Chương 76: Lương bổng và luật pháp
Một tuần sau.
"Mọi thứ đã sẵn sàng! Thủ trưởng! Bao giờ thì xuất phát?" Cao Bá Quát hướng về phía Lý Bôn báo cáo.
"Tốt! Tập họp mọi người! Một giờ sau sẽ lên đường! Ta cần gặp thủ lĩnh có chút việc!"
"Thủ lĩnh đang ở khu vực nông trường có cần ta dẫn thủ trưởng tới đó không?"
"Không cần, để ta tự đi!"
"Được, ta sẽ đợi ngài ở cổng phía tây!"
Nói rồi, Cao Bá Quát rời đi, Lý Bôn cũng nhắm hướng nông trường mà đi đến.
Nông trường là một khu vực rất rộng lớn, nằm phía Bắc của Hồng thôn. Nơi đây được xây dựng nhiều nông trại chăn nuôi, hầu hết các loài vật phục vụ cuộc sống Hồng thôn đều ở đây.
Hàng loạt ao cá cũng được đào bên cạnh khu vực chuồng trại. Bao quanh toàn bộ khu vực là những liếp rau xanh um với đủ mọi giống loài được nhân giống rộng rãi.
Thấp thoáng xung quanh cũng có những ngôi nhà gỗ mọc lên dành cho nhân viên chăm sóc.
Ban đầu nông trường nằm ngay trong khu vực gò đất Hồng thôn. Nhưng với sự mở rộng không ngừng của các giống vật nuôi cây trồng, Nguyễn Long đã cho kiến tạo một nông trường rộng lớn hơn phía ngoài, được đặt tên nông trường Vĩnh Phúc.
Khu vực nông trường cũ nằm phía trong được dùng vào việc nghiên cứu nhân giống, các hoạt động mang tính bí mật của Hồng thôn.
Không bao lâu sau, Lý Bôn đã đến nông trường Vĩnh Phúc. Qua thăm hỏi, ông ta đến thẳng nơi Nguyễn Long đang có mặt.
"Thủ lĩnh, mọi thứ ngươi dặn đã sẵn sàng! Ngươi quyết định không đi cùng chúng ta?"
"Không cần! Chẳng lẽ Lý Bôn ngươi không có tự tin đến thế sao?"
"Cũng không phải! Nhưng từ trước đến nay ta chưa làm việc này bao giờ! Chỉ sợ không được như ngươi mong muốn!"
"Ngươi cứ làm hết sức mình là được! Cao Bá Quát sẽ là quân sư của ngươi! Hắn theo ta đã lâu, là người hiểu rõ ý ta nhất! Nên nhớ lúc cần mềm thì mềm, lúc cần cứng thì nhất định phải cứng!"
"Nhưng mà..."
"Không cần lo lắng! Đây coi như là bài thực tập đầu tiên của thủ trưởng ngoại vụ ngươi! Sau này sẽ còn nhiều nhiệm vụ khó khăn hơn thế! Ta tin ngươi làm được", Nguyễn Long vỗ vỗ vai Lý Bôn.
"Cám ơn thủ lĩnh, ta sẽ cố gắng không phụ kỳ vọng của ngươi!"
"Đi đi, ngươi nhất định sẽ làm được!"
Lý Bôn không nói gì thêm, quay người rời đi để lại một mình Nguyễn Long.
Hắn tiếp tục xem xét những nhân công làm việc tại nông trường Vĩnh Phúc.
Nơi đây được quy hoạch rất rõ ràng, vẫn theo mô hình vườn ao chuồng nhưng với diện tích to lớn hơn rất nhiều.
Có đến hơn ba mươi ao cá nằm chính giữa nông trường, mỗi ao rộng tầm một ngàn năm trăm mét vuông. Chúng được đào thành ba hàng, mỗi hàng mười ao.
Để thực hiện công trình này, Hồng thôn đã bỏ ra rất nhiều công sức. Nên nhớ dù mọi người ở đây ai cũng là dân tu luyện có sức khoẻ hơn người, nhưng đất đai ở đây cũng vô cùng rắn chắc, càng không thể dùng linh lực để tác động. Nên bọn họ chỉ có cách dùng sức mà làm.
Nguyễn Long cho rèn hàng loạt dụng cụ cần thiết để đào ao như xẻng, len đào đất. Ngoài ra có có số lượng lớn xe bò (bánh xe được làm bằng gỗ) để vận chuyển đất đã đào được ra bên ngoài tạo thành liếp để trồng rau. Hiện tại đã hoàn thành và thả cá được hơn mười ao.
