Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 25: Con Ma Mẹ Chẽ




Chương 25: Con Ma Mẹ Chẽ

Tôi đã chọn được cái tên cho xe đạp, một cái tên khá hay và đám bạn, những đứa được tôi nói cho cái tên, nghe xong đều bảo tôi là thằng "ấm đầu" và nên sớm đi trại tâm thần, tôi đã đặt tên cho xe là "Xế Điếc" tôi thấy rất thú vị vì cái tên này tôi đọc được trong truyện TKKG, tôi thực ra cũng không hiểu lắm, nhưng trong đó người ta viết "Xế Điếc" để mô tả cái xe của nhân vật nam chính nên tôi học theo. Với một đứa mà hiểu biết tạm gọi là trong lũy tre làng như tôi thì đây có thể xem là một phát minh, tôi liên tưởng người ta gọi Xế Điếc thay cho xe đạp vì nó không phát ra t·iếng n·ổ giòn tan như pô xe 67 và xe máy người ta sẽ gọi là Xế Bừm, cũng có thể lắm.

Cô giáo chủ nhiệm lớp 5 của tôi tên là cô Giản. một người phụ nữ tôi nhớ là hiền lành, phúc hậu với dáng người thấp đậm, lúc dạy bọn tôi cô chưa lập gia đình, ngay khi tôi lên lớp 6 thì cô lấy chồng ở tuổi gần bốn mươi, ở quê như thế là rất muộn chồng, coi như là ế. Cô lấy chồng xã khác nên cũng chuyển dạy hoặc bỏ nghề nhưng tôi tin cô không bỏ nghề, cô giáo không phải chỉ là một nghề đơn thuần. Tôi không có cơ hội gặp lại cô giáo của mình. Trong một lần dạy Văn, cô đã nói đại ý rằng: "Là đàn ông phải có chí lớn, phải lập nghiệp nơi xa, thoát khỏi những thói quen và hủ tục xung quanh mình và không được núp sau váy mẹ!". Tôi đã nghĩ rằng mình đã đi rất xa để ngồi ở trong lớp này, bạn bè mình còn chả đứa nào biết Hòa Bình là ở đâu.

- Thưa cô! Hà Nội đã được tính là xa chưa ạ?

- Đất nước mình còn rất dài và rộng, có nhiều nơi còn xa hơn và to hơn Hà Nội của chúng ta.

- Em có hay nghe đài, em thấy hay nói đến một nơi là Tp.HCM, chỗ đấy có xa không ạ?

- Đi ôtô hoặc tàu hỏa hai ngày hai đêm là em tới nơi, cũng tính là xa.

- Nếu xa như vậy, em muốn sau này đến thử.

Cô giáo Giản - người phụ nữ đầu tiên đã khơi gợi mong muốn mơ hồ của tôi về một vùng đất xa lạ mang tên Bác Hồ, mấy phim bắn nhau tôi từng xem cũng thấy ghi ở Tp.HCM nhưng được gọi là Sài Gòn. Những ý niệm ban đầu của tôi về con người và vùng đất xa xa kia được khơi gợi chính là trên bục giảng, sau này tôi rất thích diễn viên Chánh Tín và Thương Tín bởi hai ông đóng nhiều phim được quay ở Sài Gòn, riêng bộ phim “Ván bài lật ngửa” tôi đã xem không dưới 10 lần, tôi cũng đã có lúc cố gắng tìm xem cái hãng sơn Đông Á trong phim “Biệt động Sài Gòn” nó nằm ở đâu.

Tôi đọc truyện TKKG thấy nhiều từ ngữ lần đầu tôi đọc được, nó khác với những gì tôi biết và "Xế Điếc" là một ví dụ.

- Thưa cô! Vậy cô có từng nghe Xế Điếc là chỉ cái gì không ạ?

- Là xe đạp, đấy là một cách gọi ở miền Nam.

- A! Tôi ngạc nhiên thật sự.

- Ở miền Nam, người ta gọi ô tô con là Xế Hộp, xe máy sẽ là Xế Nổ, còn Xế Điếc chính là xe đạp.

- Em cảm ơn cô ạ!

