Chương 26: Mùa Hè Đầu Tiên Ở Thủ Đô
Tôi quyết định táo bạo rằng mình sẽ tự đi Hà Nội một mình, bà Già có vẻ không bất ngờ, chỉ nói rằng ra đến nơi nhớ đánh điện về báo cho bà yên tâm, thời điểm này ở đầu làng đã có người lắp đặt điện thoại cố định để kinh doanh nên việc này rất đơn giản. Nếu tôi gọi về báo tin thì công đi gọi bà ra nghe tôi nhớ là khoảng Hai nghìn đồng, có điện thoại thật là tiện quá.
Bà đi cùng tôi ra đầu làng đón xe, chuyến xe từ Kênh Vàng đến Bến Nứa, vẫn là xe Hải Âu màu vàng sọc trắng thân quen, bà trả tiền và tôi lên xe, quay lại nhìn bóng bà đứng xa dần rồi khuất hẳn, tôi cảm thấy lòng mình hơi bâng khuâng nhưng rồi gạt đi, dù sao tôi sẽ lại về cơ mà, nhưng nghĩ đến cảnh mỗi tối bà vò võ một mình tôi thấy tim mình thắt lại, kiểu gì bà cũng chỉ đốt đèn dầu, không chịu dùng điện. Thế hệ người đã từng đi qua cái đói, cái khổ luôn tiết kiệm như vậy, luôn phòng hờ cho tương lai. Sau này, mỗi khi học về tấm gương tiết kiệm của Bác Hồ, tôi nghĩ đơn giản, cứ nhìn từ bà Già mà ra thôi, điện có chỉ thắp khi cần, miếng ngon luôn dành đến cuối, điều này ảnh hưởng đến tôi rất nhiều nhưng tôi không nhận ra.
Mỗi khi ăn uống ở đâu hay thậm chí ở nhà, tôi luôn để dành những thứ mà tôi cho rằng ngon nhất trên bàn để ăn sau cùng, một kiểu như tận hưởng, hay ăn cơm ở nhà tôi cũng vô thức để sót lại một chút thức ăn. Bà tôi dạy rằng ăn phải dành phần người khác, đừng để người khác đánh giá mình thèm thuồng vì miếng ăn là miếng tồi tàn. Những người xung quanh tôi thì ngược lại, họ không chú ý đến việc ăn miếng ngon sau cùng, vợ tôi đã nhắc rất nhiều lần nhưng tôi vẫn cứ quên. Có những thứ đã ăn vào máu thịt của tôi mất rồi, khi tôi nhận ra thì đã không còn ở gần bà tôi nữa, tôi đặc biệt hiểu và quý trọng những thứ đang có vì tôi không muốn sau này phải nuối tiếc điều gì.
Cũng bởi vì tôi có vài đặc điểm giống người già, mẹ tôi hay kể với người quen rằng tôi là một đứa khá ki bo, chắc lép, rồi sau này lớn lên không nhờ được... Thật sự tôi không biết đó là mẹ nói khiêm tốn hay chuyện phiếm nhưng tôi rất buồn mỗi khi nghe như vậy, em trai tôi và nhiều người khác sau này quen gia đình cũng nghĩ như thế. Tôi chưa bao giờ giải thích hay cố gắng giải thích vì sẽ không ai hiểu, chỉ vài năm gần đây, khi mẹ tôi đã lớn tuổi, tôi không còn thấy mẹ tôi nói như vậy nữa, hoặc vì mẹ nhận ra mẹ sai hoặc vì những lí do khác. Bạn bè thân quen thì lại hay bảo tôi ngu, còn ngu như thế nào họ không nói, tôi có thói quen làm theo ý mình nhưng tuyệt nhiên không bắt ai phải làm theo, nếu muốn thì tôi sẽ dạy.
Xuống Bến Nứa, xe chưa dừng hẳn thì bao nhiêu người đã vây quanh nhốn nháo chỉ chỏ.
- Áo kẻ kia của tôi!
- Ông đội mũ của tôi!
- Thằng bé của tao!
Lần nào cũng thế, trên khắp các bến xe mà tôi đi sau này cũng vậy, tôi bước xuống cửa xe chỉ nói ngắn gọn:
- Mẹ cháu bán hàng trong chợ!
Câu thần chú nói ra thì chả ai quan tâm tôi nữa, đôi khi cũng có người bám theo nhưng thường là tôi không đi. Tôi vòng trong chợ Long Biên một vòng nhỏ để thoát khỏi sự đeo bám sau đó mới lững thững đi ra khỏi cổng, băng qua đường Yên Phụ rồi vào đầu phố Hàng Đậu bắt xích lô.
