Chương 12: Ma giấu trong lũy tre
Khi sống ở một nơi nào đó đủ lâu bạn sẽ thấy nhớ nơi ấy rất nhiều và khi người ta c·hết đủ lâu thì mảnh đất nơi họ an nghỉ có lẽ đã trở thành ngôi nhà của họ. Nhà của người sống để che nắng ngăn mưa còn người đã nằm sâu dưới ba tấc đất thì nhà là để chỉ những nơi mà họ có thể đi lại mà không cần hỏi ý kiến ai.
Tôi có một trí nhớ tốt, xin khẳng định như vậy.
Trong giấc mơ năm trước, tôi có nhớ chị Ma nói rằng ổi trên cây này chỉ người quen mới nhìn thấy để hái mà ăn, người lạ bị che mắt không thấy đường vào hái trộm. Mấy hôm đầu mới về tôi không quan tâm lắm, thấy ổi rụng đầy dưới gốc cây, nhiều quả thối đen còn trên cành cây trĩu những quả xanh to bằng nắm tay trẻ mấy tháng tuổi, tôi cho rằng ở đây nhà nào cũng có cây ổi thì trẻ con vào hái trộm làm cái gì, khi tôi ở trên Hòa Bình nhà ai cũng có cây ăn quả như vải thiều, roi, nhãn... ăn còn không hết nên đi hái trộm là điều rất khó hiểu. Sau đó tôi biết là mình nhầm, thằng L. khen lấy khen để rằng ổi nhà tôi ngon thế mà từ trước đến nay nó tưởng cây này là cây ổi đực nên không có quả?! Nó định nghĩa rằng ổi ngon là loại quả vừa vừa nắm tay, vỏ màu xanh hơi ngả sang màu vàng, ít hạt, khi cắn thì không rắn cũng không mềm, vị ngọt lịm.
Thi thoảng tôi vẫn thầm chửi thằng L trong suy nghĩ bởi vì từ đấy tôi rất khó để tìm mua được quả ổi ưng ý như nó miêu tả để ăn. Như tôi đã từng nhận xét, L. là thằng học dốt nhưng lại giỏi về nhiều thứ khác.
Tôi tin chị Ma nói thật và làm được thật!
Đồ chơi của tôi chắc chắn đã có người lấy đi rồi mang trả lại, tôi có thể xuề xòa dễ dãi về quần áo, ăn uống, đồ chơi... nhưng nếu đồ chơi là ô tô hoặc xe máy thì tôi luôn muốn nó đẹp nhất, chỉn chu nhất có thể nên việc có ngón tay lõm vào đất sét là điều tôi không bao giờ để xảy ra. Cái xe đồ chơi đã phơi gần khô rồi lại ướt như vậy làm tôi bỗng liên tưởng đến cái ao lúc nãy mọi người đang hì hục tìm thằng X. trọc, có khi nào nó lấy đồ chơi này của tôi hay không? Cũng vô lý lắm, tôi cũng biết nó tuy không thân nhưng ở làng này chẳng đứa nào quan tâm đến đồ chơi đất sét cả, có đứa còn nói tôi dở hơi ăn cám lợn vì sở thích một mình một kiểu.
Nhưng nhà tôi ở rìa làng, sau lũy tre cũng là con đường đất để người dân ra đồng, con đường chạy bao quanh làng nên cũng có thể lắm, ai mà biết được đã xảy ra chuyện gì.
Tôi lại quay vào nhà.
- Ơ thế mày còn chưa đi à, gần mười giờ đêm rồi đấy!
- Bà! Bà nói ma giấu là như nào?
- Ma ai nó giấu cái đồ chơi của mày làm cái gì?!
- Thì bà nói ngắn gọn cho cháu xem nào?!
- Ma giấu là nó dắt trẻ con đi giấu vào những nơi như gốc cây thị, cây si, cây duối, bụi tre...để người lớn không tìm thấy, cũng như chúng mày chơi trốn tìm ấy.
- Thế cách nào để ma không dắt đi và tìm thấy người bị giấu đi bà nhỉ?
- Nước đái trẻ con như mày xoa lên tay thì ma không dắt đi được nhưng làm sao để tìm thì tao chịu.
Ồ! Vậy là tôi đã hiểu, thảo nào hồi trước đi bẻ cành dâu ngoài bãi tha ma mấy người lớn đi cùng lại trông đợi nước tiểu của tôi đến thế!!! Lớn lên tôi sẽ bán nước tiểu của trẻ con đóng chai như Fanta để mang theo đề phòng ma dắt đi mới được.
Tôi là một đứa thông minh, tôi có một niềm tin mãnh liệt như vậy.
- Nửa đêm nửa hôm mày lấy hương làm gì đấy thằng kia?
Tôi rút ba que hương trên ban thờ ra, lúi húi tìm hộp diêm.
- Cháu mang đi theo, biết đâu cần...
- Mày cứ liệu thần hồn, hương khói ma quỷ không phải thứ để chơi đâu.
- Bà yên tâm, cháu có việc thật.