Tôi đã có được những thông tin bổ ích cho mình nhưng thật tiếc, bạn bè tôi chả đứa nào muốn nghe mấy thứ ấy, việc gọi cái ô tô con là Xế Hộp thực là quá buồn cười. Có lẽ cũng bởi những mối quan tâm khác nhau đó nên tôi có ít bạn thân, đúng hơn là lúc này chả có ai, bản thân tôi cũng thấy mình hơi khác người, toàn quan tâm mấy thứ vô nghĩa, dần dà những thứ tôi mày mò hay tìm hiểu mà không hiểu thì tôi chọn thời gian hỏi cô giáo, sau này cũng vậy, luôn chạy theo hỏi khi cô bước ra khỏi lớp.

Một ngày chiều muộn, tôi theo thằng L. đi chăn trâu, bây giờ đã đổi nơi chăn thả, tôi cũng không hứng thú với việc cưỡi trâu nữa, thằng L. cũng đã cố dạy tôi bơi nhưng tôi không thể, tôi luôn cảm giác có ai đó sẽ kéo mình xuống đáy ngay lập tức, sau nó chán chả dạy nữa nên bây giờ tôi vẫn chưa biết bơi. Chiều nay L. thả trâu gần cánh đồng cạnh chùa làng, tôi nằm vắt chân chữ ngũ trên một nấm mộ xi măng xây phẳng không có bia mộ ghi tên nằm trên một gò đất cao và rộng. Con đường đất ra đồng của dân làng chia cắt gò đất với ngôi chùa. Xa xa ở hướng Đông Bắc có thể nhìn thấy núi Thiên Thai với hai chấm nhỏ trên đỉnh, bà Già nói đó là bốt của Tây hồi xưa, ở trên đó bắn đại bác xuống tận cánh đồng của làng và cũng có một số người đã bị c·hết. Hiểu biết của tôi về giặc Tây khá mơ hồ, chỉ nghe nói đó là Pháp và Mỹ, chúng rất độc ác, đã g·iết nhiều người trong làng.

- Này cháu!

Có người đi lên gò đất, đi về phía tôi, tôi lập tức ngồi dậy

- Cháu chào... bà ạ!

Tôi không biết nên gọi như nào cho đúng, người phụ nữ trước mặt tôi đáng tuổi bà tôi nhưng lại mặc đồ giống như nhà sư, đầu đội một cái mũ mềm, đôi mắt hiền từ nhìn tôi.

- Cháu nhớ nói với bố mẹ lên chùa làm lễ xin về, năm nay cũng sắp lên mười một tuổi rồi phải không?



- Vâng! Cháu sắp mười một tuổi ạ!

- Ta chỉ nhắc cháu việc này thôi, đừng có quên!

- Dạ!

Nói xong bà sư quay lưng đi rồi dần khuất bóng sau cổng chùa, nói là chùa làng nhưng tôi chưa vào bao giờ, bà tôi dặn nếu có đi vào chùa làng tuyệt đối không được mang về bất cứ thứ gì, cũng không được bẻ cành vặt lá hay lấy trộm cái gì của chùa. Tôi vì thế mà không có ý định lên chùa mặc dù rất gần, chỉ cần ra khỏi cổng nhà và rẽ trái độ mươi bước là thấy chùa nằm phía trước cách chừng bốn trăm mét.

Vậy là đã có tới ba người nhắc đến việc phải lên chùa xin tôi về, thật tình thì tôi không hiểu việc này, chỉ biết được rằng do lúc nhỏ hay ốm đau sợ khó nuôi, bà Hạ Lớn đã bảo bố tôi bán tôi làm con nuôi Đức Ông để khỏe mạnh, việc này cũng khá phổ biến ở làng, không ai lạ lẫm gì. Tối hôm ấy, trong bữa cơm với rau muống và trám, tôi hỏi bà Già có biết chuyện bán tôi lên chùa hay không, bà bảo biết và kể lại chuyện tôi ốm đau dặt dẹo như thế nào khi còn nhỏ, tưởng không sống được nên cách nào ai chỉ cũng nghe theo, cuối cùng bà Hạ Lớn đã đưa ra yêu cầu, lời bà nói như lời ông nội tôi nên bố tôi dĩ nhiên sẽ nghe theo.

- Cũng được cả mười năm rồi đấy!

Bà Già nói thêm.

- Vậy bà nhắc bố cháu xin cháu về nhé, hôm nay bà sư trên chùa bảo thế.

- Bà sư nào?

