Vợ Người Du Hành Thời Gian

Vợ Người Du Hành Thời Gian - Chương 10: Nhà là bất kì nơi nào bạn cúi đầu hối lỗi




Thứ Bảy, 9/5/1992 (Henry 28 tuổi)



HENRY: Tôi quyết định rằng cách tốt nhất là cứ hỏi thẳng, bất kể ông đồng ý hay không. Tôi đi tàu điện Ravenswood đến căn hộ của bố, ngôi nhà tuổi thơ của tôi. Dạo gần đây tôi không hay đến đó; bố hiếm khi mời tôi và tôi không định xuất hiện mà không báo trước, như cách tôi chuẩn bị làm. Nhưng nếu ông không chịu nghe điện thoại, thì còn cách nào khác chứ? Tôi dừng ở Western và đi bộ về phía tây đường Lawrence. Căn hộ hai tầng đó ở Virginia; mái hiên sau nhìn ra sông Chicago. Khi đang đứng ở đại sảnh và mò mẫm tìm chìa khóa, bà Kim thò đầu ra cửa nhà bà và vẫy gọi tôi vào. Tôi cảnh giác; Kimy thường rất nồng nhiệt và ầm ĩ trìu mến, mặc dù bà biết tất cả mọi thứ về chúng tôi, bà cũng không bao giờ xen vào. Gần như không bao giờ. Thực ra, bà có liên quan khá nhiều đến cuộc sống của chúng tôi, nhưng chúng tôi thích như vậy. Tôi có cảm giác bà đang rất buồn bực.



“Cô-ca chứ?” Chưa gì bà đã diễu hành về phía nhà bếp mình.



“Vâng.” Tôi đặt ba-lô xuống cạnh cửa trước rồi đi theo bà. Kimy đang cạy khay đá kim loại kiểu cũ. Tôi luôn kinh ngạc trước sức mạnh của Kimy. Bà chắc hẳn đã 70 và đối với tôi, trông bà vẫn hệt như khi tôi còn nhỏ. Tôi đã dành rất nhiều thời gian dưới này, giúp bà chuẩn bị bữa tối cho ông Kim (người đã qua đời 5 năm trước), đọc sách, làm bài tập về nhà, và xem ti vi. Tôi ngồi xuống bàn ăn và Kimy đặt cốc Cô-ca đầy ắp đá trước mặt tôi. Bà lấy cho mình nửa cốc cà phê pha sẵn trong một chiếc cốc sứ Trung Hoa có in hình những con chim ruồi trên miệng cốc. Tôi nhớ lần đầu tiên bà cho phép tôi uống cà phê bằng một trong những chiếc cốc này là khi tôi 13 tuổi. Tôi đã cảm thấy như một người lớn.



“Lâu không gặp, anh bạn.”



Ôi. “Cháu biết. Cháu xin lỗi… gần đây cháu bận quá.”



Bà quan sát tôi. Kimy có đôi mắt đen sắc lẹm, có vẻ như có thể thấy tận cùng suy nghĩ của tôi. Khuôn mặt Hàn Quốc dẹt của bà che dấu mọi cảm xúc, trừ phi bà muốn bạn nhìn thấy chúng. Bà là cao thủ chơi bài brít.



“Du hành thời gian?”



“Không. Cháu chưa du hành lấy một lần trong mấy tháng qua. Mọi việc rất tốt.”



“Cháu có bạn gái?”



Tôi toét miệng cười.



“Được rồi, ta biết cảm giác đó. Tên con bé là gì? Tại sao cháu không dẫn nó đến chơi?”



“Cô ấy tên Clare. Cháu đã đề nghị được dẫn cô ấy đến chơi nhiều lần nhưng bố cháu luôn từ chối.”



“Cháu không đề nghị với ta. Nếu cháu đến đây, Richard cũng sẽ đến theo. Chúng ta sẽ cùng ăn vịt.”



Như mọi lần, tôi ấn tượng trước sự đần độn của mình, bà Kim luôn biết cách giải quyết các vấn đề về giao thiệp một cách hoàn hảo nhất. Bố tôi không ngần ngại tỏ ra thô lỗ với tôi, nhưng ông sẽ luôn cố gắng vì Kimy, theo cách ông nên làm, vì bà gần như đã nuôi con hộ ông và chắc hẳn không đòi ông tiền thuê nhà theo giá thị trường.



“Bà là thiên tài.”



“Phải, ta là thiên tài. Tại sao ta không được giải MacArthur nhỉ?”



