Vợ Người Du Hành Thời Gian

Vợ Người Du Hành Thời Gian - Chương 15: Một giọt máu trong bát sữa




“Có chuyện gì vậy, em yêu?”



“Làm sao chúng ta có thể chịu nổi đây?”



“Chịu điều gì?”



“Điều này. Trong khoảnh khắc thật ngắn. Làm sao chúng ta có thể ngủ cho nó qua đi?”



“Chúng ta có thể cùng nhau yên lặng, và vờ như – nếu như nó đã chỉ là điểm khởi đầu – rằng chúng ta có tất cả thời gian trên thế giới này.”



“Rồi mỗi ngày chúng ta lại có ít hơn. Cho đến khi chẳng còn lại gì.”



“Vậy thì em thà không có, dù chỉ một chút?”



“Không. Đây là nơi em đã luôn tìm đến. Kể từ khi thời gian của em bắt đầu. Và mỗi khi em đi xa khỏi nơi này, nó sẽ luôn là tâm điểm, nơi mà mọi thứ đã chạy đến, trước đây, và từ đây mọi thứ sẽ chạy đi. Nhưng giờ, tình yêu của em, chúng ta đang ở đây, vào lúc này, và những thời khắc khác kia đang chạy về một phương trời khác.”



--A.S Byatt, Chiếm hữu



Cuộc sống hôn nhân



Tháng Ba, 1994 (Clare 22 tuổi, Henry 30 tuổi)



CLARE: Và thế là chúng tôi đã kết hôn. Ban đầu, chúng tôi sống trong căn hộ hai tầng, hai phòng ngủ ở Ravenswood. Nó luôn tràn ngập ánh sáng, sàn gỗ màu bơ và nhà bếp chứa đầy chạn tủ và đồ dùng cổ. Chúng tôi mua sắm, dành các buổi chiều Chủ Nhật ở Crate & Barrel để đổi quà cưới, mua chiếc ghế sofa không thể nhét vừa cửa căn hộ và phải trả lại. Căn hộ giống như phòng nghiên cứu, nơi chúng tôi đưa ra những thí nghiệm, khám phá lẫn nhau. Chúng tôi phát hiện ra Henry ghét mỗi khi tôi lơ đãng gõ thìa vào răng lúc đọc báo trong bữa sáng. Chúng tôi đồng ý với nhau rằng tôi có thể nghe Joni Nichell và Henry có thể nghe The Shags, trong lúc người kia không có nhà. Chúng tôi nhận ra Henry nên phụ trách việc bếp núc, còn tôi phụ trách việc giặt giũ, và không ai trong chúng tôi chịu hút bụi nên chúng tôi sẽ thuê người dọn dẹp.



Chúng tôi rơi vào một thói quen trong các công việc hàng ngày. Henry làm từ thứ Ba đến thứ Bảy ở Newberry. Anh ấy thức dậy lúc 7 giờ 30 và pha cà phê, mặc quần áo thể thao vào và chạy. Khi trở về, anh ấy tắm gội và mặc đồ, còn tôi đờ đẫn bước ra khỏi giường và nói chuyện với anh ấy trong lúc anh ấy chuẩn bị bữa sáng. Sau khi ăn, anh ấy đánh răng và chạy vội ra ngoài để kịp bắt tàu điện, còn tôi quay trở lại giường và ngủ thêm khoảng một giờ nữa.



Khi tôi thức dậy lần nữa, căn phòng im lặng như tờ. Tôi đi tắm, chải tóc và mặc quần áo làm việc vào. Tôi tự rót cho mình một cốc cà phê nữa, rồi đi vào căn phòng phía sau phòng ngủ, nơi tôi đặt xưởng vẽ, và đóng cửa lại.



Tôi đang gặp phải khó khăn trong thời gian đầu của cuộc sống hôn nhân bởi xưởng vẽ bé tẹo teo. Khoảng không tôi có thể gọi là của tôi, mà không tràn ngập bóng dáng Henry, rất nhỏ, khiến những ý tưởng của tôi cũng trở nên nhỏ theo. Tôi như một con tằm trong cái kén bằng giấy; xung quanh tôi là những bản phác thảo cho bức tượng, những bức vẽ nhỏ đến nỗi trông như những con bướm đêm đang vo ve trên cửa sổ, đập cánh cố thoát khỏi không gian nhỏ hẹp này. Tôi nặn mô hình, các bức tượng nhỏ thử nghiệm cho bức tượng lớn. Mỗi ngày các ý tưởng lại trở nên khiên cưỡng hơn, như thể chúng biết tôi sẽ bỏ đói và ngăn chặn sự phát triển của chúng. Ban đêm tôi mơ về những màu sắc, về hình ảnh đôi tay mình nhúng sâu trong hũ giấy sợi. Tôi mơ về những khu vườn thu nhỏ mà tôi không thể đặt chân vào, vì tôi là một người khổng lồ.



Điều thú vị trong sáng tác nghệ thuật – hay trong sáng tác bất kể thứ gì – là khoảnh khắc khi một ý tưởng mơ hồ trở thành hiện thực, một món đồ, một thể vật chất trong thế giới của vật chất. Nữ thần Circe, Nimbue, Artemis, Athena, các nữ pháp sư chắc hẳn hiểu cảm giác đó, vì họ đã biến những người đàn ông tầm thường thành những sinh vật tuyệt mỹ nhất, ăn cắp bí mật của các ma pháp sư, các đội quân bí mật: nhìn kìa, nó đây rồi, thứ đồ mới. Gọi nó là một con heo, một cuộc chiến tranh, một cây nguyệt quế. Gọi nó là nghệ thuật. Ma thuật tôi có thể tạo ra bây giờ chỉ là một ma thuật nhỏ, một ma thuật trì hoãn. Mỗi ngày tôi đều làm việc, nhưng chẳng có gì được tạo ra. Tôi cảm thấy mình như Penelope, cứ dệt rồi gỡ, gỡ rồi lại dệt.