Cầm ba que hương trên tay cùng hộp diêm, đèn pin cắp nách tôi đi ra chỗ nền miếu cũ, trời về khuya, những cơn gió xào xạc thổi qua, bỗng nhiên tôi thấy dường như trời lạnh hơn nhưng tôi không hề sợ. Bố tôi từng nói rằng đất mỗi nhà đều có ông Thần Thổ Địa bảo vệ cho gia chủ, ma cỏ sẽ không thể bước vào được trừ khi đất đấy ma có trước gia chủ có sau.
Que diêm thứ nhất gió thổi tắt.
Que diêm thứ hai cũng tắt.
Quẹt một lúc ba que diêm cũng chỉ xòe lửa lên rồi tắt ngúm.
Tôi đành quay vào hiên nhà để tránh gió, ngồi xuống, lần này thì được ngay, ba que diêm bắt lửa bắt đầu cháy. Thấy tôi cứ đi ra đi vào nên bà Già đã bước ra thềm nhà ngồi phệt xuống nhìn thằng cháu, miệng vẫn bỏm bẻm nhai trầu.
Ba que hương được cắm xuống nền đất, gió thổi qua làm đốm lửa đỏ rực.
- Chị Ma thân mến! Em không biết có phải không nhưng nếu đứa bạn em nó đã làm gì có lỗi với chị, xin chị tha lỗi cho nó. Nó là một đứa rất ngoan, nó cũng hay chơi với em, bây giờ chả hiểu sao nó lại m·ất t·ích, cả nhà nó đang đi tìm chị ạ. Nếu là lỗi của nó thì em mong chị bỏ qua cho và đưa lối chỉ đường, sống thấy người, c·hết thì thấy xác. Em xin cảm ơn chị, nhất định em sẽ mua thêm bánh đúc, hẳn hai cái luôn chị nhé!
Tôi vái ba lần rồi đứng dậy, tôi cho rằng cầu xin như vậy là đúng rồi, mỗi lần bố tôi khấn đều lẩm bẩm trong miệng, tôi không biết nói những gì nhưng tôi đoán cũng giống như kiểu viết thư cho người thân kể lể xin xỏ cái gì đó mà thôi.
***
Từ đâu bỗng nhiên có một con đom đóm lập lòe bay đến đậu xuống những nhành cỏ trên mô đất, rồi lại bay lên trước mặt tôi, bay qua bay lại mấy vòng rồi bay về hướng lũy tre gai rậm rạp, tôi dõi mắt nhìn theo.
- Mày bật cái đèn pin lên xem có gì trong bụi tre không?!
Bà tôi đứng bên cạnh từ lúc nào không hay, tôi sực tỉnh làm theo.
Lũy tre nhà tôi dài chừng ba mươi mét, một đầu lũy tre là cái ao sau nhà, đầu còn lại là bụi mây đầy gai dài ra đến gần cổng, lũy tre và bụi mây xem như bức tường tự nhiên ngăn cách nhà tôi và cánh đồng phía bên kia. Sau này đất chật người đông người ta xây nhà, bếp nhiều nên đi hỏi mua, bà tôi bán rồi xây thành tường gạch. Lúc có lũy tre thì tôi nghĩ sao không là tường gạch vì xây tường không thể cao được, tôi đứng trên hiên nhà có thể nhìn ra cánh đồng và xa xa kia là Quốc lộ 17, nhưng khi tường gạch được xây lên tôi lại nghĩ, giá như là lũy tre có phải tốt hơn không.
Tôi soi lướt vào rặng tre đang khẽ đung đưa theo gió, ánh đèn pin lia loang loáng, tôi cũng không thật sự biết mình đang tìm cái gì.
Ánh đèn ngưng lại, tôi nghe rõ hơi thở của mình.
Tôi thấy một chiếc dép tổ ong trẻ con màu trắng đục lấm lem vết bùn đất ngay sát gốc tre gai. Đây không phải dép của tôi, tôi luôn đi xăng - đan khi ra khỏi nhà hoặc dép tổ ong nhưng nhất định là màu xanh. Tôi có vài quan niệm hay thói quen khá buồn cười, tỉ như việc ra khỏi nhà đi xăng - đan sẽ cảm thấy lịch sự hơn và luôn cài quai ngay ngắn, dép tổ ong tôi chọn màu xanh vì màu đỏ giống con gái, màu trắng mau bẩn còn màu đen nhìn quá tối tăm. Nhưng rồi cuộc đời vùi dập thế nào sau này tôi lại gắn với những thứ lúc nhỏ không thích.
Ánh đèn pin soi thật kỹ vào rặng tre, tôi rất hồi hộp như sợ sẽ nhìn thấy một con rắn tự nhiên thè lưỡi ra và đớp lấy tôi.
Tôi nhìn thấy cái gì đấy...
Tôi soi kỹ hơn, nghiêng hẳn đầu, cố rướn mình lên để nhìn cho rõ.
Tôi thấy thằng X. trọc!!!
