Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Bí Ẩn Làng Bưởi Cuốc

Chương 125: Hoàng Anh Mộc (P.3)




Chương 125: Hoàng Anh Mộc (P.3)

Trưa ngày rằm tháng 2 Âm lịch tôi đi học về thì không thấy bà Già ở nhà, nồi cơm vẫn vùi trong đống tro bếp còn nồi canh thì vẫn để trên cái kiềng ba chân, nếu muốn nóng chắc chỉ cần cho ít rơm vào đun chừng 2 phút là có một nồi canh nóng. Ngày Rằm bà Già và những người lớn tuổi khác thường lên chùa nên tôi cũng không lạ nhưng hôm nay ăn cơm xong rồi vẫn chưa thấy bà về nên tôi đạp xe lên chùa xem có việc gì hay không nhân tiện thăm sư thầy vì từ hồi Tết đến nay tôi cũng chưa gặp.

Lại nói về số tiền bán vàng được kha khá tôi mang về đưa hết cho bà, bà Già cất chỗ Hai triệu đi vì toàn tiền mới và bảo là để dành khi nào có việc gì cần thì dùng, lần trước bà cũng định cho tôi Năm chỉ vàng mà sau đó bà vẫn khỏe, không thấy c·hết nên tôi có hỏi rằng bà đã cho tôi thì để tôi mang đi bán lấy tiền tiêu. Bà Già đã mắng tôi một chặp.

- Mày mong tao c·hết sớm phỏng?

- Đâu... Tại bà bảo là cho cháu thì cho trước đi, hay bà chỉ cho cháu chỗ giấu?

- Tiên sư bố nhà mày! Tao giấu mà mày tìm được chắc?!

- Bà giấu trong buồng, hôm nào bà đi vắng cháu sẽ tìm...

Tôi vừa nói vừa cười nhơn nhơn, bà Già thì ngồi ăn trầu cứ lẩm bẩm mắng tôi là thằng cháu bất hiếu. Số vàng ấy sau này tôi nhớ là bà tiết kiệm được đâu cũng kha khá, chắc phải gần 3 cây mà lại đưa cho bố tôi hết, tôi tị nạnh mãi việc ấy vì trong số mà bà tiết kiệm được là do tôi biếu bà rất nhiều, nếu không nói là phần lớn, mỗi lần nghe tôi nói thế thì bà lại bảo:

- Tao còn sống lâu, để tao tiết kiệm được nhiều hơn chỗ đấy rồi tao cho mày thêm mà lấy vợ.

Hồi tôi lấy vợ thì hai bà cũng bảo các cô gửi cho một chỉ vàng, tôi nhận rồi sau đó biếu lại hai bà.

*** Câu chuyện được kể bởi Fb Nam Ngủ Yên

Dắt xe qua cổng chùa tôi đã thấy nhiều cụ bà ngồi quây quần trong sân, dưới bóng mát của cây xoài, có vẻ như các cụ đang ngồi nghe một nhà sư nói chuyện, vì không muốn làm phiền các bà nên tôi dựng xe nhẹ nhàng vào một gốc cây sau đó đi vào. Một số cụ bà, trong đó có cả bà Già, quay ra nhìn tôi nên tôi khẽ cúi người chào và cười sau đó lỉnh nhanh xuống khu nhà dưới, nơi ở của sư thầy.

- Cháu chào ông ạ! – Tôi cất tiếng khi chân đã ở ngưỡng cửa.

- Ồ, lâu không thấy cháu lên chơi, dạo này mải đi khám phá ở đâu hả?

- Dạ, không! – Tôi cười rồi nhanh chóng ngồi vào tràng kỷ đối diện với sư thầy – Từ Tết đến giờ cháu chỉ đi học với ở nhà thôi chứ không đi đâu chơi cả!

- Thế đã khám phá hết làng mình chưa nào? Cần thì ông cho mượn thanh kiếm nhỉ?! – Sư thầy nói nửa đùa nửa thật và cười, nếp nhăn trên khuôn mặt ông có vẻ nhiều hơn cái tuổi ngoài 50.

- Làng mình có gì đâu mà khám phá hả ông, cháu thích được đi xa hơn!

