Chương 98: Bóng dáng đế vương
Ba ngôi làng dựng bên bờ suối gần chân núi đã thành hình. Mỗi làng một cổng chính và có lối thông với nhau. Hào quanh làng chỉ là một rãnh nhỏ dẫn nước từ suối vào chứ không làm hào rộng cắm chông bởi mấy khẩu pháo đá trên núi sẽ bảo vệ ba ngôi làng từ trên cao.
Mỗi làng có hơn ba trăm mái nhà với gần một nghìn dân. Chương đặt tên cho ba làng lần lượt là Duệ, Nguyệt và Lâm để ghi nhận công lao của ba cô gái trong quân. Cổng mỗi làng có treo kỳ hiệu Thiên Đức quân. Theo ý của Chương, Thiên Bình, Duệ cùng các cụ cao niên lập ra hương ước chung cho ba làng.
Hội Phụ lão tập hợp các cụ cao niên và trưởng họ trong ba làng, cử ra mỗi làng một ông trưởng làng, trưởng làng phải biết chữ. Ba trưởng làng sẽ là thành viên của Thiên Đức hội.
Hội Phụ nữ dành cho các bà, các cô. Mỗi làng phải có một chi hội riêng, đứng đầu là Chi Hội trưởng và hai người làm phó, một trong ba người phải biết chữ.
Đội Thiếu niên cũng có ở mỗi làng, đội tập hợp trẻ từ mười đến mười lăm tuổi. Đội trưởng phải biết chữ. Ba đội này sẽ do Thái Hương và Trúc chịu trách nhiệm. Ban đầu Chương tính giao cho Dũng, con của Trần Thông, nhưng Lượng lại xin cho Dũng ở trong quân.
Chương cho dựng một miếu thờ bằng đất thờ mấy trăm binh sĩ trận vong, hội phụ nữ của ba làng sẽ lo phần hương khói.
Gia quyến chỉ được thăm binh sĩ một tuần một lần trong doanh trại. Binh sĩ cứ hai tháng sẽ có ba ngày nghỉ phép về làng thăm người thân, lúc trở lại doanh trại phải có giấy in dấu tay của trưởng mỗi làng.
Mỗi làng có một nhà lớn gọi là hội trường, kiêm lớp học cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, một mái nhà phía trước ba làng cũng dùng làm lớp học. Miêu được giao cho việc này, Bỉnh Di cho hai chục người từ làng Vạn sang giúp Miêu dạy chữ. Các thầy đồ hay người biết chữ trong quân Thiên Đức cũng được cắt cử đến trường dạy chữ. Trẻ con trong ba làng bắt buộc phải đến trường.
Truyền thuyết trăm trứng được kể mỗi tuần, học trò sẽ bị gọi bất kỳ để kể chuyện. Kể đúng thì gia đình nhận năm đồng tiền.
Chuyện Thiên Đức quân do vị chủ tướng trẻ họ Mạc tên Chương lập ra được toàn thể dân trong ba làng thuộc nằm lòng ngay từ hôm đặt chân vào làng song vẫn chưa ai biết mặt vị chủ tướng đã đem đến cho họ cuộc sống mới vô cùng khác lạ.
Chỗ ngũ cốc lấy được của Vũ Ninh vương, Thiên Đức quân chỉ giữ lại ba phần, bảy phần còn lại giao cho ba làng chia nhau sử dụng trong buổi đầu lập làng. Mỗi làng được cấp 100 nén bạc chi dùng cho việc mua lương thực cần thiết.
Toàn bộ hai nghìn năm trăm binh sĩ Thiên Đức, mỗi người được thưởng một tháng lương, tức 25 đồng và được ứng thêm một tháng lương để gửi về gia đình. Gần một trăm nén bạc còn dư, Duệ xung và quỹ.
