Chương 20: Cây xà cừ quỷ ám
Làng tôi hầu như ngày nào cũng có người từ Hà Nội về hoặc ngược lại, phần vì khoảng cách không xa, chỉ chừng hơn ba mươi ki – lô - mét là tới Hồ Gươm, phần vì nếu tính chung trong cả làng thì có thể nói tuần nào cũng có hai, ba đám giỗ lớn nhỏ nên việc bà Già tìm người gửi tôi ra Hà Nội không có gì khó khăn vì là người làng thì việc giúp nhau là rất bình thường.
Tôi đi vào trưa ngày thứ Bảy, ngày hôm sau đã là ngày rằm tháng Chạp, tôi ngồi phía sau xe của bác Ph. người cùng làng chở đi, trên đường bác cũng chỉ dăm ba câu chuyện hỏi việc học hành của tôi là chính, còn tôi thì hỏi lại vài việc khác. Lần trước về quê cùng bố mẹ tôi cũng đi xe máy, ngồi trên bình xăng xe quan sát được nhiều nhưng khi ấy tôi không nghĩ mình sẽ về quê sống nên không quan tâm nhiều, điều tôi quan tâm là khi nào đến nơi mà thôi. Nhưng bây giờ, tôi biết mình sẽ phải sống ở quê rất lâu, cuộc sống buồn tẻ, hơn ba tháng qua tôi cũng tạm hòa nhập được với cuộc sống và những sự thay đổi về cách sống hay nói năng, vậy nhưng vào mỗi chiều khi chạng vạng, giờ gà lên chuồng là khoảng thời gian tôi cảm thấy sợ vì đó là lúc buồn nhất trong ngày. Cảm giác cô đơn và lạc lõng, tôi hay ngồi ở bậc thềm nhà nhớ bữa cơm gia đình mình có đầy đủ mọi người quây quần mấy tháng trước. Tôi cũng biết ở làng này rất nhiều đứa trẻ phải xa bố mẹ như tôi, liệu chúng nó có suy nghĩ giống như mình hay không? Tôi đã không gặp bố mẹ mấy tháng, tôi rất nhớ nhưng tôi không thể hiện ra điều ấy, tôi không muốn ai phải bận tâm về mình. Có thể là, người lớn nghĩ đám trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi như bọn tôi ít khi có những suy nghĩ buồn bã như vậy. Sau này, mặc dù tôi đã cố gắng hết sức nhưng chưa bao giờ gia đình tôi có mặt đầy đủ thành viên để ăn những bữa cơm bình thường như bao gia đình khác, luôn thiếu một người hoặc chỉ có hai người, tôi luôn luôn phải lựa chọn mà lựa chọn nào cũng không khiến tôi có niềm vui trọn vẹn.
- Chùa này là chùa gì thế bác?
- À, đây là chùa Dâu.
- Đây là chùa nào thế bác?
- Cái này là chùa Keo.
- Đường này mà rẽ thì đi đến đâu ạ?
- Đường này đi Hưng Yên đấy!
Chùa Dâu rất nổi tiếng, nổi tiếng hơn từ lúc vô tình người ta tìm thấy xương cốt của nhà sư được táng ở bảo tháp nhỏ sau vườn chùa, tôi không nhớ rõ việc ấy cho lắm, tôi nhớ tới chùa Dâu khi nó còn hoang sơ khác với bây giờ, và vì tôi cũng đã có cơ hội dẫn người tôi yêu đến đó để cho cô ấy thấy được lịch sử của vùng đất nơi tôi ở. Những bức hình chụp tôi đã không có cơ hội rửa thành ảnh do máy ảnh bị mất một cách bí ẩn sau khi tôi chụp vài tấm ở một di tích gần đó, thành cổ Luy Lâu, tôi đã vô tình chụp thấy thứ người khác không nên thấy.