Bà tôi ngưng đũa, nhìn tôi hỏi.

- Chiều nay cháu đi chăn trâu với thằng L. ở gần cái gò đất cạnh chùa thì có bà sư đến nói như vậy.

- Gò đất có cái mả xi măng to phải không?

- Vâng, chỗ đấy bọn cháu hay chơi đánh bài.

- Mộ đấy là mả Mẹ Sư, mày chơi thì đừng có vẽ bậy lên.

Tôi gật đầu.

- Mà chùa làng mình bây giờ là sư ông, sao lại có bà sư nhỉ?

- Cháu không biết, cháu đã vào chùa bao giờ đâu.

- Từ hồi sư bà c·hết rồi bốc mả đưa lên gò đất tới nay, làng này chưa có sư bà. Sư bà lúc còn sống tao gặp hàng ngày, bà ấy quê ở vùng khác đến đây, hồi bà ấy c·hết cả làng đưa tang, mà gửi mày lên chùa chính bà ấy làm lễ cho đấy!

Sau bữa cơm cũng chưa đến bảy giờ tối nên tôi lấy Xế Điếc ra định bụng sẽ đạp ra đầu làng, giờ này ngoài ấy đông và vui, có vài anh thanh niên nhưng chủ yếu vẫn là trẻ con, tôi kể ra cũng thuộc nhóm giữa, còn nhóm "Nhi đồng thối tai" thì đông, cứ dựa vào các khối từ lớp 1 đến lớp 4 mà tính thì cũng phải trăm đứa hơn. Nhóm lớp 5 học bên xã có mỗi tôi là con trai còn mấy đứa kia đều là con gái, nhóm lớp 6 tôi thấy chỉ có hai anh, nghe nói rất ngoan và học giỏi. Lớp 7 và lớp 8 tôi không thấy có ai nhưng lớp 9 với 10 thì đông hơn, cũng phải tính đến gần hai mươi, tôi áng chừng như vậy, dù sao các anh lớn cũng không để mắt bọn trẻ ranh như tôi mấy, tôi cũng ngại lại gần. Ngại lại gần nhưng thích hóng chuyện, tôi cứ ngồi trên xe đạp rồi hóng cùng những đứa khác, kể chuyện thì toàn mấy anh lớn, từ chuyện học tới chuyện nhà ai có cây ăn quả ngon cho tới đủ thứ, nhưng kết thúc luôn là phần nhiều đứa thích, chuyện ma! Người kể hay nhất là một anh khoảng lớp 10, nhìn đẹp trai và như trung tâm của cả nhóm, tôi thấy nhiều đứa khác rất thần tượng anh này nên dĩ nhiên tôi cũng không ngoại lệ, điều tôi thần tượng là chúng nó nói anh ấy học giỏi, gì chứ học giỏi là không dễ dàng gì, cứ giỏi là tôi sẽ có thiện cảm. Tối đó anh ấy kể chuyện ma da ở ngay con mương nước trước sân đình, chả biết chuyện thật đến đâu nhưng đứa nào cũng vừa nghe vừa sợ, vừa tưởng tượng như dưới làn nước kia có cái đầu thò lên vậy, sợ nhưng vẫn thích nghe, ma da tôi chưa thấy bao giờ nên cũng tò mò, bởi vậy mới buột miệng hỏi:

- Ma da có nhớt trên người thì nó kéo chân mình có bị tuột tay không anh?

Anh ấy nhìn về hướng tôi.



- Mày là con nhà ai?

- Nó là cháu bà T. đấy anh B. ơi!

Đứa nào đấy nhanh miệng.

- Mày ở khu Giữa đúng không?

- Dạ!

- Tao là chú của mày, không ai nói với mày à?

- Dạ... Cháu mới về nên không biết, cháu xin lỗi!

Hú hồn, dạo trước tôi có gặp một người cũng chừng mười bảy tuổi, gọi là anh chút nữa b·ị đ·ánh cho một trận, bị mắng te tua, phải gọi là bác mới đúng. Tôi thầm trách ông nội sao vai vế kiểu gì mà đi đâu trong làng cũng toàn phải gọi chú bác thế này. Để tránh phiền phức nên sau này nhiều đám cỗ mà bà tôi được mời, tôi cũng đi để hỏi xem kia là ai, kia là người nào và luôn kết thúc bằng câu: "Có họ với nhà mình không hả bà?"