Tinh thần của quân Thiên Đức tăng cao, ngoài giờ tập luyện, các chỉ huy dẫn binh sĩ về giúp dân trong ba làng hoàn thiện thêm từng ngôi nhà, cuốc đất trồng rau, khoai, ngô… đào ao thả cá. Trong khoảng thời gian hơn nửa tháng trời, số quân trong doanh trại chỉ khoảng năm trăm người.
Vài ngày sau khi đón dân, Bình báo với Chương rằng dân trong ba làng đề đạt nguyện vọng muốn được đến gặp chủ tướng tạ ơn. Chương ngẫm nghĩ hồi lâu rồi gọi Duệ đến, nhờ cô sắp xếp một cuộc gặp các cụ, các bà trong ba làng ở doanh trại.
-Chúng ta quan niệm nam nữ bình quyền, mời năm mươi cụ ông thì cũng từng ấy cụ bà. - Chương dặn. - Tốt nhất nên có đủ ba thế hệ, người già, phụ nữ và trẻ em. Tổ chức đơn giản nhưng phải có quà biếu mọi người khi họ về.
Lượng nhận lệnh cho quân sĩ dọn dẹp quân doanh, binh sĩ sẽ chia nhau dẫn các vị đại biểu của ba làng thăm doanh trại trước khi gặp mặt.
Chương dặn Duệ, Bình và cả Miêu rằng đón tiếp những người từ ba làng đến quân doanh như đón cha mẹ, không rình rang, không tiền hô hậu ủng mà cần chân thành, gần gũi.
Buổi gặp mặt ấn định vào giữa giờ Thìn, kết thúc cuộc gặp mặt thì Cự Lượng và Trương Lôi sẽ mời mọi người ăn trưa.
Sớm hôm ấy, Chương vận bộ K20 mới toanh, đội mũ, xỏ chân vào đôi ghệt. Theo cách gọi của những người xung quanh Chương thì đây là chiến y của chủ tướng. Duệ và Uyển Như nhìn Chương trong bộ K20 với đôi mắt lấp lánh khiến Chương có chút dương dương tự đắc.
Thiên Bình từ ngoài cửa bước vào, trên tay là một tấm khăn đỏ khá dày.
-Đây là áo choàng em đã đặt làm cho anh.
-Hả? Thôi, đâu cần rườm rà như vậy.
Thiên Bình nghiêm mặt.
-Anh thích hay không chẳng quan trọng, áo choàng đỏ trong quân chỉ có chủ tướng mới được dùng, thứ này đã thành lệ xưa nay. Anh gặp dân, trong mắt họ anh là chủ tướng đứng đầu vài nghìn người, thay đổi cuộc sống của họ. Anh có thể dễ gần, chân thành nhưng cái uy của chủ tướng cũng cần phải có.
Lâm Uyển Như lên tiếng:
-Bình nói phải, anh là chủ tướng của ba quân, thật là phải có áo choàng.
Chẳng chờ Chương đồng ý, ba cô gái liền tung áo choàng ra choàng lên. Đàn ông lại choàng vải đỏ, nhìn khác nào phường chèo! Nghĩ vậy nhưng Chương đành miễn cưỡng chấp nhận, khoác thứ vải đỏ này lên người chẳng ăn nhập gì với bộ K20.
-Trong quân, áo choàng đỏ thể hiện địa vị, quân sĩ nhìn bóng áo choàng mà tiến thoái. Điều này anh chưa biết thì nay em nói rồi nhé.
Bình đưa cho Chương thanh kiếm và nói:
-Tả Đô đốc bảo em đưa kiếm này cho anh, từ bây giờ nó là của anh.
-Anh có biết gì về kiếm đâu mà cầm.
-Tả Đô đốc nói thứ này là kiếm lệnh, nó sẽ là vật bất ly thân của anh.
-Vậy em giữ hộ anh.
-Nhưng gặp dân anh phải tự cầm, ở đâu theo đấy chứ. Anh đừng có bướng.
-Anh là bộ mặt của ba quân tướng sĩ và của bọn em nữa.
