Chương 213:Thầy bói đuổi về
Tôi sắp học hết lớp 9 và tôi vẫn chưa bao giờ thắc mắc về việc ai đã sinh ra bố tôi, tôi vẫn và sẽ hạnh phúc hơn nhiều người vì có hai bà nội. Tôi là một đứa luôn tự cho rằng mình thông minh vì thế tôi thừa hiểu rằng có những sự thật tốt nhất không nên tìm hiểu, trong cuộc sống, đôi khi việc không biết sự thật lại là chuyện tốt.
Tôi đã từng thắc mắc tại sao chúng ta lại hay hỏi những câu khiến người khác tổn thương?
Khi tôi vào cấp III thì mới vô tình biết việc bà Trẻ chính là người sinh ra bố tôi qua một câu chuyện vu vơ người lớn ôn lại với nhau trong lúc trà dư tửu hậu. Thành thật mà nói, khi nghe lỏm được câu chuyện ấy thì tôi không lấy gì làm buồn mà chỉ tự thầm dặn lòng phải quan tâm đến bà Già nhiều hơn để bà hiểu rằng tôi vẫn là đứa cháu yêu quý của bà. Tôi nhớ lúc em trai tôi thì thầm với tôi rằng nó đã biết "một bí mật rất lớn" tôi tò mò hỏi lại thì nó đã nói với tôi điều "động trời" nó vừa khám phá ra:
- Em vừa biết được người đẻ ra bố mình chính là bà Trẻ đấy!
- Tao biết lâu rồi! Chuyện này thì có gì quan trọng?
- Em chỉ muốn nói với anh như thế...
- Ừ, bởi thế mày nên quan tâm đến bà Già nhiều hơn, sau này mày lớn lên đi làm có nhiều tiền thì khi biếu hai bà, mày nên cho bà Trẻ phần ít hơn một tí nhưng đừng để hai bà biết!
Tuy tôi đã dặn là vậy nhưng khi chúng tôi trưởng thành, các em trai em gái, cũng như dâu rể, cháu nội cháu ngoại lại đều đối xử công bằng với hai bà, riêng chỉ có mỗi tôi là thiên vị bà Già hơn. Người đời có câu "Một già một trẻ bằng nhau" lúc các cụ lớn tuổi thì quả thật tính tình như trẻ con, mỗi khi tôi có dịp về thăm và ngủ lại thì sẽ không thiếu tiết mục hai bà kể tội lẫn nhau. Tôi cũng chỉ biết ngồi nghe và cười vì tôi biết sự thật là hai bà đều lo lắng cho nhau cả, chả thế mới ở cùng nhau được đến tận năm mươi chín năm, trong đó có mười bốn năm chăm sóc lẫn nhau.
Trẻ con xem người lớn là tấm gương, tôi cũng nhìn hai bà, nhìn bố mẹ tôi để học cách sống và quan tâm người khác. Tôi không phải là người hoàn hảo, dĩ nhiên, đôi khi căng thẳng tôi vẫn hay cáu gắt với người thân của mình hoặc những lúc bận rộn bị guồng quay cuộc sống cuốn đi mà tôi cũng nhất thời quên mất rằng mình nên dành nhiều thời gian cho người thân ruột thịt và đối đãi với họ nhẹ nhàng tử tế hơn. May sao, mọi người đều hiểu cho tôi và mỗi khi em gái hoặc vợ tôi nhắc nhở những việc tôi nên làm, nên nói... Thì tôi đều ghi nhận và tiếp thu.
Sau khi được gặp bà nội Cả, tôi cảm thấy mình nên làm gì đấy gọi là, nhằm thể hiện tấm lòng thành của mình, tôi muốn bà thực sự cảm nhận được rằng tôi quan tâm là do xuất phát từ tâm chứ không phải do ai tác động hoặc bản thân có mưu cầu lợi ích. Chiều ngày hôm sau, tôi không tham gia lớp ôn tập ở trường như dự định trước đó. Ba môn Văn học, Lịch sử và Địa lý tôi sẽ mượn vở của bạn để xem lại có gì mới, chủ yếu là cách trình bày các ý, với ba môn còn lại thì tuyệt đối không được bỏ bởi vì tôi cho rằng mình là đứa học dốt, phàm đã dốt lại càng phải học cho tiến bộ chứ nếu càng sợ hãi né tránh thì chắc chắn sẽ “dốt đặc cán mai” như người lớn hay mỉa.