Đúng là nó, không thể nhầm được, tóc cắt ngắn gần như trọc thế kia cơ mà.
Nó đứng kẹp giữa lòng bụi tre đầy gai ! Mặt nó quay về hướng bên kia nên tôi không nhìn thấy, hai tay buông xuống, đứng nghiêm giống như chào cờ thứ Hai đầu tuần vậy.
- X.! Mày phải không?
Tôi chỉ thấy nó lắc lư người nhưng không đáp.
- Tao đây, tao N. đây mà. Mày sao lại ở trong đấy?
- Nó bị cấm khẩu rồi, mau đi gọi bố mẹ nó!
Bà tôi cũng đã nhìn thấy nó. Tôi vụt chạy ra khỏi cổng, rẽ trái rồi lại rẽ trái tiếp, vừa cầm đèn pin vừa chạy thục mạng, vừa la hét giống như Ác-si-mét khi tìm ra định luật sức đẩy của nước, chỉ khác ở chỗ tôi có mặc quần áo đầy đủ.
- Tìm thấy rồi, tìm thấy rồi!
Tôi thở hổn hển và hét toáng lên khi tới gần cái ao ở cổng chùa lúc này có hàng tá người đang tụ tập với đèn đuốc đủ loại sáng trưng. Câu nói của tôi đầy sức hút và như có phép thần thông ngưng đọng thời gian vậy, mọi người đồng loạt quay đầu nhìn tôi.
- Tìm thấy ở đâu?
Ai đó nhào ra khỏi đám đông vồ lấy vai tôi lắc lắc.
- Ở bụi tre nhà cháu!
- Bụi tre?
Thêm mấy người nữa bước đến vây lấy tôi.
- Thằng này con nhà ai?
- Nhìn nó quen quen...
- Mày con nhà K. cháu ông H. phải không?
- Dạ!
Tôi gật đầu, làng tôi cho đến cả bây giờ người ta vẫn có thói quen xác nhận danh tính một người nào đó theo cây phả hệ, tôi tin là nếu muốn họ có thể trích lục ba đời nhà tôi chỉ trong trong sáu mươi giây, ví dụ như: "Thằng A con nhà ông B cháu cụ C nó mới cất cái nhà hai tầng" hay là "cái J con nhà Q cháu ông K nó mới về hôm qua"...
- Sao nó lại ở trong bụi tre? Mày thấy bao giờ?
- Mới vừa xong ạ!
Đoàn người hối hả tất tả nối đuôi nhau chạy về hướng nhà tôi cách đó chừng 500 - 600m.
- Đúng rồi, thấy rồi!
Cả đoàn người đứng túm tụm trên thửa ruộng, thật đen đủi cho ruộng khoai lang nhà ai bị giẫm nát không thương tiếc. Tiếng người í ới gọi nhau chỉ phút chốc đã như cái chợ vỡ, một nhóm khác đi vòng qua hướng cổng nhà tôi và đứng phía bên kia lũy tre, họ nói to như hét trao đổi với nhau cách giải cứu thằng X. trọc.
Bụi tre gai chỗ thằng X. trọc đang bị giam cầm mọc san sát nhau, dày đặc những nhánh gai nhọn, không hiểu thằng này làm thế nào mà lại đứng ở giữa bụi tre được, nó không nói được nhưng mặt tái mét, nước mắt ngắn nước mắt dài nhìn thê thảm thật sự.
Chỉ một lúc sau gần như cả làng biết chuyện, nửa đêm tới nơi mà thanh thiếu niên dường như không thiếu mặt người nào. Bàn bạc xôm xao một hồi người ta quyết định chặt bớt tre giải cứu thằng X vì loại tre gai này người lớn không thể nào chui vào được.
- Đm, đéo hiểu sao thằng này lại chui vào bụi tre, nó chơi kiểu đéo gì lạ thế nhờ?!
Thằng L. đứng cạnh tôi bên đầu hồi nhà lẩm bẩm nói nhỏ với tôi. Tôi cũng không biết nên nói với nó như thế nào cho phải.
- Mà sao mày lại tìm ra nó? Đm, mày có hỏa nhãn kim tinh của Tôn Ngộ Không à?
- Em biết đâu, đi đái thì thấy cái dép tổ ong ở kia, thấy lạ nên soi đèn pin tìm chiếc còn lại thì vô tình thấy nó đấy chứ!
- Cũng may mà tìm thấy, không nó lại c·hết khô trong bụi tre luôn, đéo ai nghĩ nó trốn trong đấy cơ chứ?!
Tôi không thể nói với bất kì ai về việc làm sao mình tìm ra thằng X. dù sao thì chuyện cũng quá là hoang đường. Việc cứu thằng X ra được tiến hành rất cấp thiết, mấy con dao rựa nhanh chóng được mang đến, nhưng lũy tre đâu có dễ dàng chặt như mọi người dự định được chứ.
Nãy tôi mới chỉ xin chị Ma là giúp tìm ra được nó, còn cứu nó ra như thế nào làm sao tôi biết được chứ.
***