Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 197: Vẫn bị chửi




Chương 197: Vẫn bị chửi

Vũ khí đã trang bị đủ cho cả một đội quân vong hồn lên đến con số 400. Về nguồn gốc của Kinh Bắc quân, ban đầu là lính đánh thuê nhưng sau một trận chiến thì còn lại khoảng 130, tất cả đều có hộ khẩu ở huyện bên, con số thiếu hụt của Kinh Bắc quân đã được bổ sung khoảng gần 100 vong hồn được chị Ma tìm từ nguồn nào tôi không rõ, nhưng đều có hộ khẩu ở huyện nhà. Bên cạnh đó, khoảng 100 vong hồn khác vốn gốc gác khi sống là người làng và khi thành ma vẫn bảo vệ làng, con số 100 này được chia đôi ra cảnh giới trải dài từ phía Bắc cho đến Tây Bắc, kết hợp với “tường thành” và cự mã. Đội tuần binh của làng khoảng 25 vong hồn làm nhiệm vụ bảo vệ vòng trong và canh ở hướng Tây. Để sau này dễ theo dõi, tôi sẽ gọi số 100 vong hồn xuất thân từ Cầu Khoai là đội Bưởi Cuốc.

Đội Cầu Khoai được những tuần binh thay nhau huấn luyện, yêu cầu tôi đoán là không cao vì toàn người lớn tuổi và thiếu niên, nhưng ma Nẫm và ma Vành, dù đã là ma nhưng đều làm việc với tinh thần trách nhiệm rất cao. Ông tuần đinh và những tuân binh dạy cho các cụ này cách di chuyển theo đội hình, chủ yếu là đội hình đơn và đội hình hàng hai và thêm một vài cách thức khác mà thời còn sống đi lính họ đã được tôi luyện.

Tháp canh trên cây đa vẫn được duy trì và do đội tuần binh đảm nhiệm, những cự mã thì được đi chuyển ra đường khi đến giờ đi lại của những người âm, tất cả đi qua đều phải trình giấy tờ, nếu không có sẽ bị câu lưu chứ không cho quay lại, chờ khi tra xét được nhân thân hoặc có người xác tín bảo lãnh thì sẽ được cho đi. Sở dĩ có việc nghiêm ngặt như vậy là vì Lê tướng quân và chị Ma cũng như ông tuần đinh thống nhất rằng không thể để cho bọn thám thính trà trộn. Vào mỗi nửa đêm, Kinh Bắc quân sẽ tổ chức các nhóm đi tuần, mỗi nhóm tôi nhớ đâu khoảng 20 vong hồn, họ đi tuần ở mé phía Tây, ngoài cánh đồng sau đó đi qua cầu Khoai rồi thêm cả hướng bãi Mã Đình, phía Nam của làng. Một đội khác đi tuần ở phía Đông Nam, chủ yếu tập trung tuần tra ở cánh đồng giáp huyện bên cạnh và làng bên cạnh, nơi này trống trải nên phải đề phòng cẩn mật.

***

Sáng thứ Hai đầu tuần, sau ngày Chủ nhật đầy “kỷ niệm” tuần này đã bắt đầu có lớp ôn vào buổi chiều, tuy chưa bắt buộc nhưng rất nên có mặt bởi vì thầy cô giáo sẽ nhìn vào, tôi nghĩ rằng học có thể không giỏi nhưng thái độ học tập tốt sẽ luôn được yên thân, đấy là điều tôi đúc rút ra được sau 9 năm mài đũng quần trên ghế nhà trường. Tôi đi qua cầu Khoai một đoạn thì đã thấy đằng xá có mấy người đang đang đứng tụ tập ở rìa cánh đồng, rất gần quán nước giải khát, tôi chột dạ nên đạp xe nhanh đến để xem có chuyện gì. Đạp thêm được vài chục mét nữa thì tôi nhìn về phía gò đất, nơi trưa hôm qua mình đã làm một chuyện tương đối động trời thì thấy có hai ba người đang đứng gần, nhìn nón mê đội trên đầu tôi đoán chừng là phụ nữ, hẳn là chủ nhân của thửa ruộng rồi.

-“Chị Ma bảo sẽ đền bù thỏa đáng cho họ cơ mà, sao lại có chuyện gì thế này?”

