*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.
"Kỷ Sương Vũ cười ngại ngùng, rặng mây đỏ ửng lờ mờ nơi gò má khiến gương mặt y càng thêm sáng rực và nổi bật."
Edit: Đào siu nhìu xiềng
Beta: Chuối
Ứng Tiếu Nùng nâng chén trà lên uống vài ngụm, vừa rồi tranh cãi với cả đám đến mệt. Ban nãy tuy bệnh nhan khống phát tác nhưng ông cũng định nhân cơ hội nghỉ ngơi lấy sức và sỉ nhục thằng oắt ki bo kẹt xỉ nữa.
Kỷ Sương Vũ biết mình bị người ta lợi dụng, nhưng y không để bụng.
Chứng kiến mấy mẻ nháo nhào ở hí viên Trường Nhạc là y đủ hiểu rồi, nên mới cầm lòng không đặng chen miệng vào, chả phải vì tinh thần chính nghĩa, chả phải vì muốn chơi trội, mà chỉ mượn cơ hội để kiếm tí thịt thôi...
Chứ đây mà là một hí viên khác buôn may bán đắt thì còn lâu mới đến lượt y nói chuyện.
Thấy mọi người không í ới nữa, xung quanh dần trở nên yên ắng, Kỷ Sương Vũ tranh thủ thời gian nói: "Nghe nói triều đại trước cấm không cho hát hí vào buổi tối, sau này dỡ bỏ lệnh cấm nhưng chỉ cho phép thắp nến nên không đủ sức chiếu sáng mặt người."
"Cho nên, chúng ta gọi là 'nghe hí' chứ không phải 'xem hí', chủ yếu là lắng tai thưởng thức. Mãi cho đến sau này rạp hát treo đèn măng-sông sáng như ban ngày, dần dần có đèn lồng điện, còn học theo cách thiết kế bối cảnh của kịch phương Tây - vẽ phông."
Chuyện này dạo xưa Kỷ Sương Vũ từng nghe bậc cha chú giảng cổ [1] nhắc đến, đối với người trong nghề đang có mặt ở đây thì đó là lịch sử phát triển sân khấu thuộc nằm lòng, chẳng qua không biết y nhắc đến chuyện ấy làm gì.
[1] Giảng cổ: hay Bình thư, thuyết thư, giảng thư, thuyết thoại - là một hình thức biểu diễn nghệ thuật theo kiểu truyền khẩu kể chuyện của Trung Quốc, lưu hành bắt đầu từ đời Tống.
Giang Tam Tân căng thẳng nhìn Kỷ Sương Vũ, nói gì thì nói đây là người lão dẫn đến và lão phải chịu trách nhiệm. Nhưng lão không hiểu rốt cuộc Kỷ Sương Vũ muốn nói gì và mình có nên can ngăn không.
Nhưng khi Giang Tam Tân trông thấy đôi mắt Kỷ Sương Vũ sáng lấp lánh như ánh tuyết, lão nghĩ dáng điệu y giống lắm những lúc mình đứng trên sân khấu sắp xếp vị trí cho đội long sáo.
Mặc dầu lão chỉ là người dẫn đầu đội long sáo, lên sân khấu chẳng có lời thoại nhưng lão thuộc nằm lòng cách dàn dựng vở kịch, tính toán cẩn thận cách điều phối nhân lực, ngay cả bầu gánh cũng chẳng bới móc được gì.
Phải chăng Kỷ Sương Vũ đã có tính toán từ trước rồi?
Kỷ Sương Vũ từ tốn cất lời: "Ngẫm lại thì đêm diễn tối tăm không ánh sáng đã là chuyện của 20 năm về trước, khi đó dù trên sân khấu diễn hí Thái Đầu [2] thì người xem cũng không nhìn rõ, chẳng dùng được máy móc gì hết. Nhưng điều này chứng tỏ máy móc vô dụng và không thu hút người xem ư? Chỉ là không hợp thời mà thôi!"
