Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 357: Ai rồi cũng biết hôn




Chương 357: Ai rồi cũng biết hôn

Chương 357: Ai rồi cũng biết hôn

***

Bác của R9 giữ hai đứa lại ăn tối, R9 kể cho mấy anh họ nó về việc bị trấn tiền, nó tuyệt nhiên không nói nó đã mất bao nhiêu. Tôi ngồi nghe cũng chỉ biết giả bộ cười phụ họa theo chứ không nói gì. Đối với tôi việc bị trấn mất vài chục nghìn không đáng để suy nghĩ, mạng mình mới quan trọng, ví dụ phải lựa chọn giữa việc mất năm trăm nghìn và bị ăn vài cái tát thì tôi sẽ không chần chừ mà chọn mất tiền. Tôi sợ đau, tôi nhát... tôi hiểu rõ bản thân mình, tiền là thứ tôi có, thêm nữa cũng chẳng khó để kiếm.

Hai thằng chúng tôi rời nhà bác của R9 lúc 7 giờ tối. Tôi nhớ tên ngôi làng đó là Quán Tình, đạp xe qua một đoạn đường đất nhỏ hai bên là ruộng lúa sau đó là những dãy nhà là chúng tôi ra đến đường lớn. Nếu rẽ phải thì khoảng ba trăm mét là lên cầu Đuống còn rẽ trái sẽ về hướng cầu Chui, từ đoạn này trở đi R9 hoàn toàn không biết nên tôi bất đắc dĩ trở thành hướng dẫn viên cho nó. Tôi nói với R9 tất cả những gì tôi biết về đoạn đường trước mặt, đặc biệt là qua cầu Long Biên thì tôi chỉ cho nó cầu Chương Dương, tôi nói:

-Cầu bên ấy chỉ cho xe máy đi, khi tao có xe máy tao sẽ chở mày. Mày biết đi xe máy chưa?

R9 lắc đầu.

-Hè này nếu mày ra Hà Nội mà có thời gian qua nhà tao chơi, tao sẽ dạy mày đi xe máy, chỉ cho mày thêm nhiều thứ khác nữa.

-Trước nay tao nghe bọn nó bảo mày là thằng ma lanh, biết nhiều. Tao không nghĩ mày còn biết nhiều thứ ở Hà Nội đến thế.

-Tao không biết nhiều đến vậy đâu, những nơi nào mà tao xác định sẽ ở thì nhất định tao sẽ tìm hiểu, rảnh rỗi mà. Mày cũng nên tìm hiểu thêm về Hà Nội đi, kiểu gì học xong lớp 12 mày cũng phải ra đây, không thể để bọn thành phố coi thường mình được.

-Kệ chúng nó, coi thường thì đã sao.

-Nói chuyện với mày chán bỏ mẹ.

Đi hết cầu Long Biên, tôi dẫn R9 theo lối gần nhất mà tôi vẫn hay đi mỗi lần ra Hà Nội ấy là qua bốt Hàng Đậu theo đường Quán Thánh rồi rẽ trái ở phố Nguyễn Biểu để đi vào đường Hoàng Diệu.

-Lần sau mày đi thì cứ theo lối này nhé. Gặp cái phố có tên ông Nguyễn Biểu này thì rẽ, đạp một tí nữa thì bên tay trái có nhà thờ Cửa Bắc.

-Ờ, ờ... tao nhớ rồi.

-Ông Nguyễn Biểu này tài cực, ông ấy đã từng dùng đũa gắp mắt người để ăn đấy.

R9 im lặng đạp xe bên cạnh, đường phố cũng không quá đông đúc nhưng rực sáng ánh đèn, Thủ đô mà. Tôi nói tiếp:

-Bọn Tàu nó luộc chín đầu người bắt ông Nguyễn Biểu này ăn, thế mà ông ấy ăn thật, ông ấy còn bảo là ăn thịt người phương Bắc rất ngon. Ông này sống ở thời...

-Thôi mày im mẹ đi, lại bắt đầu kể lể ba chuyện từ đời tám hoánh nào ấy, liên quan đéo gì.

-Thì thôi.

Đạp hết đường Hoàng Diệu thì băng qua đường Nguyễn Thái Học để đi vào ngõ Thanh Miến, ngõ nhỏ và tối nên R9 hỏi:

-Sao đường to không đi, đi vào ngõ này nhỡ đâu có bọn nghiện thì bỏ mẹ.

-Đường to dễ tìm, đi mấy đường này nhanh hơn, gần hơn. Bây giờ chưa đến 8 giờ tối, nghiện nó còn chưa đến cơn đâu. Mấy anh công nhân ở nhà tao bảo là bọn nghiện nó sợ người, mày không phải lo.

