Chương 172: Đi mật phục
Tôi biết nhiều người thắc mắc vì sao đôi khi tôi lại hành động khó hiểu, thật khó mà giải thích được nhưng cũng là hành động ấy thì số ít người lại nhìn tôi với ánh mắt chưa đầy sự ngạc nhiên và đôi khi là tủm tỉm cười.
Tôi ít khi tìm hiểu về đạo Phật hay bất cứ đạo nào khác mà chỉ xem như là có chút hiểu biết thông qua các câu chuyện được nghe trực tiếp hoặc tôi tự tìm hiểu, chỉ là một cách bổ sung chút ít kiến thức cho mình phục vụ tính tò mò của bản thân mà thôi. Sư thầy đã từng dặn tôi không thờ quan công rồi cả vị sư già, bạn của sư thầy ở chùa làng cũng dặn tôi những điều tôi thấy khó hiểu và đôi lúc nhớ, đôi lúc lại quên. Nhưng có môt thực tế là tôi không trở thành thầy phù thủy, tôi cũng ít đi chùa, tôi cũng không trở thành thầy bói hay thầy tướng số bởi vì như thế tôi có thể sẽ khó gặp chị Ma hay chị Khuê cũng như những người khuất mặt khác. Khi tôi còn nhỏ, tôi gặp họ là sự vô tình hoặc là hữu duyên nhưng khi trưởng thành hơn tôi sẽ phải lựa chọn. Tôi quen “họ” suốt một thời thơ ấu cho đến vị thành niên hay cả sau này nữa thì không có lý do gì tôi chối bỏ quá khứ và chọn những con đường đối lập lại với những người mà tôi xem như bạn bè hoặc đã dạy cho tôi không ít điều hay, lẽ phải để sử dụng trong những lúc nguy nan hoặc là đủ lòng tin đối mặt với những thử thách, vận hạn.
Theo như tôi được biết thì trẻ chưa đến 13 tuổi rất khó xem được lá số tử vi nhưng càng lớn thì xem càng rõ nhưng không phải thầy nào cũng có thể xem đúng bởi vì có khi vận mệnh của thầy còn thấp hơn vận mệnh của người được xem. Tôi cũng đã từng thử nhiều lần đi xem bói nhưng phần lớn các thầy chỉ xem được đúng cho tôi về quá khứ và tương lai thì nói chung chung, tuy vậy có đôi lần gặp những thầy cao tay hoặc hữu duyên có thể cho tôi rất nhiều lời khuyên bổ ích. Sư thầy có lẽ là một người như vậy.
***
Trên đường đi bộ từ chỗ nhà để xe tang của làng trở về nhà tôi chợt nhận ra sự thay đổi rõ rệt của mình. Trước đây sự sợ hãi của tôi hay nói đúng hơn là những con ma mang đầy sự đe dọa khiến tôi sợ hãi là ông Thủ Tùm hay mụ Mẹ Chẽ bẩn thỉu hoặc ma nữ treo cổ thích ăn khoai lang nướng... nói chung đều là những con ma làng. Trong hơn nửa năm vừa qua tôi đã gặp nhiều điều kỳ lạ, nhiều oan hồn, nhiều bóng ma ở các nơi khác kinh sợ hơn hoặc như quỷ mắt đỏ, âm binh võ tướng mà các thầy phù thủy sử dụng trong quá trình tìm kiếm thứ gì đó. Chính bởi vì chạm mặt với họ và nỗi sợ hãi ngày một tăng cao cũng như cấp độ ngày một nguy hiểm thì tôi nhận ra những hồn ma trong làng tôi ở kể ra là cũng hiền lành, dễ bắt nạt và họ cũng chẳng có nhu cầu trêu ghẹo gì tôi. Đối với mụ Mẹ Chẽ thì tôi không thích bởi vì nhiều lẽ, đầu tiên là mụ ấy bẩn, mụ ấy đã dọa tôi và tìm cách kéo chân tôi mấy lần, sau đó mới là lý do chính tôi không thích mụ này nhưng vì bận đánh Đông dẹp Tây tôi quên khuấy mụ đi. Mụ Mẹ Chẽ chính là h·ung t·hủ của c·ái c·hết đầy oan khuất, c·ái c·hết đầu tiên tôi thấy trong cuộc đời mà bản thân tôi không có cách nào cứu giúp được.