“Cháu không biết. Có lẽ vì bà không ra khỏi nhà đủ nhiều. Cháu không nghĩ người của MacArthur lởn vởn ở Bingo World.”



“Không, chúng đã có đủ tiền rồi. Vậy khi nào cháu sẽ kết hôn?”



Cô-ca sặc lên mũi tôi, tôi cười nghiêng ngả. Kimy lảo đảo chạy đến vỗ lưng tôi. Tôi dịu lại và bà trở về ghế của mình, gắt gỏng. “Có gì buồn cười? Ta chỉ hỏi vậy. Ta có quyền hỏi chứ, hả?”



“Không, không phải vậy… cháu không cười vì nó khôi hài, cháu cười vì bà biết đọc ý nghĩ của cháu. Cháu đến đây để hỏi bố cho cháu nhẫn cưới của mẹ.”



“Ồ!!! Thật là. Ồ, cháu sắp kết hôn. Tuyệt thật! Con bé sẽ đồng ý chứ?”



“Cháu nghĩ vậy. Cháu chắc đến 90 phần trăm.”



“Vậy là đủ chắc rồi, Nhưng về nhẫn của mẹ cháu thì ta không biết. Đó là điều ta muốn nói với cháu…” mắt bà liếc lên trần nhà, “bố cháu, ông ấy không được ổn. Ông ấy la hét nhiều, rồi ném đồ đạc, và không hề chơi đàn.”



“Chẳng có gì ngạc nhiên. Nhưng cũng không ổn cho lắm. Gần đây bà có lên đó không?” Kimy rất hay lên căn hộ của bố tôi. Tôi nghĩ bà âm thầm dọn dẹp nó. Tôi đã từng thấy bà là áo cho bố tôi, cấm tôi không được bình luận gì.



“Ông ấy không để ta vào!” Bà chực khóc. Thế này thì thật tệ. Dĩ nhiên bố tôi có vấn đề của riêng mình, nhưng thật kỳ quái khi ông để chúng ảnh hưởng tới cả Kimy.



“Còn khi ông ấy không có nhà thì sao?” Bình thường tôi giả vờ như không biết rằng Kimy vẫn ra vào căn hộ của bố tôi mà không để ông biết; bà giả vờ như bà không đời nào làm chuyện như vậy. Nhưng thực ra tôi rất cảm kích việc đó, khi tôi không còn sống ở đây nữa phải có ai đó để mắt đến ông.



Kimy có vẻ bối rối, láu cá và hơi có chút cảnh giác khi tôi nhắc đến chuyện này. “Được rồi. Phải, ta đã làm vậy một lần. Vì ta lo cho ông ấy. Rác rưởi khắp nơi; chúng ta sẽ có đầy dòi bọ nếu ông ấy cứ tiếp tục thế này. Chẳng có gì trong tủ lạnh ngoài bia và chanh. Quần áo vứt đầy giường đến nỗi ta không nghĩ ông ấy ngủ trên nó chút nào. Ta không biết ông ấy đang làm gì. Ta chưa từng thấy ông ấy trong tình trạng tệ đến thế kể từ khi mẹ cháu mất.”



“Ôi trời. Cháu nghĩ đó là gì?” Có tiếng đổ vỡ lớn trên đầu chúng tôi, bố tôi đã làm rơi thứ gì đó xuống sàn bếp. Có lẽ ông ấy chỉ vừa thức dậy.



“Cháu nên lên đó thì tốt hơn.”



“Phải rồi.” Kimy ủ rũ. “Ông ấy là người rất tốt; ta không hiểu tại sao ông ấy để mình ra nông nỗi này.”



“Ông ấy nghiện rượu. Và đây là những gì rượu chè tác động đến chúng ta. Nó được ghi trong mô tả công việc của chúng: Sa lầy, rồi sa lầy thêm.”



Bà chĩa cái nhìn sầu muộn về phía tôi. “Nhân tiện nói về công việc…”



“Vâng?” Ôi, chết tiệt.



“Ta không nghĩ ông ấy vẫn làm việc.”




“Đang là mùa nghỉ ngơi. Bố cháu đâu có làm việc trong tháng Năm.”



“Họ đang đi lưu diễn ở châu Âu, vậy mà bố cháu vẫn ở nhà. Chưa kể, ông ấy chưa trả tiền nhà hai tháng rồi.”



