Bạn Cùng Bàn Nói Tôi Giống Chó Của Cậu Ấy

Chương 71: CHIA TAY: Lạnh lẽo




Về tới nhà đã thấy bao tập to đùng nằm ngay ngắn trên bàn uống nước trong phòng khách, là gia đình Tuấn Anh đi ngang qua để lại cho tôi.

Tôi nắm chặt cây bút bi trong túi quần, đang định ôm bao tập lên phòng thì thấy mẹ tất tả chạy từ dưới nhà lên, trong tay cầm theo phích nước, làn đỏ, cà mên... đủ thứ lỉnh kỉnh.

Khuôn mặt mẹ tái mét, tôi còn chưa kịp mở miệng hỏi đã nghe mẹ nói với giọng run rẩy: "An ơi, trông quán cho mẹ, mẹ lên viện huyện với ông, ông bị ngã cầu thang ngất xỉu rồi."

Tôi nghe tin dữ thì hoảng hồn cuống quýt lên, nhưng giành lấy việc lên bệnh viện cho mình. Dù sao ông cũng là phái nam, nếu cần đi vệ sinh thì mẹ lo cũng bất tiện.

Lên tới nơi, chỉ có tôi và một bác dâu ngày xưa lúc tôi vừa chào đời đã chê tôi xấu.

Bác hỏi: "Mẹ mày đâu? Không lên à? Con gái gì mà bố nhập viện trốn tiệt luôn thế?"

Nếu Tuấn Anh có ở đây thì tốt rồi.

Tôi đáp: "Mẹ cháu đâu có trốn, đi sau cùng em Bình mà."

Trong lòng tôi còn lẩm nhẩm hai câu, thứ nhất là "bệnh vô duyên của bác chưa chữa khỏi à?", còn câu thứ hai vẫn là nói móc "vậy con trai cưng thấy bố ngã không đến chăm sao?" Nhưng tôi không mạnh bạo được như Tuấn Anh, cậu ấy có thể bật lại bất kì ai còn tôi thì chưa dám. Chưa chứ không phải là không. Tôi đoán như vậy vì tôi muốn trở thành người mạnh mẽ như cậu ấy, tôi sẽ cố gắng trong tương lai.

Lúc tôi tới nơi thì ông cũng tỉnh rồi nhưng lại hỏi mấy bác trai đâu, con trai của mấy bác ấy đâu... Nhìn sang tôi một lần thì thở dài rồi nằm quay mặt vào tường, lẩm bẩm mấy câu "chết quách đi cho xong, con cái bất hiếu, có con cũng như không,..."

Ông trọng nam khinh nữ nên ghét lây sang cả tôi và Bình. Tôi ngược lại với đám bạn, tụi nó sẽ thân thiết với bên mẹ đẻ hơn, còn tôi từ nhỏ đã bị bên ngoại xa lánh hắt hủi đến quen luôn rồi. Nhưng so với tôi thì ông vẫn thích Bình hơn một chút, vì Bình không có vết bớt trên mặt.

Lúc mẹ tới nơi, ông có hỏi "An Bình đâu?"

Mẹ tôi đáp: "Tại quán khách ngồi đông quá mà con sợ đuổi khéo về thì bất lịch sự nên nhờ nó trông."

Nhưng đó là nói dối. Mẹ nói với tôi rằng, ba tôi lấy trộm bia đi tặng bạn nhậu, đã lấy tới thùng thứ tư rồi nên Bình về kịp thì ở nhà giữ đồ.

Nhà tôi bán quán nhưng thực chất chỉ vừa đủ ăn và nuôi báo cô ba thôi chứ không dư dả gì. Nên nếu cứ để yên cho ba đem đi thì chẳng mấy chốc trong nhà không còn cái tăm mà xỉa.

Cũng may là ông ngoại không bị rạn xương hay chấn thương gì cả, nhưng khi mẹ tôi lên tới, ông vẫn nằng nặc muốn nhập viện. Bác sĩ cũng khuyên, không có gì nặng thì về nhà nghỉ dưỡng cho thoải mái, ở viện vừa tốn kém vừa bức bối.

