hướng về phía chú rể đứng đợi trên sân khấu.
Tiệc bắt đầu, những tiếng nhạc ồn ào lấn át tiếng người nói. Kẻ đáng thương bị bỏ rơi ngồi uống rượu như người khát tìm thấy nước. Anh ta uống ừng ực từng hơi, cạn li này lại rót tiếp li khác, hệt như đêm trước.
Nhóm nhân viên bán thời gian bận rộn hơn, tôi cũng không còn nhiều thời gian để mắt đến anh ta. Thời gian dành cho buổi tiệc kéo dài đến tận sáu giờ đêm. Tôi ở lại phụ giúp rửa chén rồi lại chạy vội đến bar Thư Kỳ.
Tuy đến trễ nhưng anh quản lí không làm khó tôi. Quản lí ra hiệu cho tôi đến chỗ bàn VIP gần tường.
Lại là anh ta.
Vài li rượu trong bữa tiệc cưới lúc trưa không đủ làm anh ta say. Nhận ra sự tồn tại của người mình đang chờ đợi, anh ta kéo tôi ngồi xuống, lấy một li khác rót rượu vào, đưa cho tôi.
“Cô rất giống cô ấy. Kể cả khi biết tôi giàu có vẫn bỏ rơi tôi.” Giọng nói khàn đặc của anh ta thì thầm, có lẽ, cơn say đã choán hết tâm trí lẫn lời nói của gã thất tình. “Cô ngốc của anh! Tại sao em bỏ anh?”
“Vì anh chẳng là gì trong thế giới này cả.” Tôi nhún vai, miệt thị. “Chẳng ai dại dột đem tình cảm đầu tư vào kẻ ăn chơi sa đọa, bê tha.”
Tên say rượu hơn bất ngờ. Anh ta dụi mắt vài lần, cốt để nhìn rõ người ngồi bên cạnh rồi mỉm cười gượng gạo. Chắc chắc, anh ta đã nhận ra đứa con gái nhuốc nhơ chốn vũ trường có điểm gì đó khác với cô bạn gái cũ thuần khiết, dễ thương.
“Làm bạn gái tôi nhé. Tôi hứa, sẽ không như bây giờ nữa.” Anh ta nắm tay tôi, giọng điệu nghiêm túc không ngờ.
Tôi đổ hết rượu trong li đang cầm lên đầu anh ta, không chút do dự.
Lời tỏ tình của lũ say rượu vốn không đáng tin. Huống hồ, chắc chắn trong thâm tâm anh ta chỉ xem tôi như vật thay thế. Khi chán sẽ bỏ ngay. Tôi không muốn hạ thấp bản thân như vậy.
Quản lý Thư Kỳ vội đến, định đưa tôi đi vào phòng quản lý để cảnh cáo nhưng anh ta kịp ngăn lại.
“Không sao. Tôi thích như vậy.” Kẻ thất tình đứng lên, khẳng định và kéo tôi lại gần. “Để tôi với cô ấy ở đây.” Anh ta tỏ vẻ bất cần, hất tay nhẹ nhàng, ra hiệu. “Đi đi.”
Sau một phút do dự, quản lý của quán bar bỏ đi.
Những chiếc li và chai rượu đang uống dở được phục vụ trong quán được dọn dẹp theo ý muốn của khách. Kẻ bị người tình ruồng bỏ lấy khăn giấy trong túi áo lau khô đầu tóc rồi đưa tôi ra khỏi nơi ồn ào đầy tiếng nhạc sàn xập xình và ánh đèn laze nhảy nhót.
“Say rồi thì biến về nhà đi! Đừng có kéo tôi đến mấy cái nơi ngu ngốc anh nghĩ đến!” Tôi giật tay ra khỏi tay anh ta và gắt lên khi vừa bước khỏi Thư Kỳ một đoạn. Anh ta chính là nguyên nhân khiến việc kiếm tiền của tôi ở Thư Kỳ bị trì hoãn. Nếu còn ở trong bar, có thể tôi đã gặp được những người khách khác, nhận được nhiều tiền hơn là phải nhận một khoản tiền ít ỏi từ anh ta và bị kéo ra ngoài.
“Tôi không say!” Anh ta dùng chính thái độ của tôi để đáp lại và nắm chặt hai vai tôi, kéo xoay người khiến tôi phải đối diện với gương mặt đầy vẻ khó đoán, không chút thiện cảm với người khác trong thời điểm hiện tại. “Tôi thích cô! Thực sự thích cô! Những gì cô không thích, tôi sẽ bỏ. Tôi không muốn cô làm ở đó nữa! Chúng ta cùng làm lại, được không?”
“Đồ điên!” Tôi lớn tiếng mắng nhiếc rồi tát mạnh lên mặt anh ta. “Anh lấy quyền gì mà ra lệnh cho tôi? Hả?”
“Quản lí đã nói cho tôi biết chuyện của em. Tôi sẽ giúp em trả nợ. Nếu em muốn, tôi sẽ xử lí bọn tín dụng đen đó.” Ngữ điệu gay gắt ban đầu bỗng hạ xuống. Ánh mắt rực lửa quyết tâm như muốn ăn tươi nuốt sống chẳng còn nữa. Thay vào đó là sự chân thành không chút giả tạo. Hai bàn tay lạnh ngắt của anh ta nắm lấy tay tôi, giọng điệu đó vẫn không thay đổi. “Cho tôi một cơ hội. Em đối xử với tôi thế nào cũng được. Chỉ cần em đừng bỏ rơi tôi.”
Hơi thở trong lồng ngực bị đẩy nhẹ ra ngoài thật chậm. Trên đời này có chuyện dễ dàng như vậy sao? Là tôi đang nằm mơ hay do anh ta đang dựng kịch để đùa cợt? Rốt cuộc, anh ta muốn gì?
Suy nghĩ một lúc, tôi quả quyết:
“Chuyện của tôi, tôi tự lo được. Anh đi đi.”
“Quỳnh Anh, cho anh một cơ hội…”
Giây phút nhìn thấy tên công tử cao ngạo hạ giọng nài nỉ, quỳ xuống cầu xin tình cảm từ một kẻ không có tương lai như mình, tôi thực sự chỉ muốn cười thật lớn. Cười vào mặt anh ta đã quá dở hơi, điên khùng khi không nhận ra bản thân đang bị hai chữ nhục nhã đang đè lên đầu. Và cười cho chính mình, chỉ vì có gương mặt trông giống với người yêu cũ của anh ta mà phải chịu cảnh oái ăm, dở khóc dở cười này.
“Đừng nhìn nhầm tôi thành Quỳnh Anh nào đó anh từng yêu.” Nói xong, tôi bỏ đi thật nhanh.
Những đêm sau, tôi lại gặp anh ta, ngay trong Thư Kỳ. Anh ta chỉ định tôi là người phục vụ rượu, chỉ một mình tôi. Đến đêm cuối cùng của tháng, trong cơn say, anh ta giở trò biến thái, đụng chạm thân thể và đòi quan hệ ngay trong bar. Quản lí vẫn phớt lờ như không thấy. Tôi đẩy anh ta ra, mặc vội áo khoác rồi chạy ra khỏi quán bar với suy nghĩ không bao giờ quay lại nơi ma quỷ này nữa.