- Làng mình đây còn có nhiều thứ hay đấy! – ông sư nhìn tôi cười, đầu ông lắc nhẹ mấy lần – Đầu tháng này ông bấm độn thấy sắp có việc lớn...

- Việc gì thế hả ông?

- Ta biết trước được thì còn nói làm gì?!

- Mà ông... Chùa làng mình mới có thêm nhà sư mới về ở đây cùng với ông hay sao ạ?

- Không... Nhà sư trẻ kia là đệ tử của một người bạn ta - ông sư uống một ngụm nước chè rồi nói tiếp – Còn trẻ cho nên đi mỗi chùa một thời gian để học hỏi. Chúng ta rồi cũng sẽ già, cần phải có những nhà sư trẻ tiếp tục việc tụng kinh niệm phật... Cháu có thích làm nhà sư không?

- Cháu không ạ, lớn lên cháu thích được đi nhiều nơi, biết nhiều thứ! - tôi nhìn ra cửa nhìn ánh nắng đầu buổi chiều đang vàng rực ngoài sân – Làm nhà sư thì không được tự do, mà cháu thì lại là người thích bay nhảy.

- Và là đích tôn đúng không? – Ông sư cười to một cách sảng khoái – Ta hỏi cháu cho vui vậy thôi, nhìn cháu quả nhiên không thể làm một nhà sư được!

- Dạ! –tôi vừa cười vừa gãi đầu – Mà anh sư, à nhà sư ngoài kia tên là gì thế ông?

- Đấy là sư Huy, cũng còn trẻ, thầy ấy mới chỉ 20 thôi!



Tôi gật gù mấy lần ra vẻ hiểu biết, cái điệu bộ này là tôi học của mấy ông cụ khi thấy các cụ ngồi chơi tổ tôm. Ngồi chơi với sư thầy thêm một lúc sau đó tôi xin phép ra về, sư thầy cho tôi một túi gồm có mấy quả na, quýt và hai cái oản vẫn dính lá mít ở đáy, những ngày Rằm thì chùa rất nhiều thứ này. Khi tôi quay trở ra chỗ xe đạp thì các cụ bà vẫn đang say sưa nói chuyện với sư Huy, tôi lại một lần nữa cười và cúi đầu chào mọi người một lượt, lúc treo mấy thứ lên xe đạp thì tôi tranh thủ nhìn nhà sư ấy trong giây lát.

Sư Huy là một nhà sư có khuôn mặt sáng, môi hơi mỏng, mũi hơi tẹt và đôi mắt tôi nghĩ là một mí hoặc hơi xếch, đứng ở xa tôi nhìn không được rõ lắm vả lại cũng không tiện... Tuy nhiên, trông dáng vẻ nhà sư Huy tôi thấy hao hao giống nhà sư ngày hôm kia đã gặp trên đường đi học về nhưng chắc không phải vì cái đầu đã nhẵn thín, sư Huy này có vẻ ngoài nhìn dễ gần với làn da sáng và giọng nói vọng đến tôi nghe câu được câu mất nhưng có thể đánh giá là nhẹ nhàng, bảo sao các cụ bà chăm chú lắng nghe và hỏi chuyện đến vậy.

Tôi đạp xe về đến đoạn gò đất có ngôi mộ cô đơn mà bố tôi nói đó là mộ tổ ngành của nhà tôi, từ Tết đến giờ sau khi biết đây là cha ông tổ tiên của mình thì tôi cũng có đôi lần ra thắp hương nhưng thông tin chẳng có gì nhiều cho nên cũng chỉ khấn lẩm bẩm trong miệng đôi ba câu kiểu như khai báo danh tính, xưng là con cháu chứ cũng không biết tên tuổi của Tổ tiên nhà mình ra sao... Tôi đạp thêm vài vòng pê-đan thì bất chợt nhìn qua bên phải, nơi lũy tre nhà mình thì thấy có hai người đàn ông đang lom khom ngó nghiêng vào bụi tre khiến tôi thoáng giật mình, tự nhiên trống ngực đập thình thịch.

“Chắc họ đi bắn chim!?”