Lâm Uyển Như nói vào trong khi cùng Duệ chỉnh áo choàng cho đẹp. Xong xuôi ba cô gái cùng đứng ngắm, cô nào cô nấy lộ rõ vẻ hài lòng.
-Thật oai phong! - Thiên Bình nói. - Ý trung nhân của Thiên Bình này đúng là cực phẩm.
-Ý trung nhân của… của chị cũng thế. - Duệ thẹn thùng.
-Gầm trời này không có kẻ thứ hai anh tuấn hơn phu quân của Lâm Uyển Như ta đây.
Chương bỏ mặc ba cô gái, bước vội ra khỏi nhà. Vừa đi Chương vừa ngắm nghía bản thân, trong con mắt của cậu, áo choàng này thật chẳng ra thể thống gì. Nghĩ đến cảnh đêm trung thu ở Thủ đô, người ta giả trang Tôn Ngộ Không khoác áo choàng đỏ nhảy nhót khiến Chương tự hỏi bản thân mình bây giờ đúng là thảm hoạ thời trang.
Trong mắt Chương là vậy nhưng trong con mắt của ba quân tướng sĩ thì khác, như lời Thiên Bình nói, Chương nhận thấy ánh mắt binh sĩ nhìn cậu khác hẳn. Bất kể đang làm gì họ cũng bỏ dở và đứng nghiêm giơ tay chào vị chủ tướng khi Chương bước ngang qua chỗ họ. Chương nhất thời chưa biết nên thể hiện thái độ như nào cho hợp cảnh ngoài nụ cười thường trực kèm theo những cái gật đầu.
Tấm áo choàng đỏ thêu hình hổ trâu màu vàng khẽ tung bay theo mỗi bước chân của Chương. Qua cổng doanh trại, sĩ tốt tất thảy đều nghiêm trang giơ tay chào theo điều lệnh. Ba cô gái theo sau Chương cũng không còn thì thào nữa. Chỉ là một tấm áo choàng giản đơn dường như đã thay đổi nhiều điều.
Hội trường chính của doanh trại đủ chỗ cho ba trăm người tụ họp nhưng nay bàn ghế tre được kê gọn lại. Năm mươi cụ ông gồm cụ cao niên, trưởng họ, trưởng làng cùng năm mươi bà, cô cùng với hai mươi thiếu niên trai lẫn gái đã chờ sẵn trong phòng. Bàn ghế được xếp hình chữ U để ai cũng dễ dàng nhìn thấy chủ tướng và ngược lại.
Mọi người đều đứng đợi sẵn, Chương bước vào, thái độ niềm nở cúi chào tất cả mọi người có mặt vài lượt. Chương không vội ngồi xuống ghế tre có phủ khăn đỏ mà lấy tấm khăn đưa cho Thiên Bình. Nhất cử nhất động của Chương đều có hàng trăm cặp mắt chú ý nên cậu biết phải làm gì. So với việc đối diện với những lời ỡm ờ của ba cô gái xinh đẹp thì gặp trăm người lạ dễ hơn nhiều. Chương tự tin vì nhiều lẽ nhưng cái gốc khiến Chương tự tin vào bản thân ấy là cậu đến từ một thế giới hiện đại.
-Thưa các ông, các bà, các chú, các cô và cả các em nhỏ đây nữa. - Chương lên tiếng phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng. - Cho cháu xin phép được xưng là cháu trong khi nói chuyện vì cháu hãy còn ít tuổi, cũng bằng tuổi con cháu của các ông bà đây thôi ạ. Cháu tên họ đầy đủ là Mạc Thiên Chương, năm nay hai mươi mốt tuổi.
Chương hỏi một ông cụ ngồi đầu dãy bên trái:
-Thưa cụ, cụ đến từ làng nào ạ?
Ông cụ toan đứng lên để nói, Chương đã đoán trước được nên đã bước nhanh đến gần.
