Chương 124: Hoàng Anh Mộc (P.2)
Sau khi dựng xe đạp vào trong nhà thì tôi mang theo con dao rựa chạy đi, tiếng bà Già ý ới gọi trong nhà bảo ngồi ăn cơm nên tôi phải đáp lời là sẽ về ngay. Bụi tre chỗ ngã 3 mà Ông Mãnh chỉ thì tôi không có gì lạ lẫm bởi vì nó chỉ cách nhà chừng 100m, cái ngã ba nhỏ này lần trước chị Ma chỉ cho tôi dùng cái thuổng để xác định hướng đi đào hũ tiền xu cổ. Tay tôi cầm con dao, mắt nhìn xung quanh xem có ai không, đúng là buổi trưa chẳng có bóng người nào, đường này bình thường cũng đã vắng rồi. Sau một hồi ngó nghiêng thì tôi ngồi thụp xuống cạnh bụi tre nhỏ ngay sắt con mương dẫn nước lên cánh đồng, tôi quan sát thì không thấy có chỗ nào đào bới để cất giấu vật gì nên đành dùng m·ũi d·ao chọc vài lần xuống những gốc tre, chỉ đến lần thứ ba thì quả nhiên có đụng vào một vật gì đó nên tôi dừng lại, nhìn xung quanh một lượt sau đó dùng tay bới nhẹ đất lên.
-Lại là nhẫn vàng?!
Tôi cầm cái nhẫn vào có vẻ nặng lên nhìn, không có ký hiệu 9999 ở phía mặt trong của nhẫn, một cái nhẫn trơn láng và có vẻ dày hơn cái lần trước tôi nhặt được ngoài đường của những vong hồn nghèo góp lại cho nên khi bóp nhẹ thấy không bị méo. Tôi cất vội cái nhẫn vào trong túi và đào thêm những chỗ xung quanh nhưng không thấy gì thêm nên chắc mẩm là chỉ có chừng này nên bỏ lại tờ Năm nghìn đồng rồi đứng lên. Trên đoạn đường ngắn đi bộ về nhà, tôi thắc mắc là đêm qua thấy Ông Mãnh nhặt riêng ra một đống vàng mà sao lại chỉ có một cái nhẫn nhỏ tí thế này, về đến cổng nhà thì tôi lại suy luận ra một việc, mình chỉ bỏ một ít tiền ra đã đổi được một mớ vàng giấy thì như này chắc nhiều rồi, hoặc tiền vàng dưới âm phủ mất giá do người ta gửi xuống nhiều quá nên Ông Mãnh chỉ đổi được từng này.
“Mà thôi, lộc bất tận hưởng, cụ cho thì con xin.”
Tôi thầm nghĩ như vậy khi thò tay vào túi quần lần sờ chiếc nhẫn.
-Mày vác dao đi đâu đấy? Sao không ăn cơm luôn đi?
Tôi không nói gì mà nhìn bà Già cười tít mắt, bà ngạc nhiên lắm nhưng tôi lững thững đi vào chạn bát cài lại con dao vào đấy rồi quay ra kéo bà Già ngồi xuống giường của bà.
-Bà ngồi đây cháu bảo. – Tôi nói nhỏ.
-Mày làm gì mà cứ như đám buôn bạc giả thế? – Bà Già giằng tay ra khỏi tay tôi nhưng vẫn ngồi xuống giường.
-Bà xem cái gì đây?! – Tôi chìa tay ra, trên lòng bàn tay là cái nhẫn vàng.
Bà Già nhìn kỹ, rồi lấy tay nhón cái nhẫn lên xem.
-Sao giống nhẫn vàng nhỉ? – Bà nhận định.
-Đích thị nó là nhẫn vàng! – Tôi khẳng định.
-Mà...mày... mày lấy ở đâu ra? – Bà Già hốt hoảng.
-Cháu đào được.
-Đào được?! – Bà Già ngẩn người ra, vẻ mặt hốt hoảng.
-Cháu vừa đào xong. – Tôi nhìn bà và gật đầu như kiểu khẳng định.