[2] Hí Thái Đầu: Trước đây chỉ đạo cụ dùng vải đỏ bọc thành hình tròn đại diện cho cái đầu người bị chặt, dần dà người ta thành thói quen cứ vở kịch nào có "đầu người" đấy thì sẽ gọi là hí/kịch Thái Đầu. Sau này mở rộng hơn thì tất cả những vở kịch có đèn lồng, ngọn lửa, phông cảnh và động vật đều được gọi chung là hí Thái Đầu.
Hiện nay kỹ thuật thiết kế sân khấu hí kịch truyền thống đang chịu ảnh hưởng của làn gió thời đại mới và thời kỳ cải cách hợp tác để cạnh tranh vừa mới bắt đầu, loại hình hí Thái Đầu trở nên thịnh hành khắp cả nước, hướng tới sự gia tăng của bối cảnh máy móc trong các vở hí kịch.
Đúng là nhạt nhẽo giống như những gì người hiện đại tưởng tượng thật, nhưng không giống hoàn toàn, bấy giờ hệt cái nồi cám lợn, đám người lập kế hoạch điên cuồng nhét đủ các mánh lới vào.
Mọi người dùng kiến thức về quang học, điện học để thêm máy móc, ánh sáng và ảo thuật vào vở diễn. Nào là trò người bay dùng ray trượt, làm người biến mất sau tấm cửa, cho con trăn bự lên sân khấu, thậm chí là múa thoát y...Thật sự rất hấp dẫn.
Đồng thời học tập phong cách dựng cảnh của kịch phương Tây, tìm họa sĩ vẽ cảnh vật tả thực để làm phông nền, hot lắm.
Những người dân thành thị nào có đời sống giải trí tuyệt vời như thế hệ sau này, vậy nên họ xem say sưa.
Phong trào này bắt nguồn từ Thượng Hải, rồi tất cả các thành phố lớn thi nhau diễn lại vở hí kiểu ấy, bỗng chốc trở thành thứ không thể thiếu được.
Nhưng bối cảnh có đẹp thế đẹp nữa mà đặt vào vài chục năm trước - cái thời khoa học kỹ thuật tụt hậu hơn cả bây giờ thì chắc chắn sẽ không đạt được hiệu quả tốt đến vậy, vì có nhìn thấy cái khỉ gì đâu.
"Vì vậy, hai chữ 'phù hợp' vô cùng quan trọng, vở diễn ông chủ dựng có nhiều máy móc, tuy không sôi động cho lắm nhưng đó không phải nhân tố quyết định gây ra thất bại. Sự phối hợp giữa nhạc công và diễn viên chính không được nhuần nhuyễn tuyệt đối nhưng họ có nền tảng vững chắc và làm tròn trách nhiệm trên sân khấu, nên nguyên nhân chủ chốt không thể đổ lên đầu họ được."
"Theo tôi thấy, vấn đề ở đây là thế này. Anh muốn một vở diễn náo nhiệt và nhiều điều mới lạ, mời cả ông chủ Ứng - người diễn võ bậc nhất đến, nhưng lại không nghĩ đến việc phải mở rộng diện tích sân khấu. Nói cách khác, Quan Vũ thân cao chín thước múa đao ở trong căn phòng nhỏ tạp nham thì sao thể hiện được cái hay?"
Không phải xem quá chán mà chỉ là không thể đạt được hiệu quả tương xứng thôi, thậm chí giảm bớt đi nhiều. Giống như hí Thái Đầu diễn vào buổi tối hồi xưa vậy.
Đó là lý do cực kỳ dễ hiểu, nhưng trước đó chẳng một ai trong hí viên Trường Nhạc chỉ ra được.
Ở hiện đại, lôi bừa một người nào đó xem nhiều phim cũng có thể tổng kết đôi ba điều cho bạn nghe dựa vào kinh nghiệm: Phim bom tấn tốt nhất nên ra rạp có màn hình khổng lồ imax; phim hành động gay cấn thì nên xem 3D, xem rạp 4D thì cẩn thận bị hoa mắt choáng váng...