Tôi không phải thầy cúng, tôi không phải nhà sư cho nên chẳng biết cách để goi mụ ấy lên mặt đối mặt và chém cho mụ ấy tan hồn vía. Tôi đơn giản là một thằng bé có chỗ dựa lưng và lại vô tình mượn được thanh kiếm gỗ trừ tà được làm từ thân một cây cổ nào đó tôi không biết hay ngắn gọn hơn là tôi mù tịt về gỗ. Gỗ lim, sến, táu, đinh hương, gỗ tạp, ván ép... hay bất cứ thứ gỗ gì quý giá hoặc rẻ tiền thì tôi đều xếp chung vào một từ là “Gỗ” tôi chưa bao giờ tìm hiểu để phân biệt sự khác nhau giữa các loại gỗ, với tôi điều này không cần thiết bởi vì tôi lớn lên sẽ không buôn gỗ, lớn lên tôi sẽ làm luật sư, phóng viên hoặc một nhà văn như ông Nguyễn Nhật Ánh bốn mắt.
Tôi vừa đi qua ụ rơm chuẩn bị bước lên bậc thềm thì nghe tiếng chị Ma gọi giật lại.
-Này! Thế có đánh chém được đứa nào không?
-Chị ạ?! – Tôi gãi đầu cười ngượng. – Chả có gì, bọn họ bỏ đi đâu từ lâu rồi.
-Đã nói rồi không chú ý, ở làng này giờ không có ma nào muốn gây chuyện với em, nếu họ có muốn gặp cũng chỉ là tìm cách nhờ vả thôi.
-Sao thế chị?
-Chả phải phần lớn ma làng đều ở bãi tha ma Cầu Khoai đó sao, họ nhận mặt em được rồi, em từng giúp họ, họ cũng đã từng trả ơn cho em thì lý nào lại muốn gây chuyện với em chứ.
-Em... em lại không nghĩ ra việc ấy. – Tôi gật gù thừa nhận lời chị Ma nói có lý.
Trên đường về tôi cũng tiện tay mở túi mắm tôm gửi cho mụ Mẹ Chẽ rồi nên thoang thoảng trên tay vẫn còn mùi, chị Ma đưa ngón tay lên che mũi rồi phẩy phẩy đuổi tôi đi rửa tay thật sạch.
-Em tưởng chị đầu têu cái này thì chị không sợ chứ? – Tôi hỏi.
-Chị không chơi mấy thứ kinh dị ấy.
Tôi bĩu môi xem như trả lời sau đó mới đi rửa tay bằng xà phòng, mấy phút sau khi tôi quay lại thì bóng váy đỏ của chị Ma đang đứng ở gần gốc cây vối, tôi thấy vậy nên chạy ngược vào nhà lấy cái ghế tôi hay ngồi học cùng một cái ghế nhựa nhỏ màu đỏ mang ra. Bây giờ còn chưa hết giờ thời sự buổi tối mà chị ấy đã xuất hiện ắt có việc cần bàn, có cái ghế ngồi đỡ mỏi chân hơn. Chị Ma thấy tôi vác ghế ra có ngạc nhiên nhưng cũng lui ra xa một chút và tôi đặt cái ghế nhựa màu đỏ vào chỗ chị ấy vừa đứng, còn bản thân thì đếm ba bước chân rồi đặt cái ghế dài nho nhỏ của tôi xuống.
-Tại sao cái ghế của chị lại thấp hơn của em? – Chị Ma đột nhiên hỏi.
-Ghế nhựa nào cũng như nhau cả chị ơi, cái ghế này đóng cao là để cho vừa với bàn học của em mà.
-Thế chị phải ngồi thấp hơn em à?
-Chị cao hơn em bao nhiêu, ngồi thấp hơn có một tí thì đã sao, em đỡ mỏi cổ.
-Cũng được, xem như chiếu cố. Chị đây không chịu ngồi thấp hơn ai bao giờ.
Nghe chị Ma nói thế miệng tôi cười méo xệch, có mỗi việc ngồi ghế cao, ghế thấp một chút thôi mà cũng để ý nữa, tại chị ấy thích màu đỏ cho nên tôi đưa ghế đỏ chứ cũng không có ý gì cả
-Hôm nay chị gặp em sớm thế này hẳn là có việc rồi, đêm qua... đêm qua chị có thám thính được gì hay không chị?