Chuyện về ma da chi tiết tôi được nghe đến trong hoàn cảnh như thế, tôi nghĩ đến những người trồi lên từ con mương, người nhớp nháp như bôi mỡ và luôn rình rập để kéo chân ai đó xuống.

Tàn cuộc, bọn chúng tôi giải tán dần đều, tôi không đi về bằng lối giữa làng nữa mà đạp theo lối đi bao quanh làng để về, bên tay phải là con mương với những bụi cây đủ loại lúp xúp ven bờ, thời kì này phải nói gần như tất cả các ngôi nhà cạnh con mương đều không có ai ở, những bụi tre rũ xuống khiến cho không gian trở nên tĩnh mịch lạ thường, phía bên kia con mương là đường Quốc lộ vẫn có xe cộ đi lại. Hình dung dễ hơn là từ Quốc lộ rẽ trái vào làng, qua cổng chào thì tôi có hai lối đi để về nhà mình. Lối thứ nhất là rẽ trái rồi đi vào đường trục chính của làng hoặc nếu rẽ phải sẽ đi theo con đường ven mương bằng đất, rộng khoảng chừng ba mét, đi thẳng khoảng năm trăm mét thì phải rẽ trái, đi thêm chừng ba trăm mét là nhìn thấy nhà tôi phía bên trái, rẽ là tới. Con đường cạnh bờ mương này dân làng hay dùng để chuyên chở lúa, khoai... từ ngoài cánh đồng về hoặc để đi làm, trẻ con cũng ít đi, từ lúc có cái Xế Điếc này tôi thích đi lòng vòng nhiều hơn.

Dưới ánh trăng tôi nghe thấy thấy tiếng lội nước bì bõm, giờ này hay có người đi đơm cá, bắt ếch nên tôi cũng không quan tâm, nhưng tiếng lội nước có xu hướng đi song song theo tôi. Tôi dừng xe lại ngó xuống con mương, Trăng sáng đủ thấy mặt nước yên ắng, nhiều đám bèo tây trôi lững lờ. Không thấy gì, tôi đạp xe tiếp thì lại nghe tiếng bì bõm nhưng đã đến đoạn rẽ trái nên tôi cũng không quan tâm.

***

Lại một buổi chiều như bao buổi chiều khác vì tôi đi học buổi sáng, tôi bắt đầu rèn luyện việc đạp xe từ cổng làng cho tới ngã tư cách đó 4km rồi quay lại, phần vì quá rảnh và phần vì tôi muốn xem nếu đạp xe đi Hà Nội sẽ mất bao lâu. Tôi luôn có một thói quen vô thức là ra khỏi cầu đầu làng là rẽ phải, đó là hướng đi ra Hà Nội, rất hiếm khi tôi rẽ trái vì không có điều gì thu hút tôi ở nơi đó.

Đạp quay về đến khúc cua chỉ còn cách cầu vào làng chừng một trăm mét thì xe tuột xích, xuống xe loay hoay một hồi rồi cũng xong, chắc xe không còn mới nên xích mau rão quá.

Chiều hôm sau đạp về đến đoạn đấy lại bị tuột xích tiếp.

- Thế này thì đi xa e là khó khăn...

Chiều hôm sau nữa lại bị tiếp, tôi thấy hơi chán, tôi nghĩ mình đã mua đúng cái xe đểu rồi. Ngồi xuống loay hoay một hồi thì tôi cũng lắp xong, vừa đứng lên thì thấy một người đang lao xe máy tới, một cái Cub 50, vụt qua người tôi rồi phi thẳng vào bụi cây ven đường, sau đó ngã xuống rãnh nước. Tôi chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra, phải mất một hồi trấn tĩnh tôi mới chạy lại chỗ rãnh nước, may quá người không sao, chỉ sây sát nhẹ nhưng xe máy thì vỡ hết chắn bùn trước và yếm xe, đèn cũng vỡ.

Mấy người lớn ngồi ở mấy quán nước gần đấy chạy tới giúp đỡ người đàn ông ngồi lên ven đường.

- Cái chỗ cua này nên đi cẩn thận, không quen đường dễ bị ngã lắm đấy! - Một người nhắc nhở.

- Em đi qua đây suốt, nãy tự nhiên xây xẩm mặt mày nên không thấy rõ đường...

