Viết Xuống Chút Hồi Ức

Chương 4




Vào lễ tết năm thứ hai, tôi quyết định tốt nghiệp xong sẽ xuất ngoại, không phải vì tôi hèn nhát nên muốn chạy trốn, mà ngược lại, từ ngày đó trở đi tôi cảm thấy như thể mình bị cái gì nhập vậy, bây giờ tôi đã trở nên xấu xa hơn. Tôi xuất ngoại chỉ vì bố lấy ra 100 vạn đưa tôi làm chi phí du học. Nói trắng ra, 100 vạn ấy chỉ để làm tròn nghĩa tình cha con.

Thật ra bố tôi không hề muốn chi ra số tiền ấy, như bố tôi nói, nếu như ông ấy tự nguyện thì đến cả một con số tôi cũng không lấy được. Tôi nghĩ câu nói đó cũng có phần đúng, nhưng chỉ đúng đối với con chiên ghẻ hèn nhát vô dụng thuở ban đầu thôi.

Tới khi tôi hoàn toàn biến thành một người khác, câu nói đó chỉ như một trò cười doạ con nít không hơn. Tôi có thể cười lạnh và dí con dao kề bộ ngực của bố: "Ông ký hay không ký? Ông có tin chỉ với một nhát dao của tôi, ngay ngày mai ông sẽ lên trang nhất trên báo không?" Không biết liệu các bạn đọc đến đây có cho rằng đó chỉ là những tình tiết trong tiểu thuyết hay không, điều tôi muốn nói là, hồi đó tôi và bố tôi rất rõ ràng rằng khi một người không còn niềm tin và cảm thấy cuộc sống không còn nghĩa lý gì nữa, không gì có thể ngăn trở và kìm hãm họ.

Khi bố tôi quyết định chỉ cho mẹ tôi tiền và nhà, chứ không muốn chia cổ phần công ty dù chỉ là một phần, tôi nói với mẹ rằng: "Sống trên đời cần lạc quan, chỉ sợ mất cả chì lẫn chài." Tôi đã thực sự nghĩ như vậy, hoặc là do tôi đọc nhiều tiểu thuyết, tôi nghĩ thà rằng chết đi còn hơn phải sống trong cảnh lầm than ti tiện. Vì thế, tôi bắt đầu dùng thủ đoạn đâm đầu làm lụng, quyết tâm khiến công ty bố tôi sụp đổ.

Trên thực tế, muốn nắm đằng chuôi những công ty được thành lập từ thời kỳ đầu đổi mới mở cửa không quá phức tạp như bạn nghĩ, cũng như một câu nói cửa miệng của tôi sau này: "mông không ai sạch cả", đến cả một đứa trẻ 20 tuổi chưa bước ra ngưỡng cửa xã hội như tôi cũng hiểu. Cũng có thể, tôi đã được thừa hưởng khả năng "lắt léo" kiếm tiền của ông ấy.

Quả thật tôi có một xấp tài liệu dày cộp trong tay, ngoài ra còn có băng cát xét.

Từ những điều luật liên quan mà tôi đã đọc được nửa chừng về việc du học, tôi nghĩ mặc dù tôi không thể rút gân ông ta, nhưng ít ra cũng có thể bóc lột ông ấy.

Tôi nghĩ bố tôi cũng biết rất rõ những gì tôi đã làm vào thời điểm đó. Sau này, như người ta thường nói, "chân đất chẳng sợ giày dơ", bố nói với tôi: "Mày làm thế với bố mày làm gì? Tao tiêu đời thật thì mày được cái gì? Nếu cả nhà này bị tịch thu, chỉ trông cậy vào nghìn tám tệ của mẹ mày thì làm được gì? Để xem rồi mày sống sót kiểu gì"

Không gì có thể khiến tôi vui bằng việc tận mắt thấy ông thân bại danh tàn. Tôi không quên nổi những giọt nước mắt của mẹ, không quên nỗi những mảnh sành tan vỡ trên mặt đất.

Lúc đó là đầu tiên và cũng là lần duy nhất tôi làm chuyện trái pháp luật. Đêm đó, có người bản xứ Cam Túc lấy từ trong ngực ra một xấp sổ sách dày cộp và ném trước mặt tôi, tôi vẫn còn dương dương tự đắc về trí thông minh nhỏ bé của mình lắm. Tôi trả cho họ 3200 tệ, đó là tất cả số tiền tôi có thể trả được vào thời điểm đó, đương nhiên, tôi không để ý đến những thứ anh ta và bạn anh ta "tiện tay dắt trộm dê" từ công ty bố tôi, tôi chỉ quan tâm rằng tôi đã đạt được những gì tôi muốn và như vậy là đủ. Ngày hôm sau, nghe nói quả thật công ty ông bị mất rất nhiều thứ, kể cả khẩu súng ngắn do Liên Xô sản xuất yêu quý của bố tôi, nhưng tôi nghĩ ông ấy sẽ quên những thứ ấy khi báo cáo vụ việc lên công an thôi.

