Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 271: Bắc cầu thành công




Chương 271: Bắc cầu thành công

Bà ngoại tôi thấy rất lạ khi hai ngày liền thằng cháu cứ lên chơi, đến bữa thì ăn cơm trưa cùng còn những khung giờ khác đều vác truyện tranh ra gò đất có cây duối, trải chiếu nằm vắt chân chữ ngũ đọc truyện, thi thoảng còn ngủ quên vì mát quá. Sang đến buổi trưa ngày thứ hai thì bà hỏi:

-Nhà mày cũng cạnh cánh đồng, cũng có bụi tre sao mày không ở nhà mà chơi lại cứ trải chiếu nằm đọc truyện ở đây?

-Nhưng nhà cháu không có gò đất, nằm ở đó ban ngày rất nắng. Chỗ này ngoài việc có bãi cỏ thì còn có bóng râm của tre và cả cây duối, ở làng này chả mấy chỗ được như này đâu bà ơi.

-Thi cử xong hết rồi, mày định không đi Hà Nội hả?

-Cháu chưa biết nữa. – Tôi nằm nghiêng rất thảnh thơi trả lời bà ngoại. – Mấy năm học hành thì cũng cần có thời gian nghỉ ngơi chứ bà.

-Mùa hè đến rồi, công việc của bố mẹ mày ngoài kia chắc bận tối mặt, mày ra đấy giúp một tay thì được bao việc, ở nhà cứ ăn không ngồi rồi thế này.

-Chậc chậc! Rồi cháu sẽ đi nhưng chưa phải bây giờ. Bây giờ cháu đi thì bà nội cháu với bà đều ở nhà một mình, nhỡ đâu có ốm đau thì ai lo?

-Sư bố mày, tao cần mày lo chắc? Mày ra đấy giúp bố mẹ mày thì hết hè về đi học còn có tiền mà tiêu.

-Cháu đầy tiền, tiêu đến hết năm chưa chắc đã hết. Cháu còn việc quan trọng phải làm, làm xong tự khắc cháu sẽ đi Hà Nội.

Tôi nói xong thì lập tức ngồi dậy để chứng minh sự có tiền của mình bằng cách lấy ra bốn tờ năm mươi nghìn đưa cho bà ngoại, bà chưa hiểu chuyện gì thì tôi giải thích:

-Hôm trước cháu đi dọn nhà cho mấy người lạ đến làng mình, người ta thấy cháu chăm chỉ nên trả công hậu hĩnh lắm. Cháu biếu bà tiền này để mua quà ăn, bà tiết kiệm quá không tốt đâu.

-Thằng này...

-Bà không phải lo, cháu còn nhiều.

Tôi lại nằm xuống tấm chiếu nhỏ, vắt chân chữ ngũ đong đưa, dùng hai tay để dưới đầu làm gối, hai mắt nhìn bầu trời trong xanh và cao vời vợi.

-Mày nằm ở đây cẩn thận rắn rết, nó cắn cho thì mày c·hết cháu ơi.

-Rắn người ta bắt hết ăn thịt rồi, còn đâu nữa mà bà lo. Cháu cũng có cái kiếm gỗ đây, thấy rắn thì cháu đập c·hết nay.

-Tao thua, mày cứng đầu y như con mẹ mày.

-Mẹ cháu đẻ cháu ra thì cháu cũng phải giống chứ, mẹ cháu bảo là mẹ cháu giống bà, theo tính chất bắc cầu là cháu cũng có một ít gan dạ của bà đấy, bà nhờ?

Tôi hỏi bà ngoại kèm theo một nụ cười, bà lắc đầu chán nản quay lưng đi vào sân nhà còn tôi trở lại với những cuốn truyện của mình. Sở dĩ tôi phải nằm phục ban ngày ở đây là đề phòng đám lão Dực cho người đột nhập vào yểm bùa, thông tin này tôi suy luận được từ lời của bốn tượng đất sét mới vô tình thu phục được tối hôm kia. Họ cung cấp cho tôi và chị Ma rất nhiều thông tin, đổi lại thì rượu thịt ê hề chào đón họ vào mỗi đêm.

Theo như lời bốn ông tướng tượng đất nói, lão Dực sau khi nhận được những âm binh tốt hơn đã chán tượng đất sét, vì thế buổi tối mới để mấy bức tượng ra trấn phía sau nhà. Âm binh lão Dực nhận được nghe đâu là âm binh các cụ, đây là loại âm binh trung thành nhất, mạnh nhất và nhất nhất bảo vệ cũng như nghe lời thầy phù thủy. Nhóm âm binh các cụ không cần phải ra lệnh chỉ huy, họ là những chiến binh thực thụ nên tự biết phải làm gì và làm như thế nào để hạ đối phương. Ngoài số âm binh các cụ thì lão Dực còn nhận thêm mấy túi đỗ phòng thân, buổi tối vào khoảng giữa giờ Tuất thì lão ấy sẽ làm phép gọi âm binh bảo vệ xung quanh nhà, đề phòng kẻ giấu mặt đánh úp.



