Phải đợi Lý Đình hồi âm, thư qua thư lại thế nào cũng phải mất mấy ngày.
Phó Nguyệt quay trở lại cửa hàng, không còn phải bận việc thêu thùa nữa, cho nên nàng cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều.
Hơn nửa tháng qua, Tiêu Giản ngoan ngoãn đến trường mỗi ngày. Trong khi Phó Nguyệt và Tiêu Thái ngày nào cũng bận rộn với việc buôn bán trong cửa hàng.
Hiện tại việc buôn bán trong cửa hàng tương đối ổn định. Chiều nay Tiêu Giản nghỉ học, bánh ngọt hôm nay cũng bán hết, vì vậy Phó Nguyệt đóng cửa cửa hàng từ sớm.
Phó Nguyệt: “A Giản, hôm nay chúng ta ra ngoài đi dạo nhé”.
Tiêu Giản: “Thật không?”
““Tẩu tẩu đã lừa đệ bao giờ chưa? Mau dọn dẹp sạch sẽ đi, chúng ta sẽ lập tức đi ra ngoài”.
“Tẩu tử đợi đệ với, ca ca, chúng ta đi ra ngoài đi”. Tiêu Giản hưng phấn đặt tờ giấy tập viết chữ cái mà cậu bé vừa viết xong lên trên bàn học nhỏ, không quên thúc giục Tiêu Thái đang bưng nước trong chính viện.
Phó Nguyệt mỉm cười và đi theo cậu bé vào hậu viện.
“Hôm nay ra ngoài sao” Tiêu Thái lau mồ hôi rồi hỏi.
“Đúng vậy, hôm nay không có việc gì, chúng ta đi dạo phố mua một ít đồ trong nhà còn thiếu. Chàng cũng đi thay y phục đi”.
“Được, nàng chờ ta.”
Một lát sau, cả ba người đã dọn dẹp xong đồ đạc, ra khỏi nhà bằng cửa sau.
Thành Thạch Châu yên bình và phồn hoa. Ngay cả trong những ngày bình thường, trên đường phố người qua lại tấp nập.
Ba người bọn họ lang thang trong dòng người và mua những thứ bọn họ cần.
Thực phẩm và những vật dụng cần thiết trong nhà. Chỉ một lát sau tay của Tiêu Thái đã đầy những gói hàng.
Họ đi dạo một mạch đến khu chợ ở phía Tây thành.
Cửa hàng của Phó Nguyệt cần một lượng sữa lớn và ổn định. Mặc dù hộ nông dân ban đầu hợp tác có thể cung cấp hàng ngày nhưng trứng không thể để tất trong một giỏ được.
Nàng muốn tìm thêm một hộ nông dân nuôi bò khác.
Tại chợ bán gia súc, có mấy người bán bò, nhưng không nhiều người có thể cung cấp được sữa bò.
Cả ba người đi loanh quanh một vòng, cuối cùng cũng tìm thấy một vị.
Mặc dù người nọ nói rằng nguồn cung cấp hàng ngày không nhiều, nhưng thà ít còn hơn không. Mỗi ngày có thêm chút sữa thì có thể làm nhiều điểm tâm hơn.
Sau khi thỏa thuận xong giá cả và đi dạo được một thời gian, đám người Phó Nguyệt định ra về.
Cách đó không xa, bỗng có tiếng van xin của một bà lão và tiếng khóc cầu xin của một bé gái.
“Cầu xin các ngươi, đừng bán cháu gái nhỏ của ta tới chỗ như thế, làm ơn, ta van lạy ngươi đó”.
“Hu hu, nãi nãi, ca ca…”.
“Á, tiểu tử khốn kiếp, buông ra” Một tiếng chửi thô bạo của hán tử cất lên.
“Đừng đánh, đừng đánh”.
Cách chợ bán gia súc không xa chính là địa bàn của đám buôn người.
Từ lớn đến bé, từ già đến trẻ đều có.
Nghe tiếng chửi bậy, khóc lóc thảm thiết như vậy, Phó Nguyệt và Tiêu Thái liếc mắt nhìn qua đó.
Chỉ thấy cách đó không xa, một tráng hán (nam nhân tráng kiện) mặc y phục bằng vải thô, áo quần ngắn đang túm lấy một tiểu nha đầu gầy yếu vô lực đang gào khóc, dưới chân hắn, một bé trai nhỏ ôm lấy một chân hắn, cắn mạnh không nhả miệng ra.
Tráng hán bị cắn đau, hùng hùng hổ hổ co chân đá bé trai gầy trơ xương kia đi.
Ở bên cạnh bọn họ có một lão bà bà nằm bò rạp xuống, khuôn mặt nhuốm đầy tang thương. Dường như bà bị gãy chân nên không quỳ lên được, cứ dập đầu cầu xin.
Chỉ chốc lát sau, trên mảng đất kia liền có vết máu.
Mẹ mìn đứng ở bên cạnh bất đắc dĩ nói: “Bà Thạch à, đây là số mệnh rồi! Tiểu nha đầu đi cùng người khác còn có thể ăn một bữa no đó.”
Thạch bà bà cầu xin nói: “Chỗ ấy là nơi không đứng đắn, không thể đi được.”
“Con bà thua cá cược, nhất định phải bán ba bà cháu bà cho ta. Các ngươi người thì già, còn lại là con nít, người khác cũng chẳng ai thèm ba người các ngươi. Chấp nhận số mệnh đi.”
Anan
Một vị ma ma già đứng ở đằng sau tráng hán, bà ta trang điểm lòe loẹt lộng lẫy, sốt ruột thúc giục: “Môi giới Lưu, nha đầu này ngươi có bán hay không? Muốn bán thì nhanh lên, lão nương còn bận nhiều việc lắm.”
Bà ta lấy khăn lau lau gò má, ghét bỏ nơi dơ bẩn, đổ nát này, nhìn hai người trên mặt đất kia rồi nói bổ sung:
“Ta chỉ mua nha đầu tóc vàng này thôi, hai người kia chẳng làm được gì ở Hồng Trần Lâu của ta. Khuôn mặt kia của con bé cũng chỉ thuộc dạng thông thường, ta còn phải bỏ thêm công sức để nuôi dưỡng nữa, ta chỉ trả ba lượng, không hơn được nữa đâu!”