Giống các tình tiết trong tiểu thuyết nhỉ, có lẽ do tôi đã đọc đã nghe qua nhiều. Nhưng lúc đó, quả thực tôi đã không từ một thủ đoạn nào.

Tôi rút điếu thuốc ra, rúc vào trong chăn và giờ quyển sổ ra xem, nhưng tôi chỉ đọc trang đầu.

Bắt đầu từ đêm đó, tôi bắt đầu nghĩ khác đi về những hành động của bố tôi. Mặc dù lúc đó tôi không thừa nhận, nhưng bây giờ, tôi phải nói rằng một người như tôi thực sự không có tư cách buộc tội tính cách người khác biến chất. Trên trang đó, cột cuối cùng của biểu mẫu rườm rà ghi "thu nhập ròng 9 triệu", vào năm 1996.

Tôi thực sự không nghĩ tới việc rốt cuộc bố tôi có bao nhiêu tiền, nhưng đối với một đứa trẻ bắt đầu khoe khoang khi mới kiếm được 1000 tệ thì con số đó đã quá đủ để khiến tôi sốc. Có lẽ nếu tổng số tiền ghi trong sổ lúc đó là 100 hoặc 200, tôi đã có thể chủ động vỗ ngực và ném nó xuống sông, nhưng khi tôi nhìn thấy con số 900 vạn, tôi lập tức dập tắt ham muốn tiếp tục xem. Tôi không ngốc, tôi biết điều đó có nghĩa là gì.

Đó chính là sức mạnh của tiền bạc. Tôi không biết trên đời này có thánh thần phương nào có được giàu sang mà biết tự kiềm chế hay không, nhưng tôi biết mình đã không ném mấy trăm vạn đó xuống sông chỉ để sau này có thể sống thanh bần đạo hạnh, thực ra tôi cũng bẩn thỉu như ông ấy.

Có vẻ do đã giằng co quá lâu khiến chúng tôi sức cùng lực kiệt, vì thế chúng tôi đã đi đến thoả hiệp, kết quả của sự thoả hiệp đó là 100 vạn để giải quyết cho xong cái tình cha con, và tôi coi như bị lưu đày tới nước Anh. Còn bố tôi và mẹ tôi vẫn tiếp tục cuộc hôn nhân vốn đã chết chỉ trên danh nghĩa, không phải vì tình, chỉ là vì thể diện, cả tôi và ông ta đều giữ được thể diện.

Nhưng mẹ tôi đã trở thành vật tế vô tội chỉ vì mong muốn ích kỷ đê hèn của hai chúng tôi, có lẽ đây là cái kết mà mẹ muốn thấy. Chỉ là, mẹ tôi không biết thứ ruột thịt mà bà sẵn sàng hy sinh ngậm đắng nuốt cay để nuôi nó lớn lên đó, vì tiền bạc mà đã phản bội thứ nó yêu.

Cho đến tận bây giờ, trong con mắt ngưỡng mộ của mọi người về sự hiếu thảo của tôi đối với mẹ, chỉ riêng tôi biết rõ, ngoài tình yêu dành cho mẹ ra, tôi làm thế vì cả sự áy náy tội lỗi muôn thuở trong lòng tôi. Mà tôi, cũng cần phải cảm ơn bạn trai tôi, cảm ơn anh vì đã không bỏ mặc em trong những tháng ngày đen tối đó. Vào lúc tôi nghèo đến kiết xác, anh ấy đã nói với tôi rằng, chúng ta kết hôn đi, mẹ em và em có thể chuyển tới nhà anh, anh sẽ cố gắng làm việc để em và mẹ hạnh phúc. Tại sân bay, anh ấy ôm tôi, gò má đẫm nước mắt, nói với tôi: "Em phải chăm chỉ học hành, đừng lo về mẹ, anh sẽ chăm sóc tốt cho mẹ, anh sẽ đưa mẹ thẻ ngân hàng của anh, mẹ và anh đợi khi em về, sau đó chúng ta sẽ sống một cuộc sống hạnh phúc."

