Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 405: Đệ tử Lưu Linh




Chương 405: Đệ tử Lưu Linh

***

Bẵng đi một quãng thời gian tôi không gặp lại Sơn Ca, tôi nghe nói anh ấy không biết đi xe máy, bên cạnh đó tôi và Sơn Ca như kiểu bèo nước gặp nhau chứ cũng không phải anh em thân thiết vì thế tôi cũng không để tâm nhiều đến chuyện này.

R9 đang có dự định dịp nghỉ lễ 30 tháng 4 sẽ ra Hà Nội thăm bố mẹ nó, dĩ nhiên R9 rủ tôi đi cùng và tôi đồng ý. Sau kỳ nghỉ lễ này thì học kỳ II của năm học cũng đi vào giai đoạn cuối, thời gian trôi qua thật sự rất mau. Dạo gần đây tôi mới có sở thích mới, ấy là nghe nhạc… nước ngoài, cụ thể là những bài hát tiếng Anh, mặc dù tôi chỉ hiểu được vài phần ca từ của những bài hát trong cuốn băng cát sét. Bài hát tôi ấn tượng nhất, nghe nhiều nhất là Lemon Tree. Tôi cho rằng mình đã nghe… khoảng một nghìn lần thậm chí hơn cả con số một nghìn trong suốt khoảng thời gian sau đó. Tôi thích giai điệu của bài hát, sau này khi tôi trưởng thành hơn tôi vẫn thường nghe, mỗi khi giai điệu của bài hát Lemon Tree vang lên là tôi lại nhớ lại những buổi tối nằm dài trên tấm phản gỗ, mỗi khi nghe xong bài hát này lại phải mở băng ra dùng ngón tay tua lại. Sau nhiều năm tôi vẫn bật cười khi nhớ lại một thời trẻ đầy say mê với âm nhạc của mình.

Nhắc lại lần gặp gần nhất với Sơn Ca, anh ấy đã trở về nhà sau bữa ăn trưa cùng hai bà cháu tôi. Những gì tôi nghe được, những gì tôi nhìn thấy được tôi đã kể lại cho cả chị Ma và chị Đẹp vào buổi tối ngày hôm sau. Dù hai chị không đề cập gì đến việc bài bạc bởi không muốn tôi hư người nhưng từ miệng của ông Tam thì tôi biết hai chị đã thắng đậm. Hai chị giữ lại một nửa, một nửa còn lại chia cho những hồn ma mà hai chị biết, đại khái là khắp làng! Tôi nghe cũng bán tín bán nghi về điều này. Người lớn rất lạ - đến khi tôi là người lớn tôi mới nhận ra điều này – họ chơi bài bạc, h·út t·huốc… nhưng lại dạy trẻ con, khuyên trẻ con không nên dây vào những món độc hại này và hai chị ma cũng có tư tưởng như thế. Có vẻ như trong con mắt của hai chị thì thằng tôi vẫn thò lò mũi xanh, nếu xét về tuổi tác qua vẻ bề ngoài thì không hẳn là các chị trưởng thành hơn tôi nhưng linh hồn các chị đã tồn tại quá lâu, tôi biết mình có cố tranh cãi tuổi sống hay năm mất cũng chẳng ai thua gì. Thực tế tôi lại muốn chứng minh cho hai chị ma thấy rằng tôi đã trưởng thành, đã… thành người lớn!

Chị Ma cũng như chị Đẹp lắng nghe câu chuyện của tôi rất chăm chú, thi thoảng cả hai chị cùng chau mày. Tôi cố gắng kể đồng thời nói luôn những phán đoán của mình về những sự vật, sự việc liên quan đến Sơn Ca. Tôi và Sơn Ca đã có ít nhất ba cuộc nói chuyện, tôi biết ba cuộc nói chuyện chưa nhiều nhưng chí ít nó cũng giúp tôi hiểu được một phần nào đó về tính cách của Sơn Ca. Tôi đồng ý nhận định của chị Ma, đó là… không vội kết luận bất cứ điều gì về con người đầy bí ẩn như Sơn Ca.

-Nó sẽ còn quay lại làng này, chị nghĩ cũng không lâu nữa đâu.

-Chị nghĩ anh ấy để ý đến kho vàng của chị Khuê ạ?

