Anh Chàng Mộ Bên

Anh Chàng Mộ Bên - Chương 12




Tôi đã phải trả giá quá đắt. Tôi không nói về mấy món quà, không hề. Khi bước vào chuồng bò muộn giờ vắt sữa một tiếng rưỡi đồng hồ, lũ bò không tặng cho tôi món quà nào. Chúng đã ăn hết chỗ rơm, nằm lên đống phân của mình và trở lên ương ngạnh đến nỗi làm tôi tốn rất nhiều thời gian. Chỉ đến khi chuyển sang khâu dọn dẹp, tôi mới sực nhớ ra mình đã vắt sữa con bò đang bị chích peniciline. Sữa của nó đã được đổ vào thùng chứa, và việc đó đồng nghĩa với một điều duy nhất: tôi buộc phải bỏ đi hai mươi tư giờ sản xuất sữa, và ngoài việc nó khiến tôi mất toi hàng ngàn couronne mà tôi đang thiếu, tôi sẽ còn phải mất hàng giờ đồng hồ để tống khứ hết chỗ sữa. Nhưng có thể cũng xứng đáng! Phải, đáng lắm!

Tôi chưa từng phạm một sai lầm tương tự như thế kể từ năm mười lăm tuổi. Hồi đó mẹ tôi đi giúp việc nhà, còn tôi đảm trách việc vắt sữa buổi tối, sau khi đi học về. Ngày hôm đó, bọn tôi phải chuẩn bị cho một bài kiểm tra toán kinh khủng vào hôm sau, và đầu óc tôi để đâu đâu, nơi một định để nào đó, vì tôi muốn có điểm số tốt. Đó là một việc tối kỵ. Người nông dân lúc nào cũng phải cảnh giác như phi công chiến đấu, bố tôi đã nói như thế. Nếu không, họ sẽ nằm bẹp dưới gầm một chiếc máy kéo điên rồ, hoặc lãnh một cái sừng vào giữa bụng, hoặc tiện ngang đùi mình bằng cưa máy. Lần đó, chúng tôi đã phải đổ bỏ bảy trăm lít sữa, bố tôi đã phải nhúng đầu vào thùng chứa nước mưa cho nguội bớt hỏa khí, nhưng ông không nói một câu nào. Tôi biết suốt cả cuộc đời ông luôn tự dằn vặt mình vì mấy ngón tay bị mất vào cưa máy của tôi, hồi năm tôi bốn tuôi.

Chỉ có điều, điểm số môn toán cũng chẳng giúp ích gì cho tôi. Khi bố mất, tôi bỏ học để làm trang trại. Mẹ tôi không đồng ý, bà thà từ bỏ nông trại còn hơn, mặc dù đó là tài sản thừa kế từ ông bà ngoại. Tôi đã tự ra quyết định vào một đêm hè, khi nhìn thấy bà dưới gốc cây thanh lương trà to trong sân, hai tay ôm lấy thân cây, mắt nhìn cánh đồng mọc đầy cỏ dại.

Tôi có cảm giác mình như một người đàn ông thực thụ khi mấy thằng bạn học cũ trong lớp đến thăm. Tôi lái chiếc máy kéo lớn vào trong sân nhà, đi qua đi lại trong đôi ủng to tướng có mũi bịt sắt, và khạc thuốc lá nhai dở tứ tung. Với sự giúp đỡ của ông ngoại, mọi chuyện khá êm xuôi. Nhưng rồi ông cũng qua đời, và càng ngày tôi càng có ít bạn đến thăm. Chắc chúng nó cũng đã chán vì tôi lúc nào cũng bận làm việc ngoài đồng, còn trong những dịp hiếm hoi gặp nhau, tôi chỉ toàn nói về trọng lượng thịt hoặc giá gỗ nguyên liệu làm giấy. Tôi hiểu chúng nó quá mà.

Thôi, bây giờ phải tập trung. Đến khâu đo nhiệt độ cho bò, tôi không thể để mình sai sót dù chỉ một lần. Tôi phải cọ sạch cái bừa trước khi đất đóng cứng lại. Gọi cho bác sĩ thú y. Ngày mai đi ngân hàng. Tôi đang bị chậm trễ làm kết toán. Và tôi gần như không còn củi.

Trong nhà lạnh khủng khiếp, vì tôi không kịp bật bình nước nóng trước khi đi lo cho đàn bò. Đợi một giờ nữa mới có nước nóng. Sáng mai, tôi chắc chắn phải bửa củi. Để còn tắm sau khi vắt sữa buổi sáng. Bởi vì đơn giản là tôi phải vào thành phố để gặp lại cô ấy. Khỉ gió, hỏng bét rồi! Ngày mai người gieo tinh bò sẽ đến, cả bác sĩ thú y nữa, mà không có cách nào biết họ sẽ đến vào lúc nào! Khỉ gióóóó!

Cũng chẳng có thời gian đi chợ nữa. Hộp cá trích mở từ đời thuở nào chắc chắn sẽ gieo mầm bệnh cho tôi, và trong trường hợp tôi phải chết đứ đừ vì ngộ độc thực phẩm, cô ấy sẽ không bao giờ biết được. Cô ấy còn chưa biết tên tôi! Liệu cô ấy có cảm thấy khác thường khi tôi mất tăm mất tích không nhỉ?

Nhưng tôi đã biết tên cô ấy! Có lẽ thế. Tôi làm một lát bánh mì phết bơ. Bánh đã mềm, bơ cũng hơi ôi. Vừa trét bơ tôi vừa lọc tìm họ Walin trong quyển danh bạ.

Có tám người mang họ này cả thảy, nhưng không có tên nữ giới. Có một người tên D.Walin ở đường Kofferdist... Tôi không nghe rõ lắm khi cô ấy hét to tên của mình. Hình như tên gì đó bắt đầu bằng chữ D. Chỉ có kẻ Thất Bại Cấp Quốc Gia mới đi gọi điện cho một người không quen biết và yêu cầu được nói chuyện với một người tên là D.

Nhưng thứ Sáu tôi sẽ đến đó, đúng vào giờ nghỉ trưa.

Ôi, không! Ngày thứ Sáu, nhân viên kiểm tra chất lượng sữa sẽ đến. Khỉ gió! Khỉ… Gió!

Sáng hôm sau, tôi choàng dậy trên tấm thảm trong phòng khách với khoanh bánh mì cắn dở trong tay và nụ cười khoan khoái trên môi.