Giữa các ao cá là từng dãy chuồng trại để chăn nuôi. Hiện tại gà vịt là loài chiếm số lượng lớn nhất Hồng thôn. Trứng của chúng đã được đưa vào bữa ăn chính của Hông thôn. Còn thịt thì cung cấp mỗi tuần một lần. Ngoài ra, Nguyễn Long còn phân phát chúng ra cho các chi thôn, khi phát triển đủ số lượng sẽ để phân phát lại cho các hộ gia đình, trở thành tài sản riêng của bọn họ.
Đối với các loài khác như trâu bò heo dê,...số lượng vẫn chưa đủ nhiều để phân phát. Nguyễn Long vẫn giữ nguyên tại nông trường để chăn nuôi, chỉ cung cấp một phần thịt từ heo và một phần sữa từ dê vào bữa ăn của người dân.
Khu vực trồng rau nằm phía ngoài, bao bọc toàn bộ khu vực, chúng được phân chia thành từng phần riêng biệt trồng từng loại rau củ quả khác nhau. Cũng có một vài trường hợp xen kẽ. Tùy vào đặc điểm của giống cây trồng.
Ngoài khu vực nông trường, các cây giống đã được đưa về cho mỗi hộ gia đình trồng lấy, đây là tài sản riêng của bọn họ. Đất đai Hồng thôn hiện tại rất rộng lớn nên ai muốn trồng bao nhiêu thì trồng bấy nhiêu miễn là có sức để làm. Nếu làm chết sẽ phải dùng lương bổng của mình để đổi lấy giống mới về trồng, chỉ cung cấp miễn phí một lần mà thôi.
Mọi người Hông thôn đều sẽ được cấp phát lương thực khi làm việc. Bọn họ sẽ tự nấu ăn lấy. Những đồ dùng sinh hoạt cũng sẽ cấp phát miễn phí một lần. Nếu hư hao muốn đổi mới cần phải trả tiền.
Hiện tại tiền tệ vẫn chưa có nên lương thực được coi như tiền tệ. Lấy lúa gạo làm chính, vì lúa gạo có thể để lâu lại có thể chống đói. Từ lúa gạo, Nguyễn Long và thủ trưởng tài chính Mai Thị Xuân lập ra một hệ quy đổi cụ thể, từ thức ăn, rau củ, dụng cụ sinh hoạt,...
Mỗi tuần sẽ được cấp phát lương một lần. Bao gồm một phần lúa gạo (hoặc khoai, bắp theo hệ quy đổi), một phần trứng, thịt hoặc cá, rau củ quả,... Những thứ không thể để lâu như thịt cá, rau củ thì có thể nhận lúa gạo, rồi khi nào cần lại dùng chúng để lấy thịt, cá...
Các công việc đều có một mức lương cụ thể, cao thấp khác nhau chứ không phải ai cũng giống như nhau. Nhưng tiên quyết là không để bọn họ bị đói trừ khi quá lười biếng.
Năng suất làm việc của bọn họ sẽ được quản lý chặt chẽ, làm tốt sẽ có thưởng, còn không sẽ bị phạt vào phần lương thực nhận được. Những thứ dư ra họ có thể tích trữ trở thành tài sản riêng của mình. Ai siêng năng cần cù sẽ trở nên giàu có, ai lười biếng sẽ nghèo khó.
Những công việc nhẹ nhàng hay quản lý sẽ có mức lương riêng nhưng đòi hỏi cũng khá cao. Nếu bên dưới làm việc không nghiêm túc, người bên trên sẽ bị phạt.
Trẻ em đang độ tuổi đi học và những người già yếu, bệnh tật, không thể làm việc sẽ được cấp phát thức ăn miễn phí.
Ngoài ra Nguyễn Long cùng với nhóm Thẩm phán còn ban hành một bộ luật sơ khởi gồm 10 điều cấm, đặt tên là Hồng luật:
Thứ nhất là phản bội quê hương đất nước.
Thứ hai là bất hiếu.
Thứ ba là giết người.
Thứ tư là bất công.
Thứ năm là vô ơn.
Thứ sáu là ngoại tình.
Thứ bảy là trộm cắp.
Thứ tám là gian dối, đặt điều vu khống.
Thứ chín là không bảo vệ của công.
Thứ mười là không bảo vệ thiên nhiên.
