Vị Của Anh

Chương 3-3: Thế giới như lúc đầu




Thuỵ Nhiên lặng yên nhìn mẹ từ tốn rót cho cô một chén Bích Loa Xuân. Sau bao nhiêu năm xa cách, thì cô nhận ra ngoài dáng hình ra bà không có quá nhiều thay đổi. Đôi mắt của bà vẫn êm ru, lung mờ sương khói như hồ Tây vào kì lập Xuân. Đôi tay của bà khi cầm nắm thứ gì đó đều cong lên yêu kiều, khoé miệng của bà vẫn hơi mím thành một nụ cười. Đôi khi nó không phải là vì bà đang vui, chỉ là một thói quen được hình thành từ bé.

"Con gầy quá!" Bà Bích nhấp môi vào lòng trà thơm ngát, mi mắt cụp xuống.

Thuỵ Nhiên cũng uống trà, cô hơi cười nhẹ: "Vâng."

"Mẹ nghe nói nhiều về con."

"Họ nói sao ạ?"

"Một đứa trẻ không ra gì."

Lần này thì Thuỵ Nhiên đã bật cười: "Mẹ có thất vọng về con không?"

Bà Bích lắc đầu, vẻ mặt hiện lên một nét bao dung và thấu hiểu: "Chỉ có mẹ biết rõ con là người như thế nào. Con là một đứa trẻ tốt, sâu trong con, luôn luôn tồn tại một sự tốt đẹp."

Đặt chén trà xuống, Thuỵ Nhiên đưa ngón tay mình vuốt ve bàn trà bằng mây mà mẹ đã đặt nghệ nhân làm riêng. Trong khung cảnh tĩnh lặng và đầy tính nguyên bản này, Thuỵ Nhiên với mái tóc và cách ăn mặc của mình như một nét chấm phá. Cô không lạc lõng, nhưng rõ ràng cũng chẳng phải kẻ thuộc về nơi đây. Cô như một kẻ đang dạo chơi.

"Đó là vì mẹ là mẹ của con ư?" Thuỵ Nhiên hỏi. "Vì người mẹ nào cũng nghĩ tốt về con của họ, cho dù đứa trẻ đó có làm những điều sai trái đến đâu."

"Không, mẹ đã rời xa con đủ lâu để có cái nhìn khách quan hơn. Con biết mà."

"Mẹ không hỏi tại sao hôm nay con mới đến thăm mẹ ạ?"

"Con có đến thăm mẹ đâu."

Như bị nhìn thấu tâm can, Thuỵ Nhiên cụp mắt xuống để che giấu sự thất vọng của mình. Cô chờ đợi những suy nghĩ của mẹ sẽ được tiết lộ trong giây lát.



"Dáng vẻ của con như thể muốn chào tạm biệt mẹ. Con sẽ đi đâu khỏi thành phố này à?"

Thuỵ Nhiên tưởng mình có thể oà lên khóc ngay lúc đó, rồi lao vào lòng mẹ để hít hà Mùi Mẹ như một đứa trẻ chưa đầy tuổi. Cô ước có thể làm thế, nhưng cô không làm được. Những xa cách giữa hai người là mười năm. Trong mười năm đó, cô đã đủ sức dìm chết những yếu đuối trước mẹ rồi. Hay nói cách khác, những dũng khí có thể nói yêu mẹ, ôm mẹ đã không còn nữa.

Cô nói: "Con sẽ đi, rất xa."

"Mẹ có được biết nơi đó không?"

Thuỵ Nhiên lắc đầu: "Mẹ sẽ không bao giờ gặp lại con nữa."

"Vậy đây sẽ là lần cuối cùng của chúng ta à?"

"Mẹ có bao giờ muốn con ở bên đời mẹ không?"

"Ra đây là điều con muốn biết." Bà Bích lại rót một chén trà khác. Có vẻ như bình trà đã sắp cạn.

Tiếng chim hót ríu rít, tiếng nước chảy róc rách tại hòn non bộ gần đó, tiếng lá cây va vào nhau vì gió như một bản giao hưởng của thiên nhiên. Những ký ức tràn về từ một miền xa khơi. Trái tim bồi hồi nhưng không vội vã đập, nó chờ đón một khoảnh khắc khác. Một lời thú tội.

"Có." Bà Bích trả lời. "Mẹ là người duy nhất mong mỏi có con bên đời."

"Vậy sao mẹ..."

"Vì đó là lựa chọn của mẹ. Mẹ nghĩ nó là lựa chọn tốt nhất cho ông ấy, cho con và cả cho mẹ."

"Chính là để chúng ta phải sống trong cô đơn suốt chừng ấy năm hay sao hả mẹ? Lựa chọn của mẹ là thế ư?"

"Con đã cô đơn vì điều này sao? Hay là do tuổi trẻ làm con cô đơn."

