Chương 13: Giải cứu trong lũy tre
Với con dao rựa của nhà nông không được bén như dao của người dân tộc trên mạn ngược nhưng nó vẫn là một vật sắc có sức chặt rất mạnh, chặt tre cũng như ăn cơm uống nước với người nông dân ở quê và những thanh niên thôn được giao nhiệm vụ vinh quang này. Ở quê có những điều rất khó hiểu, người cùng một làng, họ khi uống rượu có thể cãi nhau, thậm chí đánh nhau rồi đòi quan hệ với mẫu thân, đòi quan hệ với tổ tiên mấy đời của nhau nhưng với người lạ đến gây sự thì họ lại sẵn sàng chung tay chống lại đối phương ngay tắp lự. Cho nên, việc của thằng X. mấy anh thanh niên sẵn sàng thể hiện tình làng nghĩa xóm một cách đầy nhiệt huyết, họ quyết định sẽ chặt hạ tre từ phía đất nhà tôi do phía bên kia sát lũy tre có mương nước đã cạn nhưng hướng đó thấp, chặt không có thế sẽ tốn sức và thời gian hơn, nhất là tre sẽ đổ xuống vì bụi tre có xu hướng ngả ra phía ấy.
- Không được chặt, mấy anh tạm dừng đã!
Bỗng nhiên ai đó lên tiếng.
- Sao thế cụ?
- Chưa chặt được đâu các anh ơi!
Một ông cụ bước đến, chính là ông S. hàng xóm nhà tôi
- Tôi nhớ không nhầm thì xưa kia có một cái miếu hoang bị mất nấm ở quãng này, không tự dưng mà cháu nó bị nhốt vào giữa đám tre như vậy...
Nhiều tiếng xôn xao, mấy anh thanh niên nghe đến miếu là ngại rồi, có những điều đại kỵ ai cũng hiểu nhưng không muốn nói ra, họ nhìn nhau chưa biết nên làm như nào cho phải.
- Giờ phải làm sao hả ông?
Mẹ thằng X. trọc nói trong nước mắt.
- Cháu nó vẫn bị á khẩu như thế kia thì đừng có chặt vội, có bế được nó ra thì về nhà cũng không được yên đâu! Anh chị lên chùa mời sư thầy xuống xem cho như nào rồi chặt cũng không muộn.
- Nhưng thằng bé ngộ nhỡ...
- Chị đừng cả nghĩ, cháu nó đi chơi bị dắt vào đây chắc là chỉ bị trêu đùa, nếu người ta muốn nó c·hết thì đã rủ nó xuống ao kia rồi. Chị đi mau đi!
Ở làng, người lớn tuổi với những kinh nghiệm sống vốn có thì lời nói rất có cân lượng và người trẻ hơn hay nghe theo.
Người nhà thằng X. nhanh chóng phân công nhau chạy đi mời sư thầy, chỉ một loáng sau đã trở lại thở hổn hển.
- Sư thầy đi đám ma ở làng bên chưa về!
Mọi người lại nhốn nháo.
- Vậy thì mượn xe máy chạy sang bên ấy đón thầy về!
Không biết ai đó đã đưa ra ý kiến rất nhanh.
***
- Mày có sợ không N.?
- Sợ gì anh?
- Đm, mày không nghe ông S. nói đấy à, đất nhà mày có miếu hoang đấy!
- Sao đâu mà, em ở mấy tháng có thấy cái gì đâu, có khi hồi xưa các cụ nhà mình xây miếu để trông giữ lúa cũng nên...
- Cái thằng nhát gan như mày mà đéo sợ á? Úi đm, phải tao là tao ở chỗ khác ngay. Mày thấy không, thằng X. nhát gan nên mới bị dẫn vào đấy!
- Anh cứ nghĩ thế, em ở trên Hòa Bình ma rừng đầy ra mà còn chưa bị gì, bọn em vẫn đi chơi tối mãi có bị làm sao đâu?
L. bĩu môi ra vẻ xem thường tôi. Mẹ thằng X. đứng sát bụi tre nói chuyện với nó, dặn nó yên tâm các kiểu trong khi chính cô ấy lại đang lo lắng tột độ. Những người khác cũng đứng vây xung quanh nói chuyện nhưng không quá ồn ào, ai cũng thì thầm với người bên cạnh, tôi cũng loáng thoáng nghe họ nói về cái miếu hoang xưa kia nằm ở chỗ nào hay lại nằm giữa bụi tre.
- Hay để cháu trèo vào trong thử xem nó ra sao?