Nói qua nói lại một hồi, tôi trở về nhà đã là chập tối.

Hoàn toàn lỡ mất giây phút gặp được Tuấn Anh.

Bình nói với mẹ, gia đình cô chú ấy có ghé qua chào hỏi, để lại lời nhắn gửi gia đình tôi giữ gìn sức khoẻ. Còn Tuấn Anh dặn dò riêng, ngày mai hẹn gặp tôi ở nhà cô chủ nhiệm.

Tôi mở cửa sổ cả khuya nhưng chỉ đợi được cơn gió lùa lạnh lẽo.

Hai giờ sáng, bác dâu chạy xe xuống nhà tôi đập cửa rầm rầm, nói rằng ông ngoại gào khóc, mắc ói chóng mặt, còn bóng gió con cái đông khách có tiền mà không cho bố đẻ nhập viện... Trong các con của ông, chỉ có mình mẹ tôi bán hàng, gọi là bóng gió chi bằng nói huỵch toẹt ra là ám chỉ mẹ tôi.

Mẹ sợ ông bị chấn thương đầu giống tôi ngày nọ thì nguy hiểm nên cho ông lên thị xã theo dõi.

Mẹ hỏi tại sao không bác trai nào đến, "Bố đái ỉa thì phải làm sao?" Trong lời mẹ có chừa cậu ra rồi, vì ngay đợt cậu tôi đi rừng, dăm bữa nửa tháng mới về.

Bác dâu quanh co nói rằng ai cũng có công việc đi buôn hết cả, làm gì có ai ở nhà.

Mấy đứa cháu trai cưng của ông cũng không thằng nào có mặt. Từ xưa đến nay đều vậy. Cần chi tiền bạc, cần bỏ công cán đều là mẹ tôi, nhưng có gì ngon, gì tốt thì nhà tôi chẳng bao giờ được hưởng.

Nhiều khi tôi muốn hỏi lại ông, tại sao luôn nói con gái lấy chồng như bát nước đổ đi, vậy mà có công chuyện gì cũng đổ hết lên đầu cho mẹ tôi gánh như thế.

Nhưng tôi không hỏi, sẵn tiện đang thức nên vội vàng xung phong cùng mẹ lên trấn thuê xe đưa ông đi nhập viện. Dù gì cũng là ông ngoại của mình.

Tôi mang theo hai trăm nghìn đồng của Tuấn Anh. Không phải muốn chi cho ông, tôi đã khuyên mẹ lần này về nên họp lại mấy bác để chia tiền nuôi ông bệnh theo đầu người, mẹ cũng đồng ý rồi. Tôi đem đi là để phòng thân và tự mình sáng mai sẽ bắt xe về sớm để đi gặp cậu ấy lần cuối.

Nhưng tôi tính không bằng trời tính.

Chụp đầu ông không có máu tụ gì thì ông nói bao nhiêu lâu nay bị đi ngoài mà im lặng sợ con cháu lo, vậy là cho ông dùng thuốc xổ để nội soi đại tràng. Tôi đỡ ông đi, đỡ ông về mấy lượt đã hết nửa buổi sáng. Tôi xin mẹ đi về, nói thẳng ra là tiễn Tuấn Anh nhưng ông đạp giường đùng đùng, cho rằng tôi bất hiếu bỏ bê ông.

Mẹ tôi cũng không đồng ý, "Tiễn thì lâu nay tiễn rồi. Mai mốt đi học Đại học thì lại gặp chứ lo gì. Bạn bè sao bằng người nhà được. Bây giờ con đi lấy ai dìu ông đi vệ sinh? Mẹ với bác thì ông ngại, có chịu đâu."

Khi vừa có kết quả đại tràng bình thường thì tôi lao như bay ra ngoài cổng bệnh viện.