- Thôi người không sao là may rồi!



Những người làng dìu anh ta đến ngồi ở quán nước nghỉ ngơi cho trấn tĩnh, tôi hóng từ đầu tới cuối rồi đạp xe về.

Trám ngâm mắm là một món dễ làm và dễ ăn, từ lúc về quê thì tôi hay ăn trong bữa cơm, bà Già ngâm những quả trám màu đen trong cái vại nhỏ, đậy lại bằng cái vung nồi 20, cái hạt thì chặt đôi ra lấy tăm khều cái ruột trắng tinh, nhỏ xíu trong lõi hạt ra và ăn chơi, vị cũng bùi, cứ trám với nước rau là được. Mỗi bữa cơm của hai bà cháu kiểu gì cũng có rau, phần lớn là rau muống và rau ngót, thịt thì bà tôi kho vào cái nồi nhỏ để tôi ăn dần hai, ba ngày mới hết, toàn thịt thăn. Có mấy món mà tôi chưa bao giờ ăn được là nhộng, cái con vàng vàng bà tôi bảo ăn rất bổ và thơm nhưng tôi cứ nhìn thấy là không ăn. Cá tôi cũng ít ăn vì nhiều xương, toàn mấy con cá rô phi, thi thoảng là cá chuối, nhưng nhìn chung là tôi không thích cá, lớn lên hơn một chút thì tôi lại ghét ăn cá vì lí do khác.

Khi tôi học cấp II, mỗi lần nghỉ hè tôi đều ra Hà Nội, mẹ tôi hay mua cá biển và nấu đủ món, cá biển thì nhiều thịt, xương nó cũng to và ít nên ăn được, cũng tốt thôi. Nhưng khi tôi phụ bà Trẻ bán hàng để kiếm tiền thì đối diện là dãy hàng cá bày bán ngay phía trước hội trường Nam Đồng, có một cô bán hàng bị cụt tay trái, tay phải dùng dao cực kỳ thành thục còn chân trái giẫm lên giữ con cá, tôi không muốn ăn đồ người ta để chân lên như vậy. Tôi quan sát thêm thì thấy mỗi buổi đôi ba lần các cô, các bà bán cá mang xô vào trong khu WC công cộng của chợ, múc nước từ bể lộ thiên xách ra thay nên tôi từ đó không ăn cá, nhất định không ăn nhưng không nói rõ lý do. Đấy là nguyên nhân thứ nhất.

Nguyên nhân thứ hai, khi tôi học đại học, thầy giáo dạy môn Kinh tế chính trị tên là thầy Đất Văn Cát hay xem chỉ tay cho sinh viên, trò này đám con gái thích mê tơi, tôi cũng được xem. Thầy nhìn tay tôi chỉ nói ngắn gọn:

- Sau này không nên ăn cá, nhất là cá chép, tốt nhất không nên ăn đồ tanh trước khi anh làm việc quan trọng.

- Dạ thưa thầy, tại sao ạ?

- Tôi chỉ xem giúp anh được đến thế.

Tôi nhớ nằm lòng câu nói ấy, thầy bói nói có thể tôi còn phải suy nghĩ nhưng một Giáo sư chắc không nói đùa.

Nhưng cuộc đời mà, nếu nó là số phận bạn sẽ khó mà tránh, người tôi yêu đúng luôn gia đình thích ăn cá! Mẹ của người yêu - một thương binh - có sạp cá ở chợ, nếu ăn cơm có cá tôi hay né nhưng không thể tránh mãi được, tôi chỉ nói tôi không thích ăn. Chả biết có phải do mẹ người yêu bán cá còn tôi không chịu ăn hay không mà tôi bị cản địa mãi, rất quyết liệt, cũng may tôi tuy chẳng đẹp trai gì nhưng da mặt khá dày, tai điếc nên sau cùng tôi thắng. Bây giờ thì mẹ vợ tôi thương tôi hơn con đẻ, có đợt làm ăn khó khăn, bà cụ tính cầm cố ngôi nhà cho tôi mượn nhưng tôi không chịu. Đôi lúc tôi nói vợ không nghe thì tôi kể cho mẹ vợ để vợ tôi bị mắng, tôi rất hả hê, đổi lại cô ấy mách mẹ tôi việc gì thì cũng đành chịu, tôi bị điếc từ nhỏ, có nghe được cái gì đâu. Nhưng bây giờ thì vợ tôi liều rồi, cô ấy không sợ tôi mách bà cụ nữa nên tôi phải phơi quần áo còn cô ấy cất đi, cô ấy nấu cơm còn tôi phải rửa bát, cũng may tôi đào tạo được đệ tử nên hay né được việc này. Còn cá, tôi vẫn phải ăn nhưng được rán giòn lên, tuyệt đối không được ăn cá chép thì tôi vẫn nhớ, chắc vậy nên tôi chả giàu lên được, nhưng không sao, quan trọng là thong dong.

