Chương 212: Bà nội Cả của tôi
Chủ nhật, ngày Hai mươi sáu tháng Tư năm 1998 Dương lịch - tức ngày mùng Một tháng Tư Âm lịch - là ngày mà hàng năm nhất định tôi phải nhớ vì có giỗ bà cô Tổ và bà nội Cả.
Mới sáng bảnh mắt, tôi thức dậy đã thấy bà Già lúi húi dưới bếp để nấu đồ cúng, tôi nhớ thường bà sẽ nấu miến lòng gà, một con gà luộc và đặc biệt, hôm nay bà có nấu thêm cơm nếp với lạc trong cái nồi mười bằng gang. Từ hồi tôi b·ị đ·au bụng trong kỳ thi mấy năm trước thì tôi thích ăn xôi, cơm nếp cho chắc bụng trước mỗi kỳ thi, thói quen này tôi vẫn giữ cho đến sau này khi đi xa, chỉ tiếc là cơm nếp thì không mấy khi được ăn. Mỗi lần nhìn thấy thứ cơm nếp màu nhạt nhạt với những hạt lạc dính lẫn nằm trong một cái bát nhỏ là tôi lại bồi hồi nhớ về những ngày xưa ấy. Thi thoảng trong những dịp giỗ chạp, mẹ vợ tôi cũng có nấu cơm nếp giống như bà Già, lúc mới quen vợ tôi thì tôi còn ngại, thèm nhưng chẳng dám ăn nhiều, đến khi thành con rể thì tôi dẹp hết ngại ngùng sang một bên, cứ cỗ bàn mà có cơm nếp (hoặc xôi như cách gọi của mẹ vợ tôi, một người miền Trung) thì tôi đánh chén luôn hai đĩa, không cần ăn những thứ khác cũng được. Sau này khi biết tôi thích món ăn này thì mỗi lần đồ xôi, nhất định sẽ có một đĩa để phần cho tôi, thậm chí mẹ vợ tôi còn nhắn với vợ tôi rằng có cơm nếp để phần, thể nào tôi cũng sẽ đánh xe qua và chén ngon lành. Món ăn này chẳng phải cao lương mỹ vị, ăn thì cũng nhạt, đôi khi còn có vị đắng hậu nhưng khi cho lên miệng thì giống như tôi đang “ăn” chính thời niên thiếu của mình, một thời mà chỉ có một bà Già và một thằng bé sống chung dưới một mái nhà ở rìa làng.
Bà cô Tổ thì tôi đã gặp rồi, gặp tới mấy lần chứ không phải một, từ hồi trước Tết đến giờ tính ra cũng hơn bốn tháng, sau khi phần mộ được xây lại để khỏi mất nấm thì tôi không còn gặp bà cô Tổ của tôi nữa, bà nội Cả của tôi thì tôi không biết mặt. Bà nội Cả và bà Trẻ là người cùng làng và cùng một họ nội tộc với nhau, mối quan hệ họ hàng rất gần, có lẽ đây cũng như một sợi dây vô hình khiến tôi nhớ đến một người vợ của ông nội tôi. Bà Già kể với tôi rằng bà nội Cả của tôi là một người rất ghê gớm, hồi bà về làm lẽ của ông tôi thì cũng sợ bà nội Cả một phép, ngoài bố tôi, có lẽ chỉ còn tôi mới nhớ chút ít về bà. Bà nội Cả của tôi mất vào buổi trưa ngày mùng Một tháng Tư Âm lịch của bốn mươi mốt năm trước, tức là năm 1957 trong mái nhà tranh đơn sơ, trước khi mất thì bà có bị bệnh một thời gian và bà Già là người chăm sóc, lúc bà mất thì không biết chính xác giờ vì nằm ở trên giường có buông màn, gần trưa bà Già vén màn chui vào để bón cho bà nội Cả ăn ít cháo thì người bà đã lạnh ngắt rồi, từ câu nói này của bà Già thì tôi đoán ít nhất bà nội Cả của tôi đã mất trước đó ít nhất là một giờ đồng hồ.