Tôi đứng chắp tay ra sau lưng, tự nhiên buột miệng nói như vậy, vì tôi nhìn thấy mẹ thằng X. đứng đó nước mắt ngắn nước mắt dài trông tội nghiệp, lại làm tôi nhớ mẹ tôi khóc vật vã sau khi em gái tôi mất. Tuy tôi buột miệng nói ra nhưng quả thật là tôi thấy trèo vào trong không khó lắm, gai tre tuy nhiều nhưng khéo léo thì cũng không sao. Tôi ở miền núi mấy năm, chơi với đám bạn có đến phân nửa là người Mường, những cây luồng, cây thông, cây mít...cây nào chúng tôi cũng đã từng leo trèo cả, tuy tôi nhát gan và không trèo giỏi như chúng nó nhưng ít nhiều cũng gọi là có chút kỹ năng.
Lũ trẻ trong làng này, tôi biết đầy đứa leo trèo giỏi gấp vạn lần tôi, không leo giỏi thì lấy đâu quéo, xoài, ổi mang ra ngoài cánh đồng chấm muối ăn vào mỗi buổi chiều chăn trâu? Chúng nó thuộc nằm lòng nhà ai có cây gì, nên vặt vào lúc nào cơ mà.
Chúng nó sẽ không trèo, tôi biết, đứa nào cũng được dặn tránh xa đền thờ miếu mạo không được quậy phá, bà Già cũng dặn tôi suốt nghe đến phát mệt. Nhưng lý do chủ yếu là chúng nó sợ ma, đến cái thằng L. mở mồm ra là: “Đm” đánh nhau với đám trẻ chăn trâu làng bên như cơm bữa cũng đang co vòi đứng xa xa. Thật ra tôi cũng không phải dạng dũng cảm gì nhưng đây là đất nhà mình cho nên cũng thêm mấy phần tự tin.
Thêm cái nữa, tôi hơi thấp bé, thấp bé thì leo trèo lại là lợi thế vì dễ luồn lách.
***
Tôi choàng sợi dây của cái đèn pin qua cổ cùng với một chai nhựa nhỏ đựng nước mang theo, bỏ dép ra, tay phải bám vào thân cây tre, tay kia bám một cây khác chậm chạp trèo lên những mét đầu tiên, ánh đèn pin soi sáng rõ như ban ngày xung quanh tôi, tôi đoán phải đến mấy chục cái soi tập trung, tiếng ồn ào hay rầm rì không còn nữa, chắc rằng ai cũng hồi hộp nhưng tôi thì không, tôi đã từng leo cây luồng nhiều lần, tuy cây luồng khác tre gai và leo dễ hơn do nó mọc thưa và không có gai tua tủa nhưng tre lại cứng hơn luồng, những nhánh tre gai tuy nhỏ chỉ bằng ngón tay út nhưng lại rất chắc chắn.
Nhìn cùng một sự vật hay hiện tượng thì người lớn và trẻ con lại có những suy nghĩ và cách giải quyết khác nhau. Người lớn thấy không chui vào được bụi tre thì họ tính chặt, cũng đúng thôi, người lớn có sức mạnh và muốn làm mọi thứ thật nhanh và đơn giản nhất. Còn trẻ con như tôi lại chọn cách giải quyết khác, tôi leo hẳn lên trên cao, đủ để khoảng hở giữa các cây tre nới rộng ra lọt đủ thân mình, gai vì thế cũng ít hẳn đi. Trí tưởng tượng của tôi phong phú và tôi biết bụi tre này do nhìn nó mỗi ngày, chính điều này khiến tôi nghĩ ra cách trèo lên cao rồi tụt xuống chỗ thằng X.
Ánh sáng hỗ trợ từ phía dưới của mọi người đã giảm một phần tác dụng vì tôi đã di chuyển theo chiều ngang, chuyền từ cây này sang cây khác dễ dàng. Một lúc sau tôi tụt dần xuống chỗ thằng X. đang đứng, không gian chật hẹp nhưng cũng đủ để tôi xoay sở, tôi không tụt hẳn xuống đất vì sợ dẫm phải gai, tôi thấy mình giống như một con khỉ đang đu bám trên thân cây vậy.
Soi đèn vào mặt thằng X. nó bị chói mắt nên nheo lại, chứng tỏ thằng này vẫn bình thường.
- Đừng sợ, ông sư về tới là mày sẽ ra được thôi!
Nó khẽ nhăn mặt.
- Đứng mỏi chân không? Tao có mang theo chai nước đây, nào, hé miệng ra một tí, mau không tao mỏi tay.
Tôi cứ độc thoại như vậy mấy câu rồi kề chai nước vào cái môi đang khô của nó, nước chảy xuống cổ áo nên tôi ngừng lại. Tôi uống một ngụm rồi còn bao nhiêu thì kề miệng chai lên trán của nó sau đó từ từ đổ nước ra cho chảy đều từ trán xuống.
Tại sao tôi làm như vậy?
Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng nó không uống được thì đổ lên mặt nó cho tỉnh, lúc buồn ngủ hay mệt chả phải mọi người hay rửa mặt hay sao.
Đổ hết chai nước, tôi vứt xuống dưới đất rồi lấy mu bàn tay của mình quệt qua mắt cho nó đỡ bị nước đọng lại khó chịu.
- Mày đau ở đâu? Sao lại chui vào đây được?
Nó cứ đứng kẹp giữa mấy thân tre như vậy nhìn tôi trân trân, ánh mắt như vô hồn. Nghĩ một hồi, tôi tắt đèn pin đi và... đái trong tư thế leo cây, tay trái thò xuống dưới hứng nước tiểu đang chảy xuống đất rồi xoa xoa lên mặt thằng X. lúc này chắc vẫn đang ngây như phỗng. Trời tối lại giữa bụi tre, chả ai thấy cả.
Bất chợt thằng X. hắt xì hơi một cái rồi khóc ré lên. Tôi thì hai tay vẫn bám, người vẫn đu trên thân tre như con khỉ, hai mắt tôi mở to vì ngạc nhiên và tự hỏi bản thân một lần nữa về sự thần kỳ của nước tiểu trẻ con? Bên ngoài bụi tre ồn ào hẳn lên, ai đó gọi vọng vào hỏi tình hình.
- Có chuyện gì rồi?
- Cháu không biết, thằng X. tự nhiên nó khóc... - Tôi đáp lại - Này! Mày sao thế? Nãy hỏi thì câm như hến giờ khóc cái gì mà khóc?
Tôi gắt lên.
- Huhuhu, cứu tao với, kiến cắn tao!!!
- Kiến cắn thì leo lên, còn đứng đấy làm gì?
Tôi vừa nói vừa leo tót lên trên một đoạn, kiến ở trong bụi tre là bình thường, có khi có cả tổ kiến lửa ấy chứ, nó đốt thì đau lắm.
- Nhưng chân tao bị tê, huhuhu, mày kéo tao lên với, huhuhu...
- Kéo làm sao được mà kéo, mau lên, nắm vào chân tao rồi đu lên. Nhanh lên không kiến nó cắn cả tao thì sao!
Sư thầy về tới thì hai đứa trẻ con chúng tôi đã leo được lên một đoạn, đúng ra phải nhanh hơn nhưng thằng X. cứ khóc lóc rồi phủi kiến làm tôi và mọi người sốt ruột. Ai đó đã mang thang tới nên đoạn sau dễ dàng hơn nhiều, đặt chân tới đất thì thằng X. nhào vào người mẹ nó khóc rống lên một hồi.
Sư thầy sau khi nghe mọi chuyện thì chỉ dặn nhà thằng X. ngày mai sửa lễ nhỏ rồi mang ra đây thầy sẽ cúng giúp.
Giải tán!
Nửa đêm ai về nhà nấy nhưng chuyện thằng X. bị ma dắt vào bụi tre thì quá nổi tiếng, nó xấu hổ nghỉ học đến cả tuần, còn nó có sợ hay không tôi không biết. Nhưng cũng nhờ chuyện xảy ra với nó mà tôi biết trước đây ở làng cũng có mấy đứa trẻ con bị ma giấu đi nhưng giấu vào gốc thị, bụi rậm chứ kì khôi giấu vào bụi tre thì chưa thấy bao giờ.
Tôi thì chỉ thắc mắc tại sao thằng X. bỗng nhiên hết bị á khẩu, cũng muốn hỏi nhưng nó nghỉ học cả tuần, cũng không đi chăn trâu buổi chiều nên tôi cũng thôi, khi nào muốn thì tự nó kể.
Từ dạo ấy, tôi tuyệt nhiên không thấy đứa nào vào nhà tôi chơi buổi tối, toàn đứng ngoài cổng gọi rồi đi luôn, tôi biết thừa bọn nó sợ. Mấy năm sau khi tôi chơi thân với một thằng khá là kỳ khôi, cũng từ xa chuyển về, nó là thằng ăn dầm nằm dề ở nhà tôi, xem nhà tôi như nhà nó mà không chút sợ hãi, bởi vì nó ở một nơi quá nhiều ma nên nhà tôi vẫn dễ thở hơn.
Không cần thằng X. kể thì mấy hôm sau tôi cũng biết đầu đuôi câu chuyện, dĩ nhiên người kể chính là người tôi đã đi mua hai cái bánh đúc để cảm ơn.
Nếu xem ma như là thần hộ mệnh thì chị Ma là thần hộ mệnh siêu cấp vô địch, còn nếu xem chị ấy là bạn thì cũng tương đối tốt nhưng nếu chị ta xem tôi như là em trai thì có vẻ lạ nhỉ?
---
***