Tôi tự nhủ như vậy rồi nhanh chóng đạp xe đi thẳng đến chỗ bụi tre nhỏ hôm trước mới moi được cái nhẫn vàng chứ không rẽ phải vào đường dẫn để về nhà.Tôi vội vã dựng xe đạp vào bụi tre rồi nhảy tót xuống nhưng suy nghĩ một hồi tôi thấy không ổn nên lại dắt xe thong thả đi về dựng ở cổng nhà sau đó đi bộ sang nhà cô Thu, cách có mấy mét. Anh em thằng Lâm, Hùng, Sơn đứa thì ngủ, đứa thì nằm đọc truyện, tôi chỉ hỏi bọn nó dăm ba câu lấy lệ rồi nhanh chóng luồn ra phía đầu hồi mé Tây căn nhà, giữa đầu hồi và nhà vệ sinh có một khoảng trống khoảng 1m, phía trước là một rặng mây gai ngăn cách với đất của nhà tôi và một khoảng chừng hơn 2m là nhìn thẳng ra phía mặt ngoài của lũy tre, tôi tính rằng góc quan sát này kín đáo hơn nên đã lựa chọn vị trí này.

Chừng 30m phía trước, qua những kẽ hở nhỏ của bụi mây gai thì tôi nhìn rõ hai người đàn ông mặc áo dài tay, đầu đội mũ cối, quần kaki và đi tông (dép lào) màu vàng, cả hai đang chỉ trỏ và bàn luận cái gì đó mà tôi không tài nào nghe được vì khoảng cách rất xa. Chỗ hai người họ đang đứng thì mấy năm trước chính là nơi đã tiến hành cuộc giải cứu trong lũy tre. Hai người ấy đứng thêm một lúc rồi đi gần đến vị trí cây duối và đứng nói chuyện, một người còn đi qua con hào vào sát bụi tre và sờ cây duối. Tôi đứng từ xa cũng cảm thấy hồi hộp, thật sự tôi muốn biết hai người này đang nói chuyện gì, rất rất muốn!

Lững thững dắt xe vào sân nhà, tôi biết ở phía bên kia lũy tre đang có hai cặp mắt dõi theo mình nhưng tôi giả đò như không thấy, thản nhiên dựng xe vào ụ rơm rồi đi vào nhà. Ngay khi bước vào nhà là tôi chạy nhanh như bay đứng ngay lên bàn học, trên cửa sổ đầu hồi nhà tôi có ô thoáng và tôi muốn quan sát hai người đàn ông kia từ đây nhưng rất tiếc là ở góc Đông Bắc thì lũy tre quá dày, chả nhìn thấy gì nên tôi đành dừng công việc này lại.

- "Đi tìm mua duối hay tìm mua gì đây?"

Tôi tự hỏi chính mình khi nằm trên võng đong đưa, một lúc sau ngoài cổng có tiếng gọi vọng vào.

- Có ai ở nhà không nhể?

Tiếng con Mực sủa vang, tôi vội vùng dậy khỏi võng, nhìn qua chấn song cửa thì chỉ thấy một người đàn ông mặc bộ quần áo khi nãy tôi đã nhìn thấy bên lũy tre, ông ta lúc này đang đứng trước cổng nhà tôi với mũ cối cặp một bên và ngó nghiêng vào sân. Tôi nhìn mặt mình trong cái gương vuông nho nhỏ của bà để xem thần thái ra sao rồi, vơ ít tiền đút vào túi quần sau đó mới bước ra ngoài.

- Dạ có ạ!

Tôi đi ra mở cổng, bảo là mở cổng cho nó oai vậy chứ thật ra nó chỉ là một cái cổng đan bằng những thanh tre đã nhuốm màu thời gian, nhìn khá ọp ẹp.

- Cháu chào chú ạ!

Tôi khẽ cúi đầu, lên tiếng chào rồi mở cổng mời người đàn ông lạ mặt vào nhà.

- Có bố mẹ ở nhà không cháu?

- Cháu ở nhà với bà, bố mẹ cháu đi làm ăn xa ạ. Chú cần gặp bố mẹ cháu ạ?

- À không, chú muốn gặp người lớn trong nhà hỏi thăm chút chuyện...