Tất cả những thứ bà Già chuẩn bị như bát, đũa, miến gà, thịt gà luộc đã chặt nhưng còn hai cái đùi để nguyên, đĩa muối, nửa quả chanh, đồ hàng mã... Trong số đồ hàng mã lần này bà Già mua đến hai con ngựa với mong muốn để hai người, bà nội Cả và bà cô Tổ của tôi, dưới suối vàng có thêm phương tiện đi lại. Lúc tôi ngồi đốt đống hàng mã gần gốc cây bưởi sinh đôi, tôi lại chợt nhớ đến lời của chị Ma nói nên chợt nghĩ.
- “Có khi mấy con ngựa này cũng chả đến tay các cụ, chắc lại phải cậy nhờ quan hệ may ra các cụ nhà mình mới đỡ khổ. Mà tính ra mình cũng dại, cứ mải đi chỗ nọ chỗ kia, đánh bạn với vong hồn mà chẳng mấy khi nhớ đến các bậc gia tiên, tiền tổ nhà mình. Tối nay lại có việc để làm rồi.”
Ngồi nhìn khói bay lên từ cái chậu thau đồng nhỏ cùng những tàn tro, tự nhiên tôi nhớ ra hồi tháng trước Ông Mãnh có hiện về báo là “ông nội và bà nội mày nhắn” đêm đó tôi có nhìn thấy ông nội nhưng còn bà nội là bà nào? Chắc chắn là bà nội Cả của tôi rồi, nhưng mộ ở chỗ nào thì tôi không biết. Tôi không hiểu vì sao mọi người trong gia đình tôi chỉ nhắc đến ngày giỗ chứ không thấy nhắc đến mộ phần.
- “Thôi c·hết rồi, có khi mộ phần ở bãi Cầu Khoai mà mình vô tâm không để ý tới việc này.”
Ngay buổi chiều, tôi đã mua “tăng cường” thêm vàng mã đốt gửi chị Ma, phải tìm cách đi đường tắt để gửi cho các cụ một ít, cả năm mới có một ngày kỵ chứ đâu phải ngày nào cũng có, gửi nhiều thì sợ dưới ấy lạm phát.
Một ngày Chủ Nhật trôi qua trong yên bình, tôi dành thời gian nhâm nhi hai cái đùi gà với bột canh Hải Châu vắt thêm chanh và một tí ớt đỏ cho nó có màu, ăn xong thì ngủ, ngủ dậy thì đi mua vàng mã, đốt vàng mã xong thì lại học bài cho đến bữa cơm tối, bên cạnh chỗ học, cái đài cassette vẫn bật nhưng tôi chẳng biết họ nói cái gì, chỉ là mở để có cảm giác xung quanh có người nói chuyện mà thôi, một thói quen mà tôi cho là kỳ lạ của bản thân mình.
Sau bữa tối, tôi nai nịt gọn gàng như sẵn sàng đi chơi và không quên mang theo những thứ đã dúi vào ụ rơm, bước ra khỏi cổng là tôi cho lá vối lên miệng ngay, lúc này đã hơn bảy giờ và trời tối hẳn. Tôi cảm thấy tự tin hơn khi đi lại vào buổi tối nhưng đồng thời cũng không quên việc phải nhìn trước ngó sau. Dạo này tôi toàn đi bộ, do dáng người thấp bé và vốn là đứa nhanh nhẹn nên tôi bước khá nhanh, mãi thì nó thành một thói quen, sau này tôi mới nhận ra là nếu tôi đi cùng những người khác thì tôi có xu hướng hay bứt lên trước bỏ người đi cùng phía sau một đoạn. Khi tôi ý thức được điều này thì phải điều chỉnh lại, cũng mất một thời gian rất dài nhưng cũng không thể thay đổi triệt để được.
Lúc này thì tôi đang đi qua một cái cây khẳng khiu ở cổng nghĩa địa, thấp thoáng tôi đã thấy bóng mấy tuần binh của làng đang ngồi túm tụm trong cái điếm cũ nằm ven lối đi, thêm chừng mươi bước nữa thì tôi nhận ra mấy tuần binh này đang đánh chén.
- Mới chập tối đã rượu chìa thế này rồi hả các anh ơi!
Tôi lên tiếng trước khi bọn họ cũng đã nhận ra sự xuất hiện của tôi trên lối đi.