Còn Henry, Odysseus của tôi? Henry là một nghệ sĩ trường phái khác, nghệ sĩ của sự tan biến. Cuộc sống của chúng tôi trong căn hộ quá chật hẹp này bị ngắt quãng bởi những lần biến mất ngắn ngủi của Henry. Đôi khi anh ấy im lặng biến mất; tôi có thể đang đi từ nhà bếp vào hành lang và thấy một đống quần áo trên sàn nhà. Tôi có thể bước xuống giường buổi sáng và thấy vòi nước trong nhà tắm đang xả mà không có ai. Đôi lúc nó thật đáng sợ. Tôi đang làm việc trong xưởng một buổi trưa nọ và nghe có tiếng rên rỉ ngoài cửa; khi mở cửa tôi thấy Henry đang khụy cả tay chân xuống sàn, trần truồng, trong hành lang, máu đang chảy ròng ròng trên đầu. Anh ấy mở mắt ra, nhìn thấy tôi, rồi tan biến. Đôi khi tôi thức dậy vào ban đêm và Henry đã biến mất. Sáng ra anh ấy sẽ kể cho tôi nghe về nơi anh ấy đã đến, theo cách mà các đấng ông chồng khác kể cho vợ nghe về những giấc mơ họ đã mơ thấy: “Anh đã ở trong bóng tối thư viện Selzer, năm 1989.” Hay: “Anh bị cảnh sát Đức đuổi khắp sân sau nhà ai đó và anh đã phải trèo lên cây để trốn.” Hay: “Anh đã đứng trong mưa gần căn hộ của bố mẹ anh và nghe mẹ anh hát.” Tôi đợi Henry nói với tôi rằng anh ấy đã ở cùng tôi khi còn là một đứa trẻ, nhưng đến giờ nó vẫn chưa xảy ra. Khi còn nhỏ, tôi đã rất mong ngóng đến ngày được gặp Henry. Mỗi lần gặp là một sự kiện đáng nhớ. Còn giờ, mỗi lần biến mất là một lần xa cách, là một cuộc hành trình tôi sẽ được nghe kể khi kẻ phiêu du của tôi trở về, máu chảy ròng ròng hoặc hớn hở thổi sáo, miệng mỉm cười hoặc run rẩy toàn thân. Giờ, tôi sợ mỗi khi anh ấy biến mất.



HENRY: Khi sống cùng một người phụ nữ, mỗi ngày bạn sẽ học được một điều gì đó. Cho đến giờ tôi đã học được rằng tóc dài sẽ làm tắc ống dẫn nước của nhà tắm nhanh hơn cả thời gian bạn dành để nói “Nước vải”; rằng không nên cắt bất cứ thứ gì ra khỏi tờ báo trước khi vợ bạn đọc, cho dù dó là báo của tuần trước; rằng tôi là người duy nhất trong gia đình của hai người có thể ăn cùng một món ba bữa tối liên tiếp mà không ngán ngẩm; và rằng tai nghe được sáng chế để giúp các cặp vợ chồng chịu đựng thẩm mỹ âm nhạc của nhau. (Tại sao Clare có thể nghe Cheap Trick? Tại sao cô ấy thích The Eagles? Tôi sẽ chẳng bao giờ biết được, vì cô ấy cứ sửng cồ lên mỗi khi tôi hỏi. Tại sao người phụ nữ tôi yêu có thể không muốn nghe Musique du Garrot et de la Farraille?) Bài học khó khăn nhất là sự biệt lập của Clare. Đôi lúc tôi về nhà và Clare có vẻ cáu tiết; tôi đã làm gián đoạn dòng tư duy của cô ấy, phá vỡ sự yên tĩnh mơ màng trong ngày của cô ấy. Đôi lúc tôi thấy biểu cảm trên khuôn mặt của Clare như một cánh cửa đóng kín. Hồ như cô ấy đã nhốt mình trong căn phòng suy tư và ngồi đó đan áo. Tôi khám phá ra rằng Clare thích được ở một mình. Nhưng khi tôi trở về sau mỗi lần du hành thời gian, cô ấy luôn nhẹ nhõm khi thấy tôi.



Khi người phụ nữ bạn sống cùng là một nghệ sĩ, mỗi ngày sẽ là một bất ngờ. Clare đã biến phòng ngủ thứ hai thành một ngăn tủ kì quan, đầy những bức tượng nhỏ và các bản phác thảo được gắn đầy trên từng phân của bức tường. Những cuộn dây và các nắm giấy được nhét trên giá và ngăn kéo. Các bức tượng khiến tôi nhớ đến những con diều, hay các mô hình máy bay. Tôi nói điều này với Clare một buổi tối nọ, đứng ở ngưỡng cửa phòng vẽ của cô ấy trong bộ com-lê và cà vạt của mình, vừa từ nơi làm việc về, chuẩn bị nấu bữa tối, và cô ấy ném một trong số chúng vào tôi; chúng bay xa đến kinh ngạc, và không lâu sau chúng tôi đã đứng hai đầu hành lang ném những bức tượng tí hon vào nhau, kiểm tra khí động lực học của chúng. Ngày hôm sau tôi về nhà và thấy Clare đã tạo ra một đàn chim được làm từ giấy và dây nhợ, chúng được treo trên trần nhà rũ xuống phòng khách. Một tuần sau cửa sổ phòng ngủ của chúng tôi đã tràn ngập những khối hình màu xanh pha trộn trong suốt mà mặt trời chiếu vào, dọc qua căn phòng tới những bức tường, tạo ra một bầu trời cho những con chim mà Clare đã vẽ ở đó. Chúng đẹp tuyệt vời.



Buổi tối hôm sau, tôi đang đứng trên ngưỡng cửa phòng vẽ của Clare, ngắm cô ấy hoàn tất bản vẽ một bụi cây từ những đường đen u ám quanh một con chim nhỏ màu đỏ. Bất chợt tôi nhìn thấy Clare, trong căn phòng nhỏ của cô ấy, ngổn ngang những đồ vật, và tôi nhận ra cô ấy đang cố nói điều gì đó, và tôi biết mình phải làm gì.



Thứ Tư, 13/4/1994 (Clare 22 tuổi, Henry 30 tuổi)



CLARE: Tôi nghe tiếng chìa khóa của Henry đút vào cửa trước và tôi đi ra khỏi xưởng vẽ đúng lúc anh ấy bước vào. Trước sự ngạc nhiên của tôi, anh ấy đang ôm một dàn ti vi. Chúng tôi không có ti vi vì Henry không thể xem nó và tôi không muốn phải xem một mình. Đó là một chiếc ti vi trắng đen cũ, nhỏ và bụi bặm với một chiếc ăng-ten hỏng.



“Chào em yêu, anh về rồi.” Henry nói trong lúc đặt ti vi xuống bàn ăn.



“Bẩn quá”, tôi nói. “Anh đã nhặt nó trong hẻm hả?”



Henry có vẻ tự ái. “Anh đã mua nó ở Unique. Giá 10 đô la.”



“Để làm gì vậy?”



“Tối nay có một chương trình mà anh nghĩ chúng ta nên xem.”



“Nhưng…” Tôi không thể hình dung chương trình gì khiến Henry mạo hiểm du hành thời gian.