-Ta chưa thấy nó có bất cứ hành động gì cả. – Chị Đẹp nói – Ta công nhận thằng thầy này có nhiều cử chỉ lạ như chính cái dáng đi chẳng lẫn vào đâu được của nó.

-Như em đã nói, anh này có thể làm bùa phép để nhốt vong trong nhà, em thấy rất váng đầu. Anh này xem ra tay nghề không thua kém gì chú cháu họ Đường đâu.

-Nó là người vùng này, nếu nó đến làng mình thêm nhiều lần nữa dần dà nó sẽ tỏ đường đi lối lại. – Chị Ma nhận định – Chính chị cũng đang thắc mắc xem nó có mưu ma chước quỷ gì không. Cần phải để mắt đến nó, cẩn thận không mất của như chơi đấy Khuê ạ.

-Quá tam ba bận, ta bị đào hai lần, có khi thêm lần thứ ba nữa mới yên được. – Chị Đẹp nói nửa đùa nửa thật.

-Nó là người Việt lại tuổi trẻ tài cao, bọn mình mà chủ quan có ngày đến cái chổi cùn rế rách cũng không còn. – Chị Ma doạ nạt.

-Vậy… bao giờ anh ta quay lại đây, chị có biết không?

Tôi hỏi chị Ma, chị Ma nhún vai tỏ vẻ không biết. Tôi nhìn chằm chằm vào đôi mắt của chị Ma, chị ấy lại đánh lảng sang chuyện khác, hành động này rất đáng nghi nhưng nếu chị ấy không muốn nói, tôi cũng không hỏi thêm.

-Việc đến đâu tính đến đó vậy, nhắc mới nhớ bọn ta cũng phải đi kiểm tra xem cái bọn sống dở c·hết dở kia bây giờ như thế nào.

Chị Đẹp đổi chủ đề, có vẻ như chị ấy vẫn đang hưng phấn với việc lần đầu thắng được số bạc lớn. Người thắng bạc niềm vui rất khó giấu diếm.

-Bao giờ các chị định đi?

-Hay là ngày mai nhỉ? – Chị Đẹp quay sang hỏi chị Ma.

-Cũng được! – Chị Ma gật đầu – Dù sao cô cũng đang có nhiều vàng bạc, tha hồ mà mua sắm.

-Hai chị có tính đi lâu không?

-Ngươi nhớ bọn ta hay sao mà chưa gì đã hỏi?

-Không! Em hỏi để biết vậy, đỡ phải ngóng. Nói nhớ cũng phải, tuần vài buổi ngồi tán dóc như này nếu các chị đi thì tối em chẳng biết làm gì cho đỡ buồn.

Chị Đẹp tỏ vẻ thương hại tôi:

-Tội nghiệp ngươi, nếu ngươi có người thương hẳn là buổi tối sẽ bớt buồn. Được rồi, nhân dịp này đi chơi ta sẽ để ý xem có đứa nào phù hợp sẽ tìm cách dẫn mối cho ngươi, tuổi này ngươi lấy vợ cũng được rồi.

-Không nhé! Em còn đi học.



-Nhưng ngươi cứ chơi với đám con gái xinh đẹp như bọn ta nhiều rồi ngươi sẽ không thích những đứa khác đâu. Ngươi thật đáng thương.

Tôi nghe vậy cũng chỉ biết chép miệng. Chị Đẹp bồi thêm một câu tưởng như không liên quan:

-Ngươi còn học mấy năm nữa mới rời làng này ra Thăng Long nhỉ?

-18 tuổi sẽ rời làng, có muốn ở lại cũng chẳng được chị ạ.

Một lần nữa tôi lại quên rằng 18 tuổi nếu mọi thứ ổn thoả tôi sẽ là sinh viên một trường đại học nào đó, có thể là trường Đại học Luật.

-Ta sẽ nhớ điều này. Có khi phải tìm cho thằng này một đứa người yêu Hoa ạ, trông nó ăn nói lưu loát vậy thôi nhưng xem chừng nhát gái.

-Cũng… cũng được. Tuổi này xưa là lấy vợ có con, bây giờ mới có người yêu cũng tính là muộn. Được! Chị sẽ để tâm đến việc này, em trai chị có người yêu sẽ có thời gian nhớ nhung.

Tôi nghe hai chị nói như vậy thì cười mũi:

-Hai chị làm như mình sành sỏi lắm ấy nhỉ?

