Bên Đây Mưa Bụi, Bên Kia Rực Rỡ

Chương 112




Sau khi hạ triều, Đỗ Hâm nhanh chóng bước xuống bậc thang và đi về phía cửa cung. Phía sau có rất nhiều đại thần muốn trao đổi với ông ấy nhưng hôm nay ông chỉ nhớ thương bát mơ ngâm đường chua chua ngọt ngọt kia thôi.

Quả nhiên vừa xuyên qua cửa Tuyên Bình ông đã thấy thám giám nho nhỏ bưng một cái bát gỗ có nắp đậy và đứng trong bóng râm của tường viện mà chờ.

Đỗ Hâm thấy bát mơ ngâm kia thì cảm thấy thoải mái và đi nhanh tới đón lấy

cái bát, lại dắt tay áo của đứa nhỏ cùng đi tới bậc thang trong cung điện đang tu sửa được một nửa và ngồi xuống. Rồi ông ấy lập tức mở nắp cái bát, cầm thìa múc một quả mơ bỏ vào miệng.

Chua và ngọt đồng thời tràn vào trong miệng. Ông ấy không nhịn được run rẩy bởi cái răng đau kia cũng bị hương vị kích thích này đánh thức. Nó đau nhói lên, giật giật. Ngày thường ông ít khi cảm thấy đau răng lại có thể khó nhịn đến thế.

“Đình Bác Công không thoải mái ư?” Đứa nhỏ thấy ông ấy nhăn mũi thì cẩn thận hỏi, “Mơ ngâm đường không ngon à?”

“Ngon lắm, nhưng răng ta……” Cái răng sâu như có thuốc nổ, lúc nào cũng có thể nổ tung. Đỗ Hâm đáp được một nửa đã che má “Ai u” một tiếng.

“Ngài đau răng thì đừng ăn nữa.” Đứa nhỏ vội duỗi tay muốn cầm lấy cái bát từ tay ông nhưng lại bị Đỗ Hâm ngăn cản.

“Đau thì nhịn một chút là tốt, cái quan trọng nhất là có thể nếm được vị chua ngọt thoải mái này.” Sắc mặt ông ấy nghiêm túc, giọng cũng vững vàng nhưng nói xong lại than một tiếng và cầm thìa múc một quả mơ khác bỏ vào miệng.

“Phải nhớ kỹ quả mơ có vị chua ngọt, chỉ cần nghĩ thế là đủ để nhẫn nhịn nỗi đau.” Đỗ Hâm cười và lại múc một thìa giơ ra trước mặt nhìn rồi mới bỏ vào miệng.

“Đình Bác Công đang nói quả mơ hay cái gì khác?” Đứa nhỏ không tranh cái bát nữa mà ngoan ngoãn ngồi bên cạnh, tay chống cằm nhìn bóng của hai người kề bên nhau trên mặt đất, “Nhịn được đau mới có thể nếm được chua ngọt. Làm người cũng thế đúng không?”

Lòng Đỗ Hâm rung lên nhưng ông ấy chỉ nhàn nhạt đáp, “Lão phu chỉ nói tới cái răng sâu thôi, tiểu quan nghĩ đi đâu thế?”

“Con người chính là như vậy,” đứa nhỏ nhìn chằm chằm đầu gối của mình thật lâu và thở dài, “Nuốt được khổ mới có thể nếm vị ngọt. Đây là lời sư phụ nói cho nô tài,” hắn dùng mũi chân tùy ý vẽ vẽ trên mặt đất phủ kín bụi đất, “Sẽ không thể khổ cả đời được, đâu có ai vĩnh viễn xui xẻo như thế?”

Đỗ Hâm vẽ thêm nửa vòng để vết chân của đứa nhỏ hoàn chỉnh một hình tròn, “Khổ tận cam lai, nhất định sẽ như thế.” Nói xong ông ấy lại ăn một quả mơ và lại đau đến nhăn mặt nhưng vẫn khen, “Ăn ngon, ăn ngon.”

“Đình Bác Công có tâm sự sao?” Đứa nhỏ bị bộ dạng của ông ấy chọc cười và chợt hỏi. Đôi mắt đen bóng của hắn nhìn thẳng Đỗ Hâm và hơi lấp lánh, “Nô tài thấy hình như hôm nay lòng ngài có băn khoăn.”

Lúc hắn nói lời này thì thợ thủ công đang sửa chữa cung điện ở phía sau gỡ tấm biển cũ xuống và đặt dựa vào bức tường cung điện cũ nát. Đỗ Hâm nghe tiếng thì quay đầu nhìn ba chữ to “Trường Thu Điện” trên tấm biển đầy tơ nhện. Lát sau ông ấy ngơ ngẩn cười, “Ta chỉ đang lo lắng cho một người.”

Bỗng nhiên ông ấy rất muốn nói một câu rằng người này là người ông ngày đêm suy nghĩ làm sao để giúp đỡ. Nhưng ông lại chẳng thể lộ ra một chút quan tâm nào. Thậm chí, đến tên của người đó cũng là do ông ấy đặt nhưng hiện tại ông lại chỉ có thể đè bóng hình kia dưới đáy lòng, không dám để lộ thiếu niên bé nhỏ trong trí nhớ ra ngoài.