- Cháu mời chú vào uống nước, nếu chú cần nhắn gì thì cháu sẽ nói với bà cháu. Hôm nay Rằm nên bà cháu đi chùa chưa về ạ!

Người đàn ông ngồi phệt luôn ngoài hiên, tôi hiểu họ muốn quan sát thêm địa hình từ phía trong này nên mặc kệ.

- Chú uống nước ạ! Nhà có hai bà cháu nên chỉ có thứ nước này, chú uống tạm...

- À, chú cảm ơn nhá! – Người đàn ông đón lấy cốc nước từ tay tôi – Cháu học lớp mấy rồi nhỉ?

- Cháu học lớp 8.

- Trông cũng thông minh lanh lợi đấy chứ, học khá chứ cháu?

- Cháu mải chơi, bà cháu mắng suốt ngày – Tôi cười cười và gãi đầu.



- Nhà cháu có cây duối ngoài bụi tre, chú đi ngang qua thấy nên đánh liều vào hỏi thử xem nhà mình có bán hay không? – Người đàn ông đi thẳng vào vấn đề.

- Cây duối hả chú? – Tôi hỏi lại.

- Ừ, cây duối ngoài bụi tre kia kìa, thấy cũng bắt đầu bị sâu nó đục rồi! – Người đàn ông chỉ tay ra hướng bụi tre phía đầu hồi nhà.

- Cái cây đấy ý ạ?! – Tôi nhăn nhó lắc đầu – Cây nó lâu đời rồi chú ạ, bà cháu hay bắt cháu phải mang dao ra chặt bớt một số cành đi, cháu cũng bảo chặt quách đi cho rồi mà bà cháu không cho.

- Sao thế?

- Cây đấy bà cháu bảo có từ lâu đời rồi, từ hồi bà cháu về làm dâu là đã thấy cái cây đấy xum xuê, hồi đấy lũy tre chưa dày đặc như bây giờ nên chả sao. Cháu nghe bà cháu nói thế ạ!

- Nhà cháu ở đây thế là lâu lắm rồi nhỉ?

- Cũng không chú ạ, mới 50 năm thôi, trước ông cháu là địa chỉ nhà ở khu Trên kìa, cái bãi đất này là chỗ chăn vịt với chuồng trâu của nhà cháu khi xưa ấy mà. Nhà cửa mất hết nên ông bà cháu phải dọn về đây ở.

- Cháu hỏi bà cháu xem cây duối này bà cháu có bán không, bán thì chú mua!

- Bán á chú? Cây này thì bán được bao nhiêu tiền đâu mà bán ạ?!

- Chú mua sưu tầm với làm thuốc nữa, cháu nói với bà hộ chú, cây này cũng phải được 4-500 nghìn đấy không ít đâu!

Tôi gật gù rồi đáp gọn lỏn.

- Đúng là ít thật, chừng ấy chắc cháu tiêu một tháng là hết!

Người đàn ông nghe tôi nói vậy thì bị sặc nước, ông ta nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên còn tôi thì tỏ ra rất bình thản.

- Chú sao thế ạ?

- Chừng ấy mà ít? Hơn một chỉ đấy cháu. Trẻ con thì tiêu gì đến tiền mà một tháng cháu tiêu chừng ấy, cháu đùa hả?

- Không ạ, bố cháu làm nghề giám đốc thiếu gì tiền, cháu ở nhà với bà nội thì mỗi tháng bố cháu cho Năm trăm nghìn để chi tiêu, tiêu không hết thì để dành... – Tôi nói đến đó thì rút từ túi quần ra một xấp tiền với những tờ Năm mươi nghìn, hai mươi nghìn và ít tiền lẻ đưa ra trước mặt người đàn ông lạ. – Ở quê đúng là chẳng biết tiêu cái gì, cháu đang tính tiết kiệm lại để khi nào học lớp 10 cháu sẽ mua một cái xe Cub đi học cho đỡ mỏi chân.

Người đàn ông nhìn tôi với ánh mắt khó hiểu, tôi nhìn ông ta với ánh mắt ngây thơ, đây là tiền từ hồi Tết của tôi vẫn còn, số tờ Một trăm nghìn tôi đã cất riêng chỉ lấy mấy trăm nghìn bỏ trong túi nhằm lòe người này mà thôi.