Thuỵ Nhiên mở to mắt, cô không ngờ mẹ lại nghĩ như thế. Mẹ tưởng cô có thể sống tốt khi không có bà, bà tưởng những nông nổi của cô là do tuổi trẻ, là do quá trình phát triển tâm lý mà ra thôi sao?

Nếu một con chim lạc đàn nó sẽ bay mãi để tìm đàn của nó. Nếu một đứa trẻ mồ côi, nó sẽ luôn muốn biết bố mẹ nó là ai. Nếu một đứa trẻ bị ruồng bỏ, nó sẽ luôn cần biết lý do là vì sao. Với Thuỵ Nhiên, cô đã bay mười năm trời để có được ngày hôm nay. Ngồi với mẹ, để rồi nghe mẹ nói rằng lựa chọn này là tốt nhất cho tất cả mọi người.

"Con hy vọng mẹ sẽ hạnh phúc." Thuỵ Nhiên cúi đầu, nói bằng một giọng lễ phép. "Hy vọng lựa chọn này sẽ khiến mẹ hạnh phúc."

"Mẹ không hạnh phúc. Mẹ đã hối hận rồi Nhiên ạ."

Thuỵ Nhiên ngẩng đầu, một bất ngờ khác chồng chéo lên những nỗi thất vọng mà mẹ vừa kéo đến.

"Là sao ạ?"

"Là bây giờ, mẹ ước năm đó mẹ sẽ đưa con đi cùng. Con còn quá nhỏ để có thể hiểu được."

Làn môi của Thuỵ Nhiên run lên, cô thấy lớp vỏ băng lạnh ở tim mình dần dần tan chảy ra, để lộ lớp thịt hồng non nớt, thoi thóp, đỏ hỏn.

Trong sự vắng lặng và tịch mịch, giữa trà thất này, Thuỵ Nhiên và bà Bích ôm chặt lấy nhau. Không ai biết họ có khóc hay không. Nếu có chắc cũng sẽ bị chôn vùi giữa không gian mênh mông tiếc nuối.

Vĩnh đứng ngoài cổng, nhìn đồng hồ tíc tắc không mục đích. Anh không xem giờ, anh chỉ nhìn kim đồng hồ đang đuổi nhau vô vọng. Thời gian không bao giờ dừng lại cả, nó đốt cuộc đời từng khắc một. Nhưng âm ỉ và không tạo ra mất mát quá lớn. Đến khi người ta nhận ra những việc nó đã làm với họ, thì cũng là lúc không thể cứu vãn được nữa rồi.

...

Như đã nói, con người không thể nào thay đổi nhanh như cách chúng ta chớp mắt nếu không thực sự gặp một cú sốc nào đó, hoặc họ đang điên cuồng ham muốn một thứ gì đó. Thật trùng hợp là Ngọc lại có tất cả chúng.

Một cú sốc, và một ham muốn.

Khuôn mặt cứng rắn của cô đang mềm oặt ra vì tức giận, vì hốt hoảng, vì đau khổ. Bàn tay thì nắm chặt lại, cảm tưởng như móng tay có thể đâm thủng lớp da. Có một con quỷ đang muốn thoát ra khỏi có thể của cô, nhưng nó không tìm được đường.

Trước mắt cô là người cậu đáng kính. Ông ta ngồi trên chiếc ghế sô pha quen thuộc, với các lớp rèm được đóng kín. Âm nhạc bolero do những danh ca đầu thập niên 80 như một lớp sương mù bao quanh không gian. Chúng không tan biến đi, mà chỉ lững lờ và làm người ta khó chịu. Ông ta vừa mới tuyên bố với Ngọc rằng số tiền tiết kiệm của mẹ cô đã không còn nữa. Do hai vợ chồng ông đã dùng nó để nuôi dạy cô mấy năm vừa qua. Một kiểu giải thích nhẹ nhàng và lý do cũng rất đơn giản thôi, nhưng nó kéo Ngọc vào một cảm giác như bị phản bội.

"Cháu không tin điều đó, cậu đã hứa với mẹ sẽ đưa lại số tiền đó khi cháu đủ mười tám tuổi."

"Phải. Nhưng lời hứa đó là dành cho người chết. Không phải dành cho cháu."

Ngọc van lơn: "Cậu...Cháu cần số tiền đó! Có nó cháu sẽ đi khỏi nơi này, cháu sẽ không làm phiền cậu mợ nữa."

"Nếu cháu thấy cậu lấy nó là bất hợp pháp thì hãy báo công an đi. Nhưng như vậy có phải là quá vô ơn không? Khi mà cậu đã nuôi dạy cháu từng ấy năm?"

Bà Tuyết từ đằng sau Ngọc vén rèn đi tới, đôi môi nhếch lên khi thấy sự sững sờ của Ngọc. Ai cũng đã đoán ra được điều này mà! Con bé đã hy vọng vào số tiền đó, nó ở bên vợ chồng bà là vì số tiền này thôi.

