Vụ Án Cọp Tinh

Chương 41





Như chuyện hồi tối chẳng hạn, chính con Lành là người trực tiếp nhận và đem mớ đồ đạc của cậu Hai bỏ vào áo quan. Trong khi ai nấy ở đó đều e ngại và sợ đến gần thi thể người chết.

Nghĩ đến đây Diệp Thảo lại không tự chủ mà đi tìm bóng dáng của tỷ Nhân. Cô gái này rõ là tối qua cũng không có ngủ. Gương mặt xám xịt đã đành. Đáy mắt của tỷ Nhân hình như còn ánh lên một tia nhìn tuyệt vọng.

Tuyệt vọng ư? Chỉ một lời nói lỡ của ông lão đánh đàn bầu mà tỷ ấy buồn đến mức đó sao. Không cho bản thân có thời gian để suy nghĩ nhiều hơn, Diệp Thảo toan đứng dậy để đến bên tỷ Nhân, an ủi tỷ ấy.

Nhưng người vừa mới nhỏm dậy thì Diệp Thảo đã phải khựng người lại. Anh Đen từ lúc nào đã đứng sau lưng nàng. Anh cất giọng hằn hộc.

- Lại nữa. Lại trưng ra vẻ mặt đó. Muội ấy thật sự là.. là muốn làm bà Phan sao hả?

Câu nói của anh Đen làm Diệp Thảo phải hướng tầm mắt theo ánh nhìn của gã trai trẻ. Muội ấy mà gã trai ấy nhắc đến là con Lành, và người mà đứa con gái kia đang tiếp chuyện là Phan gia Phan Vũ Anh.

Kẻ là nô tì làm công chuyện tiếp trà nước, còn kẻ là người đi viếng đám tang.

Trò chuyện với nhau là việc rất đỗi bình thường. Chỉ là hình như họ không chỉ có trò chuyện. Ánh mắt lúng liếng của con Lành và bên kia là nụ cười nửa miệng tình tứ của Phan Vũ Anh..

Kẻ hữu ý, người có tình. Đó là nguyên do cho câu hỏi: Muội ấy thực sự là muốn làm bà Phan sao?

Chuyện đã rõ ràng như vậy còn phải hỏi sao? Diệp Thảo đưa ánh mắt thương cảm nhìn gã trai đang đứng cạnh mình. Mất người con gái mình yêu vào tay kẻ khác luôn là chuyện cực kỳ đau đớn.

Nhất là khi anh Đen rất thương yêu con Lành. Món nào ngon đều phần con Lành, chuyện gì cũng đều kể cho con Lành.. Như chuyện cậu Hai Lịch lục lọi phòng đại nhân chẳng hạn..

- Chỉ là kẻ rót trà và người đi viếng đám thôi. Đen huynh đừng có nghĩ nhiều.

Diệp Thảo quyết định cho bản thân mắt mờ, tai điếc để nói ra những lời không thật lòng.

- Rồi sau đám ma này thì mọi chuyện sẽ trở lại bình thường thôi.

- Không đơn giản vậy đâu Thảo à. Bởi tối hôm bà Hai xảy ra chuyện, Lành đã tới gõ cửa buồng của họ Phan đó. Rồi sáng hôm qua, muội ấy cũng cố gắng tiếp cận gã ta. Và.. và tối hôm qua.. muội ấy đang đêm muội ấy còn lẻn ra khỏi gia trang mãi không trở lại. Tôi hỏi Thảo nếu không phải là đi gặp họ Phan thì đi đâu.

Tiếng nói như nghẹn lại trong cổ họng. Và sau đó là những giọt nước mắt uất ức của gã trai trẻ vừa phát hiện ra bạn gái đã có người khác. Đứng bên cạnh Diệp Thảo cũng cảm thấy xót thương cho anh Đen rất nhiều. Nhưng đó không phải là tất cả những bận tâm của cô gái trẻ.

Cố gắng chờ cho cơn xúc động của anh Đen qua đi, Diệp Thảo mới vỗ vai gã trai trẻ một cái thật nhẹ.

- Đen huynh à, huynh nói đêm qua huynh thấy Lành muội rời gia trang hả? Nhưng sao lúc đó huynh không đuổi theo muội ấy. Để rồi bây giờ đoán già đoán non..

- Tôi.. Tôi cũng muốn đuổi theo muội ấy lắm chứ. Nhưng.. nhưng lúc ấy..

Giọng anh Đen lại lần nữa nghẹn lại. Thì ra lúc ấy là khi việc đóng nắp áo quan gần kết thúc. Mà anh Đen lại ở trong nhóm những người chịu trách nhiệm khênh nắp áo quan.