- Chắc bà cháu không bán đâu chú ạ nhưng mà...

- Nhưng mà sao cháu?

- Bà cháu đang cần Hai triệu để mua gạch, xi-măng với thuê người về xây tường gạch mà bố cháu không đưa, bà cháu đang giận việc đấy!

- Hai triệu?! – Người đàn ông giật mình.

- Cháu nghe nói thế thôi ạ, cháu chẳng quan tâm, dù sao cháu cũng chỉ ở tạm đây vài năm rồi ra Hà Nội ở với bố mẹ cháu... – Tôi thở dài - Ở cái làng này buồn, chả có gì chơi, tiền thì cũng vô dụng, chỉ có nghỉ Hè cháu mới được ra ngoài ấy mấy tháng.

- Cháu cứ về nói với bà cháu là chú trả năm trăm nghìn nhé, chiều mai chú quay lại, được thì chú cho đánh cây luôn!

- Năm trăm bà cháu không bán đâu, để cháu chỉ cho chú nhà mấy đứa bạn cháu đầy cây duối, còn cổ hơn cả cây nhà cháu đấy, chú đến đấy xem thử xem?



- Gần đây không cháu?

- Kia kìa chú! – Tôi đứng lên chỉ tay về hướng nhà thằng Chắc Gạo – Chú phải đi vòng qua đường ven làng rồi đến nhà nó, nhà nó có hai cây mọc gần cái miếu, chú qua đấy xem thử biết đâu mà thằng bạn cháu bán.

- Bà cụ tên gì cháu nhỉ?

- Bà ấy tên là Th. ạ, nhưng mà bà cụ khó tính lắm đấy, chú phải cẩn thận!

- Ờ, tốt quá, chú cảm ơn nhé! – Người đàn ông đưa lại cho tôi cái cốc nước rồi bước xuống sân, đi được mấy bước ông ta quay lại hỏi thêm – Bà cháu không phải người làng này hả?

- Không ạ! – Tôi lắc đầu – Bà cháu về đây năm 1940, bà cháu 80 tuổi rồi mà!

- Cây duối bị sâu rồi, cháu nói với bà thế, Năm trăm nghìn là được một khoản đấy! Tiền thì có bao giờ thừa đâu.

- Đúng ạ, tiền thì lúc nào cũng thiếu nhưng mà bà cháu không bán đâu, chắc phải nhiều nhiều thì may ra các cụ động lòng...

Người đàn ông cười với tôi rồi quay lưng bước đi, tôi cất tiếng chào với theo rồi quát con Mực đang sủa, bắt nó đi vào nhà. Tôi lại vào võng nằm đong đưa suy tính và xâu chuỗi những câu chuyện lại. Họ muốn mua cây duối nhưng tôi lại chưa biết mục đích thật sự của họ nên cố tình nói vống lên để họ đi mua chỗ khác, làm gì cũng phải nghe ngóng đã. Nếu cây duối nhà mình thật sự quý giá thì nhất định họ sẽ quay lại, ban nãy tôi đã quan sát thấy hai người đứng nói chuyện rất lâu và thậm chí còn lại gần cả cây duối ngó nghiêng xem xét, đoán chừng họ mua là có mục đích khác. Năm trăm nghìn là một số tiền không nhỏ nhưng tôi sẽ không bán nếu chưa biết giá trị của cái cây cũng như mục đích của người mua. Tôi mới tự đi bán vàng hai lần, một lần đi bán tiền xu cổ và quan sát bố mình nói chuyện với khách hàng mỗi khi có dịp. Trong những lần tôi cùng bố đi xuống dưới Thứa hoặc một vài lần ít ỏi đi cùng bố ở Hà Nội, bố tôi đã giải thích cũng như chỉ bảo cho tôi nhiều điều về việc buôn bán của bố. Từ những câu chuyện bố tôi kể hay những kinh nghiệm mà bố tôi truyền đạt hoặc do tôi hỏi và quan sát thì tôi rút ra được một điều rằng phải xây dựng được hình ảnh của bản thân, phải tạo ra một câu chuyện còn bán hàng chỉ là việc sau cùng, họ cần thì tự sẽ mua và giá không phải còn là vấn đề quan trọng nữa nếu “câu chuyện” có sức nặng.