"Thôi nào, chuyện cũng đã xong rồi. Mày phải tính toán đi, mày học giỏi mà. Số tiền hai trăm triệu kia tao nuôi mày một năm là hết. Tính ra mày còn nợ tao với cậu mày một khoản kha khá ấy chứ."

"Nhưng đó là tiền của mẹ cháu!" Ngọc gào lên.

Ông Sinh đưa tay lên miệng suỵt khẽ: "Sao phải xúc động mạnh như thế nhỉ? Chỉ là hai trăm triệu thôi mà."

Nhưng không có nó, cô sẽ không thoát khỏi được họ. Nó là sự chịu đựng suốt những năm tháng qua của cô. Đó là món quà, là tình yêu cuối cùng mẹ để lại cho cô. Tại sao họ - những người chung dòng máu với cô lại có thể lấy đi? Tại sao họ lại đối xử với một kẻ đáng thương như cô theo cách đó? Là vì họ không có con sao?

"Cháu sẽ thuê luật sư kiện hai người."

"Ồ vậy sao? Có bằng chứng không đã. Cẩn thận lại bị kiện ngược đấy." Ông Sinh nhún vai. "Cháu biết cậu không muốn nhiều lời mà."

Khác với bà Tuyết, ông Sinh là một kẻ sẵn sàng huỷ diệt đối phương trong âm thầm. Cái dáng điệu gầy gò nhưng không ốm yếu của ông ta luôn tạo một cảm giác nguy hiểm rình rập. Không ai biết ông ta sẽ hành động ra sao, không ai biết ông ta đang nghĩ gì. Khi ông tung đòn, tức nghĩa đó sẽ là một đòn kết liễu.

Bà Tuyết chậc chậc vài tiếng: "Mà sao mày có thể đòi lại số tiền đó nhỉ? Mày ở với chúng tao vì nó à?"

"Phải đấy." Ngọc hất hàm đáp. "Tôi ở với các người lâu đến vậy là mong một ngày tôi có thể cầm tiền và chạy khỏi các người."

Bà Tuyết đi tới gần và vung tay tát Ngọc. "Mày dám nói cái giọng đó với tao?"

"Tôi còn có thể nói hơn thế. Cây độc không trái, gái độc không con. Bà không sinh đẻ được là đúng lắm. Bà mà đẻ thì con bà cũng chết."

Nhanh như cắt, chiếc loa bluetooth bay về phía Ngọc. Khuôn mặt cô bị nó va đập theo một lực rất mạnh. Máu mũi chảy ra và mắt hoa lên, Ngọc lảo đảo ngã ra sau. Cô cố gượng dậy, nhìn về phía cậu mình. Trông ông ta vẫn như thể chẳng làm gì cả, ông đang ngắm nhìn những ngón tay của mình. Còn bà Tuyết thì có đôi chút hốt hoảng, nhưng tựu chung lại vẫn tràn ngập hả hê.

"Mày nên biết mồm biết miệng đi, tao đánh mày vì ngăn chuyện không may xảy đến với mày đó. Đừng để cậu mày nóng." Bà Tuyết nói, đồng thời liếc nhìn chồng mình.

Ngọc lau máu mũi của mình, lồm cồm bò dậy. Cô nhìn những con người này như để khắc sâu họ vào sự thù hận của mình. "Kể cả có giết tôi thì cũng chẳng khiến tôi sợ hơn đâu."

"Mày muốn tao giết mày á?" Ông Sinh lừ mắt.

Ngọc im lặng, liếc thấy bà Tuyết đang đặt một ngón trỏ lên môi ra hiệu cho cô dừng những lời khiêu khích của mình. Điều đó chỉ càng làm cô hăng máu hơn: "Ông không giết được tôi đâu, ông làm gì có gan làm điều đó."

"Đừng thách tao."

"Tôi thách ông đó ông già. Để tôi xem, ông sẽ giết tôi theo cách nào."

Khuôn mặt ông Sinh sầm xuống, kìm nén đôi tay của mình lao về phía cổ của Ngọc. Nó nói đúng, ông sẽ không giết nó. Nhưng sao ông có ham muốn làm điều đó. Nó đang coi thường ông. Sự coi thường ấy giống hệt người mẹ của nó, là chị gái ông. Bà ta đã coi thường ông trong suốt quãng đời mà bà sống. Chính bà ta đã đẩy con gái vào tình cảnh này. Ông ghét chị mình biết bao nhiêu.

Ngọc không thấy cậu mình phản ứng lại, cô bỏ đi. Tất cả những gì cô muốn là khiến cho họ đau khổ. Cô sẽ làm điều đó, nhưng cô chưa có kế hoạch nào cả.

Ra bến xe bus đợi chuyến xe quen thuộc. Chuyến xe này sẽ cô đến với Lúc Chiều Tàn. Dường như cái tên ấy đang dẫn đường cô, nó nói với cô rằng ở nơi đây sẽ có thứ mà cô cần. Có thứ để cô làm cho những kẻ khiến cô đau khổ phải đau khổ gấp ngàn lần.