“Không sao đâu. Anh sẽ không ngồi xem. Anh muốn em xem.”



“Ồ. Chương trình gì vậy?” Tôi chẳng biết về những gì trên ti vi.”



“Đó là một bí mật. 8 giờ sẽ có.”



Chiếc ti vi yên vị trên sàn phòng ăn trong lúc chúng tôi dùng bữa. Henry từ chối trả lời bất kì câu hỏi nào về nó, và không ngừng chòng ghẹo tôi bằng cách hỏi tôi sẽ làm gì nếu có một xưởng vẽ lớn.



“Chuyện đó thì có gì quan trọng? Em có tủ quần áo của mình. Có thể em sẽ học nghệ thuật xếp giấy Nhật Bản.”



“Thôi nào, anh nghiêm túc đấy.”



“Em không biết.” Tôi cuốn mì sợi vào dĩa. “Em sẽ làm mô hình to gấp một trăm lần hiện tại. Em sẽ vẽ trên giấy cao ba mét. Sẽ đi giầy trượt để di chuyển trong xưởng. Em sẽ đặt những hũ làm giấy khổng lồ, và một hệ thống hong khô của Nhật, máy dập Reina mười pound…” Tôi say đắm trong hình ảnh của xưởng vẽ tưởng tượng này, nhưng rồi tôi nhớ tới xưởng vẽ thật của tôi, và tôi nhún vai. “Ờ thì, có lẽ một ngày nào đó.” Chúng tôi đủ sống bằng lương của Henry và lãi từ quỹ tín nhiệm của tôi, nhưng để có thể chi trả cho một xưởng vẽ thực sự tôi sẽ phải đi tìm việc, và rồi tôi sẽ không có chút thời gian nào để có mặt trong xưởng. Đó là một lựa chọn không hoàn hảo. Tất cả những người bạn nghệ sĩ của tôi đều đang đói tiền, hoặc đói thời gian, hoặc cả hai. Charisse đang phải thiết kế phần mềm vào ban ngày và hoạt động nghệ thuật vào buổi tối. Cậu ấy và Gomez sẽ kết hôn vào tháng sau. “Chúng ta nên mua gì làm quà cưới cho Gomez và Charisse nhỉ?”



“Hả? Ồ, anh không biết. Chúng ta không thể tặng họ tất cả máy cà phê mà chúng ta đã được tặng sao?”



“Chúng ta đã đổi chúng lấy lò vi sóng và máy làm bánh mì rồi mà.”



“Ồ, phải. Mà đã gần tám giờ rồi. Lấy cà phê của em đi, hãy ra phòng khách nào.” Henry đẩy ghế ra sau và nhấc bổng chiếc ti vi lên, còn tôi mang theo cả hai tách cà phê của chúng tôi vào phòng khách. Anh ấy đặt ti vi lên bàn uống nước và sau khi loay hoay một hồi với đống dây nhợ và những cái nút, chúng tôi ngồi xuống sofa và xem quảng cáo giường nước trên kênh 9. Trông như đang có tuyết rơi trong phòng trưng bày giường nước. “Khỉ thật”, Henry nói, hé mắt nhìn màn hình. “Nó đã chạy tốt hơn khi ở Unique.” Logo của xổ số Illinois nhá trên màn hình. Henry thò tay vào túi quần và đưa cho tôi một mẩu giấy trắng, nhỏ. “Em cầm đi.” Đó là một tấm vé xổ số.



“Chúa ơi. Anh đã không…”



“Suỵt. Hãy xem đi.” Sau một tràng kèn trống ầm ĩ, chương trình xổ số chính thức bắt đầu, những người đàn ông nghiêm nghị trong những bộ com-lê, công bố các con số được chọn ngẫu nhiên từ những quả bóng bàn nhảy ra từng quả một vào vị trí trên màn hình. 43, 2, 26, 51, 10, 11. Dĩ nhiên chúng trùng với các con số trên tấm vé trong tay tôi. MC chúc mừng chúng tôi. Chúng tôi vừa trúng tám triệu đô la.



Henry tắt ti vi. Anh ấy mỉm cười. “Ngoạn mục chứ?”



“Em không biết phải nói gì nữa.” Henry nhận ra tôi không nhảy lên vì vui mừng.



“Nói, ‘Cảm ơn anh yêu, vì đã kiếm vài đồng cắc chúng ta cần có để mua nhà.’ Vậy là đủ rồi.”



“Nhưng… Henry… nó không thật.”



“Dĩ nhiên là thật. Đó là tấm vé thật. Nếu em mang nó đến Katz’s Deli, Minnie sẽ ôm hôn em thắm thiết và bang Illinios sẽ viết cho em tấm séc thật.”



“Nhưng anh đã biết.”



“Dĩ nhiên rồi. Chỉ cần nhìn vào tờ Tribune của ngày mai là xong.”



“Chúng ta không thể… như vậy là gian lận.”



Henry vỗ vào trán mình, vờ vĩnh. “Anh mới ngớ ngẩn làm sao. Anh hoàn toàn quên mất anh phải mua vé số mà không hề hay biết số trúng thưởng là gì. Chúng ta có thể sửa lại mà.” Anh ấy biến mất vào hành lang, vào trong bếp và quay trở ra với một hộp diêm trên tay. Anh ấy quẹt diêm và đưa tấm vé số lại gần ngọn lửa.



“Không!”



Henry thổi diêm. “Chẳng có gì quan trọng, Clare. Chúng ta có thể trúng số mỗi tuần trong suốt một năm tới nếu muốn. Nên nếu em thấy khó khăn để chấp nhận, cũng đừng bận tâm.” Tấm vé đã hơi bén lửa ở một bên mép. Henry ngồi xuống bên cạnh tôi trên ghế. “Nghe này, chúng ta sẽ giữ tấm vé này lại, và nếu em cảm thấy muốn nhận thưởng, chúng ta sẽ đi nhận, hoặc nếu muốn, em cũng có thể đưa nó cho người vô gia cư đầu tiên em gặp…”



“Thật bất công.”



“Điều gì bất công?”



“Anh không thể ném cho em trách nhiệm hệ trọng này được.”



“Anh thì thế nào cũng được. Nên nếu em nghĩ chúng ta gian lận bang Illinois những đồng tiền mà họ lừa gạt từ những gã khờ đã phải làm việc vất vả, thì quên nó đi. Anh chắc rằng chúng ta sẽ tìm được cách khác để trang trải cho em một xưởng làm việc lớn hơn.”



