Mấy ngày sau, cha triệu tập các thành viên mở cuộc họp trong bếp. Ý là hiện tại trong nhà đã có hai cô con dâu nên cần tính toán chuyện cho cô em út lấy chồng. Cô ta kết hôn xong, mình chị dâu làm việc nhà là không đủ, A Viễn phải dạy dỗ vợ làm thêm việc nhà nông.
Chị dâu vội nói mình có thể tự xoay xở, không cần Tả Thiên giúp đỡ.
A Viễn cũng bảo: "Thiên Thiên là người thành thị, sợ không làm được. Hay là, tôi chia tiền làm công cho anh cả và chị dâu nhiều thêm một chút, việc nhà đành phiền chị dâu vất vả vậy. Cha, cha xem như thế được không?"
Cha sầm mặt, mắng A Viễn hồ đồ: "Đợi sau này ta trăm tuổi, anh em bọn con ra riêng hẵng hay. Giờ không để vợ học nữ công gia chánh, không lẽ con định ăn cơm nguội, mặc quần áo bẩn mãi? Con không biết xấu hổ định dựa chị dâu cả đời? Đó không phải là cách nuông chiều vợ đâu."
Mặt mũi A Viễn đỏ bừng, nhỏ giọng giải thích rằng anh không nuông chiều vợ, mà sợ Tả Thiên tay chân vụng về gây rắc rối cho chị dâu.
Cô út dài giọng: "Cha, có những người vợ sinh ra đã lười biếng. Nhìn chồng mình ra ngoài làm lụng vất vả, không biết ngượng ở nhà hết ăn lại nằm. Con thấy anh hai yêu nhầm người rồi. Chỉ e tương lai sẽ mọc ra một con sói mắt trắng lười biếng thôi."
Nghe xong, Tả Thiên không khỏi nghiến răng, thề từ ngày mai sẽ nhất định tự lực cánh sinh.
Buổi tối, A Viễn bảo Tả Thiên đừng để bụng lời em gái nói. Anh nói riêng với chị dâu, nhờ chị dâu giúp đỡ cả rồi.
Thấy A Viễn bảo vệ mình như vậy, Tả Thiên cảm thấy mềm lòng. Nhưng lời kích động của cô út đã truyền cảm hứng cho tinh thần chiến đấu của cô. Cô nghĩ nhà A Viễn không dư dả, đúng là không nuôi được người rảnh rỗi. Bản thân tới đây đã hơn nửa năm, ăn một đống cơm gạo, ít nhiều không làm gì kể cũng khó nói lại. Bất luận dù bị mua hay không, cũng nên thể hiện rõ giá trị của bản thân.
"A Viễn, tôi chưa từng làm việc nhà nhưng ngày mai tôi sẽ cố gắng học chị dâu. Việc của anh và tôi, tôi sẽ tự làm, giặt quần áo hay nấu nước gì đó. Nếu làm không tốt, anh đừng ghét bỏ."
Thấy cô quyết tâm như vây, A Viễn trong lòng nửa tin nửa ngờ. Nhưng anh hết sức vui mừng vì biểu hiện của Tả Thiên giống như vợ của mình rồi.
Ngày hôm sau, Tả Thiên lao vào việc, không biết do quá nóng vội hay thực sự vụng về, ngoại trừ nấu nướng, việc gì cũng không xong. Quần áo của A Viễn vừa bẩn vừa cứng, tay cô chà đến rách da mà vết bẩn vẫn bám nguyên. Nấu cơm thì thiếu nước, nếu chị dâu không phát hiện sớm cả nhà phải ăn cơm sống. Lúc cho gà ăn, cô sợ không dám lại gần, suýt dẫm chết gà con. Cô em gái mất kiên nhẫn, đuổi cô sang bên, giống như việc nhóm bếp lần trước. Tả Thiên nhìn cô ta làm thành thục, tự hỏi tại sao lịch sử thích lặp lại thế nhỉ.
Buổi tối, bị cô ta chế nhạo suốt một ngày, Tả Thiên uất ức mách A Viễn. A Viễn vừa vỗ vai cô vừa "ừ ừ" xoa dịu. Tả Thiên quay sang, thấy dáng vẻ A Viễn muốn cười mà không dám cười, cô càng nổi giận, cảm thấy lòng tự trọng của mình bị tổn thương, suýt nước mắt lưng tròng. Tả Thiên đẩy tay A Viễn, tự ái xoay người.
A Viễn vội tự kiểm điểm, thừa nhận sai lầm với thái độ cực kỳ thành khẩn, và hứa sẽ bí mật dạy cô làm việc khi có thời gian, để cô không mất mặt trước em gái. Bấy giờ Tả Thiên mới nguôi giận. Nhìn vẻ mặt trách mắng của Tả Thiên, A Viễn thầm nghĩ, chẳng phải những cặp đôi bình thường đều như thế này sao?