-Hôm nay anh em chúng cháu được đón các ông, các bà đến thăm thật là vui. Anh em Thiên Đức quân đều là con cháu của các ông, các bà đây. Cháu được anh em tin theo, tự nhiên thành chủ tướng. - Chương cười. - Cháu lạc cha mẹ từ nhỏ, bốn bể là nhà, bách tính là cha mẹ thế nên trong khi nói chuyện…
Chương chỉ về hướng các em nhỏ:
-Mấy cô mấy cậu kia cần phải đứng lên nói để bà con ta xem con cái nhà ai chứ các ông, các bà đây mà đứng lên nói, một bẩm hai vâng thật khó cho cháu lắm. Cháu có được ngày hôm nay, khởi đầu là nhờ ơn cứu mạng của bà Cả Ngư rồi đến Tả Đô đốc Phạm Tu…
Chương nói thêm một hồi, cậu nói chậm rãi nhưng to, rõ để mọi người cùng nghe.
-Ba quân tướng sĩ là anh em của cháu, vậy cháu mong mọi người hãy xem cháu như con em trong nhà mà đối đãi.
Bấy giờ ông cụ ban nãy Chương hỏi thăm mới lên tiếng:
-Thưa chủ tướng…
Chương nhăn mặt:
-Ôi ông ơi! Ông có phải quân sĩ của cháu đâu mà gọi chủ tướng. Ông gọi cháu là Chương hay thằng Chương cũng được mà.
-Chủ tướng đã cho phép, lão này sẽ gọi chủ tướng là cậu.
Chương vui vẻ đồng ý.
-Lão là thân sinh của Nguyễn Lạc Thổ, tên huý của lão là Thuỷ nhưng người ta hay gọi là ông Thuyền vì hồi còn khoẻ lão hay làm thuyền đánh cá. Lão được sáu mươi hai tuổi, hiện ở làng Duệ.
-A! Bác là thân sinh của anh Thổ ạ? Anh ấy là tướng trong quân chúng cháu đấy ạ, một người rất dũng cảm, có nghĩa khí. Chúng cháu phải cảm ơn bác vì đã sinh ra anh Thổ nhà ta đấy ạ.
-Lão không dám, không dám. Lão nghe con lão kể đầu đuôi cả rồi. Tất cả bà con đều biết hết, chủ tướng, cậu không phải giữ mặt mũi cho chúng nó. Chúng nó đều là bại tướng của cậu, cậu đã tha c·hết, giờ lại còn tin dùng. Lão đây sống hơn sáu mươi năm trên đời, nghe nhiều chuyện nhưng thật… thật là chuyện con lão mới lạ.
Cụ ông ngồi cạnh cũng giơ tay xin phát biểu.
-Lão tên Nghênh, cha của thằng Ngang. Lão đến từ làng Nguyệt, nay được phép đến gặp chủ tướng. Lão thay mặt dòng họ Hoàng tạ ơn chủ tướng đã cho con cháu lão đường sống, lại còn lo nơi ăn chốn ở cho lão và bà con.
Thế rồi lần lượt, Chương nghe cả trăm lời cảm tạ từ họ Đỗ, họ Nguyễn, họ Liễu họ Văn, họ… nhiều họ quá Chương gật đầu đáp lễ mỏi cổ, cười sắp sái quai hàm.
-Vâng, vâng! Thế cháu thay mặt Thiên Đức quân nhận tất cả lời hay ý tốt của các ông bà, chú bác. Cháu thật mong sau này các ông bà đây xem binh sĩ Thiên Đức như con em nhà mình.
Dù Chương không muốn nhưng cậu phải đứng nhìn hàng trăm người già trẻ quỳ gối dập đầu một lần để tạ ơn. Thôi thì phong tục nơi này là vậy, không phải nhất nhất theo ý Chương được.