Ôi. Một xưởng làm việc lớn hơn. Tôi chợt nhận ra rằng Henry có thể trúng số bất kì lúc nào nếu anh ấy muốn, nhưng anh ấy chưa bao giờ làm vậy, vì nó trái với tự nhiên; rằng anh ấy đã quyết định gạt bỏ sự cố gắng mãnh liệt để sống như một người thường, để tôi có thể có một xưởng vẽ đủ lớn để trượt patin trong đó; rằng tôi đang tỏ ra vô ơn.



“Clare?”



“Cảm ơn anh”, tôi nói lấc cấc.



Henry nhướn mày. “Có nghĩa là chúng ta sẽ đi nhận thưởng?”




“Em không biết. Nó có nghĩa là, ‘Cảm ơn anh’”.



“Không có gì.” Chúng tôi im lặng ngượng ngùng. “Anh tự hỏi không biết có gì trên ti vi nhỉ?”



“Có tuyết.”



Henry cười, đứng dậy và kéo tôi ra khỏi ghế. “Thôi nào, hãy đi tiêu gia tài chúng ta vừa nhận được.”



“Đi đâu cơ?”



“Anh chưa biết.” Henry mở tủ đồ ở hành lang, đưa áo khoác cho tôi. “Hãy mua cho Gomez và Charisse một chiếc xe làm quà cưới.”



“Em nghĩ họ đã tặng chúng ta li uống rượu.” Chúng tôi nhảy tung tăng xuống cầu thang. Bên ngoài đang là một buổi tối mùa xuân tuyệt đẹp. Chúng tôi đứng trên vỉa hè trước tòa nhà căn hộ của mình, Henry nắm tay tôi và tôi nhìn anh ấy; tôi giơ đôi bàn tay đang nắm nhau lên, Henry xoay tôi vòng quanh và không lâu sau chúng tôi khiêu vũ xuống đại lộ Belle Plaine, không có tiếng nhạc mà chỉ có âm thanh từ những chiếc xe đang rít qua mặt chúng tôi cùng với tiếng cười của tôi và Henry, mùi của những bông hoa anh đào đang rụng xuống như tuyết trên vỉa hè trong lúc chúng tôi nhảy dưới bóng những tán cây.



Thứ Tư, 18/5/1994 (Clare 22 tuổi, Henry 30 tuổi)



CLARE: Chúng tôi đang chọn mua nhà. Đây là một công việc thật thú vị. Những người sẽ chẳng bao giờ mời bạn vào tổ ấm của họ trong bất kì hoàn cảnh nào giờ mở rộng cửa, cho phép bạn ngó vào tủ quần áo, nhận xét về giấy dán tường của họ, và hỏi những câu tọc mạch về máng nước nhà họ.



Henry và tôi có cách chọn nhà rất khác nhau. Tôi bước chậm rãi qua từng ngóc ngách, quan sát sàn nhà, đồ dùng, hỏi về hệ thống sưởi, kiểm tra mức độ hư hại của đường nước dưới tầng hầm. Còn Henry chỉ đi thẳng tới sau nhà, ngó qua cửa sổ phía sau, và lắc đầu với tôi. Nhân viên nhà đất của chúng tôi, Carol, nghĩ anh ấy bị khùng. Tôi nói với cô ấy rằng Henry là người say mê làm vườn. Sau một ngày dài như vậy, chúng tôi trở về nhà từ văn phòng của Carol và tôi quyết định hỏi về sự điên khùng này của anh ấy.



“Anh đang làm cái quỷ gì vậy?” Tôi hỏi, nhã nhặn.



Henry bẽn lẽn. “Anh không chắc em có muốn biết điều này không, nhưng anh đã tới ngôi nhà tương lai của chúng ta. Anh không biết khi nào, nhưng anh đã ở - sẽ ở - đó vào buổi chiều muộn một ngày mùa thu đẹp trời. Anh đã đứng ở cửa sổ phía sau nhà, bên cạnh chiếc bàn cẩm thạch nhỏ mà em nhận được từ bà, anh đã nhìn qua khu vườn vào một ô cửa sổ bằng gạch mà có vẻ là xưởng vẽ của em. Em đang kéo những phiến giấy trong đó. Chúng có màu xanh. Em đã dùng một chiếc khăn để buộc tóc ra phía sau, áo len và chiếc tạp dề hằng ngày của em. Có một cây nho trong vườn. Anh đã ở đó chừng hai phút. Nên anh đang cố hình dung lại khung cảnh đó, khi anh thấy lại nó, đó sẽ là nhà của chúng ta.”



“Chúa ạ. Tại sao anh không nói cho em biết sớm hơn? Giờ thì em cảm thấy mình đã thật ngớ ngẩn.”



“Ồ, không. Đừng. Anh chỉ nghĩ em sẽ thấy thích thú khi mua nhà theo cách thông thường. Ý anh là, em có vẽ cẩn thận, và em đọc đủ loại sách hướng dẫn, anh nghĩ em muốn mua sắm, chứ không bị thuận theo điều không thể tránh khỏi.”



“Phải có ai đó hỏi về mối mọt, khô mục, và thối rữa…”



“Đúng vậy. Thế nên hãy cứ tiếp tục theo cách chúng ta đang làm, chắc chắn rồi chúng ta sẽ có chung đích đến từ hai hướng khác nhau.”



Đó là điều cuối cùng xảy ra, mặc dù có một số thời điểm khá căng thẳng trước đó. Tôi bị mê hoặc bởi một căn nhà cũ mà sẽ tốn khá nhiều tiền tu sửa ở công viên East Roger, khu vực rùng rợn ở vành đai phía bắc thành phố. Đó là một căn biệt thự Victoria, một con quỷ đủ lớn cho gia đình 12 người và người giúp việc. Tôi biết trước cả khi hỏi, rằng đây không phải nhà của chúng tôi; Henry sợ nó trước cả khi chúng tôi bước qua cửa chính. Sân sau là bãi đỗ xe của một hiệu thuốc lớn. Bên trong biệt thự có kết cấu của một ngôi nhà thực sự hoàn hảo: trần cao, những chiếc lò sưởi có bề mặt cẩm thạch, sàn gỗ hoa mỹ… “Đi mà”, tôi vòi vĩnh. “Nó thật không thể tin nổi.”



“Phải, không thể tin nổi chính xác là từ dành cho nó. Chúng ta sẽ bị cưỡng hiếp và bị cướp sạch chỉ trong một tuần. Chưa kể nó cần phải được tu sửa hoàn toàn, đường dây điện, đường nước, hệ thống sưởi mới, và nhiều khả năng cả mái nhà mới nữa… Không phải căn nhà này.” Anh ấy quả quyết, giọng của một người đã nhìn thấy tương lai và không định đùa giỡn với nó. Tôi hờn dỗi suốt mấy ngày sau đó. Henry dẫn tôi đi ăn sushi.