Tôi đã hỏi rất nhiều và hỏi là vì tôi có mục đích riêng của mình, tôi chọn những nơi tôi hỏi để làm cột mốc, những đoạn rẽ tôi ghi nhớ những thứ cố định như ngôi nhà ba tầng màu xanh, cái cây xăng nằm ở ngã ba có hướng đi Hưng Yên hay cuối đường số 5 rẽ trái sẽ là cái cầu Chui bằng sắt màu lông chuột trông cũ cũ, hay tòa tròn tròn có ô cửa chấn song sắt nhỏ kia là bốt Hàng Đậu, rồi ngang qua Lăng Bác, rồi Ô Chợ Dừa và điểm cuối cùng là cây xăng Nam Đồng. Tôi đã ghi nhớ tất cả để một ngày nào đó nếu muốn tôi sẽ tự đi mà không cần nhờ đến ai giúp đỡ.
Tôi gặp lại bố mẹ, không có cảnh òa khóc hay lao vào ôm nhau, xoa đầu xoa trán thể hiện sự nhớ thương do hơn ba tháng xa cách, tôi chào bố mẹ rồi gặp các em của mình, tôi bỗng cảm thấy chút khó chịu thoáng qua vì tôi lại phải tự ra thăm mới được gặp, đúng ra bố mẹ nên về quê thăm tôi lấy một lần xem tôi học hành ra sao mới phải.
Bác Ph. ngồi lại uống nước chè cùng bố, em trai tôi mau chóng dẫn tôi đi xung quanh giới thiệu những thứ nó biết, Hà Nội là một cái gì đó rất vĩ đại đối với tôi, tôi từng nghe nói sống ở Hà Nội da sẽ trắng hơn, người sẽ đẹp hơn, lịch sự hơn. Tôi tin điều này, cứ nhìn em tôi là biết, mới có mấy tháng mà nó khác hẳn, trắng trẻo, đẹp trai và tỏ ra rất sành sỏi giới thiệu cho tôi về những thứ lần đầu tôi được thấy rõ trong đời. Tôi được nghe nó kể về món sữa chua để trong cái cốc thủy tinh nhỏ rất ngon hay loại xôi màu xanh nhạt nhạt có đậu xanh, hành phi và dầu ăn tưới lên. Nó cũng chỉ cho tôi quán bán chè Thái Lan ngay giữa chợ Nam Đồng, cái món chè có thứ nước cốt dừa ngọt ngọt và béo ngậy. Tôi tin rằng, nếu bạn là 8x từng sống ở đất Hà Nội chắc chắn đã từng nghe qua hoặc đã từng đến ăn thời sinh viên, nếu bạn đã từng ghé quán đó, chắc chắn chúng ta đã gặp nhau, có lẽ không vui vẻ mấy, dù không phải lỗi của tôi nhưng tôi xin lỗi nếu đã khiến bạn phiền lòng.
Thứ tôi yêu thích luôn là ô tô và xe máy, việc yêu thích và sở hữu được là khác nhau rất nhiều. Tôi đứng sát tủ kính cửa hàng bán đồ chơi và nhìn những chiếc xe ô tô đủ loại, nhỏ xíu được làm bằng sắt, giá như tôi có hết đống này mang về quê, tôi nhất định sẽ dành thời gian để xây dựng một thành phố bằng đất, xi măng rồi để chúng vào đó, cảm giác mình là người khổng lồ quyền năng đứng nhìn thành phố dưới chân chắc chắn là thú vị vô cùng! Một nghìn rưỡi cho một cái xe nhỏ có hai đầu, những xe to hơn như kiểu xe tải thì đắt hơn, Một nghìn rưỡi thì tôi có nhưng tiền này để đi mua xe đạp, việc nào ra việc đó, thậm chí còn chưa biết có đủ để mua xe hay không, đám bạn tôi bảo phải có ít nhất Một trăm nghìn đồng mới có cái xe cũ tạm tạm.
Bữa cơm tối hôm ấy thiếu một người nhưng tôi bận trả lời các câu hỏi của bố mẹ, của bà về cuộc sống ở quê, về chuyện học hành và chuyện vì sao tôi muốn mua xe đạp, xe trông như thế nào, màu gì... cho đến sau cùng tôi mới bỏ tiền của mình ra, mọi người khá ngạc nhiên.
- Tiền ở đâu ra mà toàn tiền lẻ thế này?
- Tiền con đã kiếm được!