- Cháu về Nam Đồng!
Tôi luôn nói ngắn gọn như vậy, tôi muốn tỏ ra mình sành sỏi hoặc quen thuộc nơi này, tôi không bao giờ bắt đầu bằng câu hỏi về số tiền sẽ phải trả. Bạn có thể thử, bây giờ vẫn hiệu nghiệm chán.
- Tám nghìn!
- Không đến giá đó đâu bác ơi! - Trả lời, nhìn vào mắt họ và cười.
- Thôi Năm nghìn, lên đi!
Đó là một giá tương đối đúng, tôi không biết rõ đường đi bao xa nhưng bán hàng hay nói thách, mặc dù gia đình tôi bán hàng giá cố định nhưng tôi biết, bố tôi đã từng nói ở những nơi phức tạp, giá thường bị hét lên gấp đôi hoặc hơn. Tôi chưa bao giờ mở miệng mặc cả bất cứ thứ gì trong cuộc đời của mình. Bà Trẻ đã rất ngạc nhiên khi thấy thằng cháu đích tôn xuống xích lô, tôi xuống xe ngay ở chợ.
- Ơ thằng này, mày ra đây với ai?
- Cháu đi một mình!
Tôi biết, bạn hàng của bà đều ngạc nhiên khi thấy cái thằng bé loắt choắt như học sinh lớp 3 ấy lại có thể từ quê lên Hà Nội một mình, dĩ nhiên tôi thấy sau khi ngạc nhiên là nụ cười thân thuộc, cười mà hai mắt díp lại không nhìn thấy Tổ quốc đâu.
- Cha bố mày, đi thế này mẹ mìn nó bắt bán sang Trung Quốc có ngày...
Và cứ thế, mùa hè đầu tiên ở Hà Nội bắt đầu.
Bà Trẻ bán hàng ở ngay chợ Nam Đồng còn mẹ tôi sẽ đi bán vào buổi chiều bên khu Kim Liên, mỗi chiều mẹ chở hàng bằng chiếc xe đạp Peugeot cá vàng màu đồng nhưng tôi cứ thích gọi là màu đỏ, đi vòng ra đường Tây Sơn rồi rẽ ra Chùa Bộc. Nơi mẹ tôi bán là đoạn ngã ba Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch bây giờ, gần Starbucks, mẹ ngồi ven đường, phía bên kia là một căn hộ tập thể, đối diện có lẽ là công ty về điện hay cáp gì đó tôi không nhớ, đã quá lâu rồi. Thường mẹ tôi sẽ về khoảng bảy giờ tối, cảm giác đứng cùng các em của mình ở ngay Nhà Văn hóa Thiếu nhi chờ đợi hình bóng mẹ đạp xe về thật tuyệt, ba anh em đứng đó và bao giờ cũng đón được mẹ tôi cả. Cái Nhà Văn hóa (hoặc Nhà Thiếu nhi) này tôi chưa bao giờ bước vào vì tôi thiếu tự tin, dù sao tôi cũng chỉ là ra đây ở tạm, có vẻ như sự thiếu tự tin hoặc tự ti là điểm chung của những người như tôi, một "thằng nhà quê" tôi nghe mãi bao năm đến khi thấy thích luôn, nhưng ban đầu thì chả thích chút nào. Tại Nhà Thiếu nhi này vài năm sau tôi gặp một cô bé, mà lúc này chưa ra đời, tôi gặp lần đầu tiên lúc cô ấy sáu tuổi, ngày sinh nhật 7 tuổi, cô bé ấy nằng nặc bắt tôi phải chở đi tìm mua đồng hồ điện tử làm quà như đã hứa, tám tuổi cô ấy biến mất cho đến một tối tôi thấy trên Tivi cô bé năm xưa, nay đã là ca sĩ Hoàng Yến Chibi xinh đẹp, tôi đã rất vui mừng và hét lên, chồm tới nhìn cho rõ vì cuối cùng những gì tôi biết đã đúng, nhưng tôi tin rằng khó có cơ hội ngồi ôn lại kỉ niệm xưa cùng nhau, có nhiều thứ đã thay đổi.
Hồ Đắc Di bây giờ khi đó không có lối đi qua Trung Tự, thanh niên hai khu cũng hay có v·a c·hạm, nên muốn đi xem chỗ mẹ bán hàng thì phải đi vòng đúng như cung đường mẹ tôi đã đi và tôi đã làm như thế, dẫn theo hai em của mình, con bé út khi đó sắp vào lớp 1. Tôi không biết mẹ tôi đã cảm thấy như thế nào khi thấy ba đứa con của mình dắt díu nhau qua đường rồi đứng trước mặt.