Chương hỏi thăm nơi ở mới của mọi người và đặc biệt mong muốn những người có mặt truyền đạt lại với bà con ở ba làng cần phải lưu tâm đến việc học tập của con cháu. Chương nói một câu mà Duệ viết lại cho rõ nghĩa:
-Hiền tài quốc gia chi nguyên khí, nguyên khí thịnh tắc quốc thế cường dĩ long, nguyên khí nỗi tắc quốc thế cường dĩ ô. - Thưa các ông bà. - Câu này có nghĩa là “hiền tài là nguyên khí của một đất nước, nguyên khí thịnh đất nước hưng vượng, nguyên khí yếu đất nước vì thế mà thấp hèn”. Muốn nước mạnh thì dân phải giàu, dân muốn giàu thì trước tiên cần phải biết chữ nghĩa. Chúng ta bây giờ chưa giàu mạnh là vì ít người biết chữ quá. Chữ nghĩa học không phải để làm quan mà để đi được nhiều nơi, biết được nhiều cái hay đem về dạy lại cho bà con ta. Trẻ nhỏ phải đến trường học, về nhà cha mẹ, ông bà phải nhắc nhở con cháu. Bây giờ Thiên Đức quân mới có hơn hai nghìn quân sĩ, ngoài tập luyện, cày cấy thì vẫn phải học.
Một cụ ông đại diện đáp lời Chương:
-Chủ tướng dạy chí phải. Mấy hôm trước cô Bình, cô Duệ đã nói với dân trong ba làng việc học quan trọng như thế nào. Nay được nghe chủ tướng nói lại thêm một lần, nam phụ lão ấu trong ba làng xin hứa với chủ tướng sẽ đôn đốc con cháu học tập mỗi ngày.
-Vâng! Trăm sự nhờ các ông các bà. Cháu cũng nghe cô Bình và cô Duệ báo rằng các bà muốn tự làm một ngôi chùa nhỏ, các ông muốn làm một ngôi đình ạ?
-Thưa chủ tướng! - Một bà nói. - Đây là ý nguyện của các cụ vì muốn có nơi thờ phượng. Chúng tôi biết Thiên Đức quân đang bận trăm việc nên tính với nhau sẽ tự dựng chùa. Chủ tướng, ngài không phải lo việc này đâu.
-Ây ây, không được ạ. Mấy hôm nữa cháu sẽ đến Linh Sơn cổ tự hỏi sư trụ trì và những cao tăng ở đấy tính giúp cho. Trụ trì Linh Sơn cổ tự là Khuông Vạn Thái sư nhất định sẽ giúp.
Nhiều bà cùng nói:
-Được thế thì chẳng còn gì bằng.
-Còn ngôi đình thì cháu chưa biết lập ra thờ ai nhưng bách tính Vạn Xuân đều có chung nguồn cội, vậy chúng ta… trước là thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ, cha mẹ của muôn dân. Sau thờ thêm ai nữa thì tuỳ các ông, các bà.
Ngôi đình mà Chương đang đề cập ban đầu tường làm từ ván gỗ, lợp mái tranh thờ cha Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ. Nhiều năm sau đó thờ thêm Tả Đô đốc Phạm Tu, Triệu Quang Phục, Đoàn Thượng… và đặc biệt thờ cả chàng trai đang khoác áo choàng đỏ. Nhưng đó là chuyện của rất lâu sau này. Đình và chùa lúc dựng xong đều lấy tên Thiên Đức.
Một đồn mười, mười đồn trăm. Hình ảnh vị chủ tướng trẻ của Thiên Đức quân trong mắt người dân ba làng mới và những làng sau này đều giống nhau, ấy là có tướng mạo phi phàm, trí dũng song toàn, là bậc tài trí hơn người… đều là những mỹ từ.
Điều này có quan trọng không?
Tất nhiên là quan trọng bởi vì họ một lòng theo Thiên Đức quân, ý của chủ tướng là ý của họ, chủ tướng muốn là thứ họ muốn. Đấy chính là điều đáng sợ của lòng dân mà kẻ nào biết vận dụng có thể lật đổ cả một triều đại.