Ban đêm lão Dực yên tâm nên tôi đoán ban ngày lão sẽ tìm cách do thám kỹ nơi này, chính vì thế tôi xuất hiện từ sáng đến chiều ở trên gò đất, ban đêm sẽ do ông Tam và nghĩa binh khăn trắng bảo vệ. Trong ba lô tôi có một cái đài cát – sét nhỏ mượn của R9, trường hợp có người lạ lảng vảng ngoài cánh đồng thì tôi sẽ bật đài rồi để trên miếu sau đó lẩn đi. Nếu ai đó muốn do thám mà nghe tiếng đài sẽ không dám đột nhập vào vì không nhìn thấy người, địa điểm lẩn trốn của tôi vẫn như hai lần trước, ấy là chạy về vườn bưởi, chui qua tường rào qua vườn nhà bà chị dâu tương lai của tôi. Công cuộc cảnh giới sẽ chỉ kết thúc vào giờ gà lên chuồng vì tôi phải trở về nhà để lấy lá vối của chị Ma. Trong hai ngày tôi nằm chơi trên gò miếu vẫn chưa có bất kỳ điều gì lạ hoặc người lạ nào nhòm ngó, còn rắn rết như lời bà ngoại cảnh báo thì đúng là tôi cũng có sợ nhưng đây là cấm địa của chị Đẹp, đời nào chị ấy để thằng em họ bị mấy con ấy cắn chứ, muỗi còn chẳng có nữa cơ mà.

Hôm qua tôi mới đi xin được mấy cuốn sách lớp 1, tôi nhớ là cuốn sách Tiếng Việt cũ mèm, đầy những hình vẽ, có những phần tập đánh vần bảng chữ cái, tôi nhớ mang máng là vậy. Tuy thế chẳng thấy chị Đẹp xuất hiện để tôi dạy chị ấy học, chả biết chị ấy cần bao nhiêu thời gian để cân nhắc đề nghị của tôi.

Thời gian thảnh thơi hai ngày cũng giúp tôi nghĩ đến nhiều việc, đặc biệt là việc hồi hương hơn hai mươi tượng đất sét đồng thời trả về chốn cũ tượng của các ông Tam, điều này chỉ có cách nhờ sư thầy nhưng việc chưa xong, toi muốn tận dụng những tượng đất sét này để bảo vệ lũy tre nhà tôi. Mặc dù ngôi nhà mà lão Dực thuê để hành sự nằm ở hướng Nam của làng nhưng sư thầy đã từng nói hướng Đông và Tây trời xấu, nhất là hướng Đông nên tôi vẫn cảnh giác. Trước đây có ý kiến đã bàn rằng bọn chúng muốn đột nhập vào từ hướng Đông sau đó len theo các ngõ nhỏ để vào làng rồi đến ngôi miếu này bằng cách nào đó... Biết bao nhiêu suy nghĩ diễn ra trong đầu của tôi, lắm lúc cũng rối nhưng suy nghĩ nào là đúng thì chỉ còn cách chờ đợi đối phương ra tay hoặc bản thân mình ra tay trước.

Tối hôm qua vẫn chưa có “vật liệu xây cầu” nên đành phải chờ tiếp, quan binh trên huyện cũng đã nắm được tình hình và cắt cử một đội tương đối về trợ chiến, theo như tôi được biết chỉ khoảng hơn một trăm lính của bản huyện đang đóng ở gần Cầu Khoai. Cây đa cổ thụ gần chỗ nhà chưa xe tang lại được trưng dụng làm điểm canh gác, nếu ma đứng từ trên ngọn cây đó, họ sẽ dễ dàng quan sát toàn bộ biến động ở đường cái quan từ chỗ khúc cua tử thần kéo dài cho đến ngôi nhà hai tầng. Trước sau gì cũng phải nắn gân thử binh các cụ là như thế nào, gã Đường đại ca vẫn giấu mặt, thông tin về ông ta rất ít, người càng bí ẩn thì càng nguy hiểm. Muốn đối phó với ông ta thì cần phải hiểu thêm về những thứ ông ta sẽ sử dụng trong đó binh các cụ chính là thứ gây cho tôi sự tò mò nhất lúc này.

