Viết Xuống Chút Hồi Ức

Chương 19




Lúc đó tôi đã thật sự cảm động, đi tới, ôm chặt chị vào lòng, tôi cảm nhận được hơi ấm của chị, tôi ép chặt đôi má chị, thầm nói trong lòng "Đương nhiên có thể", nhưng không tài nào nói ra được, tôi chỉ nói: "Đứa ngốc, Giáng Sinh đã qua rồi." Tôi ôm ghì lấy chị, chăm chú nghe tiếng thở đều đặn của chị phả qua vành tai, lúc đó, tôi thầm nghĩ, những ngày tháng sau này còn dài, tôi sẽ cẩn thận trân quý, sẽ không làm tổn thương chị.

Nhưng, cuộc đời vốn là một màn kịch, xin mượn một câu nói mà đã quên thấy được ở đâu, viết rất hay: "Một khi câu chuyện tươi đẹp bắt đầu, bi kịch đang trên đường đếm ngược."

Có lẽ câu chuyện này không phải đẹp đẽ gì, hoặc cũng có thể ngay từ khi bắt đầu đã là một bi kịch.

Sau này, sau khi chia tay lần cuối với chị không lâu, thị thực của tôi hết hạn, tôi không gia hạn hợp đồng với công ty của chị nữa, mặc dù tôi biết tôi có thể kiên trì ở lại, nhưng, cũng giống việc tôi chọn không lên xe chị vào đêm cuối đó, tôi chỉ nghĩ là, nếu như đã lỡ rồi, thì tôi cứ lỡ tiếp đi.

Sau này, tôi được giảng viên gợi ý cho đi làm ở công ty hiện tại của tôi, tiện cho việc làm luận văn tiến sĩ, vừa làm đã mất hai năm.

Ngay sau khi tôi vừa ký hợp đồng với công ty này (lúc đó tôi vẫn dùng điện thoại cũ), tôi nhận được một cuộc gọi từ Thẩm Phương. Qua điện thoại, chị vẫn như cũ với tôi, dùng giọng điệu nghe rất thân mật, nhưng cũng cảm giác như có hơi xa cách, cười và hỏi tôi rằng công ty mới đối xử với tôi như thế nào. Tôi nghĩ một lúc, và thay vì dùng giọng điệu đùa cợt thường ngày, tôi nói một cách rất nghiêm túc và chậm rãi: "Lương của em cũng khá, đủ để mình em, được sống tử tế."

Nói xong, tôi và chị cùng im lặng. Qua rất lâu rất lâu sau, chúng tôi cứ như thế, cầm điện thoại nghe nhưng không ai nói thêm một lời nào nữa, máy tôi bắt đầu vang lên cảnh báo hết pin, cuối cùng, điện thoại bị ngắt.

Tôi không gọi lại thêm lần nào nữa, đợi đến trưa ngày thứ Hai, tranh thủ bữa trưa, tôi lái xe vào thành phố ký một hợp đồng điện thoại mới, tôi không mở chiếc điện thoại cũ lên nữa, mãi tới khi hợp đồng máy hết hạn, tôi thủ tiêu nó.

Khi tôi bán đi căn nhà cũ ở thành phố, nhìn hợp đồng chuyển nhượng, trong giây phút ký tên, tôi thầm cầu mong, hy vọng những người đã từng yêu tôi có thể sống hạnh phúc.

Hôm nay viết đến đây thôi. Kết thúc cho một bài hát đẹp. Hiện giờ ở nơi tôi là 23 giờ 58 phút ngày 16 tháng 11, tôi cầu cho bản thân được hạnh phúc.

Chợt nghĩ tới một chuyện, tôi thấy ở đây hình như mọi người đều gọi những người như chúng tôi là: Les

Không biết có phải do trùng hợp hay không, tên của vở nhạc kịch này là "Les Miserables".

- --------

18-11-2006 - 05:59:22

Tôi hồi tưởng đến đâu rồi?