Chúng tôi ra đến Văn Miếu rồi xuông theo đường Tôn Đức Thắng xuống Ô Chợ Dừa. Tôi chỉ cho R9 nhà sách số 240 Tôn Đức Thắng:

-Hôm nào có thời gian vào đây mua cái bản đồ rồi tao chỉ mày cách dùng, trong này có nhiều sách xịn hơn cửa hàng Tụ Sâm ở trên Hồ nhiều. Tao vào nhìn thôi đã mê rồi, sau này tao làm chủ nhà sách thì hay đấy mày.

-Làm chủ nhà sách to như này phải nhiều tiền lắm, cửa hàng Tụ Sâm đã là kinh rồi.



-Chậc, mơ thì mơ cho đã chứ. Thủ đô cái gì cũng nhất, bây giờ 8 giờ tối rồi mà mày xem, đường phố sáng rực như ban ngày. Làng mình giờ này có khi đi ngủ hết cả rồi.

Tôi cố gắng nói nhiều để R9 bớt nghĩ về bố mẹ nó, nó rất nôn nóng nhưng cố kìm nén trong lòng, điều này tôi biết. Đến đoạn rẽ vào cây xăng Nam Đồng tôi cũng đành hỏi thẳng:

-Mày muốn gặp bố mẹ mày tối nay luôn à?

-Ừ, nhưng mà bây giờ... bây giờ khuya quá chẳng biết có tìm được không. Hay...

-Về nhà tao đã, để bố mẹ tao biết bọn mình ra ngoài này rồi đi đâu thì đi.

Gia đình tôi đang ăn tối khi chúng tôi dắt xe vào sân, mọi người hồ hởi hỏi thăm mỗi người vài câu sau đó trở lại với mâm cơm. Em trai tôi đi chơi điện tử cùng lũ bạn chưa về, bố tôi cũng không có nhà. Mẹ tôi hỏi han tình hình học tập và nói rằng 20 tháng 11 sẽ về thăm thầy chủ nhiệm. Tôi vâng dạ cho qua chuyện rồi trình bày luôn mong muốn của R9, nghe xong mẹ tôi bảo:

-Chỗ bố mẹ thằng này hả? Để mẹ gọi cho bố mày, bố mày lúc chiều mới đến nhà nó lắp cho bộ máy vắt mà.

-Ơ! Thế là bố con biết chỗ ạ?

-Thì làng mình ai mở lò đậu chẳng cần máy vắt, đều lấy của nhà mình cả. Hai đứa mày chờ mẹ gọi điện đã.

Mẹ tôi gọi cho bố tôi, rất nhanh chóng mẹ tôi có địa chỉ chỗ bố mẹ R9 mới thuê nhà. Mẹ tôi nói với chú Sáu, chú Sáu người dân tộc Sán Dìu hiện đang làm người giao sữa đậu nành cho xưởng sản xuất của gia đình tôi. Chú Sáu này là người duy nhất tôi có thiện cảm bởi chú ấy hiền lành, thật thà. Chú này dáng người thấp, nước da bánh mật, cũng hay cười. Sau một thời gian làm việc ở nhà tôi thì chú Sáu quen một chị làm việc ở quán cơm trong chợ. Hai người họ yêu nhau khá lâu, sau này trước khi rời Hà Nội tôi có nghe nói cô chú ấy mở một quán cơm nhỏ gần bến xe Giáp Bát. Thời hai cô chú này yêu nhau hay ngồi tâm sự ở trong các hàng quán tối om của chợ Nam Đồng, tôi cũng đã nhiều lần leo trèo để rình xem người ta hôn nhau như thế nào, ngoài hôn nhau còn làm những gì mà các anh công nhân thường nói là sướng lắm. Thi thoảng chú Sáu còn mượn tiền tôi để đưa người yêu đi chơi, với những người tôi quý mến thì tôi không từ chối, có lẽ vì vậy mà khi tôi khó khăn, chú cháu vô tình gặp lại chú ấy ngoài đường thì người thanh niên Sán Dìu ấy lấy hết tiền trong ví đưa cho tôi. Tôi không nhận. Khi ấy mọi người đều nghe tin gia đình tôi vỡ nợ nên một số người rất thương đám trẻ, chỉ có điều chẳng ai biết rằng ngoài vẻ khổ cực đó thì tôi vẫn có tiền, ác một nỗi là tôi được không hé răng ra nói với ai nửa lời. Tôi quý chú Sáu mặc dù chẳng có họ hàng gì, lúc tôi viết những dòng này tôi lại nhớ những đêm đi rình chú ấy hôn nhau với người yêu trong quán chợ.