Nhưng rất lâu rồi tôi không được ăn trám.

Tôi kể lại cho bà Già nghe chuyện tôi thấy lúc chiều, bà dường như ít ra khỏi làng nên cũng chỉ nghe, rồi tôi hỏi chủ đề ma da đã nghe hôm trước cho bà.

- Cái khúc mương chảy qua làng, trước tao nghe mấy người đi làm đồng sớm có gặp con Mẹ Chẽ nó trêu, mấy người đi soi cá được bao nhiêu thì nó tìm cách thả ra hết đấy!

- Sao lại tên như thế bà nhỉ ?

- Tao cũng không biết, chỉ nghe kể là con Mẹ Chẽ ấy bị c·hết đ·uối ở khúc mương ấy, chuyện cũng lâu rồi, lúc cái mương với đường cái quan chưa như bây giờ, vẫn đi bằng lối Đất Sét xuống làng bên cạnh, tao về đây thì đã đi bằng đường cái quan, mương thì nhỏ hơn bây giờ.

- Thế là từ xa xưa rồi, bà về làng cũng được năm mươi năm hơn rồi còn gì nữa. Cháu thấy làng mình đặt tên cũng lạ, nào là mả Mẹ Sư rồi giờ lại cả con ma Mẹ Chẽ.

- Ý người xưa là bị c·hết lúc già nên đặt như vậy.

- Cái mương nước đầu làng mình cháu thấy nông toẹt như vậy mà người lớn sao lại c·hết đ·uối được nhỉ?

Tôi cũng cho là đúng, câu chuyện về con ma Mẹ Chẽ cũng chỉ bắt đầu mơ hồ như vậy cho đến khi có những sự kiện cứ lặp đi lặp lại.

Một sáng, lúc ấy vào dịp gần tốt nghiệp cấp I, tôi đi học thì thấy ở ngoài đường, đoạn gần ngay khúc cua tập trung khá đông người, có cả cái xe cứu thương màu sậm của Nga đỗ ở đấy, khi tôi tới xem thử thì xe đã di chuyển, tôi hỏi mấy người đứng ở gần thì được biết có t·ai n·ạn xe máy, một người chắc là c·hết còn một người b·ị t·hương nặng, bị lúc tờ mờ sáng nên ít người biết cho đến khi có xe khác đi qua họ thấy nên hô hoán người làng ra giúp nhưng lúc kiểm tra thì một người bị rất nặng, đang thoi thóp còn người kia đ·ã c·hết. Người dân chặn xe nhờ tài xế qua đường báo giúp cho bệnh viện huyện, tôi không biết thêm thông tin nhưng mấy ngày sau có thấy ở ven đường chính đoạn lần trước xảy ra vụ t·ai n·ạn ấy, có đĩa hoa quả, tiền vàng, hương khói nghi ngút, tôi đoán đã có n·gười c·hết.

Hoa phượng nở rộ sân trường, ve kêu chói tai và cái nắng hè oi ả bắt đầu ập đến, dịp ấy tôi bận rộn với việc tổng kết rồi chia tay cấp I, bận nhặt hoa phượng để ép vào cuốn vở giống như các anh chị lớn lớp 9 đang làm, nhưng chủ yếu tôi nóng ruột muốn nhanh chóng được nghỉ học để được ra Hà Nội, Hà Nội là mối quan tâm của tôi, mục tiêu của tôi. Bởi vậy, tôi cũng không chú tâm liên kết các sự kiện rời rạc đó lại với nhau.

Nhưng cũng nhanh thôi, mùa hè đến rồi mùa hè cũng đi, kiểu gì tôi chẳng phải quay lại.

---

***