Sau bữa tối, tôi nằm trên võng đong đưa nghe tin thời sự từ tivi, bà Già ngồi trên giường phe phẩy cái quạt giấy màu tím thay vì bật quạt, tôi nói mãi rồi nhưng bà vẫn không từ bỏ thói quen tiết kiệm ấy. Bà Già cũng nhiều lần nói với tôi rằng khi ngủ đừng có bật quạt chỉa thẳng vào mặt, gió mạnh làm bạt hơi thở đi sáng ra sẽ mệt, lúc nhỏ thì tôi vâng dạ rồi để đấy nhưng càng lớn thì tôi lại càng thấy lời bà có vẻ như là đúng. Đang ngáp ngắn ngáp dài thì tôi nghe tiếng động bên cửa sổ.

-Cạch, cạch, cạch!

Tôi bật dậy khỏi võng rồi bước ra ngoài hiên, chị Ma đã khoanh tay dựa lưng vào ụ rơm đứng chờ tôi, bóng tối làm màu váy trở nên đỏ sẫm, khi tôi bước xuống bậc thềm thì chị ấy nói ngắn gọn:

-Đã có vải liệm.

Tôi quay đầu nhìn vào nhà rồi mới nói:

-Ở đâu hả chị?

-Đã để sẵn chỗ em cần, nếu không dùng thì em mang cất giấu đi.

-Chị chờ em một tí.

Tôi trở vào nhà nói với bà mình sẽ đi chơi, nếu về muộn thì bà ngủ trước, tôi sẽ tự mở cửa. Bà già đã quen với việc thằng cháu hay đi chơi khuya nên cũng không ý kiến gì, tôi đi vào buồng thay quần áo và đi giày ba ta để tiện cho việc hành sự tối nay, có thể là đến khuya. Ba lô đã để sẵn ngoài vườn nên từ trong nhà bước ra là tay không, chị Ma lúc này đã ra cổng đứng chờ tôi, hai chị em rời nhà vào khoảng lúc hơn bảy rưỡi tối. Tôi đứng cạnh bụi tre cô đơn, ở ngọn bụi tre này ông Tam vẫn bố trí hồn ma cảnh giới, tôi không biết mặt cũng không biết tên nhưng lần nào đi qua tôi cũng cúi chào, họ đáp lại bằng những cái gật đầu. Trước khi nhảy qua mương nước, tôi thắp cho hai vong hồn cảnh giới này ba nén hương, những đốm lửa đỏ sáng rực trong bóng tối. Chị Ma phải đi vòng theo lối mả của Mẹ Sư nhưng cũng đã đứng chờ tôi ở phía bên kia rồi dẫn tôi đến chỗ tấm vải liệm được để gần bờ mương, trước khi từ ruộng bước lên dải đất, chị ấy quay lại dặn tôi thêm một lần:

-Thứ vải liệm này không tốt lành gì, em buộc vào gốc cây thì làm cho mau nhé.

Tôi gật đầu rồi lấy ra từ trong ba lô đôi găng tay màu đen hơi rộng, chị Ma có đôi chút ngạc nhiên còn tôi thì nhoẻn miệng cười và nói:

-Có thứ này để đảm bảo em không chạm vào tấm vải, chị thấy được không?

-Kéo cả cái mũ len xuống.

Tôi làm theo, kéo mũ len trùm kín mặt, chỉ còn để hở hai con mắt. Ngay khi đứng trên dải đất tôi đã nhìn thấy một cuộn vải nhăn nhúm phía bên sườn thoai thoải dẫn xuống mương, tấm vải liệm được giấu trong một bụi cây nhỏ. Tấm vải không phải màu trắng như tôi tưởng mà có màu nâu đen hoặc màu đen, tôi bỡ ngỡ đôi chút, quay sang nhìn chị Ma như muốn hỏi, chị Ma không ngại ngần gì nói luôn với tôi:

-Tấm vải này được lấy ra từ một cái áo quan mới sang cát, mùi tử khí rất nặng.

-Từ... từ quan tài người...n·gười c·hết?



-Không sai.

Những cơn gió nhẹ thổi từ Đông sang Tây chỉ phút trước còn mát mà lúc này lạnh như mùa đông, tôi cảm thấy lạnh sống lưng và mặt hơi nhăn nhó nhìn chị váy đỏ, chị ấy nói một cách tỉnh bơ:

-Trải qua bao nhiêu lần thập tử nhất sinh mà giờ này nhìn tấm vải liệm lại run sợ sao, chàng trai sắp lớn?

-Em tưởng vải liệm người mới mất, chị... chị kiếm đâu ra một tấm vải từ mộ của người đã mất đến mấy năm thế này?