Sau bữa cơm trưa, tôi dành hai tiếng đồng hồ để xem qua vài bài văn mẫu mới mượn được, thật sự thì đọc văn mẫu tôi không thích lắm, lý do là mỗi người đều có cách biểu đạt và suy nghĩ khác nhau, nếu đọc và viết theo khuôn mẫu nhiều quá tôi e sẽ đánh mất bản chất riêng. Chính vì tư duy này tôi học cách đọc lướt bằng mắt và đoán xem người viết trình bày cái gì, trình bày như thế nào, nếu ý chính giống như tôi nghĩ thì tôi không đọc nữa mà bỏ qua và chắc chắn không đọc lại. Thay vào đó, tôi dành thời gian đọc những bài văn mẫu mà tác giả có góc nhìn mới, thậm chí còn chiêm nghiệm vài lần và thầm tấm tắc khen họ nữa. Trên thực tế, có một quan niệm tồn tại đến tận ngày nay rằng việc một ai đấy yêu thích môn Văn, tệ hơn nếu người ấy là con trai lại còn học văn thì sẽ là người "mơ mộng hão huyền" và "ủy mị" ngay chính mẹ tôi cũng có tư tưởng này. Tôi thì lại nghĩ khác, đồng ý là tôi có một tâm hồn đầy mộng mơ nhưng đồng thời cũng là một đứa khá thực tế, nếu tôi trở thành nhà văn thì tôi sẽ viết thật, mô tả thật và không muốn dùng những từ ngữ bay bướm, ước lệ... Kể đến đây, thành thật mà nói thì tôi vốn là một kẻ có tâm hồn yếu đuối, dễ mủi lòng nên chị Ma thường tìm mọi cách để tôi giảm phần “nữ tính” đó đi và ít nhiều thì chị ấy cũng đã thành công.
---
Lúc tôi gập sách lại toan chuẩn bị lấy thuổng với cuốc để đi ra bãi tha ma Cầu Khoai thì tôi nghe thấy tiếng xe máy rất quen tai, như là tiếng pô xe Dream, nhà tôi chỉ có hai bà cháu nên người đến chơi toàn các cụ già, trẻ con... Họa chăng, miễn cưỡng thì xem thằng R9 và thằng Hiếu là khách cũng được, còn thì... Tiếng xe máy đi vào cổng chỉ có thể là bố mẹ hoặc cô chú tôi về mà thôi. Tôi nhổm dậy nhìn qua chấn song cửa, thoạt thấy dáng ai thấp thoáng giống mẹ mình thì tôi ngẩn người ra vài giây, lý do là rất hiếm khi mẹ tôi về một mình lại còn vào giấc chiều như thế này.
- Ơ, sao mẹ lại về giờ này?
Tôi hấp tấp chạy ra ngoài hiên và hỏi, mẹ tôi vẫn đang ngồi trên xe máy.
- Mẹ về có việc, bà đâu rồi?
- Giờ này thì bà loanh quanh trong xóm chơi thôi ạ.
- Mẹ mới ở trên khu Trên về, mẹ tưởng mày đi học?
- Chiều nay con nghỉ, tự học ở nhà.
Mẹ tôi tắt máy xe, còn tôi thì vội vàng bước xuống dỡ những thứ mẹ tôi để trên giỏ xe máy.
- Đừng! Trên giỏ để nguyên đấy cho mẹ! Bánh kẹo, hoa quả mua cho hai bà cháu mẹ treo đây cơ!
Tôi để lại những thứ đang cầm trên tay vào giỏ xe máy, ban đầu tôi cũng không quan tâm những thứ đấy, vốn gồm một thẻ hương và vài thứ linh tinh khác đựng trong một cái túi nilon màu vàng xanh nhạt, mãi khi xách những thứ mẹ tôi treo ở xe vào nhà tôi mới để ý. Mẹ tôi bước vào rồi ngồi ở chỗ giường ngủ của bà Già và lấy gương treo trên tường ra để soi mặt, sau khi tôi sắp xếp những thứ mẹ tôi mang về bày trên phản gỗ thì mới đi rót nước cho mẹ uống.