Khi tôi đến Heathrow sau chuyến bay 11 tiếng, khuôn mặt tôi đẫm ướt nước cứ như mặt đường London. Thật ra, tôi biết nếu như tôi ở lại Trung Quốc, ít nhất chúng tôi đã có thể sống một cuộc sống dù không giàu sang nhưng bình yên an lạc, không có sự chia cắt. Nhưng, thật xin lỗi, trái tim tôi đã bị bóp méo bởi ngọn lửa báo thù. Tôi nghĩ rằng số tiền đó sẽ hết lúc nào không hay, cuốn sổ chi tiêu ấy không chỉ để lại nỗi hận thù trong lòng tôi, mà còn khơi dậy lòng tham không đáy. Mà lần lưu đày này tuy bị coi là một cuộc lưu đày mang tính cưỡng ép, còn không bằng nói tôi tự nguyện đi còn hơn. Tôi tưởng tượng, rồi sẽ có một ngày nào đó tôi có thể đánh thẳng vương triều như Cơ Trùng Nhĩ, tôi cần phải rèn luyện để trở thành một vị tướng bất khả chiến bại, chứ không phải con sói đất chỉ biết trốn sau lưng sư tử ngồi ăn cơm thừa canh cặn.

Tôi tiếp tục học chuyên ngành của mình trong một trường đại học rất tốt. Mặc dù số tiền tôi có đủ để duy trì cuộc sống của tôi, nhưng chính tại lòng tham không đáy đã khiến tôi tìm mọi cơ hội để kiếm tiền. Các tiết học không nhiều lắm, chủ yếu là tự học. Chưa đến một tháng, tôi nhận được công việc dọn dẹp trong một nhà hàng. Bắt đầu làm việc từ sáng sớm 5 giờ, cọ bồn cầu và lau sàn trong 3 tiếng, sau đó lên lớp, tối về nhà ôn bài. Tuy nhiên, số tiền kiếm được không đủ để trang trải chi phí sinh hoạt cao ở London, mà mục tiêu của tôi, là nhất định phải tự nuôi sống bản thân.

Ngôn ngữ là vấn đề lớn nhất, tôi vốn dĩ đã rất kém tiếng Anh. Nghĩ mà xem, nếu bạn nói mà ai cũng không nghe hiểu, thì làm sao họ mời bạn đến làm việc được. Vì vậy, ngoài giờ học hàng ngày ra, tôi luôn luyện nghe đài bên tai, kể cả khi đi ngủ, bởi vì có người nói rằng luyện nghe khi ngủ có thể nâng cao phản xạ ngôn ngữ. Tôi thấy lưỡi mình không đủ linh hoạt khiến phát âm bị ảnh hưởng, vì thế tôi đã dùng một phương pháp thần kỳ không biết đã xem được ở đâu, đó là dùng một viên đá chẹn trong miệng mỗi khi nói chuyện. Tôi đã cố gắng dùng mọi cách nói chuyện với người dân bản địa, ngay cả khi họ bắt đầu mất kiên nhẫn và đảo mắt với tôi không biết bao nhiêu lần. Nhưng tôi không sợ, trong ngực tôi luôn có một gò đất đang cháy rực, vì tôi có tham vọng, nên những khuôn mặt chẳng qua chỉ là một lớp bị thịt không quan trọng.

3 tháng sau, tôi đã tìm được một công việc cho một tiệm thuốc Bắc, làm phụ việc. Cũng có nghĩa là khi người Tây đến đây khám bệnh, tôi sẽ giúp phiên dịch cho những thầy thuốc, hoặc bán các loại thuốc Đông y trong cửa hàng. Tiền lương ở đây cao hơn rất nhiều, có thể trang trải cho tất cả chi phí sinh hoạt của tôi ở London. Và cái giá tôi phải trả là bị viêm tai giữa do đeo tai nghe trong thời gian dài, hơn nữa còn có hiện tượng cổ họng bị phù nề lâu ngày do ngậm đá trong miệng trong khi nói. Tôi thường bị ảo giác thính giác, không thể nuốt được khi ăn, nhưng tôi lại thấy rất thoả mãn.

Tháng thứ 4, tôi nhảy sang một tiệm thuốc Bắc khác, vì đã có kinh nghiệm nên tiền lương cao hơn rất nhiều. Và vì thế, đổi lại tôi hầu như không có thời gian lên lớp, vậy nên bèn nộp lên trường đơn xin nghỉ học nửa năm để chuyển sang làm việc toàn thời gian.

Có người bạn nói với tôi, việc đó đúng là cầm đèn chạy trước ô tô, nhưng tôi đã bước đến đường không thể nghe lọt tai rồi.

