Chương 19: Thằng N. bánh đa
Những đứa bằng tuổi nhưng chỉ học lớp 4, đám trẻ này kể ra số lượng cũng đông đủ để mở cái lớp bốn ở làng, những đứa lớp dưới cũng đều đủ để mở lớp học, sĩ số khác nhau nhưng loanh quanh bốn mươi đứa mỗi lớp, thông tin này chỉ hỏi hai đứa là tôi có đủ.
Bà Già vót cho tôi một ít que làm từ tre còn kẹo tôi chỉ lấy khoảng một nửa rồi cho vào cái nồi nhôm nhỏ mà bà hay dùng để kho thịt cá, nhọ nồi đen sì bao quanh, tôi cũng rửa rất kĩ nhưng nó vẫn là một cái nồi nhôm nhìn bên ngoài không phải màu trắng, tôi rửa không sạch, nhưng quan trọng là bên trong sạch là được. Bà Già khi biết tôi đi mua kẹo về để mang bán cho đám trẻ ranh trong làng thì chả nói gì, bà chỉ giúp tôi những thứ tôi không làm được, thật ra lúc ấy những thứ tôi không làm được là khá nhiều, tôi chỉ ăn - ngủ - học và mơ mộng linh tinh, chơi một số trò chơi đậm chất kiên nhẫn.
Tôi biết mình nhỏ con, sức lực có hạn nên hiếm khi chơi mấy trò như chọi đầu gối, chia phe đánh nhau, nếu bắt buộc phải tham gia tôi sẽ luôn xung phong lên phía trước, không phải tôi gan dạ gì đâu, xung phong lên c·hết trước thì ra ngoài ngồi, đằng nào mình cũng không thể có cơ hội khi chơi như này. Tôi không phải đứa nhát gan có tiếng trong đám trẻ nhưng rồi tôi trở thành nhân vật tặng thêm cho phe nào cảm thấy yếu hơn, thường thì tôi chọn phe thằng L. vì là hàng xóm trong khu, vẫn quan tâm đến nhau hơn.
Tôi hay trêu đàn kiến hoặc g·iết từng con kiến ở ngoài khoảng sân trước nhà, khi đàn kiến bò theo hàng lối, tôi hay dùng que hoặc ngón tay của mình để cắt ngang đường đi của chúng rồi nhìn chúng nháo nhác tìm nhau, hoặc tôi sẽ đốt một cây hương rồi dùng cây hương đó châm c·hết từng con một. Kiến c·hết đủ nhiều, tôi tưởng tượng một đoàn quân trên chiến trường đã hy sinh anh dũng trên đường đi tìm thức ăn, sở dĩ tôi không thích kiến vì nó hay chui vào lọ đường hay bánh rán... khiến tôi không dám ăn, tôi đặc biệt n·hạy c·ảm với kiến. Khi lớn lên có đôi lúc tôi còn thấy một con kiến nhỏ lẫn trong bát canh lớn đầy rau, tôi nhìn thấy ngay giống như mắt tôi như gắn kính lúp phóng to một trăm lần vậy.
Nhưng lần tôi g·iết kiến nhiều nhất không phải lúc nhỏ, sau này có một lần được người ta hái chôm chôm trên cây tặng về làm quà, trời nhá nhem lại không từ chối tấm lòng được nên nhận, chạy xe cả đêm mấy trăm km về tới nhà, đến buổi chiều thức dậy tôi thấy quá nhiều kiến bò thành hàng lối trên xe, trong khe cửa, dưới tấm lót... một xe kiến. Hóa ra chôm chôm có kiến, tôi đã chở chúng nó hơn ba trăm li – lô - mét về nhà, may nó không cắn tôi, chúng nó còn dám rủ cả đám kiến tại gia nhập hội ăn chôm chôm rồi bò khắp chốn. May nhà anh hàng xóm đối diện tôi bán chim cảnh nên tôi biết có một loạt bột bán để bảo vệ chim, kiến không bò vào được, tôi mua về trộn lẫn với đường trắng, rồi lấy băng dính dán quanh xe, tạo ra một cái rãnh rất nhỏ để rải hỗn hợp c·hất đ·ộc lên đó, qua sáng hôm sau dưới nền nhà kiến c·hết đông đen. Sau đận đó, nhà tôi ít kiến hẳn, chắc do thủ đoạn độc ác của tôi đã làm chúng nó sợ hãi.
Ngoài thú vui g·iết kiến làm tiêu khiển, tôi cũng g·iết chuột nhưng ít bắt được, nếu bắt được chuột tôi sẽ dùng dây nilon buộc cổ nó lại, lấy dầu hôi từ cái đèn đổ lên rồi đốt cho nó chạy khắp sân, nó c·hết thì vứt tõm xuống ao là xong, dạo ấy bà tôi có mua một con chó nhỏ lông màu vàng về nuôi, lưỡi nó có đốm nên tôi gọi là con Đốm, con Đốm cũng tham gia chơi trò h·ành h·ạ chuột cùng tôi bằng cách sủa vang và đuổi theo khắp sân.