- Mẹ về xong lại đi ngay ạ?
- Ừ, mẹ mới về lúc nãy, về cùng với dì mày.
- Cậu Út ra ngoài ấy làm ăn có tốt không mẹ?
- Cũng chưa đâu vào mới đâu, cậu Út mày vẫn đang học làm thịt lợn quay Bắc Kinh để bán mà vẫn chưa có nhiều khách quen. Sớm muộn cũng quay về làm đậu thôi, làm đậu là chắc ăn nhất!
Tôi không đáp lời mẹ mà đi lại góc giường bật quạt, nhà có hai bà cháu nên có ai đến thăm là quý lắm, lúc này tôi chỉ muốn mẹ tôi nán lại lâu lâu một tí.
- Nếu mày không bận thì đi với mẹ lên Trằm nhỉ?
- Đi lên đấy ạ? Đi viếng ai hả mẹ?
Tôi hỏi như vậy vì căn cứ vào thẻ hương với bánh kẹo, ít hoa quả trên giỏ xe máy.
- Mày sắp thi cử rồi, còn một tháng nữa là thi đúng không?
- Vâng ạ!
- Khu nhà mình ngoài kia cũng nhiều người có con học lớp 9, ngồi nói chuyện mẹ mới nhớ ra là còn một tháng nữa, mẹ tính về đi xem bói luôn.
- Dạ? Đi... Đi xem bói ạ?
- Ừ, đi xem bói thử xem mày thi có đỗ không. – Mẹ tôi vừa nói vừa cười.
- Ui xời, chỉ là thi tốt nghiệp thôi mà sao mọi người cứ cuống hết lên thế nhỉ, đỗ thì chắc chắn là con đỗ mà, chỉ đứa nào dưới ba mươi điểm hoặc có điểm liệt thì mới trượt thôi.
- Thôi mày cứ đi với mẹ, mẹ đi một mình mẹ sợ.
- Mẹ sợ cái gì? Ban ngày ban mặt mà, ở quê mình thì làm gì có c·ướp?!
- Mày nói nhiều quá! Khép cửa lại rồi mẹ chở mày đi, đi một chốc rồi về học tiếp.
Tôi hơi lưỡng lự nhưng chả mấy khi đi đâu cùng mẹ nên tôi cũng gật đầu, mẹ tôi đi xem bói chắc chỉ có hai nơi thôi, một là xuống dưới làng Nghe, hai là lên làng Trằm, đi xe máy chậm và lòng vòng chỉ chừng mười lăm phút là đến.
- Mày đèo mẹ luôn nhé!
- Sao con làm được?!
- Mẹ thấy mấy đứa ngoài kia bảo là mày đi được xe 82 rồi còn gì?
- Thì xe 82 nó thấp, xe này cao hơn nên khó lái ạ!
- Bố mày cũng bảo là mày biết đi xe máy rồi, chính bố mày dạy còn gì nữa?! Mày đèo mẹ đi!
- Nếu mà ngã thì không phải tại con đâu nhá!
- Thì đi chậm thôi!
Tôi miễn cưỡng lái xe đưa mẹ lên Trằm và chọn đi lối qua chùa, cuối con đường đất nhỏ hai mẹ con phải hì hục nhấc từng bánh xe lên con đường đất lớn hơn, nơi phân chia địa giới hành chính giữa hai xã. Tôi không nhớ mình lúc lớp 9 đã cao từng nào, có lẽ đâu đấy một mét năm mươi hoặc hơn một chút không đáng kể, dù sao bây giờ tôi cũng chỉ có một mét sáu mươi mốt thôi mà, may là tôi chưa bao giờ tự ti về chiều cao khiêm tốn của mình, thậm chí tôi còn hãnh diện bởi vì lấy một cô vợ cao hơn mình. Tôi hơi khác người, tôi nghĩ rằng nếu mình thấp mà lấy vợ cao hơn ra đường chắc chắn người ta sẽ nghĩ mình là đại gia hoặc ít nhất là người tài giỏi, dẫu sao thì mặc ai nghĩ như nào cũng được. Tuy thấp bé nhẹ cân như vậy nhưng trong lần đầu đèo mẹ tôi đi xem bói thì tôi lái xe rất ổn, tuy có hơi căng thẳng và bị mẹ mắng vài lần nhưng ai mà chẳng có lần đầu. Tôi biết đi xe đạp sau chúng bạn nhưng xe máy thì tôi lại biết đi trước chúng nó, điều này cũng đáng để khoe khi ngồi bốc phét với nhau, đầy đứa nhà còn chưa có xe máy nữa cơ.