-Nam này, chú bảo.

-Cái gì hả chú?

-Chú biết mày là thằng leo trèo giỏi nhưng chú xin mày đấy.

-Chú xin cái gì?

-Mày đừng có rình chú nữa, toàn những lúc cao trào thì cô Nhung phát hiện ra mày đang ngồi chổm hổm nhìn nên cô ấy ngại, chú chẳng làm ăn được gì. Nếu mày tò mò hôm nào chú dẫn mày đi chơi mấy em cave cho trải mùi đời.

-Thôi! Mẹ cháu bảo chạm vào người mấy cô cave đó là bị sida đấy chú ạ, sida là sẽ bị c·hết sớm. Nhưng chú yên tâm, từ hôm nay cháu sẽ không đi rình nữa, cháu cũng bảo mấy đứa kia tha cho cô chú.

-Được, mày hứa nhé. Mày uống Coca phải không, chú mời.

-Nhà mình đầy nước ngọt. – Tôi hấp háy đôi mắt – Mà chú Sáu này, mấy anh trong xưởng bảo là hôn con gái thích lắm hả?

-Thích chứ, không thích thì hôn làm gì. Mày ở quê đúng là thiệt thòi, thằng em mày nó có người yêu rồi đấy, tao nghe nói nó đã hôn rồi.

-Cháu hỏi thế thôi chứ hôn bẩn lắm, ghê ghê kiểu gì ấy.

-Mày đúng là thằng nhà quê, nhà quê hơn cả tao. Ai rồi cũng phải hôn thôi, chỉ là sớm hay muộn.

-Thế thì cháu càng không đi cave được, bọn họ hôn một ngày mấy chục người, như thế tởm lắm.

-Cái này tao công nhận, mày đúng là đàng hoàng. Thôi được rồi, hôm nào có thời gian tao sẽ dạy mày một khóa cơ bản về hôn hít. Hề hề hề...

-Để khi nào cháu có người yêu đã.



Chú Sáu chẳng bao giờ dạy tôi thêm cái gì về những việc mà đôi trai gái hay thực hiện trong bóng tối, người dạy tôi là người khác, số tôi là số hưởng mà.

Mẹ tôi nhờ chú Sáu chở R9 đến chỗ bố mẹ nó, khỏi phải nói R9 vui mừng cỡ nào. Tôi thì có chút chưng hửng vì cứ nghĩ nó sẽ ngủ lại đêm nay ở đây để tôi tha hồ bốc phét với nó thêm những thứ tôi biết. Nói gì thì nói, mình đi khám phá cũng phải có người nghe mình kể lại chứ.

-Mày cứ ở chơi với bố mẹ mày luôn đi, sáng thứ Hai mình về sớm.

Tôi nói với R9 khi nó đã ngồi sau con xe 82 do chú Sáu lái.

-Thế sáng thứ Hai mày đến đón tao được không?

-Được, còn nếu mày nhấp nhổm thì gọi xe ôm chở đến, địa chỉ mày biết rồi, cứ đến chợ Nam Đồng là được.

Mọi người trong nhà tôi cũng như những anh công nhân đều đã quá quen với việc tôi từ quê ra Hà Nội hoặc trở về một mình mà không cần ai đưa đón. Sau mùa hè vừa rồi ở Hà Nội thì tôi đã có một biệt danh mới. Ngay cả mẹ tôi cũng gọi tôi là “Cáo già” sở dĩ tôi bị đặt biệt danh như thế là vì mặt tôi trông già hơn tuổi lại ranh ma như cáo nên cũng chẳng trách được. Như tôi đã nói, tôi chỉ sợ người khác chê mình ngu dốt chứ bảo tôi xấu trai, khôn lỏi hay... cũng được cả, tôi không có ý kiến. Biệt danh này chỉ có bố tôi và bà Trẻ là không gọi, bố tôi chỉ gọi tôi bằng tên cúng cơm còn bà Trẻ vẫn luôn gọi tôi là thằng Tý thay cho cò Tý khi tôi đã lớn.

Chị Quyên, người chị gái của chị Hiền học chung cấp hai với tôi lúc này đang ở cùng gia đình tôi. Mẹ tôi đã thu xếp cho chị ấy một chỗ bán hàng gần nơi bà Trẻ ngồi, chị ấy bán nhiều thứ, trong đó có dưa muối, cà pháo. Cậu Út tôi bán thịt lợn quay Bắc Kinh ngay bên cạnh chị Quyên. Tôi thấy nhiều người thích ăn món thịt lợn quay kiểu này nhưng tôi thậm chí còn chưa ăn bao giờ, đơn giản là vì nó có chữ Bắc Kinh. Mãi đến khi lớn hẳn tôi mới nhận ra rằng mình đã bị... “tẩy não” từ lúc nào không hay.