Bọn họ nghĩ tôi thiển cận đến mức chỉ nhìn chằm chằm vào đồng lương chưa đến 700 bảng Anh, nhưng tôi luôn cho rằng, ở đây tôi có thể có được những thứ mà tôi không có được trên trường, không chỉ là tiền.

Vì tôi siêng năng nên chủ tiệm bắt đầu để tôi tham gia vào việc nhập hàng và xuất hàng. Sự khác biệt về giá cả giữa các loại thuốc, cộng thêm việc người Anh không hiểu nhiều về các loại thuốc Bắc lắm, khiến cho luật pháp về thuốc Bắc không mấy hoàn thiện. Chẳng trách nào người Hoa hầu như chỉ có hai loại công việc khi đến đây, một là mở cửa hàng ăn, hai là làm thuốc Bắc.

Không lâu sau Lễ Phục sinh năm thứ hai, tôi gần như đã có tất cả thông tin về xuất nhập hàng thuốc Bắc ở London, hơn nữa tiếng Anh của tôi cũng bắt đầu chuyển từ lắp bắp sang trôi chảy. Vì vậy, tôi đã đổi việc lần thứ ba. Cửa tiệm lần này là một trong hai chuỗi cửa hàng thuốc Bắc lớn nhất tại Anh, họ trả cho tôi 1000 bảng Anh một tháng, bao ăn ở.

Đầu những năm 2000, tôi khá hài lòng với mức lương này, vì công việc này đã giải quyết khoản thuê phòng tốn kém nhất, mà vì tham vọng nên tôi sớm đã không còn bận tâm đến việc ăn uống, miễn là dạ dày không trống rỗng là được. Thậm chí, tôi có thể nhập hàng từ 6 giờ sáng để đến 10 giờ đêm đóng cửa mà không cần uống ngụm nước nào. Vì vậy, mỗi tháng tôi hầu như không có gì đáng để chi tiêu. Điều khiến tôi vui nhất là, mỗi ngày trước khi đi ngủ, quy đổi tỷ giá hối đoái, nghĩ rằng mới 20 tuổi đầu mà tiền lương đã lên tới hàng vạn, dù tôi biết những điều này không thể thỏa mãn được tham vọng của tôi, nhưng dù sao đó vẫn là một khởi đầu tốt.

Ông chủ người Hong Kong thích sự chăm chỉ và thật thà của tôi, ông giao luôn cho tôi sổ sách để ông được rỗi việc, có lần ông không thèm đến của hàng cả mấy ngày, ngày duy nhất ông đến đúng giờ là mỗi tối chủ nhật khi tôi đã làm xong sổ sách và đưa tiền cho ông. Đương nhiên, sự siêng năng của tôi đã tạo khoản lợi nhuận to lớn cho ông ấy.

Kỳ nghỉ hè đã đến, tôi bắt buộc phải về nước, tôi cần phải làm giấy chứng nhận y tế để gia hạn thị thực du học cho năm sau. Một lý do khác là mẹ tôi nói với tôi qua điện thoại rằng cô Ninh Ninh sắp chết, vì ung thư vú.

Sân bay Amstel dam không làm tôi có hứng dạo chơi. Tôi chỉ đợi ở đây cho chuyến bay tiếp theo tới Bắc Kinh, không có tâm trạng nhìn ngắm dòng người ra vào phòng chờ.

Nghĩ tới việc sắp được gặp mẹ và bạn trai đã lâu ngày chưa gặp, nghĩ tới cảnh chờ đợi thê lương của bọn họ, nghĩ tới cô Ninh Ninh sắp nhắm mắt xuôi tay chỉ trong vòng một đêm, tôi không khỏi cảm thấy có chút sợ hãi, sự sợ hãi thất thường về sinh mệnh đời người, và sự sợ hãi về dòng chảy của thời gian.

Tôi cầu nguyện với trời, mong những người tôi yêu nhất định sẽ được sống một cuộc sống bình an, đợi tôi trở về. Tôi sờ túi tiền cất kỹ trong eo, đó là mồ hôi nước mắt trong cả năm ròng của tôi. Nghĩ rằng, chắc đổi thành nhân dân tệ chắc sẽ khoảng 10 vạn nhỉ, nghĩ đến đây lập tức vui lên.