Tôi nói một cách đầy tự hào, đúng, tiền này tôi tự kiếm ra bằng mồ hôi của mình đàng hoàng.
- Ô! Giỏi, con kiếm ở đâu ra?
- Con đi bán bánh con tự làm ra đấy, mọi người không biết cái bánh đấy đâu nhưng gọi là bánh đa cũng được.
Tôi kể lại chuyện của mình và hứa Tết này sẽ làm loại bánh đó cho mọi người ăn thử.
- Nếu ngon bà Trẻ làm bán ngoài chợ, cháu thấy ở đây toàn người nhiều tiền nhất định sẽ bán đắt hàng!
Bà Trẻ cười, đôi mắt díp hết cả lại.
- Cha bố mày, học thì lo học chứ tí tuổi đầu đã lo kiếm tiền làm gì.
- Tiền này cháu mang ra đây để mua xe đạp.
- Mua xe đạp thì tiền này làm sao đủ được?!
Mẹ tôi cũng cười.
- Con thích cái xe mini màu xanh, loại bánh nhỏ nhỏ, ở trường con bọn bạn con nói xe đó rất xịn, chưa đứa nào có. Không có loại đấy thì loại khác cũng được nhưng là màu xanh.
- Mấy cái xe mini bánh nhỏ thì mua xe cũ sẽ đủ tiền đấy, bố thấy mày thấp bé đi loại đấy cũng được, cao lên thêm thì bố sẽ mua cho xe khác.
- Vâng. Vậy khi nào thì đi hả bố ?
- Sáng mai bố đưa đi.
Tôi đã nghĩ cả nhà sẽ ngạc nhiên khi tôi có nhiều tiền từ việc buôn bán nhưng tôi cảm thấy mọi thứ bình thường, chắc mọi người đã biết cả rồi.
Tôi đã không biết được rằng bố mẹ tôi đã cực kỳ ngạc nhiên khi hay chuyện tôi đi bán kẹo kéo rồi bán thứ kẹo kéo biến thể ấy cho đám trẻ con, mẹ tôi lúc nghe tin đã khóc. Một cô họ xa ở làng đến nhà tôi chơi trong câu chuyện cô thắc mắc việc con cô ấy kể lại việc mua cái bánh đa phết kẹo của thằng N. Còi con bác K. cháu ông H.
- Anh chị xem thế nào chứ, người làng không hiểu lại điều ra tiếng vào là anh chị không lo chu toàn cho hai bà cháu ở nhà.
Mẹ tôi khóc mãi vì thương con, nói với bố tôi về quê xem tại sao nó lại như thế. Bố tôi không về mà ra bưu điện gọi về xã, nơi bác tôi làm việc hỏi thăm sự tình, bác tôi dĩ nhiên là biết rõ, bác ấy là bố chị Hiền cơ mà. Đến khi người làng nhắn là cuối tuần tôi ra Hà Nội mua xe đạp thì mẹ tôi nghe mà khóc rồi lại cười.
Nói thật với các bạn lúc này tôi viết mà nước mắt rơi, bao nhiêu năm không được sống trọn vẹn trong vòng tay bố mẹ đã khiến giữa bố mẹ và tôi có một khoảng cách vô hình, tôi và mẹ lại luôn khắc khẩu và tôi thì luôn làm theo ý của mình. Bản chất là một người sống tình cảm nhưng dòng đời bắt tôi phải trở nên cứng rắn, giấu đi sự yếu đuối trong lòng, mãi đến một ngày vào sau này khi tôi đã trưởng thành mẹ tôi gọi điện và nói:
- Nếu được, con thu xếp vào ở với bố mẹ một thời gian để mẹ con gần gũi, chứ con lấy vợ xong thì không còn nhiều điều kiện.
Tôi vẫn nhớ câu nói ấy và vì cảm nhận rõ mong muốn của mẹ cùng với một lý do khác nên tôi đã quyết định từ bỏ mọi thứ, từ sự nghiệp, bạn bè, thậm chí cả bà Già... để rời đi bắt đầu lại từ con số 0. Tôi không bao giờ ân hận vì quyết định ấy bởi cuộc đời là sự tiếp nối của những lựa chọn, luôn có những ngã rẽ, bắt buộc phải thay đổi và chấp nhận, không bao giờ có sự hoàn hảo, vì không có nên mọi người mới kiếm tìm nó đó thôi.
