Bến cảng tấp nập, người người ra vào, lên xuống giữa tàu và bến cảng. Nhuần nhuyễn như máy khâu, từng bao tải hàng hóa được tháo dỡ, mở ra, kiểm tra, đóng lại, rồi đưa lên xe, cuối cùng biến mất trên lưng xe thồ ở chín cửa ra vào của bến cảng. Đúng là hải cảng thương mại, tôi nghĩ.
Từ đây đón thuyền tới lễ nhậm chức trưởng môn của Trần Mỹ Ý, trung bình mất hai ngày đi biển, một ngày nếu thuận buồm xuôi gió.
Nhưng bây giờ tôi chỉ muốn ngắm nghía bến cảng đông đúc này. Đặc biệt là khu chợ trời bên cạnh, nơi những món đồ lỉnh kỉnh đủ mọi kiểu dáng được bày bán. Đồ dùng hàng hải, cả kilomet lưới đánh cá, hàng trăm loại thủy sản đủ màu sắc được bày bán mọi nơi, bên cạnh lụa là, gia vị tứ phương và đồ trang sức. Thế mà cả buổi sáng tôi chỉ ngắm một cửa hàng bé bé bán đổ tinh xảo từ phương Nam. Tất cả mọi thứ đều tinh xảo đến diệu kì. Những chiếc nhẫn bạc sáng bóng, khắc hoa mai, hoa đào như thật. Vòng cổ ngà voi to bằng cả nắm tay khiến người qua đường phải quay lại nhìn. Những bộ chén đĩa dát vàng lấp lánh dưới ánh nắng ngày mới. Rồi đủ thứ kì lạ nhỏ xinh khác tôi không biết nên miêu tả kiểu gì, chỉ biết dán mắt vào như bị hút hồn.
Nhìn một hồi, tôi quyết định sẽ mua một thứ. Một chú chim én làm từ đá quí, đôi mắt là hai viên đá mắt mèo đen tuyền, nằm gọn trong tay tôi. Cũng không biết để làm gì, nó chẳng có tác dụng gì cả, chỉ là vật trang trí. Nhưng én là biểu tượng của mùa xuân, của hy vọng về ngày mai ấm áp sau mùa đông rét mướt. Có lẽ chú én be bé này sẽ giúp tôi không bao giờ mất niềm tin vào tương lai.
Lên tàu, tôi chọn cho mình một chỗ bên thành tàu mà thưởng thức không gian, thay thế cho cái chỗ cạnh cửa sổ xe ngựa quen thuộc. Mùi muối tanh thay thế cho mùi đất nồng. Cảng biển sôi nồi từ từ biến mất, những con tàu tấp nập ra vào nhường chỗ cho thế giới lặng im chỉ có nước biển và bầu trời cao vời vợi. Đôi khi sẽ có cả đàn cá bơi lội ngay cạnh mạn thuyền làm điểm nhấn.
Chỉ có điều tên bạn đồng hành của tôi không phải là một người thích sự êm đềm. Tôi thấy hắn đang nhảy tới bên khoé mắt mà vẫn chẳng muốn động đậy.
“ Linh! “
“ Phan. Có chuyện gì à? “
“ Không, chỉ là giờ chán quá muốn qua đây xem cô đang làm gì. “
“ Tôi ngôi nhìn trời đất thôi. “
Phan vẫn cười, như anh ta lúc nào cũng làm, nhưng cái cách anh ta nhìn tôi đúng chóc kiểu ‘ tôi-không-bao-giờ-hiểu-được-việc-ngồi-yên-là-gì’. Thôi thì ì một chỗ đủ rồi, có lẽ tôi nên đi tìm cái gì đó cho Phan làm trước khi anh ta nhảy xuống biển bơi.
Chờ tí, tóc Phan hình như hơi ướt.
“ Từ sáng tới giờ anh làm gì? “
“ Tôi đi khắp cái thuyền, cô có biết hoá ra người đi cùng cái ông béo béo là vợ ổng không? À ngoài ra thì tôi thử xem nước biển thế nào nên có cúi xuống nếm một tí. “
“ Cả đầu luôn à? “
“ Nước biển mát lắm, cô nên thử một lần. “
Tôi xin kiếu.
Nhưng cái cách mắt Phan sáng lên làm tôi sởn gai ốc. Tên Tử Duy đâu rồi? Sao lại biến mất vào lúc quan trọng thế này?!
“ Tử Duy đâu mất ấy nhỉ? “
“ Đang nói chuyện với bạn anh ấy. “
Bạn? Nhưng nghĩ lại việc Tử Duy quen khách trên tàu không thực sự đáng bất ngờ cho lắm. Anh ta chắc quen hết dân giang hô ấy chứ.
Hoá ra không chỉ một người bạn mà tới hai người lận. Một cặp vợ chồng mới cưới luôn. Chú rể lùn hơn cô dâu cả một cái đầu, mới hai mấy tuổi đầu tóc đã chấm trắng. Người vợ môi hồng chúm chím, tóc xõa dài đến lưng. Theo lời giới thiệu của công tử họ Hồ, chú rể tên Anh họ Đặng, cô dâu tên Chi họ Lê. Họ hoá ra cũng đi tới lễ nhậm chức của Trần Mỹ Ý luôn, ai ngờ lại gặp Tử Duy tại đây.