- Cô ơi! Cháu muốn mua hàng!
Ba anh em tôi đi xích lô về, kỷ niệm này thật sự ngọt ngào quá đỗi, nhưng cũng nhờ như vậy, tôi đã thấy Gò Đống Đa, cho đến bây giờ nếu có dịp, tôi vẫn cố đi đường vòng để ngó lại một chút kỷ niệm xưa, con đường bên cạnh Gò có lẽ không còn cái Bưu điện nữa.
Tôi bắt đầu học sử dụng cân, loại cân mà có cái đĩa và một quả cân bằng sắt, tôi quan sát mẹ tôi, bố tôi, bà tôi rồi sau đó tập cân, rồi nhanh chóng giúp việc luôn cho bố mẹ. Tôi luôn muốn cân thăng bằng khi bán, chỉ hơi "tươi" một chút thôi. Có khách quen đã nói:
- Thằng này nhà anh chị nên là con gái, chả ai ăn được của nó cái gì!
Có lẽ vì những điều tương tự như vậy, mọi người đã khẳng định tôi là một đứa "chắc tay" còn tôi, tôi chỉ làm đúng, tuy có buồn nhưng tôi không thay đổi. Nhờ việc phụ giúp bán hàng, mang hàng ra chợ... tôi cũng được cho khá nhiều tiền, và như vậy, tôi biết đến con lợn đất màu đỏ ủn ỉn mà bà Trẻ mua cho.
Tại sao phải kiếm tiền trong kỳ nghỉ hè được gần bố mẹ, tôi không phải tốt đẹp theo kiểu thương bố mẹ cực khổ gì đâu, mà tôi nghĩ rằng sau mùa hè sẽ là thời gian ở quê tới 9 tháng, sẽ cần đến tiền, nên tận dụng dịp này tích cóp để mang về. Bởi vậy, tôi không bao giờ phản đối ý kiến của mọi người về việc tôi là thằng ki bo, ăn chả dám ăn chỉ lo tích cóp. Nhưng tôi đặc biệt chiều em gái mình, kể cả khi nó đã là mẹ của hai đứa con.
- Bác ơi! Em thấy gỏi khô bò chỗ công viên ngon quá bác ạ!
- Cái loại nhà mày cứ ăn cho lắm vào xong lại kêu mập!
Nhưng nó vẫn có thứ nó thích ăn.
Đợt lễ Ba mươi tháng Tư vừa rồi nó kêu muốn đi Đà Lạt vì con nhỏ mấy năm chưa được đi, tôi tiện công tác phải chạy thêm hai mươi ki – lô - mét tìm rồi đặt phòng, đến tối ngày Hai mươi chín tháng Tư tôi thấy không ổn nên yêu cầu hủy không đi nữa, nó trách móc các kiểu nên lại phải bù cho đi chỗ khác gần nhà. May! Đi chuyến đó thì xác định ngồi mà đái trên xe, ba trăm ki – lô - mét hết tận mười bảy tiếng cơ đấy.
Mùa hè đầu tiên trôi qua chỉ có vậy, không gặp vấn đề gì, tôi đã làm theo như được chỉ bảo và tuyệt đối tránh khu nhà A2 mỗi tối khi ra chợ chơi.
Năm học mới!
Mọi thứ đều mới kể cả bạn học, chỉ một số đứa học chung lớp 5A vào chung lớp 6, trường tôi có luật bất thành văn là lớp A giỏi toán, B giỏi văn còn C và D là lớp tập trung, chả hiểu sao tôi lại được xếp vào lớp 6B trong khi điểm Toán cao hơn điểm Văn. Sau này tôi lờ mờ đoán được, lớp B con trai ít quá nên ai đó đã san bớt tôi sang, tương lai của tôi rẽ sang hướng khác vì một cây bút bi. Tôi vẫn học cùng lớp với chị Hiền và những đứa con gái khác, sau đó có một đứa con trai cùng làng hơn tôi 1 tuổi, nó tên là Hiếu, chuyển từ nơi khác về học chung lớp, nó là cháu ruột của cái chú B. kể chuyện ma da nên tính ra là em họ của tôi.
Tôi đã có người bạn cùng làng, cùng học đầu tiên như thế, nhưng nó lại trái ngược hoàn toàn với tôi. Nó tên Hiếu, một thằng đẹp trai, cao hơn tôi cả cái đầu, da trắng, ít nói và tính tình khá nhẹ nhàng. Nó học lớp Văn là đúng rồi, còn tôi có vẻ không phù hợp.
Thế rồi, cái gì đến thì nó sẽ đến...
---
***