- Tối của mày nhưng ngày của bọn tao mà! – Ma Vành đáp lời. – Mày không biết uống rượu thì ngồi ăn mấy thứ khác cho vui.
- Anh trêu em à, đồ của ma là em không ăn được!
- Ừ nhỉ, tiếc cho mày... – Ma Vành vừa nói vừa tung một hạt lạc lên không trung để hạt lạc rơi vào miệng anh ta.
- Hôm qua chị Ngọc Hoa gửi mười nén vàng cho anh chưa?
- Hê hê hê! – Ma Vành cười sảng khoái. – Không có thì lấy đâu ra những thứ này chứ.
- Thế anh đã tìm cách gửi về cho con cháu anh chưa?
- Gửi rồi, tao giữ lại hai nén để bao đám này nhậu nhẹt ngập mặt.
- Biết thế hôm ấy tao cũng đi. – Ma Nẫm tỏ ra tiếc rẻ.
- Anh cứ yên tâm, địch còn nhiều, chỉ sợ không có sức mà chống lại bọn nó thôi.
- Mới chập tối của mày mà mày ra đây làm gì? Tính ra kiểm tra bọn tao hả?
- Không, anh Vành đây tham gia trận đêm hôm kia rồi thì thừa biết cần phải làm gì, tối nay em ra đây có việc khác.
- Việc gì? – Ma Vành hỏi.
Tôi nói với mấy tuần binh ma rằng hôm nay là ngày kỵ của bà cô Tổ và bà nội Cả của tôi, vừa nhậu vừa nghe tôi kể vắn tắt, nghe xong ma Nẫm nói:
- Sắp đến giữa giờ Tuất rồi, mấy ông bà ấy lên bây giờ ấy mà. Ma cỏ bọn tao giờ giấc cũng không cố định gì đâu, tại rảnh quá. Thế mày không biết mặt bà nội Cả nhà mày à?
- Không, em chỉ nghe nói, em mới kể còn gì.
- Nếu gặp ông Xã Thần cai quản ở đây hỏi thì tra ra ngay, bằng không mày đi vào bãi mà hỏi xem, ai hợp mệnh họ chỉ cho mày. Mà mày cứ kè kè cái thanh kiếm kia bên người ghê c·hết mẹ lên được, ma trong bãi có gặp mày cũng són đái, đi nói chuyện kiểu đếch gì?!
- Em quen rồi, tình hình hiện nay đang căng lắm. Kinh Bắc quân nghe nói đêm nay đã rời vị trí đóng quân.
- Bọn tao biết rồi, đêm qua cũng đã nghe thông báo việc này nên mới trực sớm đấy chứ! – Ma Nẫm ngưng việc uống rượu, xoay người ra phía ngoài và thở dài. – Mẹ nó, cứ mỗi trận lại hụt đi cơ số vong hồn, cứ dai dẳng như thế này thì sau này có khi bọn tao cũng thất nghiệp.
- Ý anh là...
- Tan hết thì tuần binh còn việc gì mà làm.
- Anh bi quan quá đấy, anh phải tin vào chính nghĩa sẽ thắng hung tàn chớ!
- Thôi, thôi mày im mẹ đi! Bọn trẻ con mày đi học văn vở thì được dạy như thế, chứ lộn xộn như này, đứng trước làn tên mũi đạn thì chả biết thế đếch nào được. Tao cũng muốn chơi một trận tưng bừng rồi ra sao thì ra, cứ kiểu thấp thỏm thế này còn mệt hơn là đi đánh trận.
- Em học thì được biết các cụ có câu "Nuôi quân ba năm dụng binh một giờ" anh đừng lo, rồi sẽ đến lúc anh thỏa thê, em nghĩ là không còn lâu nữa đâu, lúc ấy đừng có mà than!
- Tao đếch sợ!
- Còn anh ma Vành, quan tri huyện có trọng thưởng gì cho anh không?
- Tao nghe nói sẽ được ghi công trạng, thôi thì ghi lại để con cháu tao hưởng phúc phần cũng là tốt, việc này cũng nhờ mày cả. Sau này mày c·hết ra ở bãi này mà tao vẫn còn làm tuần binh thì nhất định sẽ không quên ơn mày!