Chuyện mẹ tôi khóc, trên đường chở tôi đi mua xe đạp ngày hôm sau chính bố đã kể, còn tôi ngồi phía sau im lặng.
Buổi tối đầu tiên tôi ở cùng bố mẹ tại Hà Nội, tôi tính trưa hôm sau phải về vì sợ bà ở một mình buồn, mặc dù nếu muốn tôi có thể ở lại thêm một hôm nữa, nghỉ học một hôm cũng không có gì to tát cả. Sau bữa cơm, em trai tôi rủ đi chơi, địa điểm là cái chợ Nam Đồng, buổi tối đèn cao áp sáng choang và trẻ con rất đông, chúng nó tụ tập ở ngay sân cái hội trường đối diện chợ. Chợ vào buổi tối đã dọn dẹp về hết, các cửa hàng ban ngày bày bán đủ thứ lúc chiều bây giờ tối om, rất thích hợp để chơi trốn tìm.
Đã chơi trốn tìm từ miền núi xuống đồng bằng thì việc trốn dưới những cái bàn hay nấp bên khe cửa tôi thấy không hứng thú, tôi nghĩ nếu tôi chơi mà phải làm ma thì tìm bọn này còn dễ như chơi với bọn lớp 1. Ở quê, khi trốn thì chúng tôi chui vào đống rơm, leo lên cây bưởi, nấp sau bụi tre... đứa nào phải làm ma đi tìm thì thật sự đen đủi bởi có lần chúng nó nấp trong đống rơm ngủ quên luôn, chịu thua vẫn không thấy mặt, có đứa chơi ác hơn chạy hẳn về nhà uống nước chán rồi mới ra. Đấy mới gọi là trốn tìm phiên bản gốc.
Bọn nó chơi còn tôi cũng tận dụng thăm thú xem có gì hay, hồi chuyển nhà có ở lại mấy đêm tại Hà Nội nhưng bên khu Trung Tự chán ốm, mương nước toàn muỗi kêu vo ve và tối om chả có gì hay, có mỗi cái thủy đài ngắm mãi cũng chán. Tôi ngồi trên lan can, phía trước mặt sau cái chợ là một khu tập thể cao tầng, nhà nào cũng sáng đèn, bỗng nhiên tôi muốn đi đến xem thử, từ nhỏ cũng thấy nhà cao tầng trên tivi đen trắng, thấy nhiều bên khu Trung Tự nhưng chưa có cơ hội đến gần xem cái nhà cao tầng lại nhiều người ở thực tế nó ra sao.
Chếch phía trái bên kia đường là lối dẫn vào khu tập thể, lối đi bề ngang rộng, vừa đủ cái xe tải nhưng mái hiên các hàng quán chìa ra nên ít ánh sáng, phía bên tay trái là trạm bơm nước trải dài đến sát khu nhà, còn phía tay phải ngay đầu lối đi là hai quán chè Thái Lan nổi tiếng giới học sinh - sinh viên những năm 2000, kế đến là một căn nhà có ghi “Hợp tác xã thương mại và dịch vụ Nam Đồng” rồi tới căn nhà nhỏ của chị gái nhạc sĩ Trần Lập mà sau này tôi được gặp rất nhiều lần khi anh ấy chưa nổi tiếng, tiếp theo đó là một khu nhà cấp bốn với bề ngang dài khoảng mười lăm mét. Bước đến cuối lối đi chính là khu nhà tập thể A2 có cái biển vuông nền xanh chữ trắng gắn trên nền tường ngả vàng, rẽ trái là cụt đường rẽ phải sẽ sang khu A1.
Hai mươi mốt giờ, cổng dẫn vào khu nhà đã đóng, tôi ngó nhìn vào như một thằng trộm vặt rồi quay ra đứng giữa ngã ba nhỏ ấy, ngẩng đầu ao ước lên được nóc của khu nhà này nhìn ngắm, hẳn sẽ tuyệt vời vì nó cao, bốn tầng tính ra cũng phải gần hai mươi mét chứ ít gì.