-Mày.. mày có biết câu “được bạc thì sang, được vàng thì lụi bại” không? – Vẻ mặt bà Già trở nên lo lắng.
-Cháu biết! Nhưng thời nay làm gì có bạc mà nhặt, chỉ có vàng và tiền thôi. Tiền thì cháu cũng nhặt được mấy lần rồi.
-Mày phải ra trả lại ngay chỗ cũ, mấy đồ này độc lắm biết chưa?
-Độc gì mà độc, Tổ tiên cho cháu thì sao mà độc được.
-Tổ tiên nào? – Bà Già lại ngẩn người ngạc nhiên thêm một lần nữa.
-Đêm qua cháu ngủ mơ thấy có một ông cụ lưng hơi còng, nói là Tổ tiên mấy đời của nhà mình, ông cụ ấy bảo là bà chăm cúng bái nên các cụ cho bà cái này để chi tiêu.
-Chả có nhẽ...
-Bà thấy hồi đầu tháng bà thắp hương hôm đi đám ma về không? Mấy cây hương b·ốc c·háy đấy.
-Chả có nhẽ thế thật – Bà Già bán tín bán nghi.
-Chính ông cụ trong mơ đã nói với cháu như thế, Tổ tiên đã cảm nhận được lòng thành của hai bà cháu mình.
-Nhưng mà... nhưng mà đây là vàng thật đấy.
-Đấy bà xem, cháu vừa đi học về phải vội lấy con dao chạy đi đào, các cụ không báo mộng cho thì làm sao cháu biết chỗ nào được. Từ lúc cháu mang dao đi đến bây giờ còn chưa tới 10 phút, ông cụ trong mộng bảo cháu đi lấy mang về cho bà nên cháu làm theo.
Bà già hỏi thêm vài câu nữa rồi vội vàng thắp hương trên ban thờ, để cái nhẫn vàng lên rồi lâm râm thấn, bà khấn rất lâu, tôi đoán là bà đang cảm ơn đến cao tằng tổ hỉ, cao tằng tổ hảo, cô di tỉ muội, thúc bá đệ huynh ... nên mới lâu như vậy. Tôi thì đứng phía sau khoanh tay trước ngực tủm tỉm cười, tuy tôi có nói dối một chút nhưng đúng là Tổ tiên cho mà.
Ngay sau bữa cơm trưa vội vàng, tôi cầm cái nhẫn trơn ấy đạp xe lên thị trấn Hồ, bà Già cẩn thận đưa cho tôi cái túi đựng mà bà hay dùng để đựng tiền, đó là một cái túi được may bằng vài sáng màu, có mấy bông hoa nhỏ màu xanh nhạt bên ngoài, bà già cho cái nhẫn vào rồi còn cẩn thận dặn dò tôi.
-Mày liệu có biết không, chả khéo lại bị người ta lừa đấy.
-Bà cứ lo, cháu biết chỗ để hỏi bán cái này, cứ lấy số chỉ nhân với số tiền một chỉ là được.
-Ừ, nhưng mà cũng phải cẩn thận, chỗ này chắc nhiều đấy.
Sở dĩ bà Già không dám giữ cái nhẫn này lại vì bà cũng sợ, bà có thói quen chỉ tiêu tiền do bản thân làm ra hoặc do bố tôi gửi về cho hai bà cháu.
-Cháu chào ông ạ!
-A! chào cháu, vào đây, vào đây!
Ông chủ cửa hàng vàng đang đứng trong quầy, đây là nơi trước Tết tôi mới tới bán hũ tiền xu. Ông chủ nhanh chóng nhận ra tôi và vẫy tôi đi vào trong.
-Hôm nay đến có việc gì nào, ông cháu muốn bán thêm mấy hũ tiền nữa hả?
-Dạ không! – Tôi lắc đầu – Cháu đến bán vàng.
Tôi lấy từ trong người ra cái túi vải nhỏ của bà rồi nhanh chóng lấy cái nhẫn trơn ra đưa cho ông chủ cửa hàng.