-Chị nghe nói sắp tới em chuẩn bị thi tú tài gì đó phải không?
-Em sắp thi tốt nghiệp.
-Không phải thi tú tài à?
-Dạ không, ai nói với chị như thế ạ?
-Xã Thần, ông ấy bảo là trong làng có một số nhà cũng đang cầu khấn cho con cái.
-Thi này thì có gì mà phải cầu với chả khấn, cái khó là ở điểm cao thôi chứ em thấy chỉ có đứa nào học dốt đặc cán mai mới trượt tốt nghiệp.
-Là em sẽ qua?
-Chắc chắn em sẽ qua kì thi này mà.
-Sẽ đứng đầu chứ?
-Không, em làm gì tài giỏi đến thế.
-Sao em không đứng đầu được?
-Bao nhiêu người có võ nghệ cũng thua chị mặc dù họ cũng có học võ đàng hoàng, cũng như em học nhưng không giỏi bằng người ta thôi, có gì lạ đâu.
-Sao kém thế nhỉ? Học gì cũng phải đứng đầu chứ?
-Em không cần, trên cao thì gió mạnh. Cái áp lực đứng đầu mệt lắm chị ạ, em từng trải qua rồi nên em biết.
-Chị thích đứng đầu, em có cần chị giúp để đứng đầu không?
-Thôi chị ạ, mục đích cuộc đời của em không phải là mấy điểm số ấy.
-Thế mục đích của em là gì?
-Được đi nhiều nơi, biết nhiều thứ, kiểu như làm nhà văn hoặc phóng viên viết báo, nhất là phóng viên, nhìn rất oách.
-Những thứ đấy chị không biết nhưng nếu muốn đứng thứ nhất trong thi cử sắp tới thì cứ nói với chị một tiếng, dù sao đây cũng là huyện nhà.
-Như thế là không công bằng đâu, có đứng thứ nhất thì em cũng chẳng tự hào với bạn bè làng xóm gì.
-Cũng phải nhỉ, vậy bỏ qua việc ấy.
Chị Ma xem chừng đã thông và hiểu rõ ý định cũng như mong muốn của tôi.
-Mấy gã lạ mặt hôm qua hành tung rất bí hiểm, bọn chúng không phải người vùng này mà chắc chắn đến từ nơi khác.
-Từ nơi khác thì chắc chắn rồi nhưng chị đã tìm hiểu được thông tin gì? Đêm qua em thấy họ đi từ hướng Đông, có khi nào liên quan đến những người đang tìm cách đòi lại số vàng chị đang giữ?
-Không, bọn chúng đã đi qua cổng làng đến chỗ Cống Đoan kia thì quay lại và quyết định đột nhập. Chị đang thấy lạ ở chỗ là chúng không phải ma làng này nhưng lại có vẻ như rất thông thuộc địa hình.
-Hay.. hay là có tay trong?
-Đêm qua em có nghe tiếng chó sủa không?
Chị Ma hỏi làm tôi ngẩn người ra và tôi chợt nhớ lại trong suốt quá trình rình mò đám người này đêm qua thì đúng là tôi không nghe thấy tiếng chó sủa hay tru dài từng hồi như những lần tôi ẩn dương khí chạy loạn trong làng.
-Đúng là em không có nghe tiếng chó sủa, chị nói em mới nhớ ra.
Tôi gãi đầu và cảm thấy như mình đã bỏ qua những chi tiết quan trọng của đêm qua, những thứ bất thường chính là mấu chốt trong việc tìm ra lai lịch của đối phương, đến Hắc Bạch Vô Thường đi câu hồn say rượu cũng bị con Mực sủa thì không có lý gì đám này lại thần thông quảng đại như thế, chả lẽ lại là bùa ngải?
-Chị theo dõi cũng như hỏi thăm cả đêm qua thì được biết chúng nó đột nhiên xuất hiện ở gần cánh đồng Quán Dê rồi đi thẳng theo đường cái quan, qua cổng làng sau đó mới vòng lại. Một hành động nhỏ này thôi cũng có thể thấy rằng đám này không phải đơn giản. – Chị Ma đánh giá. – Chúng nó lại còn bắc cầu vượt sông rất thành thục.