Ngắm nghía một hồi tôi định quay trở ra thì trong ánh sáng mờ ảo do đèn phía ngoài đường hắt vào bức tường khu tập thể A2, tôi thấy hai bóng người đang đứng thì thầm bên gốc cây xà cừ thân to phải ba người ôm mới xuể, ngọn cao tít tắp nằm ngay đầu hồi trạm bơm nước bên tay phải tôi lúc này, tôi hơi khựng người lại và nuốt nước bọt đánh "ực" một cái, rõ ràng tôi thấy hai người phụ nữ mặc áo trắng dài tay có hoa, quần tối màu.
Trực giác mách bảo tôi rằng sắp có chuyện không hay, hít sâu một hơi rồi thở nhẹ ra, tôi bước thẳng về phía trước vờ như không thấy. Nhưng tai tôi thì vẫn nghe thấy khi đi ngang.
- Mẹ nói lại, mày phải biết chờ đợi!
- Thì con vẫn chờ, nhưng nó mới mời sáu thì biết đến bao giờ.
- Mày chờ hai mấy năm thì thêm vài năm cũng được, mày tưởng tìm thằng muốn thắt cổ mà dễ à!
Bất giác tôi gai hết cả người, dừng bước, quay sang nhìn hai cái bóng người đang đứng cách tôi chừng ba mét, họ cũng đã phát hiện ra sự lạ là tôi đang đứng nhìn họ
- Mẹ, thằng bé nó nhìn thấy mình!
- Sao?
- Có khi nào nó nghe hết chuyện của mẹ con mình?
- Thằng này lớ rớ ở đây từ nãy, hay có ai bảo nó tới?
- Làm sao bây giờ mẹ?
- Bịt mắt nó dẫn vào bể nước, tội đâu tao chịu, nó đã nghe hết thì mày sẽ không còn cơ hội.
Một luồng khí lạnh tràn tới phía tôi, tôi đứng c·hết lặng, hơi thở gấp gáp. Hai bóng người tiến tới, tôi đã nhìn rõ hơn khuôn mặt của họ, người con gái mặt tròn tóc thắt đuôi sam hai bên, có một cái kẹp tóc trên đầu, khuôn mặt bình thường không đẹp chả xấu, tôi sợ quá không đủ thời gian để nhớ hết. Bà mẹ kia đầu đội mũ vải mềm màu tối, nhìn rất giống cái mũ trên các tranh vẽ cổ động tôi từng thấy.
Tôi chắc chắn rồi, đây là hai bóng ma!
Trong giây phút sinh tử, tôi chỉ biết chờ đợi hai bóng ma tiến đến dẫn tôi đi, nó nói bể nước vậy là sẽ dìm c·hết tôi ư?
Điều kì lạ xảy ra, khi người con gái vươn tay chụp vào người tôi thì chị ta tự nhiên la lên.
- Á, đau!
- Làm sao?
- Thằng này có bảo hộ!
- Á à! Ranh con, đúng là có người sai mày tới đây nghe trộm.
Tôi hoang mang, cái gì mà bảo hộ, cái gì mà ai sai tới? Chị Ma tôi từng gặp bảo là không đi xa khỏi tỉnh tôi ở được thì ai giúp tôi chứ? Tôi cảm nhận thấy lưng áo mình ướt đẫm, mồ hôi túa ra như tắm, phải nghĩ cách thoát nhanh không thì c·hết.
- "Ừ, đúng rồi! Nước tiểu vạn năng của tôi!"
Nhưng... tôi...sao tôi không mót tiểu? Số mình phải c·hết à?
- Phải mau bắt nó, đau cũng bắt, nó không c·hết mình sẽ c·hết.
- "Ma mà cũng c·hết ư?" - Tôi nghe thấy bọn họ nói vậy thì rất ngạc nhiên.
Hai mẹ con nhà ấy nhào tới một lượt, tôi đành nhắm mắt buông tay, nhưng đúng lúc ấy có tiếng thét từ xa vọng đến.
- Dừng tay lại!
Một bóng người khác xuất hiện, là một người đàn ông kỳ dị.
---
***