“Nói anh nghe nào.”



“Em đâu có im lặng với anh.”



“Anh biết. Nhưng em đang giận. Và anh không muốn là nguyên nhân của sự hờn dỗi.”



Cô bồi bàn xuất hiện, và chúng tôi vội vã xem thực đơn. Tôi không muốn cãi nhau ở Katsu, nhà hàng sushi ưa thích của tôi, nơi chúng tôi rất thường đến ăn. Tôi nhận ra Henry đã tính đến việc này, bên cạnh tình yêu sushi, để làm cho tôi bớt giận. Chúng tôi gọi goma-ae, hijuki, futomaki, kappamaki và một danh sách ấn tượng những món gỏi trên các nắm cơm hình chữ nhật. Kiko, cô bồi bàn, biến mất với thực đơn của chúng tôi.



“Em không giận anh.” Điều này chỉ đúng một phần.



Henry nhướn mày. “Tốt. Vậy thì rốt cuộc có chuyện gì không ổn?”



“Anh có thực sự chắc nơi anh đã đến là nhà của chúng ta? Lỡ như anh đã sai và chúng ta đã từ chối nhiều căn nhà tuyệt đẹp chỉ vì chúng không có khung cảnh phía sau vườn như anh đã thấy thì sao?”



“Có rất nhiều đồ đạc của chúng ta trong đó, nên nó không thể không phải là nhà của chúng ta. Anh đồng ý với em rằng đó có thể không phải là ngôi nhà đầu tiên của chúng ta. Anh đã đứng không đủ gần để biết em đang bao nhiêu tuổi. Anh nghĩ em khá trẻ, có thể chỉ vì em sẽ trẻ lâu. Nhưng anh thề rằng nó rất đẹp, và chẳng phải tuyệt lắm sao nếu có một xưởng vẽ sau nhà như thế?”



Tôi thở dài. “Phải. Rất tuyệt. Chúa ạ. Em ước gì anh có thể quay phim một trong những lần du ngoạn của anh. Em rất muốn được nhìn thấy nơi này. Anh không nhìn thấy địa chỉ sao?”



“Anh xin lỗi. Nó diễn ra quá nhanh.”



Đôi lúc tôi sẵn sàng đánh đổi tất cả để có thể mở đầu Henry ra và nhìn vào các kí ức của anh ấy như một bộ phim. Tôi nhớ lần đầu tiên tôi sử dụng máy tính; lúc đó tôi 14 tuổi và Mark đang cố dạy tôi cách vẽ trên máy Mac của anh ấy. Sau khoảng 10 phút tôi đã muốn thọc tay qua màn hình và túm lấy thứ bên trong đó, bất kể nó là gì. Tôi thích làm mọi việc một cách trực tiếp, chạm vào bề mặt, nhìn thấy màu sắc. Đi mua nhà cùng Henry khiến tôi phát điên lên được. Nó giống như chạy một chiếc xe đồ chơi điều khiển từ xa. Tôi luôn đâm chúng vào tường. Có chủ ý.




“Henry. Anh có phiền nếu em đi lựa nhà một mình một thời gian không?”



“Không, anh nghĩ là không.” Anh ấy có vẻ tổn thương đôi chút. “Nếu em thực sự muốn vậy.”



“Thì đằng nào chúng ta cũng sẽ chọn nơi anh đã đến mà, phải không? Ý em là việc này sẽ chẳng làm thay đổi điều gì.”



“Đúng vậy. Đừng bận tâm đến anh. Nhưng gắng đừng đi đến ổ chuột nào nữa nhé?”



Cuối cùng tôi cũng tìm được nó, một tháng và khoảng 20 căn nhà sau đó. Nó nằm trên đường Ainslie, quảng trường Lincoln, một căn bungalow gạch đỏ xây năm 1926. Carol mở hộp và vật lộn với ổ khóa, ngay khi cánh cửa mở ra tôi có một cảm giác tràn ngập điều gì đó cực kì hòa hợp… tôi đi thẳng đến cửa sổ phía sau, ngó ra vườn, và xưởng vẽ tương lai của tôi đang ở đó, cả giàn nho nữa. Khi tôi quay người lại, Carol đang nhìn tôi tò mò và tôi nói, “Chúng tôi sẽ mua nó.”



Cô ấy ngạc nhiên không ít. “Chị không muốn xem phần còn lại của căn nhà đã sao? Còn chồng chị thì sao?”



“Ồ, anh ấy đã nhìn thấy nó rồi. Nhưng, phải, dĩ nhiên rồi, hãy xem qua một vòng.”



Thứ Bảy, 9/7/1994 (Henry 31 tuổi, Clare 23 tuổi)



HENRY: Hôm nay là ngày chuyển nhà. Cả ngày trời nóng nực; những chiếc áo sơ mi của thợ chuyển đồ dính chặt vào người trong lúc họ bước lên cầu thang căn hộ của chúng tôi sáng nay, miệng mỉm cười vì họ nghĩ chuyển một căn hộ hai phòng ngủ chỉ là chuyện nhỏ, họ sẽ làm xong trước giờ ăn trưa. Nụ cười vụt tắt khi họ đứng trước những món nội thất Victoria nặng nề của Clare và 78 thùng sách của tôi trong phòng khách. Giờ trời đã tối, Clare và tôi đang lượn lờ quanh căn nhà, chạm vào những bức tường, vuốt tay trên những ô cửa sổ làm bằng gỗ anh đào. Hai đôi chân trần của chúng tôi giẫm trên sàn gỗ. Chúng tôi xả nước vào bồn tắm cong cong, bật rồi lại tắt bếp lò Universal. Những khung cửa sổ đang trần trụi, chúng tôi không bật đèn và ánh điện từ ngoài đường tràn vào lò sưởi trống qua lớp kính bụi bặm. Clare đi ra từ phòng này đến phòng khác, âu yếm vuốt ve căn nhà của cô ấy, của chúng tôi. Tôi đi theo sau, ngắm nhìn cô ấy hết mở cửa tủ, lại đến cửa sổ, cửa chạn. Cô ấy nhón chân đứng trong phòng ăn, chạm vào chùm đèn chạm trổ bằng những đầu ngón tay. Rồi cô ấy cởi áo ra. Tôi chạy dọc đầu lưỡi qua ngực cô ấy. Căn nhà bao bọc chúng tôi, ngắm nhìn và suy ngẫm trong lúc chúng tôi quan hệ lần đầu tiên trong nó, lần đầu tiên của nhiều lần về sau, và khi xong, trong lúc chúng tôi đang nằm trên nền nhà, bao quanh bởi những thùng đồ, tôi cảm thấy chúng tôi đã tìm được mái ấm của mình.