Khi bà Già về nhà thì tôi đã kể cho bà việc có người muốn mua cây duối, bà già thì đơn giản gật đầu ngay vì bà thấy cây duối ấy vô dụng, bán được ít tiền thì cũng tốt vì cây duối ấy mọc ra hướng cánh đồng cũng không có tác dụng gì. Tôi nói với bà rằng cây này người ta mua vì nó quý lắm, để làm thuốc bán sang nước ngoài, sang tận Pháp.

- Cái chú đấy sang nhà bà Th. trả giá cái cây duối nhà bà ấy tận Một triệu đấy! – tôi bịa ra – Mà cây nhà thằng bạn cháu thì cháu lạ gì?! Không cổ bằng cây nhà mình đâu. Kiểu gì người ta cũng quay lại để hỏi bà, bà cứ bảo Hai triệu thì bà bán, cháu đảm bảo với bà là người ta sẽ đồng ý!

- Cái thằng này mày bị dở người à?! – bà nhìn tôi – Cái cây vừa sâu vừa mục ấy ai người ta trả Hai triệu? Có mà để đó tao còn phải thuê người chặt đi ấy!

- Bà cứ nghe cháu! – tôi thuyết phục bà – Bên xã người ta đi tìm mua duối cổ, càng cổ thì càng nhiều tiền, mấy đứa bạn lớp cháu nói thì cháu mới biết đấy chứ, nhà bọn nó có cây còn bán được đến Ba triệu mấy chứ bà tưởng à?!

- Chả có nhẽ...

- Bà phải tin cháu, bà mà nghe cháu thì có người chặt cây hộ bà này, mang đi hộ bà mà bà còn có cả mớ tiền!

- Trần đời tao chưa bao giờ nghe có ai đi mua ba cái thứ cây đấy, ngoài cánh đồng mọc đầy ra đấy, họa có dở người mới bỏ tiền ra mua.

- Thế nếu bán được Hai triệu thì bà cho cháu bao nhiêu?

- Tao cho mày tất!

- Đấy là bà nói nhá! – Tôi ôm chầm lấy bà lắc lắc – Bán được chừng ấy tiền thì bà cho cháu hết!!!

- Bỏ ra! Mày xem ở làng này có đứa nào giống mày không? Miệng suốt ngày tiền tiền, ăn thì như mỏ khoét. Nãy tao ở trên chùa thấy bà cụ Kh. nói là sao mày lại có nhiều tiền thế, mua quà chỗ bà ấy suốt ngày.

- Tiền cháu kiếm ra chứ có lấy của ai đâu mà bà lo?!

- Tao còn chưa hỏi mày về số tiền hồi Tết ở đâu sao mà nhiều thế?

- Thế thì bà không biết rồi, bố cháu bảo là cháu giống ông nội cháu giỏi buôn bán làm ăn nên tự nhiên có tiền đấy. Để cháu chứng minh cho bà xem cháu lấy tiền ở đâu ra để mua nước ngọt với kẹo bánh - Tôi cười toe toét.

- Tiên sư bố mày, chỉ được cái lẻo mép!

Bà mắng thế xong thì ngồi têm trầu nhai, tôi ngồi bên cạnh vịn tay vào đầu gối của bà và dặn dò bà thật kỹ đến mức bà tôi phát cáu. Ngoài việc nói thách để người đàn ông lạ mặt quay lại thì tôi cần chờ đêm xuống, tôi cần sự chỉ dẫn bởi vì tôi chợt nhớ tới cây duối ở nhà bà ngoại tôi, cây duối cạnh “nhà” của chị Lý Ngọc Khuê, bởi vì cây đó thật sự khác lạ so với một số cây mà tôi từng nhìn thấy, nhất là cái cảm giác lạnh lạnh khi ra đấy thắp hương vào buổi trưa.

Tôi muốn hỏi chị Ma về cây duối ở lũy tre.

---

***