Ở thời đại này, người có kinh nghiệm có lẽ sẽ cảm giác được. Ví dụ như diễn viên sẽ dần dần hiểu ra phải dùng sức khác nhau với địa điểm rộng và địa điểm hẹp, nhưng họ thiếu mất quá trình tổng kết và phổ biến.
Dù sao vào thời điểm này, mỹ thuật sân khấu hí kịch vẫn chưa hình thành lý thuyết và chưa có quy tắc sử dụng.
Trước mắt thì cái nghề này đang rất khát người tài trong mảng kỹ thuật, gánh hát và hí viên tách rời nhau, mang tính lưu động. Ông chủ hí viên nào cũng muốn kiếm tiền, bình thường chả thèm suy xét đến chuyện mình có nên thay đổi diện tích sân khấu và thay đổi bao nhiêu thì người xem mới mãn nhãn.
Phải đến Thượng Hải thì may ra mới có vài người tài trong lĩnh vực này và biết đến nhiều kiểu sân khấu khác nhau như sân khấu dạng đấu trường [3], sân khấu thực cảnh [4], rồi dạng hình cái quạt, hình tròn hay sân khấu hình móng ngựa...
[3] Sân khấu dạng đấu trường (Hippodromes stage):
[4] Sân khấu thực cảnh: Loại hình biểu diễn được thực hiện trên nền cảnh quan thực tế và thường là sân khấu ngoài trời bao gồm các yếu tố cảnh sắc thiên nhiên như sông hồ, biển cả, rừng núi... hài hòa với đời sống sinh hoạt của con người bản địa.
Còn ở hí viên Trường Nhạc thì quả thật không có ai am hiểu lĩnh vực này.
Nhưng Kỷ Sương Vũ thì đã quá quen với công việc dàn cảnh [4], y chỉ cần liếc mắt một cái là thấy được những gì không phù hợp, chỗ nào chỗ nào không hợp lí và cần sửa ra sao.
[5] Dàn cảnh (Mise-en-scène): Là tất cả các yếu tố đặt trước camera để quay phim: khung cảnh, đạo cụ, ánh sáng, trang phục, hóa trang và hành vi của nhân vật.
Chờ y nói xong, diễn viên có kinh nghiệm sân khấu phong phú như Ứng Tiếu Nùng, kết hợp với những gì bản thân tích lũy được, quả là có cảm giác mặt trời chân lý chói qua tim.
Lúc đầu, Từ Tân Nguyệt còn không tin: "Sân khấu hí viên nào chả tầm tầm cỡ đó, sân khấu của chúng ta thuộc loại to rồi đấy, bao năm qua toàn diễn thế mà."
Điều làm anh ta không thể nào tin nổi chính là: Cậu nói vở diễn mới thất bại, chỉ bởi vì kích thước của sân khấu thôi ư?
Kỷ Sương Vũ ung dung đáp lời: "Nhưng bối cảnh của anh quá to phe ạ, cũng giống như việc anh học cách thiết kế chiếu sáng sân khấu từ Thượng Hải vậy, ở đó người ta bố trí trên sân khấu lớn hơn nhà mình phải không ạ, mang về áp dụng rập khuôn thì không phù hợp."
Vừa nãy y giảng giải cho họ nghe về những điều kiện tiên quyết, mục đích muốn nhấn mạnh nguyên tắc này. Phù hợp, có vai trò vô cùng thiết yếu đối với hiệu quả.
Hí viên Trường Nhạc chứa được vài trăm người ngồi, sân khấu cũng không nhỏ, nhưng so với bối cảnh Từ Tân Nguyệt thiết kế thì khá mất cân đối. Nói cho cùng, hắn chỉ là người ngoài nghề, nếu đổi thành Nhà thiết kế bối cảnh lão luyện ở Thượng Hải thì may ra có thể phát hiện được điều này.