- Còn lâu nhá, em đây phúc lớn mạng lớn, già em mới c·hết!
- Lâu với mày chứ bọn tao thì thời gian có nghĩa lý đếch gì, mày vào tìm gặp bà nội Cả mày thì vào đi, sớm rồi về mà nghỉ. Nghe nói mày sắp thi tú tài hả? – Ma Nẫm lại chen ngang và giục tôi.
Tôi chào mấy anh tuần binh ma rồi đi qua cái điếm cũ, rẽ phải đi vào bãi tha ma đầy những ngôi mộ không hàng, không lối. Trông về phía đằng xa, bên trái lác đác đã có những vong hồn hiện lên, tối đầu tháng không trăng và cũng chưa có sao, trời tối đen mà bóng hình của họ sáng trắng, mờ ảo. Tôi nhìn kỹ thêm thì thấy đều là vong hồn lớn tuổi, giữa bãi tha ma đầy âm khí mà tôi không hề cảm thấy một chút sợ hãi, kể ra thì cũng toàn là người làng trước đây có gì mà phải sợ. Tôi đến gần mộ ông nội nhưng không thấy gì, đứng thêm một lúc nhìn xung quanh, tôi chép miệng và bước đến chỗ bụi găng phía Bắc bãi và ngồi phệt xuống bãi cỏ chờ đợi, bản thân tôi cũng đắn đo vì không biết mình đang chờ đợi cái gì, chỉ là cảm thấy trong lòng trống rỗng, chờ đợi gặp một vong hồn, suy cho cùng cũng không có dây mơ rễ má về huyết thống nhưng cũng từng là một người trong gia đình, lúc sống sung túc thì khổ vì không có con cái, đến lúc mất lại ở trong hoàn cảnh nghèo khó.
- “Cuộc đời đúng là không công bằng!” - Tôi tự kết luận như vậy.
Thời gian trôi đi, có lẽ đã qua giữa giờ Tuất, vong hồn hiện lên mỗi lúc một nhiều, một vài vong nhìn tôi với ánh mắt chứa đầy sự ngạc nhiên nhưng họ không nói gì, lát sau tôi còn thấy dường như họ đang tán chuyện, tôi đoán mình là một chủ đề trong số ấy. Ngồi thêm một lúc nữa thì tôi đứng dậy phủi đũng quần, hít vài hơi thật sâu để tự trấn an chính bản thân mình sau đó tôi cất tiếng hỏi:
- Thưa các cụ, các ông, các bà... – Những vong hồn đằng trước mặt tôi mau chóng quay lại nhìn, họ tạm dừng công việc tán gẫu. – Cháu... Hôm hay cháu ra đây vì muốn gặp bà nội của cháu!
Chẳng có âm thanh nào đáp lại lời tôi, chỉ có những ánh mắt lạnh lẽo, vô hồn như chờ đợi tôi nói tiếp.
- Cháu không biết mặt bà nội mình vì bà cháu mất được bốn mươi mốt năm rồi ạ! Bà cháu người họ Đào ở làng này, tên là... H. ạ!
Tôi trình bày như vậy, giọng của tôi, bản thân tôi nghĩ là rất tha thiết, cộng với nét mặt tỏ ra tội nghiệp, gió thổi ngang qua nhè nhẹ từng cơn, tôi mong chờ một âm thanh đáp lại. Những vong hồn lại bắt đầu việc tán gẫu bàn tán, nhưng xem chừng họ đang hỏi về tôi, âm thanh họ nói chuyện với nhau như gió thổi nhẹ bên tai, tôi nghe không được rõ, chỉ biết đứng chờ đợi. Sau một lúc nữa thì tôi nhìn thấy phía sau có một vong hồn chậm chạp đi lên, chính là cụ ông hôm trước đã bị đám âm binh lạ mặt dụ dỗ để hỏi thông tin về tôi.
- Thằng bé này là cháu ông H. ở khu giữa đây mà, mới hôm trước đã gặp.
- Vâng! Chính là cháu. – Tôi xác nhận.
- Mày còn sống mà cứ đêm hôm đi ra đây làm cái gì thế hả cháu?
- Trước thì vì việc làng, tối nay là vì việc riêng cụ ơi!