- Khênh nắp áo quan sao? Không phải có thể nhờ bất kì gã lính tuần vào thế chỗ là được ư?

Rồi Thảo nhớ là thao tác đóng nắp áo quan ấy đâu có lâu lắm đâu. Nên sau khi mọi việc xong xuôi, Đen huynh vẫn có thể đuổi theo Lành mà.

- Thì tôi cũng định vậy nhưng..

Nhưng không hiểu sao sau khi khuân nắp áo quan xong anh Đen lại lăn quay ra ngủ không biết trời trăng mây gió chi nữa. Mà chuyện này cũng không phải chỉ xảy ra với mình anh Đen, bởi lão Duyệt cũng bị.

Tiếng hự rõ lớn vọng ra từ nhà trên báo cho người khác biệt đã sắp tới giờ di quan. Vậy là một kiếp người sẽ kết thúc như vậy ư?

Câu hỏi không có lời giải làm Diệp Thảo thấy lòng mình bồn chồn đến lạ. Sẽ kết thúc một cách bí ẩn như vậy ư?

- Mẹ à, mẹ để con đi tiễn anh Hai một đoạn đường đi mà. Là anh em với nhau bao nhiêu năm. Lẽ nào lại không đưa nhau đi được một quãng đường?

- Đưa nhau đi được một quãng đường?

Giọng bà Ba Miên đầy sự khinh miệt.

- Con nghĩ tên Hai Lịch đó xem con là anh em sao? Không có đâu. Nó còn tính chiếm hết cả gia sản này mà. Nên nó chết là đáng.. đáng lắm. Từ trước giờ mẹ chưa bao giờ thấy biết ơn con quái vật kia như vậy. Nhưng giờ mẹ lại cảm ơn nó vô cùng. Con biết không cái khăn tay của con là nó.. nó tẩm mê dược vào đó. Chính mẹ.. chính mắt mẹ đã nhìn thấy nó lẻn vào phòng con sáng hôm đó.

Cánh cửa buồng mới hé ra chút đã vì những lời kia mà đóng lại. Vậy là cậu Ba Phong sẽ không có đi đưa cậu Hai Lịch. Nhưng như thế không phải là lần nữa khẳng định bản thân đã..

Dòng suy ngẫm của Diệp Thảo không thể liên tục được nữa. Vì ở nhà trên mấy người khiêng áo quan đã vừa hự thêm một tiếng nữa. Vậy là giờ đưa bà Hai và cậu Hai ra đồng đã tới rồi.

- Cẩn thận!

Tiếng nói của Lê Bá Thông vừa dứt thì một gã trai đứng ở góc dưới áo quan của cậu Hai Lịch đã kêu lên một tiếng.

Tiếng "á" trong cổ họng của gã trai đó, hình như cũng là tâm tính của tất cả những người đang khênh áo quan của Hai Lịch.

- Sao lại nặng như vậy chứ?

- Tôi có cảm tưởng bản thân đang khênh đá chớ không phải là khênh người.

Câu chuyện của hai gã phu khiêng áo quan bị ngắt ngang bởi cái đằng hắng của Lê Bá Thông. Cái áo quan của cậu Hai Lịch rốt cuộc cũng được đặt lên xe kéo như của bà Hai Cần.

Từng nhịp bánh xe quay tròn để đưa hai cái thi thể, cũng là hai mẹ con ra đồng.

Không một tiếng khóc than như những đám ma khác. Nhưng rõ ràng là cũng chẳng ai vui nổi. Trừ cái kẻ đang nấp sau bụi tre già ở ven đường kia.

Ờ thì, sống ở trên đời này kiếm người thương mình thì khó, chớ tìm người ghét mình thì dễ vô cùng. Kẻ ghét nhiều, người ghét ít. Kẻ ghét vì lời không vừa tai, người ghét vì ta có điều kiện sống tốt hơn họ.

Nhưng chung quy lại thì dù có ghét tới bận nào đi chăng nữa thì khi đối phương chết đi, ta cũng không thể nở được một nụ cười kia sẽ đem lại cho kẻ nọ lợi lộc gì đấy. Hoặc kẻ nọ ấy là một tên máu lạnh thật sự.

Mặt trời lên cao làm những giọt sương đêm cứ vậy mà tan biến không một dấu tích. Trở về từ vùng đất thánh bàn trà của Nguyễn gia có thêm hai vị khách quý, là Trần Ngọc Diễm Kiều và người nữa là Trịnh Thừa.

Họ là người đã bớt chút thời gian để đi đưa hai mẹ con bà Hai ra đồng. Nhưng rõ ràng là trên mặt Diễm Kiều tiểu thơ không có thể hiện ra sự thương tiếc.