Sau đó có nội soi dạ dày, sẵn đi thị xã thì khám tổng quát hết một lượt luôn cho yên tâm, nhưng tôi xin mẹ về trước, tôi không đợi được, dù sao bây giờ trên này cũng không cần đến tôi nữa.

Dĩ nhiên nếu xin mẹ về vì Tuấn Anh thì mẹ sẽ vẫn không chịu, tôi phải nói dối rằng chiều nay phải đến nhà thầy học thêm cùng các bạn thì mới được thanh toán lại khoản tiền học phí đóng theo khoá còn dư. Bữa sau đến một mình chỉ để lấy tiền thì hơi kì. Mẹ tôi thấy hợp lý nên gật đầu, nhét cho tôi ít tiền lẻ để bắt xe trung chuyển của hợp tác xã đi về, nhưng tôi từ chối, nói có mang theo tiền tiết kiệm trong người.

Xe lắc lư lăn bánh mang theo tôi trở về nhà với trái tim cồn cào nóng ran như thiêu như đốt.

Biết mình bị say xe nên tôi có mua thuốc ở cửa bệnh viện uống trước, sợ lỡ gặp Tuấn Anh mà trạng thái cơ thể không tốt sẽ khiến cậu ấy lo lắng, vậy mà vẫn ói ra bao bóng hai lần.

Trời đã sang chiều, giờ này chắc chắn Tuấn Anh đã không còn ở nhà cô nữa rồi, cậu ấy nói chỉ ở trên đó tới trưa thôi. Tôi đã hạ quyết tâm, hôm nay sẽ dẹp hết ngại ngùng khó xử sang một bên để tới thẳng nhà Tuấn Anh tiễn biệt cậu ấy lần cuối cùng.

Xe trung chuyển chỉ dừng ở thị trấn, tôi chạy bộ thục mạng được khoảng một cây thì may mắn bắt được xe máy thuận đường xin đi quá giang.

Diệu Hiền ngồi ở quán, vừa nhìn thấy tôi thì lôi kéo, gấp gáp nói: "An! Tuấn Anh đi rồi."

Tai tôi phút chốc ù cả đi, mông lung không biệt rõ. Đi là đi làm sao? Đi thế nào? Đâu có đi! Tối cậu ấy mới đi mà. Chắc chắn Hiền chỉ đang nói Tuấn Anh rời đi khỏi nhà cô thôi.

Tôi vội vàng nói: "Tớ đạp xe xuống nhà Tuấn Anh cái! Bữa nào tớ vào nhà ông rồi sang chơi sau nha!"

Diệu Hiền ôm chặt lấy khuỷu tay tôi, "An ơi, không cần xuống nữa đâu, Tuấn Anh đi thật rồi... Một đoàn xe đi về Bắc hết rồi An ạ."

Nghe đến đó, tim tôi bỗng chốc nhói lên, hẫng đi mất vài nhịp.



Tôi nhìn sâu vào ánh mắt trông như nghiêm túc của Hiền rất lâu sau đó bật cười, "Đừng có nói đùa!"

Hiền bặm môi, lắc đầu, "Tớ không nói đùa."

"Thả tớ ra đi!"

Tôi gạt tay Hiền, vùng vằng muốn bỏ đi xuống nhà Tuấn Anh nhưng Hiền hét lên.

"Tuấn Anh Đi Thật Rồi!"

Bạn ấy nắm chặt lấy hai cổ tay của tôi, "An à, cậu bình tĩnh lại đi! An cười như vậy tớ sợ lắm! Chẳng lẽ tớ lại đi gạt cậu hay sao hả An ơi?"

Tôi sợ làm Hiền đau nên đồng ý yên tĩnh lại. Năm này tôi cao hơn Hiền, thừa sức giãy ra khỏi bạn ấy, nhưng dường như chính cơ thể của tôi cũng nửa tin nửa ngờ mà chếnh choáng không đứng vững nổi.

