Chương 6: Thập ngũ sứ quân
Chương đang hít đất trong nhà, sau gần một tuần sức khoẻ của cậu đã hồi phục. Sắp tới, Chương tính tìm nơi bà Cả Ngư đã phát hiện ra cậu. Điện thoại, máy tính bảng, laptop, sạc dự phòng đều không gặp trục trặc song không có sóng wifi chúng chỉ là vật vô tri.
-Chương ơi, Chương ơi! Mau nấp đi!
Bà Cả Ngư từ ngoài cổng hớt hải chạy vào, quẳng thúng đựng rau lang và cái nón trên vườn rau ven lối vào.
-Mau thu dọn đồ đạc trốn mau.
-Có việc gì, sao bà hoảng thế?
-Có bọn đang dò xét trong thôn, chốc nữa kiểu gì cũng đến. Chúng đi dò để bắt lính, cháu mau nấp đi.
Chương luống cuống, cậu đang được hoãn nghĩa vụ quân sự vì học đại học, đi lính vẫn là điều gì đó vô cùng mơ hồ. Thứ nữa, Chương muốn mau chóng rời nơi này để về quê, nếu b·ị b·ắt lính, hẳn đường về ngày càng xa dù chưa biết về bằng cách nào.
Xỏ được đôi giày, chưa kịp thay quần áo, bà Cả Ngư kéo Chương ra đầu hồi bếp chỉ vào đống rơm nhỏ.
-Trong đống rơm có một cái hố, đủ cho cháu ngồi, khi nào ta báo yên hãy chui ra. Mau lên.
Miệng nói, tay bà Cả Ngư vạch đống rơm, Chương lưỡng lự trong giây lát nhưng bà cụ đẩy cậu vào. Trong đống rơm quả nhiên có một cái hố sâu hơn nửa mét, đường kính độ tám mươi phân. Chương ngồi bó gối, ba lô để bên cạnh. Bà Cả Ngư mau chóng xoá dấu vết rồi chạy ù ra cổng lấy thúng rau lang và cái nón rồi vào bếp lấy dao đốn chuối.
Chương nhổm người, cẩn thận vạch từng cọng rơm qua sát qua một khe hở. Sự việc vừa rồi khiến Chương có một cái nhìn khác về bà cụ ngoài ngũ tuần này. Mẹ Chương năm nay mới bốn mươi lăm, tính ra gọi bà Cả Ngư là bác mới phải. Tuy nhiên nhìn bà Cả Ngư, cảm tưởng như bà đã ngoài bảy mươi.
Ngồi trong đống rơm, Chương nhớ là thằng bạn thân hay bảo xưa kia tuổi thọ của người Việt không cao, ngoài năm mươi có thể xem là thọ. Chương cho là đúng vì ở làng cậu đến nay vẫn còn giữ tục lệ đàn ông bốn mươi chín tuổi sẽ ra đình làng làm lễ lên chức cụ, làm cụ rồi đi ăn cỗ sẽ được ngồi mâm trên, tuy chưa già nhưng là cụ mà.
Bố Chương hơn mẹ một tuổi nhưng ra ngoài người ta chỉ nghĩ bố mẹ cậu tầm bốn mươi. Thời nay sung sướng hơn, người ta có xu hướng già muộn.
-Chào bà Cả Ngư nhớ! Bà đang băm chuối cho mấy con lợn hả?
Chương nghe giọng một người thanh niên từ ngoài cổng vọng vào vội nín thở, tim đập nhanh hơn thường lệ, nghe tiếng bước chân, hình như họ có nhiều người.
-Chào các cậu! Mời các cậu vào nhà uống nước.
Giọng bà Cả Ngư đon đả.
-Anh Ngư nhà mình có hay về không bà ơi?
-Khổ, nó đi biền biệt hơn chục năm nay, nào tôi có nhận được tin tức gì. Cả ông nhà nó nữa. Mấy năm trước có người tạt qua gửi cho tôi được ít tiền, bảo là nó vẫn khoẻ. Gớm khổ, chả biết đến bao giờ mới hết đánh nhau chứ cứ như này khổ quá các cậu ạ.
-Anh ấy vẫn bên Bát Vạn hả bà? Từ bên ấy về đây chỉ qua sông chứ mấy.
-Tôi nào biết việc quân cơ. Cứ đánh qua đánh lại như này sợ là thân già như tôi lúc nhắm mắt xuôi tay cũng không ai biết, cũng chả được nhìn mặt chồng con.
-Em Nguyệt nhà mình nghe nói đi làm ở giáp bên có hay về không bà?
-Tháng trước em nó về thăm được một ngày, bây giờ chuẩn bị vào vụ gặt chắc bận lắm.