Trò chơi mà tôi cho là trí tuệ nhất chính là làm pháo hoa. Làm pháo hoa không khó, tôi lấy rất nhiều đất sét ở ngoài cánh đồng về, lấy giấy cũ hoặc đôi khi là giấy mới xé ra từ quyển vở, còn than củi thì đi xin hoặc lấy trong bếp, nhất định phải là than củi xoan. Than củi xoan ấy tôi cho vào cối giã của bà rồi dùng chày giã cho nó vụn, vụn nhỏ nhất có thể, vụn như cát càng hay. Cuối cùng dùng giấy đã xé to bằng lòng bàn tay bọc than củi vào rồi lấy đất sét chụp lên, mang đi phơi khô để dành chơi mỗi tối.
Tất cả những trò ấy, bà Già đều thấy nhưng không bao giờ la mắng, kể cả việc tôi dùng cối giã cua để giã than củi, dù sao thấy đứa cháu chơi trong tầm mắt mình và không phá làng phá xóm là được.
Tôi bê cái nồi nhôm nho nhỏ ấy ra đầu làng và mời đám trẻ con mua vào một buổi chiều, tôi có những khách hàng đầu tiên của mình, tôi đã bán hết, dù sao cũng chỉ Hai trăm đồng một que kẹo kéo to đùng, ngọt lịm. Về đến nhà tôi đếm tiền mới thấy chỉ được chưa tới Bốn nghìn đồng, nhìn phần kẹo còn lại tôi thấy có vấn đề, có bán hết chắc không đủ Mười lăm nghìn đồng tiền vốn.
Cả đêm tôi suy nghĩ trằn trọc mãi không biết nên làm như thế nào, và vì không có cách nào nên phải tiếp tục bán hết đống kẹo, kết quả tôi lỗ mất Hai nghìn bảy trăm đồng, nghĩ lại vẫn thấy tức, mất bao công sức rồi lại mất thêm cả tiền. (khi lớn lên tôi mới biết con bé láu cá ấy cần Mười lăm nghìn đồng mua búp bê nên nó cũng nói đại một con số, còn tôi cũng chỉ muốn mua được hàng lại chẳng biết gì, nên tính ra nó đã bán đắt, tôi đã chửi nó là con khốn nạn các kiểu vì đã lừa tôi)
Chỉ còn chưa đầy ba tuần nữa là Tết, tôi bắt đầu nóng ruột, phân vân về gợi ý của chị Ma hôm trước, trong lòng có đôi chút thỏa hiệp, tôi đã nghĩ đến việc chấp nhận một cái xe màu đỏ...
Một buổi chiều muộn, khi bà Già lúi húi thổi cơm trong bếp, tôi lén mang hương ra gò đất nhỏ rồi đốt. Nhưng nhìn hương cháy, làn khói nhàn nhạt nhẹ bay theo chiều gió, rồi tôi lại vào nhà, kể ra tôi cũng là đứa cố chấp hoặc vì ước muốn với cái xe cùng màu yêu thích quá mãnh liệt.
Hôm sau tan học, tôi mượn xe của chị Hiền đạp một lèo từ trường đến ngôi làng kẹo kéo, đêm qua tôi đã nghĩ ra rồi, kẹo lạc nhìn cũng giống kẹo kéo chỉ là có thêm lạc, chắc chắn nguyên liệu giống nhau. Tôi sẽ mua kẹo kéo về rồi trộn lạc bán, lạc nhà bà Già có một túi lớn, tôi sẽ nhờ bà rang lạc giúp tôi, kẹo lạc sẽ bán được nhiều tiền hơn kẹo kéo vì hạt lạc sẽ chiếm diện tích, tôi có thể giảm lượng kẹo đi. Tôi nhớ tới truyện kể trong sách về việc con quạ muốn uống nước trong cái bình, con quạ ngu ngốc làm được dĩ nhiên tôi sẽ làm được.
- Ô! Mày lại đến nữa à?
- Vâng!
Tôi dựng cái xe đạp “cởi truồng” không có chắn bùn vào tường, con bé kia đang chơi đồ hàng ngoài cổng, có một con búp bê nho nhỏ tóc vàng, nhìn cũng vui mắt.
- Em muốn mua thêm!
- Mày bán kiểu gì mà nhanh thế? Tao cứ nghĩ là mày mua về ăn cơ đấy!
- Em mua về bán thật mà, nhưng chả lãi được đồng nào!
- Mày đừng có điêu, không lãi mày đến mua nữa làm gì?
- Em tính mua về trộn với lạc để bán, chắc như vậy mới có lãi được. Thật là em bán bị lỗ mất ba nghìn, do em bán rẻ quá.
Tôi trình bày xong, con bé ấy bỏ đồ chơi xuống, nó đứng lên phủi phủi quần áo rồi bảo tôi.