- Ta nghe rồi, cháu muốn gặp bà nội hả, lần trước nói chuyện với ông nội của cháu thì ta cũng đã biết ngọn ngành. – Vong hồn ông cụ quay sang nói với những vong hồn khác. - Xem chừng thằng bé này cũng to gan lớn mật đấy bà con ạ, nó chính là đứa chịu trách nhiệm chỉ huy mấy ông tuần binh đang ngồi ngoài kia kìa!
Tôi thầm nghĩ trong đầu bây giờ không phải là lúc giới thiệu mấy điều này, đứng nhìn những vong hồn cứ nhìn chằm chằm vào mình bàn tán mà không lạnh gáy mới là lạ, tôi khịt khịt mũi định hỏi thì ông cụ có cái lưng còng, tay chống gậy lại nói tiếp:
- Ta biết mộ phần của bà nội cháu, đi theo ta, ta chỉ cho!
- Vâ... Vâng! Cháu... Cháu cảm ơn cụ ạ!
Ông cụ lưng còng chống gậy đi về phía bên tay phải tôi, tôi đoán chừng vong hồn ông cụ này sẽ đi về rìa bãi ở hướng Nam, tôi vội cúi đầu xem như chào tạm biệt những vong hồn trước mặt và đi dọc theo những bụi găng, trong lòng cũng hồi hộp thấy rõ. Độ chừng hơn nửa phút sau thì vong hồn của ông cụ dừng lại trước một ngôi mộ đất nhỏ, nhìn như một cái nấm và dùng cái gậy gõ gõ vào bên cạnh ngôi mộ.
- Này, dậy đi, có thằng cháu đích tôn nó ra thăm đấy!
Cảm giác của tôi lúc này là rất khó tả, một chút bồn chồn, lóng ngóng và cảm thấy không tự tin, tim đập nhanh hơn... Cho đến giây phút khi một vong hồn phụ nữ xuất hiện bên ngôi mộ thì tôi cảm thấy miệng mình khô khốc, nước bọt cũng chẳng còn để mà nuốt. Trước mặt tôi lúc này là một người phụ nữ chưa đầy bốn mươi tuổi, đầu vấn khăn bận áo nâu sòng và váy đụp, tôi đứng nhìn trân trân không chớp mắt.
- Ta đi để hai bà cháu nói chuyện cho thoải mái nhé!
Nói đoạn thì ông cụ lưng còng tự chống gậy rời đi, bên tai tôi vẫn nghe tiếng gió thổi, đứng một hồi lâu nhưng tôi không biết nên bắt đầu việc này như thế nào cho phải đạo. Vong hồn người phụ nữ trước mặt tôi lúc này chính là bà nội Cả mà lần đầu tiên tôi được nhìn thấy. Ánh mắt của bà nhìn tôi đăm đăm, tôi chờ đợi một câu hỏi hoặc bất kỳ câu mở chuyện nào đó, tôi cảm thấy thật bối rối. Thời gian trôi đi chừng vài phút trong im lặng, sau cùng thì tôi cũng đã lấy được bình tĩnh, tôi quyết định mình nên nói gì đó trước để phá vỡ bầu không khí lạnh lẽo này:
- Thưa... Thưa bà nội! Cháu... Hôm nay... Hôm nay cháu ra đây thăm bà ạ!
- Cuối cùng... Cuối cùng thì ta cũng được thăm...
Miệng của vong hồn bà nội Cả mấp máy và âm thanh vọng đến bên tai tôi, tôi thừa hiểu câu này có ý nghĩa là gì.
- Thưa bà, là do lỗi của cháu, cháu ra đây nhiều lần nhưng... – Tôi ngập ngừng. – Nhưng cháu lại không biết bà ở đây, cháu xin lỗi bà, bà tha lỗi cho cháu với ạ!
- Ta không giận, nói cho cùng thì tao và mày không có máu mủ, tao ở đây về hưởng hơn hai mươi cái giỗ thì mày mới có mặt.
- Thưa bà, bà đừng nói thế ạ! Hôm nay ngày giỗ của bà nên cháu chợt nhớ ra rằng mình đã nhiều lần ra đây mà không đến chào bà là sai, cháu mong bà tha lỗi cho cháu. Bà Già cháu thi thoảng vẫn hay kể về bà, bố cháu cũng thế ạ!