Ánh mắt thái giám nho nhỏ vẫn trong suốt thế là Đỗ Hâm nói tiếp, “Người này là kẻ cực kỳ xui xẻo nhưng lại muốn giả vờ thành kẻ tiêu dao nhất trên đời.”

Ông cười khổ một tiếng, “Hắn quá khổ, cái này ta biết, nhưng những gì ta có thể làm được cho hắn quá ít, thậm chí ở một số việc ta không những không thể giúp gì mà còn cản trở hắn.”

“Không giúp được còn cản trở ư?” Đứa nhỏ không hiểu và chớp chớp hàng mi như hai con bướm xinh đẹp.

“Bởi vì ta không thể vì việc nhỏ và hại việc lớn,” Đỗ Hâm bĩu môi liếc đứa nhỏ bên cạnh lại thấy vẻ mặt hắn mờ mịt thì cười ha hả, “Ngươi còn nhỏ nên không hiểu đâu.”

“Lấy lùi làm tiến, ra tay đánh sau.” Thái giám thẹn thùng cười và để lộ hàm răng trắng tinh, “Trong Chu Dịch có nói rằng: Con sâu uốn người để lấy lòng tin, nô tài nghĩ hẳn cũng là ý này.”

Đỗ Hâm sửng sốt, “Một thái giám nho nhỏ cũng đọc “Chu Dịch” cơ à? Đã thế ngươi còn có thể hiểu lời trong ấy? Ở tuổi này của ngươi, rất nhiều hoàng tử còn chưa thể đọc thông viết thạo……”

“Nô tài……” Lưỡi đứa nhỏ xoắn lại sau đó chăm chú nhìn cái bóng của mình. Đỗ Hâm có thể cảm nhận được sự lo lắng của hắn thế là vươn tay muốn an ủi. Ai biết đột nhiên đứa nhỏ lại bật dậy, bước xuống vài bước, đầu cũng không quay lại đã nói, “Đình Bác Công, nô tài bỗng nhiên nhớ ra mình còn chưa nhổ cỏ ở Thượng Lâm Uyển, xin cáo từ trước.”

Dứt lời hắn đi thẳng ra cửa cung không quay đầu lại. Ai biết vì bước quá nhanh nên hắn đụng phải một người đi ngược chiều và suýt thì ngã chổng vó. Cũng may người nọ kịp túm lấy hắn.

“Đông Thanh, cỏ ở Thượng Lâm Uyển đã cao quá gối rồi. Lúc nãy có cung nữ của Cẩm phi bị té ngã và làm vỡ cái bình ngọc nương nương thích nhất. Ta thì bị chủ nhân mắng cho một trận tơi bời còn ngươi thì lười nhác ở chỗ này không chịu làm việc. Còn không mau đi đi.”

Thái giám tổng quản Vĩnh Hạng Lệnh là Triệu Hoán nhìn theo thái giám nho nhỏ vội vàng rời đi mới cong lưng hành lễ với Đỗ Hâm. Ông ấy rũ mí mắt già cả và nói, “Đỗ đại nhân, nô tài quản giáo không nghiêm, mong đại nhân thứ lỗi.”

“Công công quá khiêm tốn rồi, cái này mà còn nói là quản giáo không nghiêm thì tam sư với tam thiếu đều phải cáo lão hồi hương rồi.” Đỗ Hâm bình thản nói một câu rồi ngắm thần sắc của Triệu Hoán.

Thái giám già cong người cười cười rồi chắp tay nói: “Chắc đứa nhỏ lại khoe khoang trước mặt ngài rồi. Chẳng qua hắn từng làm việc ở Diên Các Lý mấy năm nên đọc nhiều hơn kẻ khác mấy cuốn sách thôi. Cũng vì thế mà hắn thường nói mấy lời khoe khoang. Quấy rầy nhã hứng của đại nhân rồi.”

“Đã gặp là nhớ mãi thì cũng thôi đi, nhưng quan trọng nhất là hắn còn có thể hiểu được ý nghĩa trong những câu chữ ấy. Đây không phải việc đứa nhỏ nào cũng làm nổi.”

Ánh mắt Triệu Hoán bất động, mái tóc hoa râm như bị ánh mặt trời hong khô tới độ cuốn lên. Một cơn gió bỗng thổi qua khiến lọn tóc bên vai của ông ấy bay về phía gương mặt. Ông ấy sửa sang lại đầu tóc rồi mỉm cười với Đỗ Hâm, “Nói đến đó thì quả thực Đông Thanh không giống trẻ con nhà thường dân. Nhưng đại nhân cứ nghe nô tài khuyên một câu, chớ có thân thiết quá với đứa nhỏ này.”

“Sao lại thế?” Đỗ Hâm cảm thấy hứng thú và hỏi.