Đúng vậy. Cả thế giới có dối lừa tôi thì Diệu Hiền cũng nhất định sẽ chọn cách đứng về phía tôi, thành thật với tôi.

Nhưng chính vì là bạn ấy nên tôi mới sợ hãi. Sợ đó là sự thật mà tôi không muốn tin.

Hiền kéo tôi lại chỗ bàn bán hàng, lấy hộp vuông màu xanh có khoá bằng ổ mật mã trên bàn ấn vào lòng tôi.

"Tuấn Anh đợi cả buổi sáng để gửi cho An thứ này, nhưng... nhưng An không đến. Nhìn nó... có vẻ rất buồn. Trông nó tội lắm An à, cứ đi ra đi vào rồi đứng ở cổng ngóng trông mãi. Ai nói chuyện hỏi han, nó cũng thất thần. Nó nhờ Hiền nhất định phải đưa tận tay cho An rồi theo xe cùng bố mẹ đi từ trưa rồi. Tuấn Anh còn dặn đi dặn lại nói Hiền nhớ bảo An ở nhà nghỉ ngơi đi thôi, đừng xuống nhà nó làm gì, dưới đó bây giờ không còn ai đâu."

Tiếng Hiền nhẹ nhàng nhưng tôi nghe câu nào câu nấy nện vào lòng nặng nề, ngột ngạt. Trái tim đau đớn vỡ nát.

Tôi ngồi thụp xuống ghế, lồng ngực phập phồng, hô hấp gấp gáp cứ như thể không còn chút không khí nào lọt vào nổi.

Môi tôi run rẩy mấp máy liên hồi nhưng không thể nói được câu nào. Sợ vừa hé miệng là bao nhiêu đau thương ẩn nhẫn cứ thế vỡ oà chực trào. Trong lòng tôi bức bối khó chịu, thở thôi cũng thấy khó khăn vô cùng.

Tai tôi lùng bùng ù cả đi, những tiếng líu ríu gì đó của Diệu Hiền bên cạnh đã không còn nghe rõ ràng nổi nữa. Tôi bấu chặt hộp thiếc trong tay, đến khi đầu ngón tay đau nhói mới sực tỉnh ra mà đứng bật dậy.

Tôi quên cả lấy xe đạp, cứ thế dùng sức chạy bằng cả sinh mạng về hướng xóm dưới, bỏ lại tiếng Hiền hét lên phía sau.

"An đi đâu? Đừng xuống nhà nó nữa! Không có ai ở nhà đâu! Đứng lại đó, đợi tớ chở đi cho!"

Nhưng tôi không đợi được, cũng không đợi nổi, tôi phải đi gặp Tuấn Anh của tôi, chúng tôi đã hứa hẹn hôm nay gặp nhau lần cuối rồi...

Tuấn Anh ơi... Đợi An với...

Tới cổng nhà cậu ấy, tôi nhớ lại cách Cường bấm chuông rồi ấn liên tục, vừa ấn vừa gọi tên Tuấn Anh mãi.

"Tuấn Anh ơi! Tuấn Anh! Tuấn Anh ơi ra đây An nói cái này!"

"Tuấn Anh ơi, An có chuyện muốn nói."

"Tuấn Anh ơi ra đây đi! Đừng trốn nữa!"

Tôi không nghe thấy tiếng chuông, như vậy chắc chắn cậu ấy cũng không nghe được, là chuông bị hỏng rồi.

Tôi dùng sức hét lên ầm ĩ: "Tuấn Anh!!!"

"Tuấn Anh ơi đi ra đây đi!"

"An nè! Ra đây An nói chuyện này hay lắm nè!"

Nhưng đáp lại tôi vẫn là sự yên ắng đến đáng sợ.

Nhà cậu ấy bây giờ đóng thêm cả lớp cổng sắt trạm rồng phượng cao sừng sững kín mít, tôi không thể nào nhìn thấy cảnh vật xung quanh nữa.