-Ngươi nói cái gì? – Chị Đẹp dí sát mặt gần tôi – Ta có thể không biết nhưng sách vở có viết, ta biết đọc ngươi hiểu không?

-À, em quên!

-Ngươi bỏ ngay cái giọng mỉa mai đó đi! Bọn ta thân là chị của ngươi, nhất định sẽ tìm cho ngươi một đứa người yêu ra tấm ra món để khi bọn ta đi chơi ngươi không phải bơ vơ một mình. Ngươi phải biết ơn vì điều này.

-Vâng! – Tôi nhún vai đáp – Em biết ơn mà.

-Cô có thấy thằng này càng lớn càng cứng đầu không? – Chị Đẹp quay sang hỏi chị Ma.

-Thật ra nó với cô cùng họ, tính gàn dở giống nhau cứ thích một mình một kiểu. Ta không lấy gì làm lạ, không ý kiến. Nhưng nếu nó muốn có bạn gái cũng nên để tâm tìm cho nó một đứa

-Cô đừng nhân cơ hội xỉa xói ta.

-Ta xưa nay chỉ nói thật.

Hai chị lại bắt đầu đấu khẩu, tôi chỉ biết thở dài bởi tôi đã quá quen với việc này, ba lần gặp nhau nói chuyện thì hai lần nói qua nói lại chẳng ai chịu ai.

Kể từ đêm ấy tôi không gặp hai chị, tính ra cũng đến cả tháng chứ không ít. Chính vì những tối buồn chán nên tôi tìm niềm vui mới trong âm nhạc và… học tiếng Anh. Trong ba năm học cấp III, tôi luôn đứng thứ nhất lớp về môn học này còn sau đó vì nhiều lý do, đặc biệt là miếng cơm manh áo cộng với môi trường xung quanh khiến tôi bỏ dở nhiều lần.

Có những chuyện tôi tưởng còn lâu mới đến và đã tạm quên đi thì lại lần lượt đến tuần tự như một sự sắp đặt cố ý của số phận. Lại một buổi chiều đi học về tôi được chuyển lời đi nghe điện thoại của bố tôi gọi về, mỗi lần như thế thường là có chuyện bởi bố mẹ tôi chẳng bao giờ gọi về cho tôi để hỏi thăm xem thằng tôi học hành thế nào dù việc này không mất nhiều thời gian cũng như tiền bạc. Đôi khi tôi nhớ tôi sẽ tự gọi để hỏi thăm công việc của bố, của mẹ. Thảng hoặc tôi gặp em mình nghe điện, tôi cũng chỉ biết hỏi việc học hành và nhờ vả hai đứa mua hộ vài quyển truyện. Những năm còn học cấp 2 tôi nhớ gia đình nhiều - bây giờ cũng vậy - nhưng cố kìm nén cũng như chẳng thể hiện, có lẽ vì thế khi trở thành một cậu học sinh cấp 3 thì thứ tình cảm đó chôn kín hơn nhưng thú thật mỗi khi thấy gia đình của bạn bè sum họp tôi thường lẩn tránh. Người ta thường nói là mắt không thấy tim sẽ không đau quả không sai.

-Con vào nhà chú Chung nói với chú ấy bố muốn nhờ vài việc.

-Có việc gì hả bố?

-Sắp tới bố tính về xây lại mộ cho cụ nên muốn nhờ chú ấy tí việc.

Tôi nhăn trán suy nghĩ nhanh:

-Mộ cụ nào bố ơi?



-Mộ cụ tổ ngành nhà mình. Mấy hôm nữa bố về gặp các bác bàn tính

-Sao đợt cuối năm bố không làm luôn thể mà bây giờ lại làm?

-Hôm vừa rồi bố mới gặp mấy bác ở Hà Nội. Đợt hội làng vừa rồi bố không về nên không biết, hoá ra các bác về ngồi ăn cỗ có bàn đến việc xây mộ cho cụ tổ nghành nhà mình.

Dường như tôi vừa nhớ ra điều gì đó:

-Nếu các bác đã bàn xong xuôi rồi thì làm nhưng bố có tính xây mộ cho cụ nội luôn không?

-Mộ cụ nội à?

-Vâng!

-Bố cũng từng nghĩ đến nhưng mộ của cụ nội hiện đã mất nấm. Đợt Tết bố có hỏi các bà nhưng các bà chẳng còn nhớ vì lâu lắm rồi không ra đồng.