Đạp xe gần đến và tôi đã loáng thoáng nghe thấy tiếng chửi om sòm vọng đến, câu được câu mất, mặc dù khoảng cách lên đến 300 mét, nghe qua thì hơi vô lý nhưng có thể là do tôi có tật giật mình nên tôi nghe thấy chăng, văng vẳng bên tai tôi là những câu chửi chứa đầy những lời cạnh khóe, bóng gió.

-“Chị Ngọc Hoa ơi là chị Ngọc Hoa, sao chị bảo là bịt miệng được rồi mà để người ta réo tông ti họ hàng nhà em ra thế này?”

Tôi dựng xe đạp vào cột mốc bên cạnh đường và nhảy qua con mương nhỏ dẫn nước, đi gần đến chỗ mấy người lớn đang chắp tay sau lưng đứng hóng chuyện.

-Có chuyện gì thế hả bác? – Tôi hỏi một người đàn ông gần nhất.

-À, nghe nói là bọn nó đi đào của phá nát một góc ruộng lúa nhà người ta nên người ta chửi.



-Đào của? Ý là đào vàng hả bác?

-Chứ còn gì nữa, đồng không mông quạnh thế này tự nhiên đào đất dưới ruộng thì chỉ có đào vàng, đào đồ cổ thôi.

-Dạ.

Tôi gật gù xem chừng đồng ý với nhận định của người đàn ông, trước khi tôi nhảy trở lại đường cái quan và đi học thì vẫn kịp nghe thêm vài lời bàn tán nữa.

-Thế này là bọn nó đào được cả hũ vàng cũng nên ấy nhờ?

-Nhà này đen, cấy lúa trên cả đống vàng mà chả biết, lại để thằng ất ơ ở đâu nó mò đến cuỗm mất. Đúng là giàu nghèo nó là cái số ông nhờ?

Trong suốt nửa đoạn đường còn lại đến trường học, tôi không biết nên cười hay nên khóc, hi vọng chuyện này sẽ không bị làm um lên. Tuy rằng rất khó để tra ra tôi nhưng tôi không tránh được cảm giác thấp thỏm và áy náy, còn việc chủ của thửa ruộng ấy đứng réo tên ba đời nhà thằng p·há h·oại thì thôi, chắc bác ấy chửi thằng nào ấy chứ, chẳng phải chửi tôi đâu. Những lúc như này tốt nhất nên học tập nhân vật AQ của Lỗ Tấn, theo như tôi nghĩ, phép thắng lợi tinh thần của AQ cho đến mãi sau này vẫn được những người trẻ sử dụng một cách thường xuyên khi gặp khó khăn hay thất bại mà bản thân họ không biết đó thôi.

Đến đầu giờ học buổi chiều, không phải đứa nào cũng đi học, tôi thì có, sau giờ tan học là tôi đi ăn trưa và quay trở lại lớp đánh một giấc chờ đến giờ khắc có đứa gọi. Hầu như đứa nào cũng về nhà ăn cơm và vì thế câu chuyện người Tàu đào vàng ngoài cánh đồng cũng được bọn trong lớp kháo nhau, đứa nào cũng tiếc vì cả hũ vàng như thế bán đi chắc được cả đống tiền.

-“Nếu chúng mày biết dưới ấy có một cái đầu lâu và một bộ xương thì có mà chạy té đái, ở đấy mà tiếc của.”

Tôi tỏ ra tỉnh bơ khi nghe những chuyện đấy, chúng nó cũng chỉ kể trong buổi chiều hôm đó mà thôi vì đứa nào cũng cắm đầu vào nghe giảng và chép bài, thường thì chép nhiều hơn nghe thế nên tôi nảy ra ý định từ lần sau mình không đi học buổi chiều nữa, mấy môn xã hội này chỉ cần mượn vở chúng nó đọc lại xem có gì mới hay không, cách trình bày, cách trả lời là xong chứ đến lớp mà ngồi chép như này, nhìn cuối lớp đã thấy mấy đứa ngủ gật rồi. Buổi ôn tập đầu tiên của môn Địa kéo dài đến 4h30, xem chừng mấy môn ngắn hơn thì học trước để sau này dồn cho Toán, Văn, Sinh, Lý.