Chủ Nhật, 28/8/1994 (Clare 23 tuổi, Henry 31 tuổi)



CLARE: Đang là buổi trưa Chủ Nhật nóng nực, ẩm ướt và nhớp nháp, Henry, Gomez và tôi nhởn nhơ ở Evanston. Chúng tôi đã dành cả buổi tối trên biển Lighthouse, chơi bên hồ Michigan và tự nướng thân mình. Gomez muốn được chôn dưới cát nên tôi và Henry đã cho anh ấy thỏa nguyện. Chúng tôi đã ăn bữa trưa ngoài trời, và đã ngủ. Giờ chúng tôi đang đi trên vỉa hè đổ bóng râm của đường Church, mút kem và chệnh choạng dưới cái nóng.



“Clare, tóc em đầy cát”, Henry nói. Tôi dừng lại, nghiêng đầu và lấy tay vỗ tóc như đang vỗ thảm trải sàn. Cả một bãi biển rơi ra từ tóc.



“Hai tai anh đầy cát. Và cả ở những chỗ không nên gọi tên ra nữa”, Gomez nói.



“Em sẵn sàng vỗ vào đầu anh, những chỗ khác thì anh phải tự làm lấy”, tôi nói. Một cơn gió nhẹ thổi qua và chúng tôi đưa người theo nó. Tôi cuốn tóc lên đỉnh đầu và ngay lập tức cảm thấy thoải mái hơn.



“Chúng ta nên làm gì tiếp theo?” Gomez hỏi. Henry và tôi trao đổi anh mắt.



“Con hẻm của học giả”, chúng tôi đồng thanh nói.



Gomez rên rỉ, “Ôi, Chúa ạ. Không phải một cửa hàng sách chứ. Lãnh Chúa, Phu Nhân, xin hãy thương cho bầy tôi hèn mọn…”



“Con hẻm của học giả thẳng tiến”, Henry nói vô tình.



“Hứa với tớ rằng các cậu sẽ không ở đó nhiều hơn, xem nào, chừng, ba tiếng?”



“Em nghĩ họ đóng cửa lúc năm giờ”, tôi bảo anh ấy, “Và giờ đã là 2 giờ 30 phút.”



“Cậu có thể đi uống bia”, Henry nói.



“Tớ tưởng Evanston cấm nấu và bán rượu?”



“Không, tớ nghĩ họ đã sửa luật. Nếu cậu có thể chứng minh cậu không phải thành viên của YMCA, thì cậu có thể uống.”



“Tớ sẽ đi với cậu. Mọi người vì một người, một người vì mọi người.” Chúng tôi rẽ qua Sherman, đi qua nơi từng là Marshall Field, giờ là cửa hàng đại lí giày, đi qua nơi từng là nhà hát Varity và giờ là Gap. Chúng tôi rẽ vào con hẻm chạy giữa cửa hàng hoa và hiệu sửa giày; và Con hẻm của học giả kia rồi. Tôi đẩy cửa ra và chúng tôi lũ lượt kéo vào cửa hàng mát mẻ tối mập mờ như thể chúng tôi đang ngã nhào vào quá khứ.



Roger ngồi sau chiếc bàn bừa bãi nhỏ xíu của mình và nói chuyện với một quý ông bệ vệ tóc bạc về điều gì đó liên quan đến nhạc cổ điển. Ông ấy mỉm cười khi nhìn thấy chúng tôi. “Clare, ta có thứ cháu sẽ thích đây”, ông ấy nói. Henry bay thẳng đến cuối cửa hàng nơi để những cuốn sách hiếm. Gomez lởn vởn vòng quanh và nhìn vào những đồ vật nhỏ kì quái được nhét vào các khu vực khác nhau: một cái yên ngựa Miền Tây, một cái mũ thợ săn thời Trung cổ. Anh ấy nhặt một thỏi kẹo cao su từ chiếc tô khổng lồ ở khu vực sách trẻ em, không nhận ra rằng những thỏi kẹo cao su này đã ở đó hàng năm trời. Cuốn sách Roger lấy cho tôi là một cuốn danh mục của Hà Lan làm từ những mảnh giấy được trang trí hấp dẫn với các mẫu giấy thực gấp bên trong. Ngay lập tức tôi có thể thấy đây là một phát hiện quý báu nên tôi trải nó ra bàn. Và tôi bắt đầu hăm hở nghiên cứu nó một cách tỉ mỉ, hít sâu mùi bụi bặm của giấy, keo, thảm cũ và gỗ. Tôi thấy Henry đang ngồi trên sàn trong khu vực sách Nghệ Thuật với một cuốn sách giở ra trên đùi. Anh ấy đã bị cháy nắng, và tóc dựng ngược khắp nơi. Tôi rất mừng vì anh ấy đã cắt nó. Đối với tôi, giờ, anh ấy trong giống với chính mình hơn với mái tóc ngắn. Tôi ngắm anh ấy đưa tay lên xoăn một lọn tóc quanh đầu ngón tay, rồi nhận ra nó quá ngắn để làm vậy, rồi gãi tai. Tôi muốn chạm vào anh ấy, muốn luồn tay qua mái tóc dựng ngược kì khôi của anh ấy, nhưng thay vào đó tôi quay người và thả mình vào khu vực sách du lịch.



HENRY: CLARE đang đứng trong phòng chính bên cạnh một chồng khổng lồ những cuốn sách mới nhập về, Roger không thích người khác đụng vào những món đồ chưa được định giá, nhưng tôi thấy ông ấy để Clare làm bất cứ điều gì cô ấy muốn trong cửa hàng của ông ấy. Clare đang cúi đầu xuống một cuốn sách nhỏ màu đỏ. Tóc cô ấy đang tìm cách thoát ra khỏi búi trên đầu, và một bên dây chiếc váy đầm mùa hè của cô ấy đang tuột ra khỏi vai, để lộ một phần chiếc áo tắm. Cảnh tượng này rất cảm động, rất quyền năng, đến nỗi tôi cảm thấy cần phải ngay lập tức đến bên cô ấy, chạm vào cô ấy, và có thể, nếu không ai nhìn, sẽ cắn cô ấy; nhưng đồng thời tôi cũng không muốn khoảnh khắc đó biến mất.



