Lại nói, nghe Giang lão báo tin Bắc quân lại cử đại quân nam xâm, phòng tuyến sông Hoài đã thất thủ, Viêm triều dù dốc hết quân lực cũng chỉ có thể cầm cự được chừng một tháng, mọi người không khỏi chấn kinh. Không phải nguy cơ, mà là đại nguy cơ a.
Vương Đại tướng quân nói :
- Viêm triều dù gì cũng là một đế quốc, tuy không còn cường thịnh như hồi mấy chục năm trước, nhưng lẽ nào lại kém đến vậy chứ. Dù dốc hết quân đội cũng chỉ cầm cự được một tháng. Lẽ nào lại thế.
Giang lão thở dài nói :
- Đâu phải ngươi không biết. Hà gia giờ đây đâu còn như xưa nữa. Từ khi Đế Quang đăng cơ, Viêm triều đã bắt đầu suy bại rồi. Sau khi chiến tranh với Đông Hải đại tộc, quốc lực tận thất, vì thế mới thất trận ở Trác Lộc, dẫn đến Viêm đô thất thủ. Dù Đế Minh được chư tộc ủng hộ, tụ nghĩa quân, khôi phục được Viêm đô, nhưng phần giang sơn phía bắc cũng vĩnh viễn mất đi, chỉ còn có thể dựa vào sông Hoài mà phòng ngự.
Vương Đại tướng quân cũng thở dài, nói :
- Lão tiên sinh nói phải. Mấy mươi năm nay, Hà gia đời sau kém hơn đời trước, trừ Kinh Vương ra, chẳng có ai đáng gọi là hiền năng. Nếu không Đế Minh đã không định truyền ngôi cho Kinh Vương. Chỉ tiếc Kinh Vương quá ôn hậu, nhường ngôi lại cho anh. Nếu không thì … Ai !
Giang lão nói :
- Ngươi tưởng Kinh Vương không biết trọng đại cuộc hay sao. Chỉ vì Kinh Vương là con thứ, mẹ lại là người phương Nam, trong gia tộc sức yếu thế cô, chẳng được ai ủng hộ. Đế Minh vừa tỏ ý thì ai ai cũng phản đối cả, làm sao có thể kế vị được. Ngay cả khi được chia cho đất Tương Nguyên, Kinh Vương cũng chỉ có vài mươi tùy tùng theo hầu. Ngươi nên nhớ rằng lúc đó Tương Nguyên chỉ phụ thuộc Viêm triều trên danh nghĩa. Phái Kinh Vương về Tương Nguyên thì có khác nào muốn hại Kinh Vương đâu. Nếu không được Động Đình Quân ủng hộ, Kinh Vương chẳng thể nào có được cơ nghiệp như ngày nay. Còn Đế Nghi thì … đến lúc này thế lực còn thua cả Kinh Vương, chỉ toàn nhờ Kinh Vương viện trợ mới có thể giữ vững được ngôi vua.
Vương Đại tướng quân hỏi :
- Kém đến thế ư ? Chẳng lẽ Viêm triều không còn danh thần đại tướng nào sao ?
Giang lão lắc đầu nói :
- Viêm đô đã từng thất thủ, triều đình từng phải vượt Đại Giang lánh về phương nam, thế mà Hà gia vẫn chưa tỉnh ngộ. Hiện giờ tại Viêm triều, những chức vị trọng yếu đều toàn do Hà gia nắm giữ. Triều đình do Hà gia nhất gia độc đại. Danh thần đại tướng đâu ra. Nam phương lưỡng tộc, Đông Hải lưỡng tộc, đâu còn ai tôn trọng Viêm triều nữa đâu.
Vương Đại tướng quân thở dài nói :
- Nếu phần đất phía bắc Đại Giang thất thủ, Viêm triều kể như chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa. Khu vực Đại Giang là lãnh địa của Giang tộc mà. Còn phía Đông là thế cừu, Đông Hải đại tộc. Lúc đó bọn họ không đổ thêm dầu vào lửa là đã may mắn lắm rồi. Chỉ đáng buồn Đế Quang và Xi Vưu chẳng xem trọng đại cuộc, gây nên nội chiến, khiến một đế quốc hùng mạnh tan rã như ngày nay.
Thấy chuyện đi mỗi lúc một xa, Giang Phong nói :
- Chuyện đó sau này hãy bàn. Trước mắt phải tìm cách kháng cự Man binh. Nếu Nguyên Thành thất thủ, An Phú Trấn cũng chẳng thể giữ được lâu. Đại quân Man tộc có thể xuôi Nguyên Giang đông tiến, đánh thẳng đến tận Động Đình Hồ.
Vương Đại tướng quân nói :
- Bắc quân nam xâm, Viêm triều nguy cấp. Kinh Vương tất phải cử binh viện trợ. Như thế thì không thể nào tập trung cho mặt trận phía Tây được. Việc đề nghị mặt trận Phần Dương chia bớt áp lực với chúng ta xem ra chẳng mấy hiện thực.
Giang lão nói :
- Đúng thế. Bọn họ còn đề nghị chúng ta chia bớt áp lực với bọn họ.