-Em cũng không hiểu cái việc này, cái mương nhỏ tí mà họ không nhảy qua lại còn phải ném vải sô trắng y như loại vải làng này dùng để gói đậu. Chả phải như chị hay Ông Mãnh nhà em đều bay được hay sao?
-Thần tiên đâu mà bay dễ thế được, đi nhanh như gió thì có thể, còn tùy vào sức lực của mỗi người. Chị hay bất cứ vong hồn nào khác vào hay ra khỏi làng đều phải trình giấy, chẳng qua là toàn nhẵn mặt nhau và không làm chuyện càn quấy gì cho nên chẳng ai sờ tới chứ vào làng là không có dễ gì đâu, vào dễ như thế thì có mà loạn.
-Hôm qua em thấy họ đi ra rất dễ dàng.
-Xã Thần biết và tính báo cho tuần binh ngăn cản nhưng chị đã bảo thôi, tuần binh trong làng này chưa chắc đã đánh lại được bọn chúng.
-Hả?! Đêm qua... đêm qua em thấy những bóng ma ấy còn hèn hèn nộp tiền cho chị cơ mà?
-Bọn nó muốn rút lui êm thấm nên mới vậy chứ không phải dạng hiền lành gì đâu, em đừng nhầm tưởng.
-Vậy... vậy... chị nói họ ngắm nghía nhà mình, chả lẽ họ là âm binh được phái đi thám thính để tìm kiếm kho báu?
-Chưa thể khẳng định được điều gì cả. – Chị Ma lắc đầu. – Một đám lạ mặt lại thông thuộc địa hình có lẽ có tay trong hoặc ít nhất đã từng vào đây nhưng không nhớ rõ cho nên chúng phải thám thính thêm.
Tôi ngồi yên lắng nghe và gật gù đồng tình với nhận định của chị Ma.
-Lần sau chúng sẽ lựa chọn cánh đồng sau chùa để đột nhập.
-Vì dễ?
-Một phần là vì như vậy, thứ nữa tuần binh của làng cũng có bố trí một vài chốt gác ở góc Tây Bắc theo hình cánh cung sau cái vụ có người yểm đầu chó mực xuống gò đầu rùa, cánh đồng sau chùa vì đã có chùa nên tạm thời bỏ ngỏ.
-Chị nghĩ họ sẽ quay lại chứ?
-Ngay đêm nay!
-Đêm nay?!
-Đêm qua chúng nó mới đi hết một lượt các đường chính trong làng và đặc biệt chú ý đến nhà mình vì có hai đứa ngó nghiêng xung quanh, đêm nay chị tin chúng nó sẽ quay lại.
-Nhà mình có cái gì ngoài kho vàng của chị đâu?
-Ban đầu chị cũng nghĩ như thế nhưng khi theo dõi đám này bị mất dấu chị đã nghĩ khác.
Tôi chờ đợi chị Ma nói tiếp.
-Bọn chúng đánh một vòng tròn rất rộng qua Mão Điền xã, vòng về Yên Ngô thôn rồi đi theo lối ra cầu Thường Vũ, men theo cánh đồng song song với sông Khoai và có một nhóm khác bắc cầu phao cho chúng nó vượt con sông.
-Ý chị là con mương đầu làng.
-Ừ, con mương. Bọn chúng nó lại bắc cầu cầu vượt mương, đám này kị nước nhưng lại rất nhanh nhẹn trên bộ.
-Qua mương rồi họ đi đâu hả chị?
-Biến mất!
-Biến mất? – Tôi há hốc mồm vì ngạc nhiên, đến chị Ma cũng nói những vong hồn lạ mặt đó biến mất thì hẳn là cao siêu rồi.
-Có vẻ như chị đã nhìn thấy một bóng dáng quen thuộc trong cái đám đứng chờ bên đường.
-A... ai ạ?
-Chị không chắc lắm nhưng dựa vào bộ giáp trụ và âm khí thì giống thằng Triệu Đạt.