“Hắn là kẻ xui xẻo, vừa sinh ra đã khắc chết cha mẹ, sau đó còn khắc chết rất nhiều người. Bộ xương già này của nô tài cũng suýt thì chết trong tay hắn.” Triệu Hoán miễn cưỡng cười khổ và nhìn về phía Đông Thanh sau đó lắc đầu than nhẹ.

“Hả?” Trong mắt Đỗ Hâm xẹt qua tia sáng rồi ông ấy nói, “Ta muốn nghe kỹ hơn.”



Nói xong ông thấy Triệu Hoán vẫn do dự thì vỗ vỗ thềm đá bên cạnh, “Còn ít mơ ngâm, nếu công công không có việc gì thì ngồi xuống nếm thử tay nghề của Đông Thanh xem có được không.”

Đình Bác Công Đỗ Hâm là người không coi trọng lễ nghi cho lắm. Ngày thường ông ấy toàn hẹn gặp mọi người để nói chuyện ở nơi phố phường. Đây là chuyện ai cũng biết, vì thế Triệu Hoán đi tới, bước lên bậc thang và ngồi xuống chỗ

Đông Thanh vừa ngồi. Lúc này ông ấy mới quay đầu nhìn thoáng qua tòa cung điện đã bị phá dỡ một nửa ở phía sau rồi nhẹ giọng hỏi, “Đại nhân muốn biết thân thế của Đông Thanh ư?”

Cha của Đông Thanh là nhà giàu ở Uyển Thành, tính cách ôn hòa, bạn bè đông đảo.

Một ngày nọ có một kẻ nghèo túng xin vào phủ làm việc. Cha của Đông Thanh thấy kẻ kia đáng thương thì nhận hắn. Lại thấy hắn có vài phần tài năng, khéo ăn nói nên cho hắn làm tổng quản trong nhà.

Ông ấy nào có biết đó lại là dẫn sói vào nhà. Kẻ này trời sinh gian tà, nhận được ân huệ của người khác nhưng không hề cảm ơn, ngược lại còn sinh ra lòng tham với sự giàu có của người ta.

Hắn tham lam gia tài bạc triệu của ân nhân, cũng nhớ thương nhan sắc xinh đẹp của mẹ ruột Đông Thanh. Lòng hắn muốn chiếm lấy hai thứ kia. Đúng rồi, mẹ của Đông Thanh không phải vợ cả của cha hắn mà là một vị thiếp trong nhà.

Nhưng mẹ cả của hắn là người hiền lành giống chồng mình nên tình cảm giữa bà ấy với mẹ ruột của Đông Thanh rất tốt đẹp, không hề có xích mích.

Lại nói tới kẻ gian kia. Hắn làm quản gia trong nhà họ 10 năm và rốt cuộc không giấu được sự tham lam của mình. Vào một đêm không trăng không sao,

hắn mở cửa để đám cướp xông vào nhà, giết người, cướp của, không chuyện ác nào không làm.

Lúc ấy mẹ Đông Thanh chuyển dạ. Trong lúc hoảng hốt bà ấy sinh đứa nhỏ ra và giao cho một nha hoàn mang hắn chạy trốn.

Còn bản thân bà sợ bị kẻ kia làm vấy bẩn nên đã tự sát.

Ngoài bà ấy thì cha, mẹ cả, anh trai và già trẻ trong nhà Đông Thanh, bao gồm cả người hầu không ai sống sót. Kẻ nọ và đám giặc cướp phân chia của cải và trốn khỏi Uyển Thành rồi biến mất trong biển người mênh mông.

Có người nói đã từng gặp kẻ gian kia ở nơi nào đó. Hắn nghiễm nhiên lắc mình trở thành thương thân giàu có nhất một vùng, còn đứa nhỏ đáng thương kia vừa sinh ra đã thành cô nhi không cha, không mẹ, không người thân.

Nói tới đây Triệu Hoán lắc lắc đầu, “Mười năm trước nô tài phụng mệnh tới dân gian mua đồ và gặp nha hoàn kia trong một ngõ nhỏ hẻo lánh. Nàng ấy thoi thóp nhưng vẫn ôm chặt đứa nhỏ trong lòng. Chỉ là đứa nhỏ lúc ấy cũng thoi thóp.”

“Nha hoàn kia là kẻ trung thành, dù chỉ còn một hơi cũng liều mạng nói ra thân thế của đứa nhỏ cho nô tài. Cuối cùng nàng ấy còn nắm chặt tay nô tài và nhờ vả nuôi dưỡng đứa nhỏ đáng thương này thành người. Nô tài thấy tay đứa nhỏ còn bé hơn cành cây khô thì không nhẫn tâm và cứ thế mơ hồ đồng ý mang hắn vào cung làm thái giám.”

“Nô tài nghĩ dù làm thái giám cũng tốt hơn phải chết. Dù sao cũng coi như để lại một người cho gia đình hắn, tuy không thể trông cậy vào hắn báo thù cho cha mẹ nhưng có thể tồn tại cũng khiến cha mẹ hắn dưới suối vàng được an ủi.”