Tôi chạy men theo bức tường nhà cậu ấy, muốn tìm chỗ nào thấp một chút để trèo vào, vừa chạy hộc tốc vừa gọi khản cả giọng.

"Tuấn Anh ơi... Anh ơi... mở cửa cho em...

Tuấn Anh ơi... cho An vào với, An muốn vào nhà, An muốn lên phòng Tuấn Anh chơi..."

"Tuấn Anh! Có nghe không! Đi ra mở cổng đi! Cổng nhà Tuấn Anh cao quá, An không vào được!"

Tôi đập liên tục vào bức tường, hét toáng lên: "TUẤN ANH!!!!!"

Nhà cậu ấy rất rộng, tôi chạy mãi đến tận khúc này mới có hàng xóm nghe thấy, bác ấy nói vọng sang, truyền đạt lời mà tôi không muốn nghe nhất.

"Nhà Tuấn Anh đi hết trơn từ sáng nay rồi mà cháu ơi! Nhà nó chuyển đi rục rịch cả tháng nay mà cháu không hay biết gì à?"

Tôi dựa vào tường nhìn đối diện sang bác ấy, mặt không cảm xúc mà nói: "Tuấn Anh chưa đi đâu bác ơi! Bạn ấy nói tối bạn ấy mới đi!"

Bác ấy cầm nón lá quạt vài cái, cười qua: "Tối đâu mà tối! Sáng nay bác cùng chòm xóm còn trực tiếp sang tiễn mà. Cả đoàn xe đi hết sạch rồi. Mấy ông cụ già trẻ lớn bé cũng cùng đi hết."

Dù có lắc đầu bao nhiêu lần đi nữa thì sự thật vẫn là sự thật. Tôi còn đang định hỏi liệu trong nhà cậu ấy còn có ai không, lỡ có người thì gia đình cậu ấy sẽ còn trở lại đón thì sao? Nhưng bác ấy đã nói cho tôi biết tất cả thông tin mà tôi không muốn tiếp nhận rồi.

Môi tôi run rẩy nhưng cố hét sang hỏi một câu ngu ngốc: "Tuấn Anh có nói bao giờ về đây không hả bác?"

Bác ấy cười, "Ô! Nãy giờ bác cứ tưởng học chung với nó thì biết rồi, ra là không phải à? Tuấn Anh không về nữa đâu. Bố mẹ nó chuyển hẳn công tác về Bắc luôn mà."

Tôi bị tạt một gáo nước phũ phàng, da thịt lạnh toát từ đầu xuống chân, cả cơ thể run lên bần bật, phải tựa vào bức tường mới đứng vững nổi. Mọi khi nếu lâm vào cảm giác sợ hãi chơi vơi thế này, sau lưng tôi luôn luôn có lồng ngực Tuấn Anh vững chãi đỡ lấy.

Mắt tôi đỏ hoe, nói dối sang, "Cháu học chung lớp với Tuấn Anh mà... Bạn ấy nói... nói đi chơi mấy bữa sẽ về."

Bác ấy lắc đầu, khuôn mặt cũng nghiêm túc trở lại: "Nó đùa với cháu thôi. Bố mẹ nó nói với bác là ở hẳn ngoài kia mà. Với lại gốc gác của người ta tận ngoài đấy, hồi xưa đời ông cụ chuyển công tác nên mới Nam tiến. Bây giờ dòng họ di cư hết cả rồi, nhà nó việc gì phải ở nơi khỉ ho cò gáy này nữa." Bác ấy tặc lưỡi mấy cái, "Cái đất này vừa nghèo vừa không có người thân ruột thịt, nhà nó tội gì phải ở đây. Bác mà có con giỏi như thằng Tuấn Anh thì bác cũng thoát ly. Chẳng gì bằng con cái có môi trường tốt mà học hành cả."