Không cần biết Tả Thiên muốn làm tốt việc nhà đến mức nào nhưng mọi thứ luôn đi ngược mong muốn của cô. Cô luôn cần người khác hoàn thành hoặc làm lại công việc của mình. Nghe cô em gái châm chọc: "Ngoại trừ gương mặt thì chẳng có gì tốt đẹp, đúng là phí cơm." Cô không kìm được cãi nhau một trận với cô ta, sau đó tức giận quay về phòng, không ra ngoài ăn tối."
Đợi đến lúc A Viễn trở về, bưng cơm vào dỗ dành, Tả Thiên nằm trên vai anh, bật khóc nức nở: "Tôi đâu có tình nguyện tới nhà anh. Hic, là các người mua tôi chứ. Tôi không phải làm việc gì từ bé. Ở nhà tôi, giặt quần áo bằng máy giặt, nấu cơm bằng nồi cơm điện. Nhà các người làm gì có gì. Sao lại trách tôi? A Viễn, có phải tôi vô dụng lắm không? Học hành bao năm như vậy, chút chuyện nhỏ cũng không làm được. Học hành không ích lợi gì."
A Viễn vừa bực vừa buồn cười: "Học hành sao lại vô ích? Tôi tiếc vì mình ít học nên chỉ biết lái xe chở gạch. Nếu học hành nhiều hơn, hiểu biết nhiều hơn thì có thể vào đại học giống em, sớm phát tài lâu rồi."
"Nhưng tôi cũng đâu giàu có..." Tả Thiên lẩm bẩm, lúc này giống như một đứa trẻ đáng yêu khiến A Viễn rất muốn hôn lên mặt cô.
"Đó là vì em chưa có thời gian làm những việc lớn." A Viễn an ủi, bảo cô ăn cơm.
Trong lúc Tả Thiên ăn cơm, A Viễn giúp cô nghĩ kế: "Hay em tìm hiểu sở trường của mình đi? Em giỏi nhất việc gì?"
Giỏi nhất việc gì à? Tả Thiên bị A Viễn hỏi khó. Cô suy nghĩ một lúc, sở trường của cô hình như không áp dụng được vào gia đình này. Ví dụ, ngành học của Tả Thiên là quản trị kinh doanh nhưng rõ ràng nhà A Viễn lấy đâu ra công ty. Cô có thể hát karaoke nhưng không thể bán giọng kiếm tiền. Cô biết chơi game online nhưng không thể dùng nó để ăn. Cô cũng có thể nhận biết hàng hiệu fake nhưng ở đây đâu cần đến. Tả Thiên nản lòng, xem ra cô vô dụng thật.
"Tôi không biết gì cả." Tả Thiên ỉu xìu và cơm.
A Viễn nhớ lại cách Tả Thiên dạy Tiểu Bình nói tiếng phổ thông, anh liền đề nghị: "Nếu rảnh, hãy giúp chị dâu kiểm tra bài tập của Tiểu Bình."
Tả Thiên sáng mắt trước câu nói của A Viễn. Đúng rồi, cái khác không có nhưng với một rổ kiến thức trong bụng, không dạy bọn trẻ học bài thật là đáng tiếc. Hơn nữa, nói không chừng còn có thể nhắn tin kêu cứu nhờ thầy Lương giúp đỡ.
Càng nghĩ cô càng thấy biện pháp này là tốt nhất. Vì khả năng trốn thoát đã giảm đi nhiều, cô nên thay đổi chiến lược của mình và gửi tín hiệu cho bố mẹ đến cứu. Như vậy mới có thể thành công.
Tả Thiên bắt đầu hướng dẫn Vương Tiểu Bình làm bài tập với sự nhiệt tình chưa từng có. Thực ra, Vương Tiểu Bình mới vào lớp 1, nội dung học rất đơn giản nhưng để thể hiện tầm quan trọng và phản ánh giá trị của bản thân, Tả Thiên nghiêm khắc hơn cả thầy giáo của Vương Tiểu Bình. Cũng may Vương Tiểu Bình là đứa trẻ ham học, không thấy khổ mà chăm chú tiếp nhận sự chỉ bảo của thím dâu.
Hình như cô út cũng bị cha khiển trách, cô ta không để ý cô nữa, trực tiếp nhắm mắt làm ngơ.
Cặp của Vương Tiểu Bình là một chiếc túi vải rất đơn giản, bên trong thường chỉ có sách Tiếng Hán và Toán học, hai chiếc bút, hoặc cuốn sách bài tập, thậm chí không có cả hộp bút. Tả Thiên vẫn luôn nghĩ làm cách nào nhét tờ giấy để thầy Lương có thể nhận được. Nhưng cô phát hiện, thi thoảng anh cả cũng kiểm tra cặp sách của Vương Tiểu Bình, liền từ bỏ ngay ý định này. Từ nay về sau, cô toàn tâm toàn ý dạy Tiểu Bình học, quyết định tìm lại tự tôn của mình trước rồi tính tiếp.
TrướcDanh sáchTiếp Báo lỗi chương