Từ Tân Nguyệt ngạc nhiên lắm, một mình anh ta đến Thượng Hải học hỏi, sân khấu ở chỗ học kỹ thuật đúng là mô phỏng theo kiểu dáng phương Tây, là loại sân khấu dạng vòm vô cùng lớn. [6]
[6] Sân khấu dạng vòm (Proscenium Stage):
Anh ta không biết điều chỉnh nguồn sáng nên khi trở về cứ bê nguyên xi cách bố trí mấy cái đèn vào, thậm chí có người lúc lên diễn nhìn mặt mũi trắng bềnh bệch vì ánh sáng ở hậu trường khác với trên sân khấu...
Nhưng mà anh ta không hiểu, người khác cũng đâu có hiểu đâu. Suốt mấy ngày trời, bao nhiêu người trong nghề tới xem mà có ai chỉ ra được điều không đúng đâu.
Trái lại, cái tên đóng vai phụ này chỉ nhìn cái đã biết ngay anh ta học theo lối bài trí của một sân khấu lớn, tài tình thật!
Ban nãy Từ Tân Nguyệt còn nửa tin nửa ngờ với vụ kích thước sân khấu, bây giờ thì một lòng tin tưởng người ta rồi.
Bấy giờ, trong gánh hát Hàm Hi lại có kẻ đánh bạo chen miệng vào: "Từ đó suy ra ông chủ Từ sai."
Từ Tân Nguyệt: "..."
Từ Tân Nguyệt lập tức quay ra chửi ngược lại, ba hướng tiếp tục loạn cào cào, ầm ĩ chỉ có hơn chứ không có kém, trọng điểm xoay quanh việc Kỷ Sương Vũ nói đúng hay sai, thành ra câu chuyện quay trở về điểm xuất phát: rốt cuộc là lỗi của ai.
Giang Tam Tân ngẩn tò te, vừa kinh ngạc trước bản lĩnh của Kỷ Sương Vũ - ung dung bình tĩnh chỉ ra chỗ sai, vừa nhức nhối mệt não trước tình cảnh cả đám người nhao nhao lên như sắp lao vào choảng nhau tới nơi: "Này, Sương Vũ, cháu khuyên giải họ tí đi."
Kỷ Sương Vũ đang đói bụng, làm gì có sức mà can ngăn, tay y khum lại để khuếch đại âm thanh, trong lòng nhớ lắm cái loa nhỏ mình dùng ở phim trường, yếu ớt nói: "Đừng cãi nữa, đừng cãi nữa, xin mấy người đừng cãi vã vì tôi."
Giang Tam Tân: "..."
Mọi người: "..."
...Quái quái sao ấy nhờ?
Dù sao khó khăn đang lù lù trước mặt, chuyện cãi vã tạm thời gác lại đã.
Giang Tam Tân gãi gãi đầu, tỏ vẻ mình không biết Kỷ Sương Vũ am hiểu những chuyện ấy, rõ ràng trước đây đâu thấy y tiếp xúc gì với giới Lê viên, càng chưa từng tới Thượng Hải. Những máy móc dùng cho hí kịch phổ biến nhất hiện nay hầu hết đều từ chỗ đấy mà ra, người tài trong lĩnh vực dựng cảnh tập trung nhiều nhất ở đó.
Lúc nãy Kỷ Sương Vũ mải nói quá quên mất việc giải thích làm sao cho hoàn hảo không chê vào đâu được, nhưng lời nói dối càng tỉ mỉ thì càng dễ lộ ra sơ hở, nên y chỉ ỡm ờ đáp lại: "Không cần phải làm việc ở hậu trường mới biết những điều ấy, có kiến thức khoa học là sẽ hiểu thôi."
Giang Tam Tân bừng tỉnh, Kỷ Sương Vũ từng đọc sách với cha mẹ mình, hình như trong nhà không thiếu gì sách, có cả sách tiếng nước ngoài nữa cơ. Tuy rằng sau khi cha mẹ qua đời, cuộc sống vất vả cơ cực nhưng giờ xem ra y không hề bỏ bê học tập, người có văn hóa đúng là đỉnh của chóp.