Hay nói cho chính xác hơn thì sự tức giận đã át đi sự tiếc thương kia của Trần Ngọc Diễm Kiều. Cô gái trẻ đưa mắt nhìn Nguyễn đại nhân, Lê Bá Thông rồi cuối cùng là Trịnh Thừa.

Cái đầu hơi cúi và khuôn mặt có vẻ đăm chiêu của gã quan huyện trẻ tuổi dường như đã khơi bùng ngọn lửa tức giận trong Diễm Kiều. Cô tiểu thơ của quan Đốc lúc này không kiềm được mà giằng mạnh tách trà trên tay xuống bàn. Rồi chỉ Trịnh Thừa mà nói:

- Suy nghĩ cái gì? Tiếc thương cái gì chứ? Cớ sự ra tới nông nỗi này không phải là do quan huyện đại nhân gây ra sao. Gì mà chỉ là mâu thuẫn đơn giản giữa hai người đàn ông thôi. Không đáng để tâm. Vậy thì có người chết rồi đấy! Đại nhân đã vừa lòng chưa? Rồi cả việc của cậu Ba và Huỳnh Thanh Vân nữa. Tất cả là do sự bất tài của đại nhân mà ra cả đó.

- Diễm Kiều tiểu thơ à, tiểu thơ không nên to tiếng với Trịnh đại nhân như thế. Sẽ phạm tội khi quân đó.

- Ta không sợ.

Diễm Kiều có vẻ càng nói càng tức giận hơn.

- Bởi nếu ta có chết thì ta cũng sẽ kéo theo gã quan bất tài này. Lúc đó thiên hạ sẽ được thái bình, chứ không như bây giờ. Trịnh Thừa, nói thật đi! Có phải là huynh đã mua chuộc quan chủ khảo không? Là tiền vàng hay là lời hứa làm tôi làm mọi cho tên quan đó hả? Bởi nếu là người thông minh, đứng đầu kì thi Hội thì huynh phải biết người gây ra tất cả những chuyện này là tên thương buôn Phan Vũ Anh chứ?

Cái tên Phan Vũ Anh vừa được nhắc tới thì ấm trà trên tay con Lành cũng nghiêng hẳn sang một bên. Nước nóng đổ xuống bàn rồi chảy về phía chỗ ngồi của Nguyễn đại nhân. Nhưng cũng may Lê Bá Thông đã nhanh tay dùng giẻ lau chặn ngang dòng nước ấy lại.

- Con Lành! Bây làm gì thế hả?

Tiếng gọi của Lê Bá Thông làm hồn vía đã bay đi xa của con Lành trở lại. Đứa con gái đó vội vã chộp lấy mảnh giẻ lau mà rối rít xin lỗi.

- Con xin lỗi cậu Thông!

Nhìn khuôn mặt xám ngoét và bàn tay thoăn thoắt của đứa người làm, cơn giận mới dâng lên của Lê Bá Thông lập tức hạ dần xuống. Bên kia Diễm Kiều vì sự cố của con Lành mà cũng thôi không to tiếng với Trịnh Thừa nữa. Có điều nàng tiểu thơ ấy vẫn cố chấp nói với gã quan huyện.

- Nhưng rõ ràng là trước khi cậu Hai xảy ra chuyện thì người cuối cùng mà cậu ấy gặp chính là gã thương buôn Phan Vũ Anh đó. Tại sao huyện đường nhà các người không bắt hắn về tra vấn chứ?

- Không phải không bắt. Mà bổn quan ta không có lí do gì để bắt hắn. Bởi thời điểm mà Hai Lịch rời khỏi quán trọ thì cậu Hai vẫn sống sờ sờ. Và trên người không có chút thương tích gì. Còn gã Phan Vũ Anh thì sau đó đã dắt vào phòng một cô nương lầu xanh mãi đến sáng hôm sau mới trở ra. Trần Ngọc Diễm Kiều tiểu thơ, cô có cần tôi nhắc lại những lời khai của ả ca kĩ đó ngay tại bàn trà này không?

Vừa nói gương mặt của Trịnh Thừa vừa đỏ bừng làm Diễm Kiều dù không muốn nghĩ tới cũng bất giác hiểu ra mọi chuyện. Nàng ấy giấu mặt sau cái khăn tay mà phản bác.

- Biết.. biết đâu cô nương đó đang nói dối thì sao?

- Ta chưa có phu nhân nên sao biết được là cô ta đang nói dối hay nói thật. Còn nếu Diễm Kiều tiểu thơ đã kinh qua rồi thì xin mời, giờ chúng ta sẽ ghé qua Thanh Nguyệt lầu để hỏi lại cô ta lần nữa.

- Trịnh đại nhân!