Vương Đại tướng quân bật dậy :
- Lẽ nào lại thế ? Chẳng lẽ bọn họ không biết rằng chúng ta chỉ có mấy nghìn quân hay sao ?
Giang lão lắc đầu thở dài. Giang Phong chợt hiểu ra. Lãnh địa phát triển quá nhanh, bọn họ muốn mượn tay Man binh làm suy yếu lãnh địa đây mà. Giang Phong mím môi, hạ quyết tâm, nhìn Vương Đại tướng quân hỏi :
- Việc bố trí phòng ngự thế nào rồi ?
Vương Đại tướng quân nói :
- Đường từ Man địa đến Nguyên Thành chỉ là con đường mòn nhỏ, mã xa không đi được, lại còn xuyên qua mấy hẻm núi. Thuộc hạ đã bố trí quân mai phục tại các hẻm núi, phục kích địch quân. Bọn chúng mà đến được Nguyên Thành thì cũng thiệt hại quá nửa.
Giang Phong khẽ nhíu mày, nói :
- Nếu bọn chúng tiến được đến Nguyên Thành thì chúng ta buộc phải thủ thành, rất bị động. Đó là chưa kể một khi bọn chúng vừa vây thành, đồng thời phái thêm viện binh đông tiến. Có cách nào chặn giặc từ xa hay không ?
Mọi người cúi đầu suy nghĩ. Giang Phong lại nói :
- Phá đường được không ?
Vương Đại tướng quân nói :
- Đấy là con đường độc đạo, lại rất hiểm trở, một khi phá đường thì rất khó khôi phục, địch quân không thể đông tiến thì chúng ta cũng không thể tây tiến. Nghe nói khi xưa Man tộc mất mười mấy năm mới mở được con đường đó.
Giang Phong nhìn vào địa đồ treo trên tường, nói :
- Chúng ta không cần con đường đó. Nếu hủy luôn được thì càng tốt. Muốn tây tiến thì vẫn có thể ngược dòng Nguyên Giang. Ta lo là Man tộc vẫn còn chiến thuyền, có thể cho thủy quân xuôi dòng Nguyên Giang tấn công chúng ta. Nếu lão lo phục kích địch quân trên bộ, một khi thủy quân của địch tấn công, chúng ta đâu còn tướng lĩnh nào khác để lãnh quân ngăn giặc. Hơn nữa Man soái cũng là danh tướng, nếu tổ chức phản phục kích, song phương nhân số chênh lệch quá lớn, chúng ta sẽ thiệt hại nặng nề. Dù sát địch một nghìn chỉ thiệt hại năm trăm, chúng ta cũng sẽ gặp nguy.
Giang lão chép miệng nói :
- Chúng ta thiếu đại tướng, trong chiến tranh thật không có nhiều chọn lựa, ngay cả muốn tăng quân cũng khó vì không có người thống lãnh.
Vương Đại tướng quân hỏi :
- Ý đại nhân là phá hủy toàn bộ đường đi.
Giang Phong nói :
- Phải. Phá hết. Không chỉ ở các hẻm núi mà toàn bộ. Phá hủy hết những đoạn đường nào có thể. Còn lão tập trung lo phòng thủ mặt sông, ưu tiên phá hủy chiến thuyền của giặc, khiến giặc không còn phương tiện đông tiến.
Giang lão nói thêm :
- Nếu thủy chiến, pháp sư đoàn của chúng ta sẽ có nhiều ưu thế, còn vu sư đoàn của Man tộc chẳng có mấy tác dụng. Ngược lại, nếu chiến đấu ở vùng rừng núi, vu sư đoàn uy lực rất lớn.
Giang Phong nghĩ đến độc xà đại quân của Man tộc đại vu trước đây, gật đầu khen phải. Thế là quyết định. Mọi người tích cực bị chiến.
Chiều tối, Giang Phong lên thuyền thị sát các tuyến phòng ngự do Vương Đại tướng quân thiết lập dọc theo hai bờ Nguyên Giang. Theo kế hoạch, nếu chiến thuyền của Man tộc xuôi dòng tấn công, Vương Đại tướng quân sẽ thống lãnh chiến thuyền ngăn chặn, làm chậm bước tiến của địch. Giang lão sẽ chỉ huy pháp sư đoàn và cung thủ dùng pháp thuật và hỏa tiễn từ hai bên bờ tấn công phá hủy thuyền địch. Vì địch xuôi dòng, nếu trực tiếp nghênh chiến sẽ chịu nhiều bất lợi, chưa kể địch đông ta ít.
Thuyền đang ngược dòng về phía thượng lưu, chợt đâu nghe thấy có tiếng ai ca văng vẳng theo gió truyền đến, Giang Phong cố lắng nghe. Đó là một giọng nam đã lớn tuổi, ca rằng :
“Núi nam có gốc cây da,
Thân cao tán rộng, um tùm dây leo.
Gặp người quân tử vui sao,
Chúc người đại nghiệp được mau tựu thành.”
Lời ca nhiều thâm ý của bậc hiền giả. Giang Phong truyền cho thuyền hướng về phía đó.