Thật ra sau ngày hôm đó không phát sinh chuyện gì cả. Chỉ là, có thể do hôm đó vì chị mà tôi rơi nước mắt, nên trong lòng cảm thấy gần gũi và ỷ lại chị hơn rất nhiều rất nhiều. Không sai, là ỷ lại, tôi là một người có tính ỷ lại rất cao, từ nhỏ tới giờ vẫn luôn thế. Trong lòng tôi nhất định luôn cần có người để tôi ỷ lại, không thì sẽ cảm thấy bản thân như con chó nhà lạc đường vất vơ không chịu nổi một ngày.

Sau khi đến Anh, đúng là lạ nước lạ cái, mẹ và bạn trai ở xa quá, không có sự tình đặc biệt gì, thường thì chỉ gọi điện thoại cho họ vào ngày cuối tuần, cước điện thoại rẻ mà.

Nên Thẩm Phương đã trở thành đối tượng mà sâu thẳm trong lòng tôi cảm thấy có thể ỷ lại. Tôi thấy chị đối xử với tôi rất tốt, tôi thấy chị xinh đẹp, lại còn có tiền, chỉ có vậy thôi. Lúc đó tôi không có bất kỳ suy nghĩ không nên có nào với chị, chỉ vô thức đem chị đưa vào suy nghĩ nhớ nhung mỗi lúc nhàn hạ, biến chị thành ảo ảnh để giết thời gian và xoá bỏ nỗi cô đơn, chỉ như một người chị lớn vậy.

Tôi nhớ ngày đó khi trở về nhà, tôi còn khoe với bạn trai rằng người phụ nữ có tiền đó đưa tôi đi chơi những gì ở Windsor. Tôi nhớ lúc đó bạn trai tôi còn dùng giọng điệu ghen tỵ mà nói: "Em yêu, em đỉnh thật đấy, nhanh như vậy đã chơi được cùng người của tầng lớp thượng lưu rồi."

Lúc đó, tôi thật sự rất mong có thể giao lưu cùng những người như Thẩm Phương và Sue, có thể gật gù đắc ý, thật quá đỗi hư vinh. Có lẽ, mọi thứ của bọn họ chỉ là sự phản ánh trong về cuộc sống mơ ước của tôi trong xã hội thực, tôi thường vô thức mơ tưởng rằng sẽ có một ngày nào đó tôi sẽ thành công giàu có như vậy, mặc dù tôi của ngày hôm nay biết tất cả những suy nghĩ ấy quá sức nực cười, nhưng thời điểm đó đúng thật tôi đã nghĩ vậy, có lẽ do còn quá trẻ.

Không lâu sau khi quay về từ Windsor, chuyện mà tôi luôn lo lắng cuối cùng cũng xảy ra. Cô gái mới chuyển đến đó đã hoàn toàn thế chỗ tôi. Tôi nhớ hôm đó khi ông chủ tới thông báo cho tôi về chuyện này, dù ngoài mặt tôi vẫn tỏ ra không có chuyện gì, nhưng khi quay về phòng vẫn không kìm được mà lặng lẽ khóc một trận.

Tôi biết mọi thứ sớm muộn gì cũng sẽ xảy đến, chỉ là khi chuyện thực sự đã xảy ra, không biết vì sao mà tôi có một loại cảm giác bịn rịn day dứt, tuyệt nhiên không phải chỉ vì tiền, đương nhiên là thiếu mất một khoản thu nhập cũng là một lý do.

Tôi đã làm nửa năm tại đây. Trong nửa năm đó, tiệm thuốc ấy đã dần dần trở thành chỗ dựa duy nhất của tôi tại London. Tất cả cuộc sống của tôi, tất cả gia sản của tôi đều gắn bó với tiệm thuốc đó.

Bỗng nhiên chỉ trong một đêm, tôi phát hiện mình đã không còn thuộc về nó nữa, tôi thấy như mình vừa bị ruồng bỏ, tôi cũng không thấy ông chủ đối xử tệ với tôi chỗ nào, "buôn bán kinh doanh, nể tình hỏng chuyện" câu này là bố tôi nói, tôi cũng hiểu, nhưng tôi vẫn rất buồn, rất không nỡ rời xa.