Đây là mười điều tóm gọn của Hồng luật. Trong đó mỗi điều đều có trường hợp cụ thể và thưởng phạt tương ứng.
Điều một là về tội phản bội quê hương là tội nặng nhất, chúng bao gồm việc cấu kết với người bên ngoài giết hại dân mình, đem bí mật của mình cho bên ngoài để đổi lại lợi ích riêng, làm thiệt hại đến lợi ích của quê hương,... Tùy vào mức độ mà sẽ có hình phạt tương ứng. Nặng nhất là xử tử trước mặt toàn dân, gia đình sẽ bị tịch thu toàn bộ tài sản, tự sinh tự diệt.
Tội nặng thứ hai là bất hiếu, bao gồm không chăm sóc cha mẹ đã già, đối xử tệ bạc, hành hạ, xúc phạm cha mẹ còn sống cũng như khi đã chết,... Hình phạt nặng nhất sẽ tịch thu tài sản đưa vào quỹ người già yếu, đánh đòn và lao động khổ sai trong ba năm.
Điều ba là về tội giết người bao gồm xâm hại đến mạng sống người khác, hành hạ, đánh đập, tra tấn người khác, kể cả việc phá thai,... Hình phạt nặng nhất là xử tử trước toàn dân.
Điều bốn là về tội bất công là việc bóc lột sức lao động, chèn ép, ức hiếp người yếu thế, ngoài ra thấy chết mà không cứu, từ chối giúp đỡ người hoạn nạn dẫn đến khốn khổ của họ,... Sẽ phải đền bù các thiệt hại đã gây ra, đánh đòn, phạt tài sản và lao động công ích.
Điều năm: tội vô ơn là việc dùng oán để trả ơn, không nhớ đến việc người khác đã giúp đỡ mình trong lúc hoạn nạn, tệ bạc không có nhân tính,... Tội này dùng để bảo vệ những người giúp đỡ người hoạn nạn ở điều số 4. Hình phạt nặng nhất là trả lại những gì mà ngta đã giúp mình và toàn bộ những thứ từ việc giúp đỡ đó mà ra. Ví dụ: tôi cho anh một đồng để làm ăn khi anh không có gì, sau khi thành công anh vô ơn, xúc phạm tôi. Thì anh phải trả tôi một đồng đó và tất cả những gì từ một đồng đó anh làm ra, nghĩa là toàn bộ những gì hiện tại anh có. Dĩ nhiên việc này cũng có mức độ nhất định tùy vào tình huống.
Điều sáu là tội ngoại tình, về tội này ưu tiên cho nạn nhân là vợ hoặc chồng của người ngoại tình quyết định có xử tội hay không. Nếu xử những người ngoại tình sẽ bị tước mọi quyền lợi và tài sản trao cho vợ hoặc chồng của họ. Còn bản thân sẽ phải chịu lao động khổ sai trong ba năm bất kể nam nữ.
Điều bảy là trộm cắp. Nặng nhất là trộm của công. Phải trả lại gấp đôi tài sản đã trộm được. Nếu không trả nổi phải lao động làm việc trong sự quản thúc đến khi nào trả hết mới thôi.
Điều 8 là gian dối, đặt điều vu khống gây thiệt hại đến người khác, bao gồm của việc buôn bán lọc lừa phải xin lỗi họ trước toàn dân, tự vả miệng mình ba cái, đền bù những thiệt hại đã gây ra và lao động công ích tùy vào thiệt hại.
Điều 9 không bảo vệ của công, hoặc phá hoại của công, không chịu xây dựng phát triển,... (Có dính líu đến thuế, tham nhũng). Phải đền bù toàn bộ những thiệt hại đã gây ra, đánh đòn trước toàn dân và lao động khổ sai hoặc công ích tùy vào mức độ.
Điều 10: Không bảo vệ thiên nhiên hay phá hoại thiên nhiên. Đây là điều Nguyễn Long chỉ dự phòng cho tương lai chứ thực ra hiện tại cũng chưa cần thiết lắm nên cũng chỉ phạt tìm cách phục hồi thiệt hại đã gây ra, nếu không được thì đền bù bằng cách khác.
Nói tóm lại mười điều trong Hồng luật chỉ là những điều căn bản nhất. Từ đó mới phát triển một cách chi tiết, cụ thể. Dĩ nhiên bản thân nó cũng có khá nhiều thiếu sót. Đợi đến khi nào mọi sự ổn định, hắn sẽ sửa đổi bổ sung và có thể bê cả bộ luật quốc tế trước kia vào thực hiện.