Tan học, R9 và thằng Hiếu về chung với tôi, đám con gái cùng làng trong đó có chị Hiền tôi thì đã mau chóng đạp xe về trước để nấu cơm, cho lợn ăn, bắt gà... Nói chung đám con gái thì nhiều việc gia đình, không lêu têu như bọn con trai, tôi tính ra là thuộc dạng lêu têu nhất hội, suốt ngày ăn với ngủ, bà Già có một câu hay nói với tôi mà chẳng biết là chửi hay khen: “Mày cứ ăn rồi chạy như chó dái”. Mỗi lần bà chửi thế thì tôi chỉ cười, tôi không hiểu nghĩa của câu này lắm cho đến khi khôn hơn thì tôi biết “chó dái” là con chó đực đến thời kỳ động dục, chạy lung tung khắp làng trên xóm dưới để tìm chó cái. Bà già vẫn nói tôi như thế cho đến mãi sau này, tôi vẫn cười thôi.

-Cháu phải như chó dái thì bà mới được lên chức cụ chứ.

-Chả biết tao còn sống đến ngày lên chức cụ hay không.

-Bà yên tâm, cháu chạy nhiều thế này chả mấy mà lấy vợ, rồi bà tha hồ mà ẵm chắt.

Người xưa có câu: “Sinh con rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông” nghe đúng quá đi chứ.

Ba thằng đạp xe đến gần cầu Thường Vũ thì tôi rủ hai thằng vào uống nước ở quán giải khát bên kia cầu, thắng Hiếu thì từ chối vì phải về có việc, R9 là thằng “quan tám cũng ừ, quan tư cũng gật” cho nên nó đã gọi một chai Coca cùng mấy cái kẹo dồi lạc. Không phải ngẫu nhiên tôi rủ bọn nó vào uống nước, cái chính là tôi muốn dò la tin tức buổi sáng ở ngoài cánh đồng sáng nay như thế nào, kiểu gì chủ quán nước sẽ biết thôi.

-Mày có nghe chuyện sáng nay người ta phát hiện ra việc người Tàu đào vàng ở ngoài cánh đồng của xã mình chưa? – Tôi gợi chuyện.

-Có, mấy đứa lớp tao cũng bảo là có cả mấy hũ vàng được lấy đi.

-Chán nhỉ, vàng nhiều như thế, lại ngay dưới chân mà... – Tôi thở dài và đưa cốc Coca lên miệng uống một hơi.

-Làm đếch gì có hũ vàng nào. – Chú chủ quán nằm trên võng nói. – Toàn tin đồn bậy bạ.

-Sao không có hả chú? – Tôi hỏi.

-Chắc thằng mả mẹ nào đi dò kim loại xong đào chứ còn ai, nhưng không có vàng đâu, sáng hôm qua chả thấy gì, chiều tối hôm qua mấy người đi làm đồng về đã phát hiện thấy, tao cũng có chạy ra xem. Chúng mày trẻ con biết cái gì, vàng nặng bỏ mẹ ra, mấy hũ thì bê lúc nào, bê đi đâu, cả ngày tao ngồi đây có thấy thằng nào vác vàng ra đâu nào.



-Biết đâu người ta đi theo lối cánh đồng qua xã bên. – Tôi lại gợi ý tiếp để khai thác thêm.

-Không có đâu, tao còn đang nghĩ có khi thằng mả mẹ nào đấy nó đi đào hài cốt ấy chứ.

Tôi nghe như vậy giật bắn cả mình.

-Sa... Sao lại là hài cốt hả chú?

-Ấy là tao đoán thế, hố đào rộng lại nông, đào xong lại vùi tạm đất xuống. Mày nghĩ xem có thằng nào đi đào vàng xong lại tử tế thế không? Nó lại chả vứt mẹ nó cuốc với thuổng lại mà ôm vàng chạy ấy chứ, đằng này gọn như không, chắc chắn là bọn đi đào trộm mồ mả để làm việc ám muội.

-À... – Tôi gật gù. – Thế thì ghê quá, cháu cứ tưởng là vàng, bọn lớp cháu bảo thế.

-Linh tinh.

-Ơ, thế bị đào ở sau nhà chú à?

-Ừ, phía sau kìa, lúc sáng bà ấy chửi như hát hay làm tao đếch ngủ được, bực cả mình, mà bà này chửi khỏe thật, cả tiếng đồng hồ mãi đến khi chồng hớt hải từ nhà chạy ra lôi về?

Câu chuyện tạm dừng ở đấy, tôi và R9 ngồi thêm một lúc nữa rồi cùng đạp xe về, R9 chả quan tâm đến mấy chuyện như thế, giá như nó hỏi tôi thì tôi sẽ bảo chính tôi đào, tiếc là nó chả thèm hỏi, cái thằng này như người trời ấy.

---

***