Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 30 : Mùi Mắm Tôm Thoảng Trong Gió




Chương 30 : Mùi Mắm Tôm Thoảng Trong Gió

Thế là thằng Chắc Gạo đã bỏ tôi lại một mình với cái thứ đang treo lủng lẳng ở đằng kia, tôi thật chưa thể nhìn rõ lắm. Gió mùa Đông Bắc thổi qua từng cơn lạnh buốt, tôi hơi co mình lại, rít một hơi thật dài qua kẽ răng, cảm thấy phổi mình đầy oxy, như uống nước đá vậy.

Tôi sợ!

Sợ n·gười c·hết thì ít mà sợ người sống nhiều hơn!

Tôi sợ cái thứ đang treo lủng lẳng và đung đưa nhẹ trong gió kia là người, là người mới đáng sợ. Nếu như ai đó nghĩ dại chọn nơi đây quyên sinh thì thật tiếc, thật đáng tiếc. Tôi lưỡng lự là nên quay lại hay đi tiếp?

Nếu là ma quay lại sẽ không vấn đề gì nhưng nếu là người thắt cổ c·hết thì sao? Còn sống không?

Tôi chợt nhớ đến chú B. của mình đã treo cổ c·hết mấy năm trước, lúc cho vào quan tài trên cổ vẫn còn hằn rõ vết dây thừng.

Tối nay, nếu Âm lịch có lẽ khoảng đầu tháng, ánh trăng treo trên cao nhưng mây che phủ nên thành ra tối. Tôi cố trấn an mình bước thêm vài bước, nếu là người thì phải hô hoán lên để làng xóm đến giúp, còn nếu là ma thì sao nhỉ? Chả có mang theo cái gì trong người hết, trên tay cầm cuốn truyện chữ của thằng H. Chắc Gạo, giờ này không biết chạy đến đâu rồi.

- Thằng này, hôm nay ông mà gặp ma thật ông sẽ bảo ma lấy truyện của mày rồi, dám bỏ ông lại!

Tôi thầm nghĩ trong đầu như vậy.

Khi cách bóng người đu đưa kia chừng hai mươi mét, đột nhiên tôi không nhìn thấy gì nữa, là ma rồi, bị trêu rồi. Tôi quay lại, cố bước đi thật nhanh thì nghe thấy từ xa tiếng bước chân, tiếng láo nháo.

Có người! Thằng Chắc Gạo cùng một đám gần chục đứa khác, có cả một vài anh lớn hơn.

- Ma đâu?



Tôi không thấy rõ ai đang hỏi.

- Không thấy gì nữa cả!

- Đm, thế là chúng mày bị trêu rồi!

Aaa...Cái giọng mở mồm ra là "Đm" này thì tôi nhận ra giọng ai rồi!

- Không biết, tự nhiên không thấy gì nữa!

- Thôi đi mau, ra đường có gì rồi nói!

Hóa ra thằng H. Chắc Gạo bỏ chạy, nó chạy ngược ra hướng cầu Đình, nơi đó thì lúc nào cũng có người, trừ ngày mưa. Nó hớt ha hớt hải hô lên rằng nhìn thấy ma.

- Thằng N. bị ma bắt rồi, ở khu Tây!

Dù chưa biết đầu cua tai nheo ra sao nhưng một đám đứng dậy chạy theo nó ngay lập tức, nếu nhanh có khi còn cứu được. Người cùng làng chính là như vậy.

- Sợ không cu? - Một anh hỏi.

Tôi gật, nói không sợ chả ai tin mà đúng là cũng sợ.

- Chúng mày lần sau đi chơi tối cho cẩn thận một tí, xui thằng nào là thiệt thân thằng đấy.

- Dạ!



Con ma treo cổ ấy nhiều đứa đã từng thấy, tôi với H. Chắc Gạo không phải đầu tiên nên chuyện cũng không có gì to tát, đứng tán phét một hồi rồi giải tán. Tôi thì đi về cùng thằng Chắc Gạo vì thấy nó có vẻ hơi lo lắng.

- Ma thôi mà, làng mình thấy bảo nhiều, sợ đếch gì!

- Thôi tao xin, nhỡ đâu nó bắt tao thì c·hết. Sao mày không chạy?

- Tại tao chỉ thấy mờ mờ, chả rõ gì cả, mày chạy thì tao cũng đi ra ngay mà!

- Kh·iếp quá mày ạ!

- Ui dời, mày mới về nên thấy thế, chứ như tao về được hơn năm, quen rồi!

Nếu thằng Chắc Gạo mà biết rằng nhà nó chỉ cách nơi tôi gặp Mẹ Chẽ chỉ một cái sân rộng và bức tường thì không rõ đêm nó có dám đi vệ sinh không nhỉ? Cũng may tôi chả kể chuyện này cho ai, kể ra lại phiền.

Tôi đã không biết nhà Chắc Gạo ở đó, đúng hơn tôi nghĩ rằng đó là căn nhà hoang không người bởi vì cổng nhà nơi nhìn ra bờ kênh được rào kín. Nó và bà nó sử dụng lối cửa sau đi hướng ngõ bên kia, lúc nó dẫn tôi về nhà, tôi cũng hơi bất ngờ, chỉ cần đi qua khoảng sân rộng, bước thêm một bước là đặt chân ra lối ven con mương, rẽ trái đi chừng ba mươi mét là tới chỗ tôi đập đầu vào cây tre rồi b·ất t·ỉnh hôm trước.