-Bởi thế mới khó, phải chờ người ta bốc mả mới “thửa” được.

-Chị có thể nói giảm đi được không, chị thừa biết em là đứa nhát gan mà.

-So với hồi trước thì cũng đỡ nhát vài phần rồi, mạnh mẽ lên. Dù sao cũng có chị ở đây bảo vệ, nếu có dính âm khí nặng quá thì uống mật ong của sư thầy là ổn thôi.

Tôi thở dài ngao ngán, chị Ma đứng khoanh tay dựa vào gốc cây bạch đàn nhìn tôi tủm tỉm cười mãi không thôi. Trước khi hiện thân trở lại, tôi phải quan sát thật cẩn thận phía bên kia đường xem có ai rình mò mình hay không.

-Không có ai đâu, tuần binh của làng vẫn lởn vởn canh chừng quanh đây đấy, có gì lạ là họ lập tức báo cho chúng ta.

Phải nói thật là dù có đeo găng tay nhưng khi chạm vào tấm vải niệm nhàu nát ở bụi cây thì tôi vẫn cảm thấy lạnh người, y như có một luồng điện chạy từ bàn tay truyền lên khắp người. Hai tay tôi run run lần mò một đầu của tấm vải, cố nhịn thở trong giây lát. Như tôi đã từng nghĩ mấy hôm trước, tấm vải liệm này không đủ dài nên tôi phải xe dọc ra làm đôi và sau cùng là thành ba dây nhỏ hơn. Tôi làm công việc này trong bóng tối, việc xé tấm vải không khó - thậm chí là rất dễ bởi vì nó có phần mục nát - trong lòng đầy căng thẳng khi trong đầu lởn vởn hình ảnh một người đ·ã c·hết, thịt thối rữa đã ngấm vào tấm vải liệm này. Loay hoay đến vài phút thì tôi cũng có một sợi dây tương đối dài, để tạm sợi dây vào chỗ cũ, tôi leo lên trên, tháo găng tay ra và thở như chưa bao giờ được thở.

-Bây giờ bắc cầu thử chứ, em trai?

-Bây giờ?

-Thì cũng phải thử xem chị có đi qua được không.

Tôi không đáp lời mà im lặng nhìn về chỗ bụi cây, chị Ma vẫn đứng dựa vào cây bạch đàn chờ đợi. Tôi đành chép miệng làm theo bởi vì việc này sớm hay muộn cũng phải làm, hơn nữa, trong ánh mắt của người chị là vong hồn sáu trăm tuổi kia chứa đầy sự háo hức, tôi đoán rằng chị ấy đang rất muốn được bước qua cây cầu được làm bằng vải liệm này đầu tiên.

Tôi buộc thật chặt một đầu sợi dây vải màu tối vào gốc một cây bạch đàn, kiểm tra các mối nối rồi đầu còn lại buộc vào một cái cành củi sau đó ném mạnh qua bên kia mương, mọi việc đều thuận lợi. Chị Ma háo hức chờ đợi, tôi có thể đọc được điều ấy trong đôi mắt long lanh và hai gò má ửng hồng.

-Em nghĩ có thể đi qua được mà không cần phải buộc đầu bên kia, nếu chị đi một mình.

-Em chắc chứ?

-Lần trước em thấy rõ ràng có đến tám vong hồn tự quăng dây qua rồi đi một cách bình thường, khi qua đến nơi bọn họ mới tìm cách buộc vào. Chị làm sao nặng bằng tám vong hồn kia được chứ.

-Chị sẽ thử, nếu ra đến giữa mương mà gặp biến thì chị nhảy được.

Chị Ma không một giây lưỡng lự đặt chân lên sợi dây làm từ vải liệm, tôi không rõ đoạn giữa mương bị trùng xuống có chạm mặt nước hay không vì trời tối, tôi không thể nhìn xa được đến vậy, đèn pin thì chắc chắn tôi không dám sử dụng lúc này. Tôi cũng hồi hộp khi chị Ma đứng cả hai chân lên sợi dây như kiểu đi thăng bằng trong rạp xiếc, sau vài giây im lặng thì chị Ma hơi hạ trọng tâm xuống như để lấy đà và vèo một cái đã thấy chị ấy đứng ở bên kia con mương, trước khi tôi kịp thể hiện sự ngạc nhiên của mình.



-Này! Chị qua được rồi này, thích lắm!

Chị Ma đứng ở bờ bên kia đưa tay vẫy vẫy, lúc này tôi mới mở to mắt ngạc nhiên, điều này thật sự là kỳ diệu.