Đột nhiên tôi để ý đến Gomez, đang đứng trong khu vực sách Kì Bí và nhìn Clare với biểu cảm giống như sự phản chiếu cảm xúc của chính tôi…



Đúng lúc đó, Clare ngước lên nhìn tôi và nói, “Henry, xem này, là Pompeii.” Cô ấy giơ cao cuốn sách tranh bưu thiếp nhỏ, và có điều gì đó trong giọng nói của cô ấy như muốn nói, Em đã chọn anh. Tôi bước lại gần cô ấy, quàng tay qua vai cô ấy và kéo dây váy thẳng lại. Khi tôi nhìn lên một giây sau đó, Gomez đã quay lưng lại phía chúng tôi và đang chăm chú xem Agatha Christies.



Chủ Nhật, 15/1/1995 (Clare 23 tuổi, Henry 31 tuổi)




CLARE: Tôi đang rửa bát đĩa và Henry đang thái ớt xanh. Mặt trời đang ửng hồng trên những ụ tuyết tháng Một trong sân sau nhà chúng tôi vào buổi tối Chủ Nhật. Chúng tôi đang nấu thịt nêm ớt và hát Yellow Submarine:



Trong thị trấn nơi tôi sinh ra,



Có một người đàn ông căng buồm ra biển cả…



Những lát hành đang kêu xì xèo trong chảo trên bếp. Khi chúng tôi đang hát Và những người bạn của chúng tôi đều đã lên thuyền, đột nhiên tôi thấy giọng mình tôi bồng bềnh một mình, tôi quay lại và thấy quần áo của Henry đang chất thành đống, con dao nằm trên sàn nhà bếp. Một nửa quả ớt xoay nhẹ trên thớt.



Tôi tắt bếp và đậy chảo hành. Tôi ngồi xuống cạnh đống quần áo rồi nhặt chúng lên, vẫn còn ấm hơi Henry. Tôi ngồi cho đến khi tất cả hơi ấm của chúng là từ người tôi tỏa ra, khi đang ôm chúng. Rồi tôi ngồi dậy và đi vào phòng ngủ, gấp quần áo cẩn thận và đặt chúng lên giường. Tôi tiếp tục nấu bữa tối hết mức có thể, rồi ăn một mình, chờ đợi và phân vân.



Thứ Sáu, 3/2/1995 (Clare 23 tuổi, Henry 31, và 39 tuổi)



CLARE: Gomez, Charisse, Henry và tôi đang ngồi quanh bàn ăn chơi Chủ Nghĩa Tư Bản Hiện Đại Chết Tiệt. Đó là một trò chơi do Gomez và Charisse sáng tạo ra. Chúng tôi chơi nó bằng bộ cờ Tỷ Phú. Nó yêu cầu phải trả lời các câu hỏi, đi đến các điểm, tích lũy tiền, và bóc lột người cùng chơi. Đang đến lượt Gomez. Anh ấy đổ xúc xắc, được sáu điểm, và đi tới Khí Vận. Anh ấy rút một tấm thẻ.



“Được rồi, mọi người. Phát minh công nghệ hiện đại nào đáng bị xóa bỏ vì lợi ích của cộng đồng?”



“Ti vi”, tôi nói.



“Nước xả vải”, Charisse nói.



“Máy dò chuyển động”, Henry nói dữ dội.



“Còn tôi nói thuốc súng.”



“Đó đâu phải hiện đại”, tôi cự nự.



“Được rồi, dây chuyền lắp ráp.”



“Cậu không được trả lời hai lần”, Henry nói.



“Dĩ nhiên được. Mà ‘máy dò chuyển động’ là thể loại câu trả lời ngớ ngẩn gì thế?”



“Tớ không ngừng bị hại bởi cái máy dò chuyển động ở Newberry. Tuần này đã hai lần tớ hiện hình trong thư viện sau giờ làm việc, và ngay khi tớ xuất hiện, bảo vệ đã chạy lên kiểm tra. Nó đang khiến tớ phát điên.”



“Tớ không nghĩ giai cấp vô sản sẽ bị ảnh hưởng nhiều bởi sự hủy bỏ sáng chế máy cảm biến chuyển động đâu. Clare và tớ mỗi người được 10 điểm cho câu trả lời đúng, Charisse được năm điểm vì sáng tạo, còn Henry đi lùi lại ba bước vì tội đặt nhu cầu của một cá nhân lên trước lợi ích tập thể.”



“Như vậy tớ được quay trở lại Điểm Xuất Phát. Đưa anh 200 đô la, Ngân Hàng.” Charisse đưa Henry tiền của anh ấy.



“Ối”, Gomez nói. Tôi cười với Gomez. Đến lượt tôi. Tôi có bốn điểm.



“Công viên. Em sẽ mua nó.” Để có thể mua bất cứ thứ gì, tôi phải trả lời đúng một câu hỏi. Henry rút một tấm từ xấp Cơ Hội.



“Em muốn ăn tối với ai trong số những người sau và tại sao: Adam Smith, Karl Marx, Rosa Luxembourg, Alan Greenspan?”



“Rosa.”



“Tại sao?”



“Cái chết thú vị nhất.” Henry, Charisse, và Gomez bàn bạc và đồng ý cho tôi mua Công Viên. Tôi đưa tiền cho Charisse và cậu ấy đưa khế ước cho tôi. Henry đổ và đi tới Thuế Thu Nhập. Thuế Thu Nhập có những tấm thẻ riêng, đặc biệt của nó. Tất cả chúng tôi căng thẳng, vì sợ hãi. Anh ấy đọc thẻ.



“Bước Nhảy Vĩ Đại.”



“Chết tiệt!” Chúng tôi đưa lại cho Charisse tất cả đất đai của mình và cậu ấy cất chúng vào Nhà Băng, cùng với đất đai của cậu ấy.



“Vừa mua được Công Viên đã mất.”



“Anh xin lỗi.” Henry di chuyển quá nửa bàn, đưa anh ấy tới St. James. “Anh sẽ mua nó.”



“St. James bé nhỏ tội nghiệp của ta”, Charisse rên rỉ. Tôi rút một tấm thẻ từ chồng Bãi Đỗ Xe Miễn Phí.



“Tỷ giá giữa đồng yên Nhật và đô la Mỹ ngày hôm nay là bao nhiêu?”



“Anh chịu. Câu hỏi này từ đâu ra vậy?”



“Từ em.” Charisse mỉm cười.



“Câu trả lời là gì?”



“99.8 yên một đô la.”