Nhà nó là căn nhà hai tầng, nếu đứng trên mái nhà nhìn về hướng Bắc sẽ thấy nhà tôi, tính ra đường chim bay cũng chỉ khoảng ba trăm mét là cùng.

Đến cổng nhà Chắc Gạo, tôi định quay lại đi về nhưng lại nghĩ nếu đi đường cạnh mương sẽ gần hơn nên tôi quyết định sẽ về bằng đường đó. Nên tôi quyết định hỏi mượn đồ.

- Mày cho tao mượn khăn quàng được không?



- Làm gì? Mai tao cũng phải đeo.

- Thì sáng mai đi học tao qua trả, có tí việc!

Nó hơi chần chừ nhưng cũng vào lấy khăn quàng đỏ ra cho tôi mượn, quấn tạm vào cổ rồi tôi chào nó ra về.

Tôi cũng muốn thử xem con Mẹ Chẽ này có sợ màu đỏ thật không. Tự nhiên nay dở chứng đi bộ, cái dây bà H. Lớn cho thì để trong cặp, cũng may khăn quàng cũng màu đỏ, yêu đất nước mình quá.

Tuy hồi hộp chờ đợi ai đó nhảy lên cây tre nhưng tôi không thấy gì lạ cả, chỉ ngửi thấy thoang thoảng trong cơn gió lạnh đâu đó có mùi mắm tôm phảng phất.

- Ai lại vứt mắm tôm bừa bãi thế không biết?!

Tôi nghĩ như vậy, không lạ lẫm gì với mùi này, một cái mùi mà tôi cũng hay ngửi thấy từ bé.

Làng tôi, có cái tên cổ là làng Bưởi Cuốc, trong đó chữ Bưởi thì tôi không biết vì sao người xưa lại đặt như vậy nhưng như tôi đã kể, làng tôi ở cuối huyện này, đầu huyện kia nếu tính theo hướng Quốc lộ 17 từ chùa Dâu đi về, làng tôi như một ốc đảo bao quanh là ruộng lúa bạt ngàn. Trước đây, theo đơn vị hành chính thì làng tôi thuộc huyện Gia Lương cũ (giờ thành Lương Tài, Gia Bình) nên thuộc xã Đại Bái. Xã Đại Bái này nổi tiếng từ xưa đến bây giờ với nghề truyền thống là đúc đồng, thời buổi kinh tế phát triển, người Đại Bái nắm bắt xu hướng nhanh nên từ đúc đồng, họ cho ra nhiều sản phẩm cao cấp phù hợp thời đại nên rất giàu có. Người già trong làng thường gọi là làng Bưởi Nồi, từ đó suy ra rằng làng tôi chính là làng trước đây chuyên làm cày, cuốc để bán trong vùng nên có tên cũ là Bưởi Cuốc. Nhưng làng tôi nghỉ làm cuốc từ bao giờ thì không rõ, từ hơn một trăm hai mươi năm nay làng có nghề mới là nghề đậu phụ.

Vâng! Chính là đậu phụ Bắc Ninh các bạn hay thấy người ta trưng biển hiệu ở Tp.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Daklak, Nha Trang, Hà Nội, Thái Nguyên... làng Bưởi Cuốc chính là nơi khởi điểm của nghề đậu phụ bây giờ. Các bạn ăn đậu phụ nóng Bắc Ninh có thể ngon nhưng nếu mua đúng của người làng Bưởi Cuốc thì tôi đảm bảo ngon hơn, gọi là ngon trong ngon đó mà. Mỗi đứa trẻ ở làng này "được sinh ra từ đậu" nên chỉ cần ăn một miếng, có thể biết nó được pha bằng nước muối, nước chua hay... thạch cao! Giữa bao la cửa hàng làm sao biết đây? Chỉ cần bạn hỏi người bán:

- Cô,Chị,Anh,Chú có phải ở làng Bưởi Cuốc không?

Phản ứng tiếp theo sẽ là người được hỏi sẽ đứng ngây ra trong một chốc, rồi họ sẽ cười với bạn. Bạn sẽ được tặng thêm một miếng hoặc thậm chí không lấy tiền! Bởi vì khi rời xa quê hương, họ xúc động vì người mua lại biết cái tên làng cổ của họ, chỉ có những người sinh ra từ làng hoặc "lớn lên cùng đậu" mới biết đây mà một câu thần chú rất hay, nếu người bán hỏi bạn tại sao bạn có thể biết được cái tên này, nhớ nói là đọc được ở trên mạng của một đứa "lớn lên cùng đậu" hoặc giả như ngay gần nhà có cửa hàng, nếu bạn đọc các địa danh hay thậm chí các tên viết tắt, bối cảnh gia đình, họ sẽ nhanh chóng truy ra tôi, thậm chí đôi khi còn cùng họ!

Còn khi nghe họ không bất ngờ hoặc trả lời là "Không!"... thì bạn biết rồi đấy.

Đậu phụ chấm với mắm tôm!

Cho nên tôi không lạ khi ngửi thấy mùi mắm tôm thoảng trong gió. Nhưng một thời gian sau tôi biết, không có ai lại mang mắm tôm ra tận nơi đó để đổ cả! Nhưng vì băn khoăn bóng người treo cổ nên lúc này tôi chỉ muốn về hỏi bà Già.

---

***