Tôi không đặt ra yêu cầu níu kéo gì với ông chủ cả, nghĩ rằng người ta đã nói thế rồi, nhất định đã phải nghĩ kỹ, tôi tội gì mà cần van nài thêm. Tôi cũng không nỡ mất đi miếng thể diện nào.

Tôi đã tìm được nhà trọ rất nhanh quanh dịp lễ Giáng Sinh, vì đa số visa du học ở Anh được cấp vào cuối tháng 12 hoặc cuối tháng 1 nên nhiều sinh viên quay lại Trung Quốc. Chỉ cần nhìn vào hộp thư của trường đại học hoặc trên bảng quảng cáo trong khoa, có thể dễ dàng tìm thấy những tin quảng cáo về việc chuyển nhượng phòng hoặc bán những món đồ cũ. Một số thậm chí còn được viết bằng tiếng Trung Quốc.

Tôi đã đại khái tìm được tầm 5-6 chỗ, tôi định nhận phòng của một nam sinh quê ở Hohhot. Căn phòng đó được tạo hình theo kiểu gác xép với dáng trần nhà dốc thoải. Căn phòng không lớn, chỉ khoảng tầm sáu mét vuông, trừ diện tích chiếc giường đơn, một chiếc bàn viết chưa đến một mét, một chiếc tủ cửa đôi ra, còn lại hầu như chẳng còn khoảng trống nào. Khi cậu ấy dẫn tôi đi xem phòng, tôi nhớ vì cậu ấy đang đóng gói hành lý nên trên nền nhà có một chiếc vali kéo rất to. Hai người cứ thế này: tôi đứng trong phòng, cậu ấy đứng ngoài phòng nói chuyện, bởi vì thật sự không có cách nào nhét thêm một người vào nữa. Vì chiếc vali kéo ấy quá to, nên chỉ cần hai người bước vào trong phòng thôi là sẽ kiss luôn được rồi.

Về tiền phòng, nếu như tính giá nhà là giá trên một mét vuông thì quả thực là quá đắt. Tuy nhiên, tôi vẫn sẵn sàng nhận phòng. Thứ nhất, vì vị trí của phòng rất đẹp, rất gần trường, đi bộ 10 phút là đến khuôn viên, cách mặt sau không xa là chuỗi siêu thị của Anh.

Hai là, tôi vô cùng thích cửa sổ của căn phòng đó, mở được rất to, bệ cửa sổ cũng rộng, khoảng cách so với mặt đất vừa vặn bằng chiều cao của cái ghế. Tôi nhớ khi lần đầu đi xem phòng, tình cờ nhìn thấy cậu ấy đang kê chiếc đệm lên bệ cửa sổ, lúc đó tôi chợt có chút rung động, tôi nghĩ, vào những lúc trời đổ cơn mưa, cứ ngồi trên bệ cửa sổ như thế, dựa vào cánh cửa ngẩn người nhìn dòng người đi lại dưới lầu, nói theo ngôn ngữ bình dân bây giờ, thật là tiểu tư sản.

Sau này, tôi đi xem những căn phòng khác, cái gì cách trường quá xa, cái thì xung quanh chỉ có những siêu bị bán giá cắt cổ. Thật ra những du học sinh thường cũng chỉ yêu cầu hai điều ấy thôi, hơn nữa nếu tính giá trên mét vuông có hơi đắt, nhưng tóm lại vẫn rẻ hơn chút ít so với những chỗ khác, mỗi tuần tiết kiệm được khoảng 5 bảng. 5 bảng Anh đối với tôi thời đó mà nói, việc dùng 5 bảng Anh ăn được cả tuần là chuyện rất bình thường: một hộp cánh gà, một túi khoai tây, một túi lớn cà rốt hoặc hành tây, lại còn có thể mua thêm một thanh Cadbury. Đâu có giống như bây giờ, 5 bảng Anh chỉ đáng tiền tip sau khi ra ngoài ăn.