-Chị... chị thử đi sang bên này xem nào.

Chỉ chớp mắt tôi đã thấy chị Ma đứng trước mặt mình.

-Tuyệt vời không? – Chị Ma hỏi tôi.

Tôi gật đầu và thở phào, như này có thể tạm gọi là thành công bước đầu trong việc thiết lập một cây cầu để các vong hồn có thể di chuyển khi cần thiết qua bên kia con mương mà không phải đi vòng ra tận cầu Đình nữa.

Tôi tháo tạm đôi găng tay ra để trên vạt cỏ rồi ngồi phệt xuống nhìn cái thân ảnh của chị Ma chạy qua chạy lại từ bờ bên này qua bờ bên kia đầy thích thú, vậy ra ma cũng có những niềm vui của riêng họ, còn đối với tôi thì việc này phần nhiều là sợ bởi vì “vật liệu xây cầu” mà chị ấy cung cấp quá ư là dọa người.

Tôi ngồi chờ chị Ma nhảy nhót thêm khoảng gần mười phút nữa mới đứng dậy phủi đũng quần, bây giờ tôi sẽ phải đi bộ vòng xuống Cống Đoan để đi sang đầu cầu bên kia ném cái que củi trở lại bên này sau đó lại vòng ngược lại để tháo đầu buộc ở cây bạch đàn ra rồi mang đi cất giấu, nơi cất giấu tấm vải liệm này tôi nghĩ chỉ có vườn hoang của ngôi nhà gần bụi tre cô đơn là hợp lý nhất.

-Em không tính quậy đám kia sao? – Chị Ma đột nhiên hỏi tôi.

-Em cũng từng nghĩ như vậy nhưng cần phải có kế hoạch cụ thể.

-Kế hoạch của hai chị em mình là đánh và đánh, đánh không lại thì chạy. Cách thăm dò như thế theo chị là tốt nhất.

-Nhưng hôm nay chỉ có hai chị em mình thôi.

-Nếu có đánh nhau to thì đội hỗ trợ sẽ đến nhanh thôi, tứ phía của ngôi nhà này đã bị để ý. Thêm nữa, chả em bảo là muốn thăm dò khả năng của đám âm binh các cụ kia sao?

-Em dự tính như vậy nhưng cần phải có kế hoạch cụ thể, cũng phải bàn bạc với những nhóm khác chứ chị?

-Nếu ta bàn bạc với tất cả các nhóm hỗ trợ thì đã không còn là thăm dò nữa, như thế là lộ hết binh lực.

-Chị lại tính đánh du kích à?

-Du kích? À... cũng có thể xem là như thế. Chị em mình chỉ có hai nhưng em có thể gọi binh của em, mục đích là thăm dò lực lượng của bọn chúng chứ không phải giao chiến. Bây giờ em ngồi chờ ở đây, chị đi nói với tuần binh để bọn họ hiểu mục đích của cuộc giao tranh này, nếu núng thế thì chị em mình rút, các lực lượng khác sẽ đứng quan sát từ xa.

-Điều này thì...

Trước khi tôi kịp nói hết câu chị Ma đã biến mất, chị này một khi đã muốn làm việc gì thì khó ai cản được, tôi lại hay chiều phụ nữ đẹp - kể cả đã là ma - nên cũng chỉ còn cách ngồi chờ đợi bên bờ mương. Nhưng điều này cũng phần nào phù hợp với mong muốn của tôi thật, nhất định phải đánh thăm dò lực lượng đối phương ra sao và không bộc lộ binh lực của bên mình. Tôi mở ba lô kiểm tra những thứ mình mang theo, bao gồm cả chai nước giải mới được trao đổi vào chiều ngày hôm nay thay cho chai cũ từ hôm trước. Hai túi gạo rang trong đó có một túi đầy chưa dùng và một túi còn chừng hơn một nửa.

-Trận này có lẽ mình sẽ dùng hết túi gạo dở này, chấp nhận thiệt hại để xem đám âm binh đó mạnh đến mức nào mà truyền tụng ghê như thế, mạnh đến mức nào thì gươm với nước giải cũng diệt được hết.

Tôi nhếch mép cười một mình sau khi kiểm tra mọi thứ một lần nữa. Tuy không xem đồng hồ nhưng tôi đoán bây giờ đã hơn tám giờ tối, chị Ma đã rời đi chừng năm phút, sẽ mau chóng trở lại đây nên tôi đứng dậy chờ sẵn. Đôi găng tay giả da được tôi bọc tạm trong túi nilon và dúi vào bụi cây, tôi không muốn để thứ ấy trong ba lô của mình.

---