“Được rồi. Không St. James. Đến lượt em.” Henry đưa xúc xắc cho Charisse. Cậu ấy đổ được bốn điểm và phải vào Tù. Cậu ấy bốc một tấm thẻ nói rằng tội của cậu ấy là: Tiết lộ thông tin nội bộ. Chúng tôi cười.



“Nghe giống các cậu hơn là Charisse”, Gomez nói. Henry và tôi cười e thẹn. Gần đây chúng tôi đang kiếm bộn tiền trên thị trường chứng khoán. Để ra khỏi Tù, Charisse phải trả lời ba câu hỏi.



Gomez rút từ chồng Cơ Hội. “Câu hỏi thứ nhất: kể tên hai nghệ sĩ nổi tiếng Trotsky quen biết ở Mexico.”



“Diego Rivera và Frieda Kahlo.”



“Tốt. Câu hỏi thứ hai: Nike trả cho công nhân Việt Nam của họ bao nhiêu mỗi ngày để làm ra những đôi giày đắt đến ngớ ngẩn đó?”



“Ôi, Chúa ạ, em không biết… 3 đô la? Mười xu?”



“Câu trả lời của em là gì?” Có tiếng động lớn vang lên trong bếp. Tất cả chúng tôi nhảy dựng lên, và Henry nói, “Ngồi im!” dứt khoát đến nỗi chúng tôi làm theo. Anh ấy chạy vào trong bếp. Charisse và Gomez nhìn tôi hoảng hốt. Tôi lắc đầu nói: “Tôi không biết gì cả”. Nhưng thực ra tôi biết. Có những tiếng thì thầm khẽ và tiếng rên rỉ. Charisse và Gomez cứng đơ người, lắng nghe. Tôi đứng dậy và nhẹ nhàng đi theo Henry.



Anh ấy đang quỳ gối dưới sàn, giữ tấm giẻ lau đầu người đàn ông trần truồng đang nằm trên sàn nhà, người dĩ nhiên là Henry. Chiếc tủ gỗ đựng chén đĩa đang bổ nhào; cốc vỡ tan tành và tất cả bát đĩa tung tóe thành từng mảnh văng khắp nơi. Henry đang nằm giữa đống hỗn loạn đó, máu chảy ròng ròng và giữa những mảnh vỡ. Cả hai Henry nhìn tôi, một thảm thương, một hối hả. “Tôi quỳ gối đối diện Henry, phía trên Henry. “Máu chảy từ đâu vậy?” tôi thì thầm. “Anh nghĩ từ trên đầu”, Henry thì thầm đáp lại. “Hãy gọi xe cứu thương đi”, tôi nói. Tôi nhặt những mảnh vỡ ra khỏi ngực Henry. Anh ấy nhắm mắt lại và nói, “Đừng.” Tôi dừng lại.



“Ôi, chết tiệt.” Gomez đứng giữa ngưỡng cửa. Tôi thấy Charisse đang nhón chân đứng sau anh ấy, cố nhìn qua vai. “Ối”, cậu ấy nói, đẩy Gomez ra một bên. Henry ném tấm vải lau lên trên phần kín của bản sao đang nằm sóng xoài trên sàn.



“Ôi, Henry, đừng bận tâm. Em đã vẽ hàng tỉ người mẫu…”



“Anh đang cố giữ lại chút riêng tư ít ỏi”, Henry ngắt lời. Charisse phản ứng như thể Henry vừa tát cậu ấy.



“Nghe này, Henry…” Gomez đùng đùng.



Tôi không thể nghĩ được gì trước sự hỗn loạn này. “Mọi người làm ơn yên lặng đi”, tôi nói, cáu tiết. Trước sự ngạc nhiên của tôi, họ đều làm theo. “Chuyện gì xảy ra vậy?” Tôi hỏi Henry, người đang nằm nhăn nhó trên sàn và gắng không nhúc nhích. Anh ấy mở mắt và nhìn tôi chằm chằm trong một khoảnh khắc trước khi trả lời.



“Anh sẽ biến mất sau vài phút nữa,” cuối cùng anh ấy nói, khẽ khàng. Anh ấy nhìn Henry. “Tớ muốn uống chút gì đó.” Henry nhảy dựng dậy và quay trở lại với một cốc Daniles đầy. Tôi đỡ đầu Henry và anh ấy uống hết một phần ba cốc.



“Đó có phải ý hay không đấy?” Gomez hỏi.



“Không biết. Không quan tâm”, Henry trả lời anh ấy từ dưới sàn. “Đang đau muốn chết.” Anh ấy thở dốc, “Đứng lùi ra! Nhắm mắt lại…”



“Tại sao?...” Gomez lại bắt đầu.



Henry giãy giụa trên sàn như thể anh ấy đang bị sốc điện. Đầu anh ấy giật dữ dội liên hồi và anh ấy hét lên “Clare!” và tôi nhắm mắt lại. Một tiếng động như thể tiếng ga trải giường bị giật tung lên nhưng lớn hơn nhiều, vang lên và rồi những mảnh vỡ thủy tinh, mảnh sành đổ xuống như thác, và Henry đã biến mất.



“Ôi Chúa ơi”, Charisse nói. Henry và tôi nhìn nhau đăm đăm. Thật khác quá, Henry. Nó rất hung bạo và đau đớn. Chuyện gì đang xảy ra với anh vậy? Khuôn mặt trắng bệch của anh ấy nói với tôi rằng anh ấy cũng không biết. Anh ấy kiểm tra kĩ li rượu whiskey để tìm mảnh thủy tinh vỡ rồi uống cạn nó.



“Đống đổ vỡ này là sao?” Gomez hỏi, cẩn thận phủi các mảnh vỡ khỏi người.



Henry đứng dậy, đưa tay cho tôi. Anh ấy dính đầy máu và mảnh thủy tinh, mảnh sành. Tôi cũng đứng dậy và nhìn Charisse. Cậu ấy bị một vết cắt dài trên mặt, máu đang chảy trên má như nước mắt.



“Tất cả những gì không phải một phần của cơ thể tớ sẽ bị bỏ lại”, Henry giải thích. Anh ấy chỉ cho họ thấy lỗ hổng nơi chiếc răng bị nhổ vì anh ấy không ngừng bỏ lại phần trám vào. “Nên bất kể nơi nào tớ trở về, ít nhất những mảnh vỡ đã không còn, họ sẽ không phải ngồi lấy nhíp mà nhặt chúng ra.”



“Không. Nhưng chúng ta sẽ phải”, Gomez nói, từ tốn nhặt một mảnh thủy tinh từ tóc Charisse. Anh ấy nói có lí.