-Mất thì tìm được mà bố.

-Mộ mất nấm tìm khó chứ con tưởng dễ như tìm nhà hay sao? Thôi cứ biết thế đã. Con vào gặp chú Chung nói chú ấy gọi vào số di động cho bố, bố sẽ nói chuyện cụ thể với chú ấy.

-Vâng.

Tôi chào chị họ của mình đạp xe ra về và làm theo lời dặn của bố. Dù bố tôi không dặn nhưng tôi vẫn ghi số di động của bố vào một tờ giấy kèm theo tờ Mười nghìn đồng để chú Chung gọi điện cho bố tôi. Tôi đoán chú ấy sẽ ra ngoài đầu làng để gọi, nội dung cuộc nói chuyện giữa bố tôi và chú Chung như thế nào tôi không được biết bởi tôi không hỏi nhưng đột nhiên bố tôi đề cập đến việc xây mộ cụ tổ khiến tôi cảm thấy trong lòng có chút không yên, một cảm giác rất khó giải thích. Mấy tháng trước cụ tổ hiện về trong giấc mơ của tôi, đưa cho tôi lời chỉ dẫn với nét mặt có chút ưu phiền cố giấu thì nay các anh em nội tộc của bố tôi - tức là các bác – lại đề cập đến việc xây mộ, lại đúng ngày hội làng.

Xây mộ cụ tổ ngành là một việc lớn về tâm linh, tôi thừa biết điều này. Một đứa trẻ lớn lên ở làng quê sẽ hiểu rằng mộ tổ là thứ không nên động chạm khi mọi thứ đang yên đang lành. Cụ đã ngủ hàng trăm năm nếu xây kiên cố thì rất tốt nhưng không phải tự nhiên mà cụ tổ lại nói kể với tôi rằng lúc chôn đã đào sâu bao nhiêu. Tôi đồ rằng sẽ có những chuyện ngoài dự kiến nhưng cụ thể như thế nào thì tôi không biết, đây chỉ là dự cảm cá nhân rất khó nói. Thế hệ của bố tôi có mấy bác, theo như tôi biết thì tình hình kinh tế của các bác cũng không khó khăn, cũng chưa giàu có, cuộc sống tương đối êm ả vậy tại sao lại chọn thời điểm này để xây cất mộ mà không phải thời điểm khác?

Tôi đã nghĩ rất nhiều nhưng sau cùng tôi quyết định sẽ gạt bỏ mối bận tâm này đi, chờ xem mọi việc như thế nào rồi tính chứ nghĩ cũng không giải quyết được gì. Nhưng tôi có thể chắc chắn một điều rằng, với tính cách của bố tôi cũng như cái tiếng có tiền trong làng thì kiểu gì bố cũng sẽ là người lo toàn bộ chi phí xây cất, một khoản chi phí mà theo tôi không đáng kể lắm, có thể là hai triệu đồng hoặc hơn.

Khoảng hai ngày sau tôi đang say ngủ thì chú Chung gọi cổng.

-Có việc gì hả chú? – Tôi mở cổng hỏi với giọng ngái ngủ.

-Mày đưa chú ra xem mộ cụ tổ nhà mày cái.

-Bây giờ ạ?

-Thì bao giờ nữa, bố mày nói là mày biết mà.

Tôi uể oải:

-Thế chú chờ cháu đánh răng rửa mặt đã.

-Đàn ông con trai phiên phiến lên!

-Mới sáng sớm mà chú, vội gì!

-Mày đéo phải con nhà nông, ngày nào cũng ngủ sưng cả mắt, sướng không ai bằng.

Tôi đánh răng rửa mặt chỉ một loáng là xong, tôi không thấy bà ở nhà nhưng đồ ăn sáng đã được đậy kỹ trong cái rổ nhỏ làm bằng tre. Trong tủ còn một gói thuốc lá Vina còn nguyên cậu Út tôi mua cho Sơn Ca lúc xuống đón anh ấy nhưng anh ấy để quên, tôi cầm luôn ra đưa cho chú Chung.



-Mày cũng tập h·út t·huốc rồi hả cu?

-Không! Hôm trước mua cho khách nhưng họ không dùng chú ơi.

-Mày khá lắm.

