Đối với bách tính Đại Khang trước đây, cá biển là một mặt hàng xa xỉ. Nhiều người dân trong đất liền chưa từng ăn cá biển, thậm chí chưa từng nghe nói đến biển. Nhưng nhờ ngành đánh bắt phát triển mạnh mẽ nên các hợp tác xã mua bán đã cung ứng các sản phẩm như rong biển, cá khô không giới hạn.
Ngoài ra, Kim Phi còn xây dựng các xưởng nhiệt điện, xưởng luyện kim, xưởng dệt may và nhiều công xưởng khác ở Đông Hải, nếu cướp biển tấn công Đông Hải thì thiệt hại gây ra sẽ không thể tưởng tượng được.
"Tiên sinh, lũ cướp biển sẽ không tấn công Đông Hải thật chứ?" Thiết Thế Hâm lo lắng hỏi.
"Ta cũng không biết", Kim Phi lắc đầu nhưng trong lòng lại có nhiều dự cảm không lành.
Sự thật một lần nữa chứng minh linh cảm của y là đúng.
Đêm đó Kim Phi ở lại Ngự thư phòng, vì có chuyện lo lắng trong đầu nên đêm đó y ngủ không ngon giấc, mãi tận khuya mới thiếp đi. Sáng hôm sau y bị đánh thức bởi Châu Nhi.
Hàn Phong phái mật thám đi xuyên đêm gửi mật thư về, quả nhiên đêm qua cướp biển đã tấn công Đông Hải!
Trước khi Kim Phi và Hồng Đào Bình hợp tác, Đông Hải chỉ là một danh từ chung chung. Đông Hải ngày nay được phảt triển từ một trấn nhỏ tên là trấn Ngư Khê.
Các thành trì trước đây có tường cao và hào nước, nhưng theo quan điểm của Kim Phi, với sự xuất hiện của phi thuyền và thuốc nổ, việc lãng phí nhân lực và tiền của để xây tường thành và hào nước là không cần thiết, đồng thời cũng sẽ hạn chế sự phát triển của thành phố. Cho nên trong bản thiết kế quy hoạch Đông Hải ban đầu không hề có hạng mục xây tường thành.
Đội ca nô của bọn cướp biển xuất hiện sau khi màn đêm buông xuống. Sau khi tiến vào biển Đông Hải, chúng lập tức chia thành nhiều nhóm. Một số tấn công bến tàu, một số tấn công phủ quận trưởng, một số xông vào các nhà xưởng như xưởng phát điện, xưởng luyện kim với hy vọng có thể chiếm được những nhà xưởng này.
May mắn thay, những đơn vị này luôn được Cửu Công chúa coi như đơn vị quân đội, không chỉ có nhân viên hộ tống đóng quân mà còn xây dựng rất nhiều pháo đài. Nhờ đó, các nhân viên hộ tống đã sử dụng pháo đài và súng trường để ngăn chặn làn sóng tấn công đầu tiên của cướp biển.
Đông Hải không chỉ có nhân viên hộ tống chính quy túc trực mà dưới sự lãnh đạo của Khánh Mộ Lam, mỗi xưởng đều thành lập các đội an ninh. Mặc dù trách nhiệm chính của các đội an ninh này là tuần tra khu vực công xưởng. Mặc dù hiệu quả chiến đấu của họ không thể so sánh với đội an ninh do Khánh Mộ Lam đích thân dẫn dắt, nhưng họ cũng không giống những ngư dân bình thường không có khả năng chống cự khi nhìn thấy cướp biển.
Điều quan trọng nhất là những công nhân này đều đi lên từ những ngày tháng đói khổ, mới sống cuộc sống tốt đẹp được có vài năm. Vậy mà giờ lại có kẻ muốn phá hủy công xưởng, phá hủy cuộc sống tốt đẹp của họ, liệu những công nhân này có cho phép chuyện đó xảy ra không?
Dĩ nhiên là không!
Lúc này, sức mạnh của quần chúng nhân dân mới được bộc lộ.
Ngày nay, Đông Hải đã lắp đặt loa phóng thanh ở hầu hết các ngã tư để hình thành hệ thống phát thanh. Từ Cương khi biết bọn cướp biển đang đến, lập tức yêu cầu nhân viên phát thanh đọc tin và kêu gọi công nhân trẻ có sức khoẻ cầm vũ khí bảo vệ công xưởng, chống cướp biển.
Theo tiếng gọi trên loa, công nhân tự phát lao ra khỏi nhà với các loại vũ khí như dao làm bếp lao về phía các công xưởng lớn.
Trước đây khi cướp biển đến Đại Khang cướp làng chài, về cơ bản ngư dân ở đó đều bị chúng khống chế, nhưng Đông Hải này không phải là làng chài.
Một làng chài giỏi lắm thì được hơn một ngàn người, nhưng hiện tại ở Đông Hải có có hàng trăm ngàn người sinh sống. Trong số đó, dù chỉ có 1/5 là thanh niên trai tráng trẻ tuổi thì vẫn thừa sức đè bẹp bọn cướp.
Nếu là ở trên biển, ngư dân có thể không làm gì được nhưng giờ bọn chúng đã lên bờ và tấn công nhà xưởng.
Khi nhìn thấy biển công nhân đến gần, bọn cướp biển cuối cùng cũng hoảng sợ, nhưng đến lúc này thì đã quá muộn để trốn thoát.
Đêm hôm đó, giữa công nhân và bọn cướp biển xảy ra xung đột vũ trang gay gắt. Chỉ có khoảng 1/10 số cướp biển ban đầu lên bờ là trốn thoát được về tàu, còn lại hầu hết đều bị công nhân và đội hộ tống, đội an ninh đánh chết.
Tuy số lượng công nhân đông nhưng lại không được huấn luyện kỹ thuật chiến đấu và kỷ luật chiến đấu nên số thương vong còn nhiều hơn cả cướp biển. Nếu đội hộ tống và đội an ninh không đến kịp thời thì thương vong sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Qua trận chiến này, Từ Cương và công nhân Đông Hải đã nhận ra tầm quan trọng của việc huấn luyện. Cho nên bắt đầu từ ngày hôm sau, mỗi công xưởng đều tiến hành huấn luyện quân sự cơ bản trong thời gian rảnh rỗi. Trong các hoạt động chống cướp biển sau đó, công nhân Đông Hải đóng vai trò rất lớn.
Tất nhiên, chuyện này sẽ nói sau.