Tôi không nghe lọt được bao nhiêu, chỉ liên tục lẩm bẩm: "Tuấn Anh có người thân mà, cậu ấy có người thân, cháu chính là người thân của bạn ấy, cháu là người thân của Tuấn Anh, cậu ấy từng nói mình ghi tên cậu ấy vào mục người thân, Tuấn Anh là người thân của mình, chúng mình là người nhà của nhau mà..."

Tôi quên cả chào hỏi người lớn mà cắn môi bỏ chạy, cũng không phải chạy về nhà mà tiếp tục men theo tường nhà Tuấn Anh đi đến được cổng sau.

Tôi cúi người thở dốc, mệt lả nhưng vẫn gắng sức đập cửa, gào lên: "Tuấn Anh ơi! Đi ăn gì không? An đói quá à!"

"Tuấn Anh!"

"Tuấn Anh!!"

"Tuấn Anh!!!"

Tôi ôm lấy cổ họng đau rát rồi lấy lá cây lót xuống thềm ngồi chờ đợi. Tuấn Anh vẫn chưa tắm xong đâu. Cậu ấy điệu lắm, phải mặc quần áo chỉnh tề, chải chuốt thật thơm tho mới ra gặp tôi cơ.

Tôi đặt hộp thiếc vào lòng mình rồi lấy lá mít xếp thành hình con trâu để dành tặng cho Tuấn Anh. Cậu ấy rất thích mọi thứ tôi gấp được, thích nhất là con trâu vì hồi nhỏ tên ở nhà của tôi là Trâu. Mỗi khi tôi tủi thân, cậu ấy sẽ động viên an ủi, Tuấn Anh nói tên của tôi đẹp, tôi là ngọc ngà Châu báu của cậu ấy.

Tôi ngó vào cánh cổng kim loại màu vàng đồng cao ngất phía sau lưng đang đóng kín mít mà gọi: "Tuấn Anh ơi, đã xong chưa? Sao tắm lâu quá vậy?"

An đã gấp được một đàn trâu luôn rồi mà...

Gió thổi mù mịt làm mấy bé trâu ngả nghiêng đổ rạp, còn vài con bị cuộn tròn cuốn lăn đi mất. Tôi ngồi xuống ôm quờ quạng chúng vào gọn một chỗ, vì còn phải nâng niu hộp bí mật của Tuấn Anh nên tay chân luống cuống, vẫn bị vuột mất mấy con lẩn vào trong bụi cỏ rậm rạp.

Chẳng thể tìm về được.

"Tuấn... khụ khụ..." Cổ họng tôi đau rát nên ho sặc sụa, dứt mấy hơi mới lấy sức tiếp tục đứng dậy hét toáng lên: "Hôm nay trời đẹp lắm đó! Không có nắng đâu! Cũng không sợ đen da nữa! Tuấn Anh có muốn đi vào ông chơi với An... khụ khụ... không?"

Giọng tôi lạc hẳn đi, "Tuấn Anh tắm nhanh lên được không?"

Nếu còn không ra thì trời sẽ mưa mất.

Tôi nắm chặt tay trái mà đập lên cánh cửa lạnh lẽo, cố sức gào tiếp: "Tuấn Anh ơi——! Tuấn Anh mở cửa cho An vào với! Ngoài này gió to bụi hết người An rồi!"

Đâu phải bụi bay vào mỗi người, cả khoé mắt cũng cay xè rồi.

Tôi dựa vào cánh cửa hoa văn trạm nổi cầu kì mà dụi lấy dụi để, nhưng lại sợ mặt mình lem nhem bẩn tưởi thì Tuấn Anh sẽ chê cười nên phải cẩn thận dùng ngón tay miết chầm chậm lại.

Đến khi mắt nhìn rõ hơn tôi mới hốt hoảng chạy khắp nơi tìm kiếm, gió cuốn đàn trâu của tôi theo lá khô bay đi mất tiêu rồi.

Tôi tìm hoài không thấy đủ liền quay về đá lên cánh cửa nhà cậu ấy, "Tuấn Anh kia! Đi ra đây mau! Đi ra tìm trâu cho An với! Tuấn Anh ơi..."