Chết tiệt, chết tiệt, chết tiệt. “Kimy, tại sao bà không gọi cho cháu? Chuyện này thật tệ quá. Chúa ạ.” Tôi đứng dậy và đi qua hành lang; chụp lấy ba-lô của mình rồi trở lại nhà bếp. Tôi lục lọi một lúc rồi tìm thấy sổ séc của mình. “Ông ấy nợ bà bao nhiêu?”



Bà Kim vô cùng lúng túng. “Không, Henry, đừng… ông ấy sẽ trả mà.”



“Ông ấy có thể trả lại cho cháu. Thôi mà, Kimy, không sao đâu. Bà cứ nói đi, bao nhiêu?”



Bà không nhìn vào tôi. “1.200 đô”, bà nói lí nhí.



“Chỉ vậy thôi sao? Bà đang làm gì vậy, điều hành nhà tình thương hỗ trợ những người nhà DeTambles ương ngạch?” Tôi viết séc rồi nhét nó dưới đáy cốc của bà. “Bà phải đi rút tiền đấy, nếu không cháu sẽ đến tìm bà.”



“Vậy thì ta sẽ không rút và cháu sẽ phải đến thăm ta.”



“Dù sao cháu cũng sẽ đến thăm.” Tôi cực kỳ áy náy. “Cháu sẽ dẫn Clare tới nữa.”



Kim toét miệng cười với tôi. “Hy vọng vậy. Ta sẽ là phù dâu của cháu, phải không?”



“Nếu bố cháu không xuất hiện, bà sẽ là người đưa cháu về nhà vợ. Mà đó là một ý tưởng không tồi: bà đưa cháu đi giữa giáo đường, và Clare sẽ đứng đợi trong bộ tuxedo, ban nhạc chơi Lohengrin…”



“Ta phải mua váy mới.”



“Đừng mua vội, chờ đến khi cháu thông báo sự đã thành hãy mua.” Tôi thở dài. “Cháu nên lên nhà gặp bố thì hơn.” Tôi đứng dậy. Đột nhiên, đứng trong căn bếp của bà Kim, tôi cảm thấy mình to lớn vô cùng, như thể tôi đang ghé thăm trường cũ và ngạc nhiên trước kích cỡ của những cái bàn nhỏ. Kimy chậm rãi đứng dậy và theo tôi ra cửa. Tôi ôm bà. Trong khoảnh khắc, bà có vẻ mong manh và lạc lõng, khiến tôi tự hỏi về cuộc sống của bà, chuỗi ngày của dọn dẹp, vườn tược và chơi bài brít; nhưng rồi những băn khoăn riêng của tôi trở lại. Tôi sẽ sớm quay trở lại; tôi không thể dành cả đời này để trốn trên giường với Clare. Kimy đứng nhìn tôi mở cửa căn hộ của bố.



“Bố? Bố có nhà không?”



Một thoáng im lặng, rồi. “CÚT ĐI!”



©ST.ENT



Tôi đi lên cầu thang và bà Kim đóng cửa lại.




Điều đầu tiên ập vào tôi là mùi: có thứ gì đó đang phân hủy trong này. Phòng khách ngổn ngang, hoang tàn. Tất cả sách vở đâu rồi? Bố mẹ tôi có cả tỉ cuốn sách, về âm nhạc, về lịch sử, tiểu thuyết, bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Italia; chúng đâu hết rồi? Đến cả bộ sưu tập đĩa hát và CD cũng có vẻ ít đi. Giấy vung vãi khắp nơi, thư rác, báo, bảng tổng phổ, che lấp cả sàn nhà. Cây đàn piano của bố đầy bụi và lọ hoa lay-ơn đã chết từ lâu nằm quắt queo trên bậu cửa sổ. Tôi đi qua hành lang, nhìn vào phòng ngủ. Một mớ hỗn độn cùng cực những quần áo bẩn, rác rưởi và báo. Một chai Michelob nằm dưới bồn rửa mặt trong phòng tắm và lớp bia đã khô phủ lên những viên gạch.



Bố ngồi trong bếp, quay lưng lại phía tôi, nhìn ra ngoài cửa sổ xuống dòng sông bên dưới. Ông không quay lại lúc tôi bước vào. Không nhìn lúc tôi ngồi xuống. Nhưng cũng không đứng dậy và bỏ đi, nên tôi coi đó là dấu hiệu của một cuộc chuyện trò có thể được bắt đầu.



“Chào bố.”



Im lặng.



“Con vừa gặp bà Kim. Bà bảo bố không được ổn.”