Tôi nghĩ chỉ có mình tôi, ở nơi nào cũng được miễn là có chỗ duỗi chân, hơn nữa làm thạc sĩ nghiên cứu cần đầu tư nhiều công sức vào việc học, ở chỗ nào gần hơn được bao nhiêu tốt hơn bấy nhiêu. Vì vậy, tôi đã quyết định nhận phòng.

Tối đầu tiên chuyển nhà, tôi lại khóc một trận khi ngồi trong chuồng gà của tiệm thuốc, thời điểm đó tôi luôn thích cứ động tí là lại trốn đi và khóc. Khóc xong, tôi cầm máy ảnh lên và chụp ảnh xung quanh hiệu thuốc, chụp đèn biển hiệu, chụp cửa hàng Ấn Độ và Pakistan sát vách, chụp đèn giao thông ở góc rẽ, tôi cũng chụp cả tòa nhà cũ được xây từ năm 1940 đối diện với cửa sổ phòng tôi.

Trong nửa năm qua, tôi thường tựa vào cửa sổ, thẫn thờ khi nhìn toà nhà đối diện tiệm thuốc, có lúc nhớ nhà, có lúc lại tưởng tượng, thời điểm toà nhà ấy được xây là khi chúng tôi còn đang chiến đấu với lũ giặc Anh, sau bao nhiêu năm trôi qua, những anh hùng khách chiến năm đó đều đều biến thành tro tàn mây khói theo dòng chảy của thời gian, hoá thân thành những hình ảnh đen trắng in trên trên trang sách, nhưng toà nhà năm ấy vẫn đứng sừng sững ở đó, chứng kiến nhìn những thăng trầm của cuộc đời qua biết bao ngày đêm, và rằng đã có bao nhiêu cặp mắt đã chăm chú nhìn vào nó như tôi đã từng?

Đêm đó, tôi xúc động rất lâu, cuối cùng ngồi xuống. Đột nhiên, tôi nghĩ đến Thẩm Phương. Tôi hơi do dự liệu có nên gọi cho chị ấy không, dù có thể người ta không coi trọng tôi lắm, nhưng dù gì cũng đã có một vài lần tiếp xúc, ít nhất tôi coi chị ấy như một người bạn, mà mình chuyển nhà cũng cần nói cho bạn bè một tiếng, đó là một phép lịch sự. Hơn nữa, lúc đó tại London, tôi thật sự không thể nghĩ ra ai khác để báo một tiếng ngoài chị ấy ra.

Sau khi suy nghĩ, tôi gửi cho chị ấy một tin nhắn, viết: Em chuyển nhà rồi. Nghĩ một lúc, lại bổ sung ở phía trước: Chị có khỏe không? Em là Cảnh Minh.

Rất nhanh sau đó chị ấy đã gọi lại, hỏi tôi: "Sao em lại muốn chuyển nhà?"

Tôi nói: "Sắp vào học rồi, em phải chuẩn bị học hành cho tốt, nên muốn chuyển đến gần trường hơn...."

Chị nói: "Cũng phải, chỗ em ở xa trường quá."

Chị không hỏi liệu tôi có còn làm chỗ đó hay không, tôi cũng không nói gì cả. Tôi rất vui vì chị không đề cập đến chuyện đó, sau cùng, dù gì tôi nghĩ chuyện bị sa thải thật đáng xấu hổ.

Sau đó, chị hỏi khi nào tôi sẽ chuyển đi. Tôi nói ngay ngày mai. Chị ngay lập tức nói rằng có thể đưa tôi đi bằng ô tô. Tôi đã từ chối hai lần, nhưng cuối cùng cũng chấp nhận, đúng thật tôi cần một chiếc xe để chuyển hành lý. Vốn dĩ tôi định chuyển bằng xe buýt, đi tới đi lui chậm như kiến chuyển nhà, hồi đó tôi không có đủ tiền để thuê taxi.