Chú Chung vỗ vai tôi mấy cái, đút gói thuốc lá vào túi áo và cười ha hả. Tôi chẳng hiểu mình khá cái gì, có lẽ khá vì đã tặng cho chú ấy gói Vina.

-Đây, mộ cụ tổ nhà cháu.

Tôi chỉ cho chú Chung ngôi mộ nhỏ nằm trên gò đất, lúc này cây cỏ mọc um tùm. Trước Tết tôi có cùng hai em ra nhỏ cỏ một lần chứ không dùng cuốc xẻng. Chú Chung gật gù bóc gói thuốc lá ra tranh thủ rít vài hơi, mắt lim dim. Mới sáng ngày ra nhưng nhìn mặt chú ấy có thể thấy là đêm qua mới say bét nhè.

-Xây thì đơn giản, một ngày là xong. Đất này của nhà mày à?

-Nhà cháu làm gì có ruộng mà có đất này. Đất này của làng chú ơi.

-Nhà mày gấu nhỉ? Cả cánh đồng rộng như này còn mỗi ngôi mộ tổ nằm chềnh ềnh, to tổ bố luôn.

-Chú người làng mà lại chẳng biết, mộ có trước, ruộng có sau. Với lại mả tổ nhà người ta ai dám động, động đến mả tổ thì con cháu người ta đến dỡ nóc nhà. – Tôi vừa nói vừa cười.

-Dạo này đang đói việc, chả có cái đéo gì bỏ vào mồm, có việc làm là tốt rồi.

-Bao giờ xây hả chú?

-Bố mày nói cuối tuần này sẽ về hoặc chờ các bác mày đủ mặt để bàn mới quyết định ngày làm. Đm, xây mả tổ phải hoành tráng để cái làng này lác mắt, bố mày thiếu đéo gì tiền.

-Người nằm sâu dưới ba tấc đất chỉ muốn con cháu nhớ đến, nếu có điều kiện thì xây cho tươm tất chứ không cần to đẹp đâu chú ơi. Con cháu đâu phải ai cũng khá giả.

-Tầm tuổi bọn tao bây giờ thì bố mày cũng được tính là thành đạt. Tao đây chạy ăn từng bữa…

-Uống rượu qua ngày! – Tôi cắt ngang.

-Đm cái thằng này! Tao nói thật mày lại cứ tưởng tao nói đùa. Tao đang tỉnh đấy nhớ!

-Vâng! Cháu có bảo chú say bao giờ đâu. Chú mà say thì cả làng này ai tỉnh chứ?

-Được, khá! Đm thằng con nhà Khoa này mồm mép tép nhảy, nỏ mồm di truyền.

-Thế bố cháu không nói xây cất kiểu gì hả chú?

-Bố mày muốn xây to, đẹp, hoàng tráng! Tổ sư, đời người mấy lần xây mộ tổ, bố mày xây to là phải, quan trọng là mấy ông bác của mày quyết như nào. Có khi xây mộ tô xong ông bác nhà mày lại có thằng chống gây đấy. Đm, nhà đéo gì 8 con hĩm nhìn mà phát sốt phát rét.

-Theo kinh nghiệm của cháu thì nhà có nhiều chị em sẽ yên bình và mau giàu chứ đông con trai chỉ có nghèo hoặc lắm chuyện.

-Cái thằng ôn này tí tuổi ranh nói chuyện như ông cụ. Mày thì có kinh nghiệm đéo gì về cuộc đời, mới nứt mắt ra.

Tôi vỗ ngực:

-Thế chú hơi bị nhầm, cháu đây có kinh nghiệm về những việc này lắm đấy.

Chú Chung nhìn tôi với ánh mắt đỏ ngầu, miệng nhóp nhép:

-Thế nhé, tao đi kiếm cút rượu. Mày báo cho bố mày là tao đã ra xem mộ rồi.

Tôi đứng giữa ngã ba đường thở dài, khoanh tay nhìn theo bóng lưng của chú Chung với dáng đi thất thểu khuất dần sau đoạn rẽ cuối con đường đất. Chú này nổi tiếng ở làng Bưởi Cuốc là đệ tử Lưu Linh, cứ sáng đêm chìm đắm trong men rượu như này bảo sao hai đứa con chẳng có nổi một bộ quần áo đẹp chứ nói gì đến ăn ngon.