Im lặng.



“Con nghe nói bố không làm việc.”



“Đang là tháng Năm.”



“Tại sao bố không đi lưu diễn?”



Cuối cùng ông cũng nhìn vào tôi. Ẩn dưới sự bướng bỉnh có một nỗi sợ hãi. “Ta đang nghỉ ốm.”



“Từ khi nào?”



“Tháng Ba.”



“Nghỉ có lương?”



Im lặng.



“Bố bị bệnh sao? Có gì không ổn vậy?”



Tôi đã nghĩ ông sẽ phớt lờ tôi, nhưng rồi ông trả lời bằng cách giơ hai bàn tay lên. Chúng đang run rẩy như thể đang trải qua cơn động đất nhỏ. Rốt cuộc cũng đã xảy ra. Suốt 23 năm say xỉn và ông đã phá hủy khả năng chơi đàn của mình.



“Ôi, Chúa ạ. Bác sĩ Stan nói sao?”




“Hắn nói thế là xong. Các dây thần kinh đã tê liệt, và không bao giờ có thể hồi phục.”



“Chúa ơi.” Chúng tôi nhìn nhau trong khoảnh khắc một phút dài không thể chịu đựng nổi. Khuôn mặt ông đau khổ, và tôi bắt đầu hiểu vì sao: ông chẳng còn gì. Không còn gì để giữ ông, để níu kéo ông lại với cuộc sống của mình. Đầu tiên là mẹ, giờ đến âm nhạc, đã biến mất, mất cả rồi. Tôi chưa bao giờ là quan trọng đối với ông, nên sự cố gắng muộn màng của tôi sẽ chỉ là vụn vặt tầm thường. “Giờ thì sao?”



Im lặng. Giờ thì chẳng sao cả.



“Bố không thể cứ ở đây và uống hết 20 năm còn lại.”



Ông nhìn xuống bàn.



“Lương hưu của bố thì sao? Trợ cấp lao động? Dưỡng lão? AA?”



Ông đã không còn bận tâm đến những điều đó và để mọi thứ trôi đi. Tôi đã ở đâu suốt thời gian đó?



“Con đã trả tiền nhà cho bố.”



“Ồ”, ông bối rối. “Ta chưa trả sao?”



“Chưa. Bố nợ hai tháng rồi. Bà Kim rất ngượng. Bà không muốn cho con biết, và bà không muốn con đưa tiền cho bà, nhưng thật vô lý khi để vấn đề của bố trở thành của bà.”



“Bà Kim đáng thương.” Nước mắt nhỏ xuống hai gò má của bố. Ông đã già. Đã 57 tuổi, và đã là một ông lão. Tôi không giận ông. Tôi xót thương và sợ hãi giùm ông.



“Bố”, ông lại nhìn tôi. “Bố phải để con làm gì đó cho bố, được chứ?” Ông nhìn đi chỗ khác, lại nhìn ra ngoài cửa sổ tới những rặng cây thú vị hơn nhiều phía bên kia mặt nước. “Bố phải để con kiểm tra giấy tờ trợ cấp và tài khoản ngân hàng, đủ thứ khác nữa. Phải để con và bà Kim dọn dẹp nơi này. Và bố phải ngừng uống rượu.”



“Không.”



“Không cái gì? Tất cả hay chỉ một vài điều trên?”



Im lặng. Tôi bắt đầu mất kiên nhẫn, nên tôi quyết định chuyển chủ đề. “Bố, con sắp kết hôn.”



Giờ thì tôi có được sự chú ý của ông.



“Với ai? Ai mà thèm cưới mày?” Ông nói điều này, theo tôi, không có ý cay độc. Ông thực sự tò mò. Tôi rút ví ra và lấy tấm ảnh của Clare khỏi ngăn nhựa. Trong bức ảnh, Clare đang trầm tư nhìn ra biển Light House. Tóc cô ấy tung bay như một ngọn cờ trong gió lạnh và trong ánh sáng sớm mai, cô ấy trông bừng sáng trên nền tối của những rặng cây. Bố tôi cầm bức ảnh và cẩn thận ngắm nhìn.



“Tên cô ấy là Clare Abshire. Cô ấy là một họa sĩ.”



“Nó rất đẹp”, ông miễn cưỡng nói. Đây là điều gần nhất với lời chúc phúc từ cha mẹ mà tôi sẽ nhận được.