Ngay cả mồm mép cũng trơn tru đáo để, mấy lời ban nãy mạch lạc rõ ràng, không cuống chút nào, đến lão cầm đầu bao người mà lúc nói chuyện với ông chủ vẫn lắp bắp nữa là.
"Đúng đúng, khoa học, cậu nói tiếp vụ khoa học ánh sáng đi, với cả việc vì sao máy móc của tôi không hấp dẫn?" Từ Tân Nguyệt sốt ruột hỏi.
Kỷ Sương Vũ cười ngại ngùng, rặng mây đỏ ửng lờ mờ nơi gò má khiến gương mặt y càng thêm sáng rực và nổi bật.
Từ Tân Nguyệt: "Cậu nói nhanh lên!"
Kỷ Sương Vũ thẹn thùng nói: "Ông chủ à, tôi làm thêm thì phải trả thêm tiền."
Từ Tân Nguyệt rơi vào trầm tư, đầu gục xuống, vẻ mặt ỉu xìu, mãi không nói gì.
Kỷ Sương Vũ: "..."
Không phải chứ ông chủ à, tiền làm hết mấy cái này cũng không tốn bao nhiêu của anh đâu?
Không phải chứ ông chủ à, có tốn bao nhiêu tiền của anh đâu?
Chủ gánh hát không nhịn được nữa bèn mắng mẹ kiếp: "Này cái thằng bủn xỉn kia, mày keo kiệt vãi đạn!"
Ông và nhà họ Từ đã hợp tác với nhau nhiều năm, gần như là nhìn Từ Tân Nguyệt lớn lên từ bé nên mới chửi thẳng mặt anh ta như vậy. Đã đến nước này rồi mà còn bủn xỉn! Còn ki bo!
Mày đồng ý trước thì làm sao đâu? Nhìn bản lĩnh của cậu trai trẻ kia đi!
Việc này quan trọng quá, không được phép bủn xỉn tiếp, Từ Tân Nguyệt ỉu xìu nói: "Cậu đưa ra ý kiến hay giải quyết được vấn đề cấp bách của tôi thì tôi trả thêm tiền công cho cậu. Trả cho cậu.... hai... ba phần mười... tiền công của nhà thiết kế sân khấu... ở Thượng Hải."
Đối với họ, dù Kỷ Sương Vũ phát biểu được ít kiến thức nhưng vẫn thua xa nhà thiết kế bối cảnh ở Thượng Hải, vậy nên hai đến ba phần mười là cái giá vô cùng thích hợp trong suy nghĩ của Từ Tân Nguyệt.
Nếu không phải tình huống đặc biệt thì Từ Tân Nguyệt còn lâu mới chịu bỏ tiền ra sửa sân khấu.
Tuy rằng Kỷ Sương Vũ không biết giá tiền công cụ thể là bao nhiêu nhưng nom lời nói và sắc mặt của người xung quanh thì y đoán không ít lắm đâu, bèn đồng ý ngay: "Được, vậy trước tiên tôi sẽ để cho ông chủ đây thấy thế nào là tùy cơ ứng biến!"
...
Kỷ Sương Vũ kéo Từ Tân Nguyệt đến một chỗ kín đáo nói chuyện, thỏa thuận giúp đối phương thiết kế lại bối cảnh.
"Cậu nói phải mở rộng sân khấu, vậy chẳng phải cái phông tôi mua bỏ phí à?" Từ Tân Nguyệt đã bỏ tiền ra mua phông đặt làm theo yêu cầu ở Thượng Hải.
Bây giờ đào đâu ra một kẻ có tài và hợp ý chứ, bình thường toàn phải tìm họa sĩ, mà còn phải là người vẽ tả thực theo phong cách của phương Tây nữa.
Phông toàn đặt làm riêng theo kích thước của sân khấu, nếu mở rộng diện tích thì cái phông đấy chả dùng được nữa. Vả lại, giá cả ở đây đắt đỏ hơn, vì ở Thượng Hải vải toan bán khá rẻ, nhiều nhà xưởng sản xuất.