Thầy bói mà mẹ tôi đến gặp là một ông cụ tầm ngoài bảy mươi tuổi, tóc bạc, lưng hơi còng và vẻ mặt nhìn cũng dễ mến. Mẹ tôi vào trong nhà nói chuyện với ông cụ còn tôi thì ngồi ngoài xe máy ngắm nghía cái xe và ao ước một ngày nào đó mình sẽ thừa kế cái xe này, tôi đã tiếc mãi bởi vì cái xe Dream này là thứ tôi từng ao ước bao năm và rất muốn giữ lại nhưng khi sóng gió ập đến thì không ai nhắc về nó nữa! Tôi cũng chẳng bao giờ hỏi là nó đã bị mất như thế nào, thôi thì mỗi thứ gắn với một mốc thời gian, qua giai đoạn khác sẽ có những thứ phù hợp hơn, không giữ được thì đành động viên chính mình như vậy thôi chứ có cách nào khác nữa đâu.
Tôi không biết mẹ tôi nói chuyện gì ở trong nhà, chắc là trình bày hoàn cảnh, than nghèo kể khổ, tôi ngồi chờ phải đến mười phút, đến khi tôi rời khỏi xe, vừa đứng ngắm nghía mấy cây khế nhỏ mọc trong vườn nhà ông cụ thầy bói không bao lâu thì mẹ tôi ra gọi tôi vào.
- Con ngồi đây để ông xem trước cho.
Mẹ tôi chỉ tôi ngồi xuống trường kỷ đối diện ông cụ, lúc tôi bước vào vẫn thấy trên bàn là một cái đĩa nhỏ màu trắng, có trầu cau và mấy tờ tiền chắc mẹ tôi đã đặt lễ khi nãy, ông cụ thư thái ngồi uống nước chè, khi tôi ngồi xuống trường kỷ, tôi điều chỉnh ánh mắt của mình trở về trạng thái hiền lành nhất có thể, đúng hơn là tỏ ra ngây thơ. Ông cụ nhìn tôi một lúc rồi hỏi thêm bát tự của tôi, riêng có giờ sinh thì mẹ tôi không nói, sau khi có thông tin, ông cụ bảo tôi xòe lòng bàn tay trái ra để ông cụ xem qua, thậm chí ông ấy còn bảo tôi nắm tay lại rồi úp ngửa, chẳng hiểu để làm gì. Sau một hồi quan sát, ông cụ giở một cuốn sổ với cái bìa đã ố vàng, mép cuốn sổ đã quăn sờn và trong đó toàn là Hán tự, thứ chữ mà tôi từ chối hiểu.
- Ông xem thử thằng bé nhà cháu năm nay nó thi tốt nghiệp, liệu có được điểm cao hay không?
- Sự học của anh này còn dài, anh chàng này xem chừng học lâu hơn người ta những mấy năm đấy.
- Học lâu ạ? Ồ, thế thì tốt quá ông ạ!
Mẹ tôi đã vui mừng hơi sớm, "học lâu" và "học cao" là hai định nghĩa khác nhau hoàn toàn, tôi nói chuyện với sư thầy nhiều nên ẩn ý trong câu chữ là tôi hiểu, chính tôi cũng là đứa hay nói lấp lửng cơ mà.
- Cậu này học thì ít, chơi thì nhiều, học chỉ là đối phó thôi...
- Thi tốt nghiệp cháu nó điểm có cao không hở ông?
- Cái này thì tôi chịu, theo sách thì anh chàng này học hành đến đầu đến đũa đấy, chỉ có điều là đường học hành khá gian nan thôi... Nhưng mà thằng này là con lớn của chị có phải không?
- Vâng, đây là cháu lớn.
- Ban nãy chị nói chị có ba đứa, sao tôi xem chừng là phải có bốn tất cả chứ nhỉ?