19-11-2006

Ngày hôm sau, với sự giúp đỡ của Thẩm Phương, tôi đã chất tất cả hành lý và những đồ lặt vặt của mình, gồm cả những đồ gia vị lên chiếc Bentley của chị. Khi đó tôi mới biết hoá ra cốp xe đằng sau chiếc Bentley lớn như vậy, đến mức tôi nghĩ nó có đủ không gian cho hai người ngủ trong đó, nghĩ lại, một chiếc xe tuyệt vời như thế tự dưng lại bị tôi biến thành phương tiện vận chuyển, quá xá ngầu.

Xe chạy, tôi dõi theo ngôi nhà nơi tôi từng vất vả làm việc và từng rơi nước mắt ấy dần dần khuất bóng qua cửa kính ô tô, quay đầu lại trong vô thức, nhìn căn nhà, nhìn mặt tiền cửa hàng nơi tôi từng đóng cửa và mở cửa không biết bao nhiêu lần.

Trái tim tôi rất chua xót, tôi cứ ngoái đầu lại như vậy, và rồi, có bàn tay dù lạnh nhưng rất mềm mại nhẹ nhàng vươn tới áp lên tay tôi. Đó là lần tiếp xúc thân mật đầu tiên của tôi và Thẩm Phương.

Tôi cảm thấy một tia ấm áp trong trái tim mình, cũng có một chút căng thẳng. Tôi do dự, thò ngón tay cái ra và gõ nhẹ hai lần vào đầu ngón tay cô ấy. Tôi nghĩ, những người Hong Kong khi muốn nói cảm ơn với người rót trà sẽ gõ hai cái lên bàn ăn, nên tôi làm như vậy, không biết chị có hiểu không. Sau đó, tôi rút tay lại để giả vờ kéo dây an toàn. Tôi không có bất kỳ suy nghĩ nào khác, chỉ là trong tiềm thức, không biết tại sao lại thấy hơi lo lắng và xấu hổ.

Khi đến nhà mới, tôi không nhờ Danny giúp mang đồ lên lầu, tôi luôn thấy hơi xấu hổ vì đã làm phiền họ nhiều đến vậy. Đồ đạc của tôi được đặt ở phòng khách tầng một, tôi tiễn Danny ra ngoài, ban đầu Thẩm Phương muốn xuống xe nhưng tôi đã ngăn lại, chị cũng không nài nỉ.

Kể từ đó, tôi bắt đầu phát hiện ra rằng tính cách của Thẩm Phương thật ra rất dễ gần. Hầu như tôi chưa bao giờ thấy chị bắt bẻ ai ở nơi công cộng, và hầu như lần nào có ai đó nài nỉ, chị đều dễ dàng thỏa hiệp.

Cho dù có xảy ra bất đồng quan điểm, chị cũng không bao giờ nói thẳng ra, chỉ toàn vẽ đường cho người ta, để đến cuối cùng người ta sẽ tự hiểu. Tôi đã từng nghi ngờ rằng người như vậy làm sao có thể trở thành bà chủ được.

Sau này, khi chúng tôi đến Thượng Hải, tôi đã hỏi Thẩm Phương câu đó, nói: "Bà chủ như chị thật không có uy lực gì cả." Lúc đó Thẩm Phương đã bật cười, nói với tôi rằng, theo quan điểm của chị, với tư cách là một bà chủ, ta Không thể để nhân viên vừa nhìn thấy ta đã sợ và trốn tránh, mà hãy để họ vừa nhìn thấy mình đã thích mình, và cảm thấy được làm việc với mình là một điều rất hạnh phúc. Dùng cách nói của chị, đó chính là "sự hòa hợp".

Khi đó ở Trung Quốc, có câu nói rất nổi tiếng của chủ tịch mới nhậm chức: "Quan không sợ tôi nghiêm, mà sợ tôi liêm khiết, dân không phục tôi tài, mà phục tôi công bộc." Trong hai năm sau, tôi thấy đầy ắp trên các trang mạng đều là hai chữ "hoà hợp" này mà càng thêm nể phục Thẩm Phương, đương nhiên, điều này có lẽ có liên quan đến tính cách trời sinh của chị.