Giờ quay lại kể tiếp chuyện phủ Khai Phong.
Hoàng Thanh Nhàn lĩnh quân đi thảo phạt sơn tặc, Nguyễn Đông Thanh thân là quan Chưởng Ấn cũng phải lo việc hậu cần.
Chiến tranh, mặc kệ là vệ quốc, xâm lược, hay nội chiến, thảo phạt phản tặc, đều là việc đốt tiền của, vật tư. Của cải đương nhiên cũng không tự sinh ra, mà là đến từ dân chúng. Thành thử, công việc của Bích Mặc tiên sinh có hai phần chính:
Thứ nhất, điều chỉnh sưu thuế, thu mua lương thực, vật tư cho đủ số lượng, còn chuyển ra tiền tuyến.
Thứ hai, giải thích, tuyên truyền để người dân không vì sưu thuế tăng lên mà sinh ra bất mãn, cũng không vì thù trong giặc ngoài mà hoảng loạn lo lắng.
Phải biết, tiền tuyến muốn đánh nhau, hậu phương phải vững chắc mới được. Nếu không đủ lương thảo, vật dụng, hay vì gom cho đủ lượng lương thảo, vật tư này mà làm mất lòng dân, thì đều sẽ gây ảnh hưởng xấu đến quân đội ở mặt trận.
Ngoại trừ hai việc chính này, chuyện điều chỉnh cải cách ruộng đất về lâu về dài cũng có thể tạo ra tác dụng quan trọng. Dẫu sao, còn chưa biết cuộc thảo phạt này sẽ diễn ra chóng vánh hay kéo dài nhiều tháng, hay thậm chí nhiều năm. Tuy việc cải cách ruộng đất không thể lập tức cho ra kết quả mang tính trợ lực, song về lâu dài lại có thể giảm bớt phần nào gánh nặng cho dân chúng.
Theo đúng tác phong làm việc bình thường, Bích Mặc tiên sinh của chúng ta quyết định phân chia bớt việc cho “cấp dưới”. Chuyện sưu thuế, vật tư cấp bách hơn, nên hắn liền cùng Cố Văn nghiên cứu, thương nghị. Còn chuyện cải cách ruộng đất ra sao thì sau khi nghĩ ngợi một hồi, Nguyễn Đông Thanh vạch ra một bản kế hoạch đại cương, rồi giao lại cho ba người Dư Tự Lực, Hàn Thu Thủy, Lã Vọng Thiên xử lý phương án chi tiết. Hắn cũng nhờ Hồng Đô đi một chuyến về cổ viện, lấy tới vài đầu sách nông nghiệp cho mấy người họ tham khảo. Còn chuyện làm sao tuyên truyền cho dân chúng, gã còn chưa kịp nhờ thì Long U đã xung phong nhận việc.
Người xưa có câu “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để nói đến tầm quan trọng của các yếu tố trong trồng lúa. Bản kế hoạch đại cương của Nguyễn Đông Thanh gồm có ba phần chính:
Thứ nhất, tự động hóa nông nghiệp, để cho cơ quan thay cho sức kéo hoặc xa hơn, thay thế cả những việc khác xưa nay cần sức người. Đây là ứng với “tam cần”, hay nói đúng hơn, để giảm bớt gánh nặng cho người nông dân cũng như bớt đi ảnh hưởng xấu khi sức người xảy ra vấn đề. Việc này giao cho Hàn Thu Thủy đi nghiên cứu. Cô nàng lúc nghe Bích Mặc tiên sinh nói chuyện này thoáng ngẩn người ra, song rất nhanh mắt sáng lên, vỗ trán một cái, vội vã chạy về phòng, xem chừng là vô cùng hứng thú với cái đề tài này.
Thứ hai, nghiên cứu song song phân bón hóa học và lai giống. Đây là “nhì phân” và “tứ giống”. Phân bón hóa học tuy có mặt hại của nó, nhưng quả thực có tác dụng cao hơn hẳn phân bắc, phân chuồng. Lại nói, nếu biết căn chỉnh liều lượng và không vì cái lợi nhỏ trước mắt mà quá lạm dụng phân hóa học, thì hoàn toàn có thể giảm thiểu, thậm chí giải quyết sạch sẽ các hậu quả kia. Còn “giống” tuy là xếp cuối, nhưng tác dụng cũng không thể phủ nhận. Nông nghiệp hiện đại năng suất cao hơn hẳn cổ đại, công lao không nhỏ nằm ở các giống cây mới. Việc này Nguyễn Đông Thanh giao cho Dư Tự Lực sau khi giảng qua cho cậu chàng một số kiến thức cơ bản cũng như cung cấp các tài liệu tham khảo cần thiết.