- Vâng, đúng ông ạ, nhà cháu có một đứa mất lúc còn bé.
Ông cụ thở dài, gấp cuốn sách ấy để sang bên cạnh, rót thêm một chén nước chè để uống, hai mắt nhìn tôi không rời, tôi cũng đoán trước được điều ấy và để ông cụ tự nhiên nên tôi quay đầu nhìn ra cửa sổ bên tay phải một cách lơ đễnh, đuôi mắt tôi vẫn có thể cảm nhận rõ được ánh mắt của ông cụ nhìn tôi ra chiều khó hiểu.
- Tôi nói thật với chị, lần sau chị muốn xem cái gì thì đừng cho thằng bé đi cùng.
Lời ông cụ nói làm mẹ tôi hơi giật mình, tôi đoán như vậy vì giọng của mẹ tôi dường như có chút hoảng hốt.
- Sao thế ông? Thằng bé làm sao ạ?
- Nó thì không làm sao cả, nó đi cùng với chị thì tôi còn lo là không xem được cho chị đàng hoàng, nãy giờ người tôi cứ bồn chồn mãi không yên... Này cháu! – Ông cụ gọi với tôi. – Thi thoảng có thấy gì lạ không?
Tôi lắc đầu mấy cái và đáp lời ông cụ, ông cụ khẽ nhoẻn miệng cười buồn buồn rồi cũng lắc đầu thở dài.
- Thôi để hôm khác tôi xem cho chị, hôm nay không xem được đâu.!
- Ơ... – Mẹ tôi ngơ ngác.
- Hôm nay tôi mệt, chuyện của chị tôi đã nghe và nhớ rồi, hẹn chị khi khác đến, tôi nhất định sẽ xem cho chị đàng hoàng, nhưng đừng có dẫn con cái theo.
Trên đường đưa mẹ tôi về, mẹ tôi ngồi sau cứ lẩm bẩm một mình ra chiều vẫn chưa hiểu chuyện gì đã xảy ra, mãi sau tôi mới nói vào vài câu.
- Học hành thi cử của con mẹ đừng có lo, kiểu gì con cũng đỗ.
- Đỗ thì sức học của mày là mẹ biết, nhưng mày phải thi cho điểm cao vào chứ, để mẹ còn nở mày nở mặt với mấy bà bạn ngoài kia!
- Hơn thua gì điểm số, con học ở quê không bằng được mấy đứa ở Hà Nội đâu mà mẹ so. Mẹ thấy đấy, ở Hà Nội chúng nó đi học tiếng Anh rồi, con đây chữ bẻ đôi chưa biết thì sao mà lại được?!
- Nhưng mà tốt nghiệp thì không thi tiếng Anh, mày mà thi được điểm cao mẹ nhất định sẽ thưởng cho một cái xe đạp mini mới toanh!
- Con thích xe máy, hay mẹ treo thưởng cái xe Cub 50 đi mẹ!
- Thôi, thôi, mày đừng có được đằng chân lân đằng đầu, con nhà người ta xe đạp mới còn chưa có mà đi, mày lại đòi xe máy.
- Thì treo thưởng cũng phải có giá một tí chứ, cái xe mini có mỗi triệu bạc, con thừa tiền mua cần gì mẹ phải treo thưởng?
- Mày... Mày lấy đâu ra tiền, ôi giời ơi, hay là mày...
- Tiền á? Nhiều con không có, ít con bao la. Mẹ thấy con có xin bố mẹ tiền bao giờ đâu?!
- Thôi không nói nhiều, thi cử lần này mày nhất định phải làm bài cho tốt, học cho chăm. Ngày mai mẹ sẽ gửi các thứ về cho mày ăn uống tẩm bổ để học và thi cho tốt, cố gắng lên!
- À, đồ ăn thì được, có cái gì mà cao lương mỹ vị mẹ cứ gửi về, cái gì ở làng có thì mẹ đừng có mua, tí con liệt kê các thứ ở làng có rồi để mẹ biết nhé!
Lúc hai mẹ con tôi về gần đến đoạn mả Mẹ Sư thì tự nhiên mẹ tôi lại đề cập câu chuyện ban nãy.