Tuy lời chị Ma nói ra không phải là sét đánh ngang tai gì nhưng cũng khiến tôi bần thần suy nghĩ mất một hồi lâu. Tôi lục lại trí nhớ của mình và hệ thống lại các dữ kiện, đầu tiên tôi nhớ là khi tôi ở huyện đường có nghe Triệu Đạt đã biến mất không tìm thấy, sau đó tôi có nhớ chị Ma cũng kể là ông ta có lẽ đã bỏ đi biệt tích để trốn. Nếu vậy... nếu vậy bây giờ quay lại làm gì?
-Chị... chị có chắc không chị? – Tôi hỏi lại chị Ma.
-Dựa vào kinh nghiệm của chị thì có lẽ là đúng và quan trọng là nếu đó là thằng Triệu Đạt bất tài thì sẽ lý giải được những việc khác nữa.
Chị Ma quay sang như xem thái độ của tôi, tôi thì lúc này đang chờ đợi thông tin chứ hoàn toàn không sợ hãi gì.
-Chị đang suy đoán thằng bất tài này bỏ trốn và thu thập một số bọn vốn là đầu trộm đuôi c·ướp khi còn sống, có cả những kẻ c·hết trong ngục và từng là binh lính các đời trước đây.
-Sao lại có sự vô lý thế được?
-Tiền và lòng tham! Vấn đề thằng đó có tiền và bọn khác thì tham lam. Bên cạnh đó không loại trừ việc trong số những vong hồn đang tụ tập những đứa am hiểu thuật pháp, nếu em chú ý đêm qua thì bảy vong hồn khi tiến hay lui đều theo một hàng dọc.
-Đúng là như thế. – Tôi gật đầu xác nhận.
-Bọn chúng khi còn sống nhất định đã từng ở trong quân nên c·hết rồi tụ lại thành một nhóm vẫn giữ những thói quen in hệt như khi còn sống.
-Vậy .. vậy đêm nay chị tính ra sao?
-Xã Thần đã báo lên Thành Hoàng làng và để đề phòng thì hiện nay ở gò Mả Mẹ Sư đang có nhóm ba người tuần binh nằm phục canh chừng, chị nghe Xã Thần nói đây là những người tốt nhất trong số tuần binh ở làng mình đây.
-Nếu .. nếu bên kia đến đông quá thì sao ạ? Chị .. chị có nghĩ đến tình huống này chưa?
-Chị nghĩ rồi nên mới tính nhờ em.
-Nhờ em?! – Tôi sợ mình nghe nhầm. – Em thì làm được gì.
-Tham kiếm gỗ đâu? Cái thứ đấy khá là có ích, thêm nữa... thêm nữa...
Chị Ma đôi chút ngập ngừng nhìn Đông ngó Tây một lúc rồi mới nói tiếp, tôi đợi dài cổ.
-Nếu đông quá lại nhờ em gọi người. – Chị Ma vừa nói vừa nháy mắt.
-Gọi... gọi cái ông to to lần trước ạ?
-Ai mà biết ông nào vào ông nào nhưng chắc chắn là mạnh, chị từng nói rồi, chị cũng không muốn đối mặt với họ đâu. Nhưng chị phát hiện ra một điều là những quan binh ấy rất thích đánh nhau, không nói nhiều và cứ lao vào đánh rất say sưa như kiểu nhiều năm không được đụng tay chân ấy.
-Giống như chị! – Tôi vô tình buột miệng.
-E hèm! – Chị Ma đằng hắng. – Không nên so sánh người khác với chị như thế.
-À vâng, vâng, em nhỡ miệng. – Tôi cười toe toét.
-Bây giờ em vào nghỉ ngơi, có biến thì chị sẽ gọi, khi đi nhớ ngậm theo lá vối và đừng quên mang kiếm.
Chị Ma nói xong thì đứng lên nhìn ngó xung quanh sau đó mới quay lại nói với tôi.
-Bây giờ chị cũng lên gần gò đất chỗ mấy phục binh đang ếm quân, chị muốn hỏi chuyện họ đã.
Nói xong thì bước về phía bụi tre và thân ảnh nhạt dần, tôi cũng chưa thấy chị Ma bay qua cái ao đang ở phía trước mặt tôi bao giờ.
Không phải ma nào cũng biết bay! Tôi đoán chắc chắn như vậy.
Và thông tin về nhưng con ma lạ mặt thì vẫn nhạt mờ như sương khói.
---
***