Cuối cùng, “nhất nước” giao cho Lã Vọng Thiên. Nhiệm vụ của Lã thiếu lâu chủ là nghiên cứu “xen canh”, cũng như hệ thống tưới tiêu, tích và thoát nước.
Nguyễn Đông Thanh sau khi giao việc xong xuôi cho ba “thiếu niên tài tuấn”, thì cũng tiến vào thư phòng, bắt đầu bàn bạc với Cố Văn chuyện sưu thuế.
Mấy người Lâm Cảnh Trung, Hoàng Sở Sở cũng được gọi đến, lại chia thành hai nhóm: một nhóm phụ Bích Mặc tiên sinh, một nhóm tới trợ giúp Long U chuẩn bị chuyện an dân.
Cứ thế, ai lo việc nấy, mấy ngày bận rộn nhanh chóng trôi qua…
Mức sưu thuế mới vừa được công bố, hiển nhiên là khiến dân tình trong ngoài thành Bạch Đế không vui vẻ gì. Còn may nhóm của Long U đã sớm chuẩn bị phương án ứng phó, từ đó y kế mà làm, mới đè được dư luận bất lợi xuống.
Lại qua mấy ngày, đợt lương thảo, hàng hóa đầu tiên được thu gom đầy đủ. Vận lương quan cầm nhẫn chứa đồ, khăn gói lên đường, thẳng hướng Lệ Chi Sơn mà đi.
Nguyễn Đông Thanh ngóc được đầu lên sau mấy ngày bận rộn, bèn chạy đi xem tình hình nghiên cứu của mấy người Dư, Hàn, Lã ra sao. Tuy nói mùa vụ đã bắt đầu, việc giao cho mấy người bọn họ không cần kết quả gấp, song gã cũng vẫn có chút tò mò mấy vị nhân tài này làm ăn ra sao. Lại nói, nếu nảy sinh vấn đề hay sai sót, phát hiện càng sớm thì càng đỡ tốn công làm lại, sửa chữa.
Không nằm ngoài dự đoán, hai người Dư Tự Lực, Hàn Thu Thủy còn đương trong những bước đầu, chưa có gì để báo cáo. Nguyễn Đông Thanh trao đổi với họ vài câu, giải đáp vài thắc mắc, sau đó liền bỏ đi cho bọn họ tiếp tục chuyên tâm nghiên cứu.
Khiến hắn phải ngạc nhiên là Lã Vọng Thiên. Lã thiếu lâu chủ tuy cũng chưa có đột phá gì, song lại có không ít câu hỏi trực chỉ vấn đề, và một tin mừng ngoài mong đợi.
Trước khi nói rõ tin mừng này là gì, phải kể một chút về lịch sử của Vọng Thiên lâu…
Tương truyền, năm xưa khi Vọng Thiên cung giải thể, lão cung chủ vốn là anh cả trong năm anh em. Bốn người em của lão sau đó bói một quẻ, biết sẽ có ngày Vọng Thiên cung lần nữa lập lại, nên quyết định chia nhau ra đi khắp Huyền Hoàng giới học nghệ, chờ ngày Đông Sơn tái khởi thì trở về củng cố tông môn.
Người anh hai tâm địa từ bi, cơ duyên xảo ngộ đã bái được vào sư môn một vị cao tăng Ẩn Tông, sau này khi trở về Vọng Thiên lâu đã lập ra Phật ban, chuyên nghiên cứu nhân quả.
Người anh ba thiên phú bói toán không cao, sau lần Vọng Thiên cung gặp nạn này tự thấy khả năng tự vệ của Lã gia quá kém cỏi, thế là chuyển tu Võ đạo. Cuối cùng, lão thành công sáng chế ra một bộ võ công dung hợp truyền thừa của Lã gia vào, có thể chuẩn xác nhìn thấu chiêu thức tiếp theo của đối thủ, gần như là trăm trận trăm thắng. Đổi lại là ai học võ công này thì đều chỉ có thể bói được một tuần tương lai đổ lại, không thể biết chuyện xa hơn. Về sau, khi Vọng Thiên lâu lập lại, lão trở về thành lập ra Võ ban, chuyên rèn luyện lực lượng bảo an của môn phái.