Một thói quen mà tôi đã có từ hồi cấp 2 là tối thứ Bảy tôi thường thức khuya, đôi khi không phải để xem bóng đá mà do hôm sau là Chủ Nhật, cảm giác tận hưởng thêm chút không gian yên tĩnh khi phần lớn mọi người đã chìm vào giấc ngủ luôn làm tôi cảm thấy mình đặc biệt. Đêm nay cũng thế, nơi tôi ngồi cũng vẫn là trên nóc của cái trạm bơm nước. Thói quen này hiện any cả nhà tôi ai cũng biết, thi thoảng mấy anh công nhân cũng leo lên cùng tôi vào những tối thời tiết oi ả. Em trai tôi cũng thi thoảng trèo lên chơi còn cái Chục Cân thì không bao giờ tôi cho phép trèo, lý do rất đơn giản:

-Mày là con gái, con gái leo trèo không tốt, hiểu chưa?

Lý do này thật sự là vô lý nhưng đến khi nó lấy chồng tôi cũng không thấy nó leo trèo lên nóc nhà hay cây cối, kể ra nó cũng là một con bé biết nghe lời.

Các cụ có câu “Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ; vô duyên đối diện bất tương phùng.” Có lẽ ứng với trường hợp của tôi. Đêm nay không có trăng nhưng trời trong và có gió nhẹ. Tôi ngồi được một lúc thì cảm thấy gió lạnh thổi hắt vào mặt, tán lá xà cừ khẽ rung rinh, ngay sau đó có hai bóng người mờ mờ ảo ảo xuất hiện, họ đứng cạnh đầu hồi của trạm bơm, phía dưới là phòng ngủ của bố mẹ tôi. Tôi khẽ thở dài rồi giả vờ như không nhìn thấy, quay mặt đi hướng khác tu nốt chai Coca vẫn còn lạnh. Mẹ tôi bây giờ còn bán cả đá cây nên tôi mua nước ngọt, buộc dây rồi thả xuống dưới làn nước muối lạnh ngắt, uống thật là ngon.

-Này thằng ôn kia.

Tôi không đáp lời. Hình ảnh mờ mờ ảo ảo khi nãy tôi đã nhận ra ma nữ trước đây đã chạm mặt mấy lần, hồn ma còn lại là ai thì tôi không biết, tôi cũng không quan tâm.

-Tao đang nói với mày, mày đừng giả điếc giả đui.

-Nói với nó làm gì nhiều, đẩy nó ngã ngửa xuống cho nó c·hết luôn đi.

Tôi lúc này ngồi quay lưng về phía cổng chính, nếu bị đẩy ngã thì tôi sẽ ngã xuống mái tôn của dãy hàng quán.

-Nước sông không phạm nước giếng, tốt nhất hai người nên biến đi.

Tôi nói với giọng rất thản nhiên, mắt hơi liếc sang nhìn hai hồn ma lúc này đang đứng chếch về phía bên phải tôi, cách một đoạn khoảng chừng mười mét.

-Thằng này giở dọng hỗn láo, nó ỷ có lão quan binh chống lưng nên không coi chúng ta ra gì đâu.

-Kệ quan binh, quan binh thì làm được gì, đẩy nó ngã đi rồi trốn vào chỗ của chúng ta là hết chuyện.

Lúc này tôi mới chú ý đến giọng nói của nam giới, giọng của ông ta không được trôi chảy cho lắm, cũng không hẳn là bị ngọng hoặc nói lắp. Giọng lơ lớ kiểu người nước ngoài nói tiếng Việt vậy.

-Tôi nói rồi nhá, tôi không động chạm gì đến hai người. Còn cái chị kia mấy lần thoát c·hết còn chưa biết sợ nữa à?

-Bà đây đã là ma lại còn s·ợ c·hết à? Mày, chính vì mày mà tao đây mất mẹ, mất chồng.

-Vô duyên! – Tôi quay sang nhìn thẳng chỗ chị ta đang đứng – Đều do chị tự làm, tự chịu, can gì đến tôi? Bây giờ chị rủ thêm cái ông này đến đây làm gì? Chị có tin bây giờ tôi tụt xuống đất đái vào gốc cây xà cừ không?

-Đấy ngài xem, nó mới tí tuổi đầu mà ăn ngang nói ngược, nó không biết sợ là gì.