“ Hai vị này là? “ _ Đặng Anh hỏi, nhìn chúng tôi hơi bối rối.
“ Em họ tôi. Họ đi chơi với tôi luôn ấy mà. “
Đặng Anh chẳng hỏi gì thêm, gật đầu chào hai chúng tôi.
“ Thế à! Lâu rồi tôi chưa qua nhà anh, chẳng biết cái gì cả. “
“ Tôi đáng lẽ phải là người nói câu đấy chứ! “ _ Tử Duy tiếp lời _ “ hai người đã tổ chức đám cưới rồi mà tôi còn không biết cũng chẳng có quà mừng. “
“ Đó là lỗi tại tôi. “ _ Lê Chi nói _ “ Tôi là người hối thúc anh ấy làm đám cưới, quá chóng vánh nên chẳng mời nổi bạn bè gần xa. Chỉ có mỗi gia đình hai bên tới dự. “
“ Ba má Chi còn không kịp tới ấy chứ, có mỗi anh cô ấy thôi. “
Lê Chi cười bẽn lẽn, nhìn như muốn rúc đầu vào vai chồng. Họ đắm đuối cầm lấy tay nhau và tôi thề, tôi chưa từng gặp cặp đôi nào mà tình cảm nồng nàn đến vậy. Khi họ nhìn vào mắt nhau, cả thế giới biến mất, chỉ còn hai con người này tay trong tay trong giây khắc đó. Ý tôi là tôi từng đi chơi với bà chị họ và người yêu chị ấy, cũng như được hân hạnh ngồi cạnh một cặp đôi hôn nhau suốt ba tiếng đồng hồ trong lần đi nhầm xe buýt, nhưng chẳng ai có thể bằng được hai người vợ chồng nhà này.
Tử Duy cười, nhưng niềm vui không chạm được tới mắt. Nó cũng tắt ngúm thật nhanh khi anh ta liếc xuống thanh kiếm trong tay. Trong một chớp mắt, mặt nạ của người công tử này tuột mất. Tôi nhìn thấy Tử Duy trong những ngày tháng im ỉm trong phòng trọ. Nhìn thấy đôi mắt thẫn thờ, thấy cơn giận vẫn âm ỉ trong đôi vai gồng lên.
Nhưng khi đôi vợ chồng quay lại, Tử Duy trở lại thành Tử Duy. Phan suýt nữa đã nói gì đó nếu tôi không kịp nhéo anh ta một cái vào hông.
Buổi nói chuyện không đến nỗi quá nhạt. Chỉ là Lê Chi với ông chồng nhìn nhau âu yếm quá nhiều lần, mỗi lần như vậy người bạn cũ của họ lại càng khó chịu.
Tôi thì tất nhiên là không thấy làm sao rồi. Nhà giàu nứt nố đổ vách, đi chu du khắp nơi cho tuần trăng mật, chẳng phải lo nghĩ gì. Không, tôi vẫn hoàn toàn bình thường, chẳng ghen tị tí nào. Không hề. Chắc chắn luôn.
Thuyền tròng trành làm tôi chẳng ăn uống được gì, hai chú chim mới làm tổ này còn tiếp tục thành cơn ác mộng trong suốt cả chặng đường. Tử Duy thì nửa muốn tránh mặt nửa muốn giữ vững cái mặt nạ.Tôi chỉ muốn ngồi ngắm cảnh bên mạn thuyền. Có mỗi Phan là thích bọn họ ra mặt. Nhưng Phan thích hết mọi người. Lê Chi và Đặng Anh đối với anh ta đặc biệt hơn một chút vì họ đã ‘cưới nhau’, một chủ đề đối với tên trộm mới lạ và đáng hào hứng làm sao.
Ví dụ:
“ Yêu là gì? “
Tên trộm hỏi, ngây thơ vô tội, sau khi nghe kể cách đôi vợ chồng gặp nhau lần đầu tiên ( họ vô tình thấy nhau trong một vườn hoa theo kiểu sến súa kinh hoàng).
Tất cả im lặng. Nhưng rồi Lê Chi cười khúc khích, cô cầm lấy tay chồng và nói:
“ Nó là khi anh biết mình sẽ không thể sống thiếu một người. “
Có cái gì vỡ nát.
Chén trà của vị công tử họ Hồ nằm trên sàn tàu, một đống vụn không hơn không kém, bàn tay của anh ta rơm rớm máu.
“ Xin lỗi tôi lỡ tay. “
Tử Duy nói như một con robot. Một con robot đã hết năng lượng để giả vờ mình có cảm xúc. Anh ta đứng lên, xin được về phòng và biến mất nhanh như gió.
Tôi cười trừ nhìn hai người kia:
“ Anh họ tôi chắc mệt ấy mà. Dạo này sức khoẻ hơi yếu. “
Nếu họ có nghĩ gì, họ cũng không nói ra. Lê Chi cười trừ, Đặng Anh đăm chiêu hơn, chẳng bình luận câu nào. May mắn thay Phan có mặt ở đó. Anh ta tiếp tục hỏi sau lễ thành hôn làm gì, có em bé như thế nào.
Tiệc trà kết thúc hai phút sau đó.