- Ông thầy bói này hôm nay làm sao ấy... Già rồi trái tính trái nết. Mẹ từ Hà Nội về đây để xem, trình bày xong hết rồi sao mày vào thì ông ấy lại đuổi về nhỉ?
- Làm sao con biết được.
- Bao nhiêu dự định cuối cùng chả hỏi được cái gì, để cuối tuần này mẹ phải bảo bố mày chở về xem mới được.
- Không xem được chỗ này thì xem chỗ khác, ở Hà Nội không có à mà mẹ phải về tận đây xem cho mất công ra.
- Mày thì biết cái gì!
Mẹ tôi không ở lại ăn tối với hai bà cháu, chỉ ngồi đến năm giờ chiều thì mẹ lên đón dì rồi đi luôn, dự định ra bãi tha ma Cầu Khoai của tôi không vì thế mà hủy bỏ, mẹ tôi mới rời khỏi cổng thì tôi cũng vào nhà lấy cuốc với thuổng.
- Mày đi đâu nữa?
- Cháu để sẵn ở đây tí nữa ra Cầu Khoai.
- Đi thì mày đi luôn chứ tí nữa tối mày ra đấy làm cái gì, ngoài đấy là độc lắm đấy nhá!
- Cháu đã có ý định ra mộ ông nội cháu rồi mà hôm nay không làm được thì lòng dạ bồn chồn không yên, cháu ra thắp nén hương là chủ yếu.
Tôi nói vậy thì bà Già không nói gì thêm nữa mà quay xuống bếp bắc nồi cơm, sở dĩ tôi nấn ná ở lại để chờ lấy lá vối mà thôi, có lá vối cho chắc ăn, dĩ nhiên tôi cũng mang theo đồ chơi của mình ở bên người. Sau khi ngắt được lá vối thì tôi cho luôn vào túi áo và đạp xe đi, ra đầu làng mua thêm thẻ hương và hai gói bánh nhỏ, lúc đạp xe ven đường thì tôi nhìn thấy mẹ mình vụt qua rồi dừng lại phía trước.
- Ơ, cái thằng này mày không ở nhà lại vác cuốc đi đâu?
- Con ra mộ ông nội mà.
- Sắp tối tới nơi mày còn ra đấy?
- Con thắp nén hương khấn ông nội phù hộ cho con thi được điểm cao, đúng ý mẹ còn gì nữa?! – Tôi vừa chống chế vừa cười.
- Đi mau rồi về, trẻ con ra đấy buổi đêm là ma nó dắt đi đấy!
- Mẹ đi đi cho sớm, con ra đấy là về ngay mà, giờ này bọn trẻ con chăn trâu mới sắp về, vẫn đầy người, mới có hơn năm rưỡi mẹ đã lo.
Dì tôi ngồi sau cứ nhìn tôi cười, mẹ tôi và dì trông rất giống nhau, giống luôn cả cái tính sợ ma nữa.
Tôi thắp hương trên mộ ông nội trước sau đó ra thắp hương chỗ nấm mộ nhỏ của bà nội Cả, khấn vái xong đâu đấy tôi đi vòng một đoạn ra chỗ cái vũng người ta đã lấy đất làm gạch và cuốc nhiều lần để lấy đất mang lại đắp lên nấm mộ của bà nội Cả, tôi không dám dùng cuốc lấy đất ở rìa bãi bởi vì sợ ở những chỗ ấy sẽ có mộ mất nấm. Hì hục cuốc đất và đắp mộ được khoảng gần ba mươi phút thì trời đã nhọ mặt người nên tôi đành phải dừng lại, dùng cái thuổng và cuốc nện một số cục đất nhỏ ra và xúc đổ xen kẽ vào những thớ đất lớn hơn. Tuy đắp mộ không được bao nhiêu nhưng tôi cảm thấy yên lòng hơn, để hôm khác có thời gian tôi nhất định sẽ tự tay làm cho ngôi mộ này nhìn cũng to hơn chứ không nhỏ và thấp lè tè nữa, thấp như này dễ trâu với bò giẫm lên thì tôi không thích.
Trước khi về nhà, tôi vẫn ghé quán của bà cụ Kh. mua thêm hai chai Coca về uống dần hoặc chán thì tối nay uống hết luôn một lượt cũng không vấn đề gì.
---
***