- Mày làm kẹo lạc à? Không dễ thế đâu, mày có khuôn không? Có dao cắt không?
Tôi lắc đầu, tôi chưa nghĩ được xa đến thế, chỉ tính là cho kẹo kéo lên bếp đun thêm cho mềm ra, đổ lạc vào trộn lại là xong, khuôn không có thì lấy lá chuối lót lên cái nia rồi đổ kẹo ra, dùng dao rạch hình vuông vuông là được. Nghĩ sao tôi trình bày như thế với con bé ấy.
- Đúng là oắt con, làm kiểu trẻ con như mày chỉ để ăn, còn bán mà mày làm thế ai người ta mua?!
Tôi chỉ đành gãi đầu, hơi ngại, dù sao tôi chỉ khéo tay với mấy thứ đất sét thôi.
- Thôi được, nhìn mày cũng tội nghiệp và trông ngu ngu nên tao sẽ chỉ cho mày cách khác, nhưng mày phải trả tao cả tiền công dạy nghề cho mày.
- Bao nhiêu hả chị?
- Năm nghìn, đưa tiền trước.
- Nhưng mà...
- Không lấy trước mày học xong không trả tao thì tao làm gì được mày? Cái thằng còi rỉn như mày tao đá một cái nhỡ mày c·hết thì tao mang tội.
- Em không phải người như thế...
- Thế mày có muốn học không?
Nói rồi nó chìa lòng bàn tay ra, tôi đành mở cặp đưa tờ Năm nghìn màu xanh cho nó, rồi theo nó vào nhà, nó lấy lý do tôi là bạn đến chơi nên người lớn cũng chả quan tâm đến chúng tôi nữa.
Nhưng nó không dạy tôi cách làm kẹo lạc, nó là một con l·ừa đ·ảo đúng nghĩa, bảo sao nó lại đòi cầm tiền trước là vậy, nhưng nó đã dạy cho tôi một cách khác. Nó rang ít lạc, đun một ít kẹo kéo trong nồi sau đó đổ đều lên một cái bánh đa, rắc một ít hạt vừng lên, tương tự như kẹo cu đơ sau này tôi ăn, mỗi lần ăn lại nhớ kỉ niệm xưa cũ. Một đứa như tôi, thế giới mới chỉ đến xã bên cạnh thì điều này thật mới mẻ, tôi chưa thấy món như này và chắc bọn làng tôi cũng thế.
Lần này nó cầm Mười lăm nghìn đồng tôi đưa để mua kẹo, bố nó có nhà, tôi nghe loáng thoáng nó nói với bố nó tôi mua về làm quà cho cả đám trẻ con, vậy nên bố nó đã bảo nó lấy bán cho tôi. Mười lăm nghìn đồng lần này được nhiều hơn lần trước, tôi cảm ơn nó rối rít, tôi nào biết nó chỉ đưa cho bố nó Mười nghìn đồng, tôi còn tưởng nó tốt bụng vì chúng tôi xem như đã quen biết.
Lần giao dịch thứ hai, tôi với nó cũng chả biết tên, nó quan tâm đến tiền còn tôi thì quan tâm đến hàng và bận suy nghĩ cách kiếm tiền. Lần này kết quả đã khác, tôi đi mua hẳn mười cái bánh đa về, sau khi tôi miêu tả ý định của mình, bà tôi đã giúp những phần còn lại để ra thành phẩm.
Có lẽ chị Ma thèm bánh đúc mà tôi vẫn chưa mua được xe nên chị phải chờ, tôi cũng phải nhịn hơn nửa tháng nay đó thôi, có lẽ do chị ấy muốn ăn bánh đúc sớm cho nên năm mươi cái bánh đa đã được bán hết trong ba ngày mà vẫn còn thừa nguyên liệu, tôi trở thành khách sộp của bà cụ có cái cửa hàng nho nhỏ bây giờ đã bỏ hoang ngay cạnh cầu Đình. Bọn trẻ con trong làng phải chung tiền mua "bánh đa của thằng N. Còi" vì tôi chỉ bán nguyên cái bánh đa lớn, chúng nó phải tự chia nhau theo tỉ lệ tiền góp, tôi nhất định không bán một nửa cái. Từ đấy, tôi có thêm biệt danh mới ngoài cái tên N. Còi, chúng nó gọi tôi là thằng N. Bánh đa!
Tôi khoe với bà thành quả sau năm ngày của mình, Một trăm hai mươi nghìn là một con số lớn đối với tôi, trừ đi tiền mua bánh đa và kẹo tôi lãi ra được gần Bảy mươi nghìn.
Bà Già nhờ người nhắn giúp với bố tôi rằng thằng N. sẽ tự ra Hà Nội để mua xe đạp vào cuối tuần.
- Chị Ma thân mến! Cuối tuần em sẽ đi mua xe.
Khói từ mấy cây hương tỏa nghi ngút, rặng tre vẫn đung đưa rì rào trong gió, trời rất trong và xanh.
---
***