Sắp cất cánh rồi, tai tôi ù đi, cái đau lại ập đến, tôi nhớ cả năm qua đã đi sớm về muộn, nghĩ về quá khứ, nghĩ về... tôi càng thêm sợ hãi, cái khó cái mệt này không thể sánh bằng một con số trong sổ tiền. Tôi nhìn đôi bàn tay thô ráp của mình, trên đó là chi chí những vết sẹo để lại do miết hộp các tông hoặc gì đó, tôi bỗng chốc không kiềm chế được cảm xúc. Tại sảnh chờ Amstel dam rọi nắng, những giọt nước mắt trào lăn trên gương mặt xanh xao và gầy gò của một cô gái trẻ, cùng những thăng trầm và nỗi tuyệt vọng không tương xứng với lứa tuổi của cô.

Cuối cùng, Tôi lấy khăn tay ra từ từ lau khô kính, quẹt đi giọt nước mắt tồn đọng trên mi. Nhìn đồng hồ, vẫn còn nửa tiếng nữa là máy bay cất cánh. Tôi đứng dậy kéo hành lý ra cổng.

Ở cửa hàng ven đường có một mô hình máy game Sony chơi thử miễn phí, vốn đã đi qua nhưng tôi lại chạy lại xem. Viết đến đây tôi chợt nở nụ cười, có vẻ như tôi vẫn có tâm hồn trẻ nhỏ, tuy vừa khóc lên khóc xuống như vậy, nhưng vẫn nên tranh thủ từng giây từng phút để chơi.

Người Nhật rất tinh ranh, đó là một trò chơi phiêu lưu nhập vai với bộ tay cầm có rung và đồ hoạ 3d, rất thú vị. Nhưng máy chỉ cho chơi miễn phí ải đầu tiên, khiến người ra nóng lòng mua sản phẩm họ quảng cáo. Tuy nhiên, tôi vẫn chơi đi chơi lại nhiều lần mà chưa biết thòm thèm. Nhưng vẫn không thể quên giờ bay, bèn lưu luyến buông ra, chạy vọt ra cổng.

Bắt đầu soát vé, xếp thành hai hàng, tôi thấy hàng bên trái vừa ít người hơn vừa nhanh hơn, bèn phát huy tiềm năng thi chạy hồi còn trong nước, lao tới phía đó chỉ với một sải chân. Nhìn phía trước, hàng người ngắn ngủi được chia thành với hai tiếp viên soát vé, chẳng trách tại sao lại nhanh như thế. Tôi khá tự hào vì mình có một đôi mắt tinh anh, đừng coi thường chỉ vì tôi đeo kính, nhắm chuẩn mới được gọi là mắt tinh.

"Xin lỗi, mời bạn sang bên kia xếp hàng." Nữ tiếp viên lịch sự ra hiệu bằng tay với tôi.

"Tại sao?" Tôi nghĩ, không phải chứ, phân biệt đối xử sao.

Nữ tiếp viên chớp chớp đôi mắt xanh và chỉ vào tấm biển phía sau tôi, tôi quay đầu lại nhìn, ôi thôi, hóa ra đây là khoang hạng nhất và hạng thương gia, mẹ nó, còn tôi là hạng phổ thông tiêu chuẩn, đứng đây để nổi bật hay sao?

Tôi hậm hực sụt sịt mũi, nói lời xin lỗi và xoay người chuẩn bị rời đi, nhưng lại nghe thấy nhóm người bên cạnh có vẻ đang cười nhạo tôi, tôi tròn mắt nhìn họ. Đó là một nhóm nam nữ trạc tuổi tôi trông rất xinh đẹp, ăn mặc thời trang lộng lẫy, ai nấy đều mang theo túi xách hàng hiệu. Sau khi ở Anh một năm, tôi đã có ít nhiều hiểu biết về các thương hiệu nổi tiếng, dù mua không nổi, nhưng lại thấy rất nhiều. Chết tiệt, đúng là có tiền thật tuyệt, trong lòng tôi bất bình.

Lúc đó, tôi nghe thấy tiếng Trung Quốc phổ thông quen thuộc từ trong đám người đó: "Lỗ mãnh y như thằng con trai vậy, lại còn khóc nhè." Tôi giận giữ nhìn lại, người nói là một cô gái với mái tóc buộc lên rất cao, đeo một chiếc kính râm prada cỡ lớn, chậc, cô nghĩ cô là siêu sao chắc? "Prada" thấy tôi nhìn ả, ả vội vàng quay người nhìn sang hướng khác. Ngay khi cô ả quay đi, đằng sau lưng cô xuất hiện một người đi đến, với chiếc túi màu táo đỏ dưới vai, mang một mái tóc dài hấp dẫn ánh nhìn người qua lại.