Người em thứ tư thấy Vu đạo rộng lớn, trăm sông đổ về một biển, bèn đi mở mang kiến thức, học thêm các nhánh khác của Vu đạo. Về sau, lão mở Vu ban dạy đệ tử Vọng Thiên lâu các thủ đoạn phòng thân cũng như các kiến thức bổ ích khác.
Cuối cùng, người em út sáng dạ nhất trong năm anh em, lại thấy hai nhà Nho, Đạo đều thối nát, bèn quyết định tự đi lối riêng, mở… kỹ viện kiếm tiền. Tương truyền, lão từng gia nhập Hữu Tiền Liên Minh, từng làm đến thành viên cao cấp. Còn nghe nói, rất nhiều mô hình, phương pháp, cách thức hái ra tiền mà các thế lực Nhất Phẩm đến nay vẫn đang sử dụng là sáng kiến của lão. Về sau, lão mở Thương ban ở Vọng Thiên lâu, chuyên phụ trách kiếm tiền. Cho đến nay, Thương ban vẫn chịu trách nhiệm cung cấp tài nguyên kinh tế cho Vọng Thiên lâu nói chung và các ban khác nói riêng tiếp tục hoạt động.
Cũng từ đó, trưởng lão kế nhiệm đứng đầu mỗi ban được gọi theo tên của ban mà họ cầm quyền.
Lã Vọng Thiên lần này ra ngoài, các vị trưởng lão thay phiên nhau hộ đạo. Đầu tiên là Võ trưởng lão khi cậu chàng gặp Đỗ Thải Hà lần đầu, tiếp đó đến Thương trưởng lão lúc cậu chạy đến Quan Lâm. Cuối cùng gần đây, đến phiên Vu trưởng lão đến thay ca cho Thương trưởng lão về phục mệnh. Vừa đúng trong mấy ngày nay, bà ta ghé thăm Lã thiếu lâu chủ, tình cờ nhìn thấy bản kế hoạch về xen canh của Nguyễn Đông Thanh. Vu trưởng lão đọc qua thấy rất có ý tứ, bèn trò chuyện một phen với cậu chàng, sau đó bảo sẽ dẫn tiến người quen của mình có thể giúp được chuyện này.
Phải biết, ở Huyền Hoàng giới, cũng không phải là chưa có các kỹ thuật như xen canh hay cấy giống, hay thậm chí dùng thiên địch, ..v..v… Song các kỹ thuật hay giống loài này đều cần cao thủ Vu đạo sử dụng đến chân khí hoặc máu của bản thân để nuôi dưỡng, kích thích sinh trưởng. Thành thử, cũng vì vậy mà hiệu suất không cao, cũng không cách nào mở rộng mô hình ra được, chỉ luôn gói gọn theo từng vùng nhỏ.
Cũng phải biết, bởi vì vị trưởng lão sáng lập ra Vu ban từng lặn lội khắp nơi học nghệ, kết giao rộng rãi, nên đã lập ra một tập tục: các đời đệ tử Vu ban sau khi được lựa chọn kế nhiệm Vu trưởng lão không được nhậm chức ngay như các ban còn lại, mà còn phải bỏ ra thời gian ba năm, đi kết giao, học tập thêm với các thiên kiêu Vu đạo đồng lứa khác. Người mà Vu trưởng lão đương nhiệm của Vọng Thiên lâu định dẫn tiến cho Bích Mặc tiên sinh chính là những người bạn vong niên bà ta kết giao trong thời gian ba năm giao lưu thuở thiếu thời đó.
Lã Vọng Thiên vốn thấy việc xen canh khó, tạm gác qua một bên, nghiên cứu chuyện nước non trước. Sau khi Vu trưởng lão xung phong nhận việc, thì cậu chàng lại càng yên tâm tập trung tìm hiểu về mấy vấn đề liên quan đến cấp thoát nước. Thành thử, mấy câu hỏi cậu ta ghi lại, chuyển cho Nguyễn Đông Thanh đều là những vấn đề cũng chẳng dễ dàng gì đối với gã.