Kỷ Sương Vũ không hề nghĩ nhiều, nói luôn: "Thì bỏ đi chứ sao."
Cái loại tranh của phương Tây này ấy mà, hiện tại đang thịnh hành, một vở hí thay nhiều thì phải tới 40 - 50 bức, thay ít thì cũng hơn 10 bức, nhưng y nhìn cứ thấy gỉa trân, nên chả muốn dùng tiếp nữa.
Từ Tân Nguyệt như bị sét đánh ngang tai: "Bỏ đi? Tiền cả đấy!"
Kỷ Sương Vũ từng gặp tuýp kim chủ bủn xỉn rồi, không phải cứ giàu thì sẽ hào phóng: "Thế anh bán nó đi, thu hồi vốn dựng lại bối cảnh, chúng ta làm theo phong cách Hoa Hạ."
Từ Tân Nguyệt nhìn Kỷ Sương Vũ bằng ánh mắt đầy xem thường: "Phong cách Hoa Hạ, ý cậu là treo một tấm thủ cựu đơn điệu ở đằng sau á? Trước đây chúng tôi cũng bài trí sân khấu như vậy đấy, nhưng làm gì có khán giả nào? Người bây giờ chạy đi xem dựng cảnh kiểu Tây hết rồi!"
Thủ cựu ở đây là một tấm rèm cửa, thường là thứ dùng để che bức tường đằng sau sân khấu, còn được gọi là màn sân khấu, lúc ban đầu rất mộc mạc giản dị, dần dần sau này người ta thêu hoa lên trông mới lộng lẫy, rực rỡ hơn.
Kỷ Sương Vũ: "...Ý của tôi không phải như vậy."
Y thấy thật nực cười và vô lý, cái thời đại tạp phí lù gì thế này.
Sân khấu hí kịch ban đầu quả thực rất đơn sơ giản dị, bởi vậy hiện tại phải thay đổi mới có thể phát triển vượt bậc được, dù rằng có xu hướng hơi mãnh liệt quá... Đường đường là hí kịch truyền thống của Hoa Hạ mà lại phải dựa vào dựng cảnh phong cách phương Tây để hấp dẫn người xem?
Bảo là dùng máy móc phù hợp thì y còn chấp nhận được, chứ dựng cảnh phong cách tranh sơn dầu hổ lốn trên sân khấu hí kịch thì y không tài nào chịu nổi.
Chẳng qua là công việc lúc này chưa ổn thỏa, nên y mới chịu đựng, tạm thời không nói ra khỏi miệng.
"Với cả dựng cảnh lại thì sao vẽ kịp được? Đây là chuyện cấp bách." Việc làm ăn ngày càng đi xuống, không thể nào để nó ngâm giấm thêm nữa, Từ Tân Nguyệt buồn rầu nói: "Còn cả máy móc nữa, tôi cứ thấy thiêu thiếu... Nhưng mà hồi ở Thượng Hải, có những máy móc dù có tiền cũng chả học được! Cậu nhìn thấy những máy móc khác rồi cơ á?"
Kỷ Sương Vũ một mực thừa nhận, tuy rằng không rõ hiện nay có những máy móc phổ biến gì, nhưng dựa trên kỹ thuật khoa học thời này thì chắc mấy cái kia cũng không khó hiểu lắm đâu.
Vả lại, người đầu tư đang ở ngay trước mặt, quan trọng nhất là phải thể hiện sự tự tin rằng tôi chắc chắn có đủ tài cán để kiếm tiền cho anh!
Vì vậy, Kỷ Sương Vũ lớn tiếng khẳng định: "Tôi biết!"
Từ Tân Nguyệt: "Cậu biết cái gì?"
Kỷ Sương Vũ: "Anh muốn cái gì?"
Từ Tân Nguyệt: "Cậu biết những gì thì cho tôi xem, để tôi coi mình muốn cái gì."
Kỷ Sương Vũ: "Anh muốn cái gì thì phải nói để tôi xem xem mình biết hay không."