-Ông xem giúp cháu được bao nhiêu, cháu bán hộ bà nội cháu.
-Nhà cháu có vẻ khá giả mà sao lại mang đi bán mấy thứ này? – Ông chủ cửa hàng đẩy nhẹ cái kính lên để nhìn cái nhẫn, miệng vẫn hỏi chuyện tôi. – Vàng này từ lâu lắm rồi đây.
-Mấy cái thứ này nói là có một rổ thì hơi quá ạ, nhưng bà nội cháu có nhiều, Tết vừa rồi mỗi người con được một cái giống như thế này làm quà.
Tôi lại bắt đầu kể một câu chuyện cho ông chủ cửa hàng để tăng phần long trọng cho cái nhẫn, đi bán hàng luôn cần có một câu chuyện về thứ mình muốn bán, đấy là kinh nghiệm của tôi, mua hay không là tùy ở người mua nhưng hẳn là họ sẽ nhớ điều tôi nói.
-Chỗ quen biết nên ta cũng không hỏi nhiều, nhẫn này được hơn 6 chỉ một tí. – Ông chủ cửa hàng chỉ vào cái cân cho tôi xem. – Nhẫn này thì đúng là đồ gia truyền rồi, các cụ thời trước giữ kỹ thật đấy. Ta tính chẵn 6 chỉ được không?
-Cũng được ạ, xưa ông bà nội cháu là địa chủ mà, vàng bạc nghe đâu chôn giấu nhiều lắm, thi thoảng nửa đêm nửa hôm ông cháu lại đi đâu ấy.
-A! Thảo nào, phải thế chứ, nhà nông thì lấy đâu ra mấy thứ như này còn giữ được. Khi nào cần bán vàng, bạc hay đồ cổ thì mang lên đây, ta mua được giá cho.
-Ông mua cả bạc ạ?
-Ừ, có chứ sao lại không?
-Bạc chả được bao nhiêu. – Tôi gãi đầu. – Nếu ông muốn mua thì để hôm nào cháu mang lên xem được bao nhiêu. – Tôi chỉ vào mấy sợi dây trong tủ kính. – Nhưng bạc nhà cháu không giống mấy thứ này đâu, nó có hình giống cái thuyền ấy.
-Hả?! Cháu nói sao? Giống cái thuyền á?
-Vâng. – Tôi gật đầu khẳng định chắc nịch.
-Có nhiều không cháu?
-Cháu chả quan tâm việc ấy, cháu ở nhà với ông bà, mấy thứ này ông cháu cất kỹ lắm nhưng có lần cháu thấy mở một cái tay nải bằng vải ra, có nhiều cục màu trắng bạc to bằng nắm tay cháu đây này.
Tôi giơ nắm tay của mình ra minh họa, ông chủ tiệm vàng ngạc nhiên đến há hốc miệng, ông ấy chớp mắt đến mấy lần.
-Này cháu, 6 chỉ này tính ra là suýt Hai triệu tư, ta trả chẵn luôn. – Ông chủ đếm tiền đưa cho tôi, toàn những tờ Một trăm nghìn. – Này, cầm thêm Hai chục uống nước đi cháu, bữa nào có mấy thứ như ta dặn thì mang lên đây, ta mua hết.
-Vâng, quen đâu thì cháu bán ở đấy cho đỡ tốn thời gian mà. Ông đổi cho cháu Bốn trăm nghìn này thành tiền nhỏ hơn được không, tiền to như này về làng bà cháu đi mua cái gì cũng khó.
-À, được, được chứ. Đúng là đứa cháu có hiếu.
Tôi đi dạo một vòng quanh thị trấn rồi mua vài thứ lặt vặt sau đó đạp xe ra về, tại sao tôi phải làm thế? Đơn giản thôi, tôi muốn biết xem có ai đi theo đuôi mình hay không, thật may là chẳng có ai nhưng cẩn thận không bao giờ là thừa.
Việc làm ăn với ông chủ cửa hàng vàng này tính ra mới chỉ có hai lần.
---
***