Tôi ngồi thụp xuống, nước mắt chảy dài nhưng lại giật mình, ra sức bặm môi mở mắt trừng trừng, cố căng mí mắt ra rồi hít mũi ngăn cho những giọt nước ướt át không chảy xuống nữa.

Tuấn Anh đã dặn tôi không được khóc.

Tại sao vậy? Lâu nay mỗi lần tôi khóc cậu ấy vẫn luôn vỗ về mà. Còn nói, thích nhất là lúc tôi khóc, nhưng tôi khóc rồi thì cậu ấy lại đau lòng không chịu được.

Tôi đặt hộp bí mật vào trong lòng mình rồi vòng tay ôm chặt lấy hai đầu gối mà đè ép lên lồng ngực nghẹn khuất.

Tại sao Tuấn Anh không muốn tôi khóc nữa? Có phải cậu ấy chê tôi mít ướt? Cho rằng tôi là đàn ông con trai còn rơi nước mắt là kẻ yếu đuối?

Không phải như vậy đâu. Tôi tựa cằm lên đầu gối mà lắc đầu lia lịa phủ nhận.

Không phải đâu, Tuấn Anh sẽ không bao giờ chê tôi, cậu ấy không muốn tôi khóc nhè vì cậu ấy không thể dỗ dành tôi được nữa.

Vì...

Vì...

Đôi môi tôi run rẩy, khoang mũi nhức nhối bỗng chốc cay xè.

Vì... Tuấn Anh đi rồi.

Cậu ấy đã rời xa khỏi tôi nên mới không thể vỗ về an ủi nỗi đau của tôi được nữa.

Tôi không còn bặm môi nổi, lập tức bật khóc thành tiếng nức nở, nước mắt trào ra không kiềm lại được, trước mắt cảnh vật cây cối dần nhoè cả đi cũng không còn sức lực mà dụi nữa.

Tuấn Anh đi thật rồi nên mới không đáp lại lời tôi như thế.

Tuấn Anh đi thật rồi nên không gian mới lạnh lùng hiu quạnh thế này.

Tôi khóc nấc lên, "Tuấn Anh ơi... An còn có lời muốn nói mà... tại sao không đợi An với? An chưa nói hết lời trong lòng mà... Tuấn Anh ơi..."

Dù có cố nghiến chặt răng hàm thế nào cũng không ngăn nổi môi miệng mếu máo, tôi không nhịn được, cũng chẳng màng có ai nghe được mà nức nở nghẹn ngào.

"An thích Tuấn Anh, thích nhiều lắm... An muốn nói An thích Tuấn Anh mà... Tuấn Anh có thích An hay không? Tại sao chưa bao giờ chính thức nói một lời với An? Tại sao vậy?"

Tôi dùng cánh tay quệt ngang khoé mắt, lau lung tung khiến khuôn mặt càng ướt át thêm, "An sẽ lấy chồng! Ngày mai!"

Tôi gào toáng lên: "Ngày mai An sẽ đi lấy chồng! Lấy vợ cũng được! Ngày mai An sẽ lấy Diệu Hiền! Có ngon thì về đây đập phá đám cưới đi!"

Nước mắt tôi nhạt nhoà, lồng ngực phập phồng khó thở mà gục xuống đầu gối, lẩm bẩm: "Tuấn Anh là đồ ngốc! An sẽ không đợi Tuấn Anh đâu! Ngay ngày mai An sẽ tìm ai đó đẹp trai một chút, học giỏi một chút... An sẽ huhuhuhuhuhu..."

Tôi bật khóc tức tưởi, sức cùng lực kiệt, chẳng thể ăn nói bậy bạ nổi nữa.

Khóc đến khi hốc mắt đau nhức, khoang mũi cũng nghẹt cả đi, tôi mới nhớ ra một chuyện, lỡ đâu Tuấn Anh thực sự chưa đi, gia đình cậu ấy qua bên nhà ông bà thì sao?