-Để ta.

Hồn ma nam giới này bước lên vài bước, lúc này tôi mới nhận ra trang phục của ông ta ăn mặc khá kỳ lạ, có vẻ như là một hồn ma đã từng c·hết trận, tôi nói đại:

-Lại Tàu à?

-Tàu cái mả mẹ nhà mày! Thằng ôn con.

-Này chị kia, bình thường tôi rất là nhẹ nhàng với phụ nữ, kể cả ma nhưng chị là quỷ rồi, không đập cho chị một trận nên thân thì chị không biết sợ phải không?

Hồn ma nam giới đi cùng ma nữ này được khích tướng nên muốn đẩy tôi ngã thật, tôi nhẹ nhàng cầm thanh kiếm gỗ đang để bên cạnh rồi đứng lên.

-Chỉ cần ông là hồn ma lính Tàu thì tôi sẽ tiễn ông về bên ấy.

Tôi dùng tay trái vuốt lưỡi kiếm gỗ một lượt rồi nói tiếp, giọng vẫn thản nhiên như không:

-Tôi chưa bao giờ đếm nhưng thanh kiếm đồ chơi này cũng đã khiến không dưới một nghìn lính thời Minh, thời Thanh thành những làn khói đen nhạt nhòa đấy, thêm ông nữa cũng chẳng vấn đề gì.

-Thằng ôn mới bé tí đã tập nói lớn, nói phét. Thứ đó của mày để chơi trận giả hả?

-Thật trùng hợp, tên tôi cũng là Tý đấy.

Tôi bổ dọc một đường kiếm từ trên xuống, tôi chủ ý dọa ma nữ kia là chính nhưng chị ta cũng nhanh chân nhảy sang một bên, bởi thế luồng gió từ thanh kiếm gỗ tạo ra đập thẳng vào tán cây xà cừ khiến cành cây rung lắc mạnh, một vài lá vì vậy mà rơi xuống đất.

-Chán nhỉ? – Tôi thở dài – Mới có mấy tháng không động tay động chân mà chém lại không trúng. Hai người có thể đứng im được không? Tôi sẽ chém ngang một đường, đảm bảo là hồn vía bị tiêu tán rất nhanh, không đau tí nào đâu.

Tôi nhận thấy vẻ kinh hãi trong đôi mắt của hồn ma nam nhân đang đứng cách mình chỉ vài mét. Tôi chưa kịp vung kiếm lần thứ hai thì ông ta đã quay lưng nhảy tót xuống khoảng tối đầu hồi của trạm bơm trong khi ma nữ đi cùng có lẽ do bất ngờ trước tình thế hiện tại nên đứng chôn chân một chỗ, vẻ mặt rất khó diễn tả.

-Nãy chị to miệng lắm mà, bây giờ chị muốn như thế nào?

-Ta... ta... ta muốn một... một con đường sống.

-C·hết rồi làm ma cần gì đường sống nữa. Lão vừa rồi là ai?

Tôi gằn giọng, ma nữ này nói rất nhanh:

-Ông ta... ông ta là Lỗ Quan, là tiểu tướng nước Tàu, ông ấy ngụ ở gốc cây này.

-Tôi ghét bọn đấy, ghét cả người lẫn ma nước ấy.

-Ta... ta không phải người Tàu.

-Tôi không quan tâm, tốt nhất chị đừng làm phiền tôi nữa. Tôi không làm gì chị nên mong chị đừng đụng chạm đến tôi. Cái cây xà cừ cổ thụ này nếu tôi muốn thì tôi sẽ có cách đuổi chị đi, chị muốn trở thành vong hồn vất vưởng, đầu đường xó chợ hay không?

-Xin... ta xin... ta xin...

-Thôi chị đi đi, tôi không muốn xuống tay với ma nữ. Chị cũng chọn bạn mà chơi, chơi với mấy thằng gặp hoạn nạn bỏ bạn gái chạy là không được đâu.

Tôi thu kiếm lại, lùi về sau vài bước rồi lại ngồi chỗ cũ, ma nữ vội vàng nhảy xuống khoảng đất trống tối om ngay đầu hồi của dãy nhà trạm bơm. Tôi đoán bọn họ trú ẩn trong gốc cây xà cừ quỷ ám đằng kia nhưng đêm nay tôi không có hứng thú với mấy con ma này, diệt trừ ma quỷ không phải là nhiệm vụ của tôi. Chị Ma cũng dặn tôi nhiều lần trước đây rồi, bất đắc dĩ thì mới phải trở thành thầy phù thủy mà thôi, bằng không thì tốt nhất nên tránh.

***