Vong hồn bà nội Cả của tôi im lặng không đáp lời, tôi nhân cơ hội nói tiếp.
- Cái này là lỗi của cháu, cháu mong bà tha lỗi cho, từ nay về sau cháu nhất định sẽ không quên, cháu nhất định sẽ hương khói thường xuyên ạ. Cháu còn ít tuổi nên chưa biết nhiều, cháu mong bà bỏ qua cho...
- Mày không phải là đứa không biết gì, nhưng thôi, mày vẫn có lòng nhớ đến tao là cũng được rồi, tao không trách cứ!
- Cháu cảm ơn bà ạ. Cháu... Cháu...
- Mày là thằng bé ngoan, tao vẫn dõi theo mày nhưng không gặp được vì mày chưa nhớ đến tao, nay mày có lòng như vậy là tao mãn nguyện rồi, nếu có dịp tao sẽ phù hộ cho mày, nhưng mày đừng có để bát hương của tao lạnh nghe chưa?
- Bà... Bà yên tâm ạ! Cháu đã không biết thì thôi nhưng nay cháu đã biết thì cháu nhất định sẽ chú tâm hương khói, nếu sau này bà có nguyện vọng hay yêu cầu gì mà cứ bảo cháu. Bà... Bà có đặc biệt thích ăn gì không để cháu mua?
- Mày có lòng như vậy là tao vui rồi, bà Già mày có vẻ đã nuôi dạy mày tốt đấy!
- Bà có dạy cháu phải biết nhớ tới những n·gười đ·ã k·huất trong gia đình, bà cháu vẫn chú tâm hương khói mỗi ngày nên cháu cũng ít nhiều học được ạ. Hôm nay... Hôm nay bà Già có gửi cho bà một con ngựa, không biết bà đã nhận được chưa ạ?
- Phí tiền ra, tao có biết cưỡi ngựa đâu mà bày vẽ, gửi quần áo mới và tiền như thế là đủ rồi, bà ấy làm lẽ mà bao năm nay chưa bao giờ quên cúng giỗ tao như thế là tao còn phải cảm ơn không hết...
- Đêm nay hay đêm mai nhất định bà sẽ nhận thêm những thứ khác, cháu có gửi thêm để bà chi dùng vào những việc cần. Mộ phần ở đây bà có muốn cháu xây lên cho khang trang không ạ?
- Mộ à? Mày đắp đất thêm cho ấm mồ là được, khỏi xây cất làm gì cho mất công ra, mộ ông mày còn chưa xây thì tao không xây.
- Vâng, vâng! Bố cháu cũng muốn xây cất mộ của ông nội nhưng công việc còn bề bộn nên chưa sắp xếp được, cháu mong bà bỏ quá cho ạ!
- Bố mày cũng muốn xây rồi đấy, chẳng qua chưa được phép, chưa đến lúc.
- Ta... tại sao ạ? Chưa... chưa được năm, được tuổi hả bà?
- Tao không nói được, cái gì đến tự khắc nó đến, tao cũng chỉ là vong hồn thấp cổ bé họng mà thôi, không có tiếng nói trong gia đình.
- Sao lại thế được, bà là bà lớn mà?
- Đến ông mày muốn còn chẳng được thì tao đã là gì, thôi, việc đâu còn có đó, mày về đi không muộn. Đêm hôm lạnh lẽo ở ngoài này mãi không tốt đâu!
Nói dứt lời bà nội Cả xoay lưng và bóng hình ngay lập tức biến mất, tôi đứng ngẩn ngơ một hồi lâu vì nhiều câu bà nội Cả nói tôi không hiểu.
Tôi quay trở ra, lững thững đi qua những ngôi mộ, chào những ma tuần binh đã bắt đầu tập luyện cho vong hồn trong bãi, tôi có liếc mắt kiếm tìm nhưng không nhìn thấy vong hồn ông nội tôi hay Ông Mãnh nên đành ra về.
Đường khuya gió lạnh và tối tăm, trên cả đoạn đường về thì trong đầu tôi đang có một đống thắc mắc không biết nên hỏi ai.
---
***