“Con muốn… con rất muốn tặng cô ấy nhẫn đính hôn và nhẫn cưới của mẹ. Con nghĩ mẹ sẽ thích điều đó.”



“Làm sao mày biết bà ấy thích gì? Mày chắc hẳn chẳng nhớ gì về mẹ mày.”



Tôi không muốn tranh luận về chuyện này, nhưng tôi cảm thấy một sự quả quyết đột ngột, cần phải có được điều tôi muốn. “Con vẫn gặp mẹ. Con đã nhìn thấy mẹ cả trăm lần kể từ sau khi mẹ mất. Con thấy mẹ đi dạo quanh khu phố, cùng với bố, với con. Mẹ đến công viên và học tổng phổ, mẹ đi mua sắm, mẹ uống cà phê với Mara ở Tia’s. Con thấy mẹ với cậu Ish. Con thấy mẹ ở Julliard. Con được nghe mẹ hát!” Bố đang há hốc miệng nhìn tôi. Tôi đang đốn ngã ông, nhưng tôi không thể dừng lại. “Con đã nói chuyện với mẹ. Đã có lần con đứng cạnh mẹ trên chuyến tàu đông đúc, được chạm vào mẹ.” Bố tôi đang khóc. “Không phải lúc nào nó cũng là một lời nguyền. Đôi khi du hành thời gian là điều tuyệt vời. Con đã cần phải được gặp mẹ, và đôi khi con được gặp mẹ. Mẹ sẽ rất quý Clare, mẹ sẽ muốn con được hạnh phúc, và mẹ sẽ xót xa khi thấy bố phá hủy cuộc đời mình sau khi mẹ qua đời.”



Ông ngồi ở bàn ăn và khóc. Ông khóc mà không thèm che mặt, chỉ đơn giản cúi đầu và để nước mắt chảy ròng trên má. Tôi nhìn ông một lúc, cái giá của việc để cho cơn giận lấn át. Rồi tôi vào nhà vệ sinh và trở lại với một cuộn giấy. Ông lấy một ít, rồi hỉ mũi. Chúng tôi ngồi đó trong vài phút.



“Tại sao mày không nói với ta?”



“Ý bố là sao?”



“Tại sao mày không nói với ta mày có thể nhìn thấy bà ấy? Ta sẽ muốn… được biết.”



Tại sao tôi đã không nói với ông? Bởi vì bất kỳ ông bố bình thường nào cũng sẽ nhận ra người lạ mặt đã theo bám những năm đầu cuộc sống hôn nhân của họ thực sự là đứa con du hành thời gian, bất bình thường của mình. Bởi vì tôi sợ: vì ông đã ghét tôi do tôi mới là người sống sót. Vì tôi sẽ thầm cảm thấy mình tốt đẹp hơn ông vì tôi có điều mà ông quan niệm là một khiếm khuyết. Những lý do xấu xa vậy đấy.



“Vì con đã nghĩ nó sẽ khiến bố thêm đau khổ.”



“Ồ. Không. Nó không… khiến ta đau khổ; ta… mừng khi biết bà ấy vẫn ở ngoài kia, một nơi nào đó. Ý ta là… điều tồi tệ nhất là bà ấy đã ra đi. Nên ta mừng khi bà ấy vẫn ở đó. Dù ta không thể gặp lại.”



“Trông mẹ rất hạnh phúc, hầu như mọi lúc.”



“Phải, bà ấy đã rất hạnh phúc… chúng ta đã hạnh phúc.”



“Phải. Bố đã là một con người khác. Con luôn tự hỏi sẽ thế nào nếu được lớn lên với con người của bố trước kia.”



Ông đứng dậy, chậm rãi. Tôi ngồi yên trên ghế, bố tôi lảo đảo bước dọc hành lang rồi vào phòng của mình. Tôi nghe tiếng ông lục lọi xung quanh, rồi ông lảo đảo quay ra với một chiếc hộp trang sức màu xanh sẫm. Ông mở nó và lấy ra hai chiếc nhẫn thanh nhã. Chúng nằm như những hạt cỏ trong bàn tay run rẩy của ông. Bố tôi đặt tay trái lên tay phải đang giữ nhẫn, và ngồi như thế một lát, như thể hai chiếc nhẫn là những con côn trùng bị mắc kẹt trong đôi bàn tay ông. Mắt ông nhắm nghiền; rồi mở ra và chìa tay phải ra. Tôi chụm tay lại, rồi ông đặt hai chiếc nhẫn vào lòng bàn tay chờ đợi của tôi.