-Mấy hôm nay bà có thấy quanh đây có ai mới đến không?
-Cái chòm này toàn người già với mấy đứa mục đồng, tôi chả thấy ai cả. Các cậu vào nhà uống chén nước đã.
-Thôi, bà cứ làm việc đi, kệ bọn cháu.
Chương nghe họ nói chuyện, cậu thầm nghĩ những kẻ mật thám hay chỉ điểm này xem chừng thâm hiểm, ăn nói nhẹ nhàng chắc lấy lòng người dân hòng dễ dàng moi tin tức.
-Chả mấy khi bọn cháu qua đây, đu đủ nhà bà trĩu quả, để cho bọn cháu về làm nộm nhé bà ơi.
-Vâng, các cậu cứ tự nhiên.
-Chả biết đắt rẻ như nào, cháu gửi bà hai chục đồng bà nhá.
Nghe vậy Chương nghĩ đám này này đúng thâm hiểm, thật biết lấy lòng người.Đang mải suy tư, Chương nghe tiếng xè xè gần bên, lẫn trong mùi rơm rạ có mùi ngai ngái của nước tiểu.
-Nữa hay về hả Lượng?
-Nhà bà này cuối thôn. - Người tên Lượng khạc một tiếng rồi nhổ phì phì. - Lên mạn trên kia toàn lau sậy bùn lầy, bảo đi bắt rắn, ếch nhái với lươn còn có lý. Mày nghĩ nơi đó có người không?
-Vậy đánh vòng về núi Nhị?
-Ừ, tranh thủ hái ít quả, săn được con gì thì tốt, thêm tí củi đem về anh em mình nướng ăn chơi, đừng có để ông cụ biết.
-Có mấy quả đu đủ xanh, mày đưa bà già những chai chục đồng, thừa tiền à?
-Xem như biếu, thân già vò võ một mình chi tiêu tằn tiện, ăn chả dám ăn. Mày nhìn khắp nhà bà ấy xem có gì đáng giá không? Cứ đánh đấm mãi như này chỉ có dân đen là khổ.
Là giọng thanh niên tên Lượng, nghe anh ta nói Chương thấy không có vẻ giống chỉ điểm hay đi bắt lính lắm mà ngược lại, anh ta có vẻ đường hoàng hoặc một kẻ lưu manh giả danh, chả biết được.
Những người lạ kéo nhau đi, bốn bề yên ắng, Chương chờ đến khi bà Cả Ngư đánh tiếng mới dám chui ra khỏi đống rơm. Bà Cả Ngư trông trước dòm sau đẩy Chương vào nhà, khép cửa lại. Bà đưa tay lên vỗ ngực, hẳn bà cụ cũng sợ.
-Cháu phải cẩn thận, đừng để chúng nó nhìn thấy. Ngày mai ta đi chợ mua cho cháu bộ quần áo, ăn mặc tươm tất một tí. Người trong thôn đều tốt bụng, có thấy họ cũng sẽ không mách nhưng vẫn hạn chế ra ngoài.
-Nghe họ nói chuyện cháu thấy cũng không ác lắm.
-Thời buổi nhiễu nhương, thật giả khó phân, mình phòng vẫn hơn. Mà cháu ạ, mày cao ráo trắng trẻo như này, phải bêu nắng vài ngày cho đen đi mới được.
Chương có chút ngạc nhiên vì cậu cao mét bảy hai, chiều cao bình thường ở thế kỷ 21. Thân thể không cường tráng, bạn bè có vài đứa tập gym còn cậu ngoài việc học hành ba chớp ba nhoáng trên lớp thì làm thêm, cũng coi như vận động. Chương chợt nhớ người xưa chiều cao đâu đó trung bình mét sáu hoặc thấp hơn nhưng đây có phải thời xưa không thì cậu chẳng biết.
Bà Cả Ngư trở về từ phiên chợ nhỏ ven sông cách nhà chừng hơn cây số gì đó. Bà cụ mua cho Chương cái áo giao lĩnh sát nách màu nâu sậm dài đến bẹn, một cái quần cũng màu nâu, màu bình dân. Chương vận thử thì ngắn, gấu quần cách mắt cá chân dễ đến hai mươi phân. Bà Cả Ngư đưa cho Chương một cái khăn, cũng màu nâu, chỉ cách cho Chương vấn khăn đầu rìu lệch sang một bên.
Chương vận quần áo xong xuôi, bà Cả Ngư có vẻ hài lòng, bà còn quệt nhọ nồi quét vài vệt lên mặt cậu. Hơn một tuần ở đây, Chương được bà cụ chăm rất kỹ, y như cậu là con cháu của bà vậy. Chương chưa biết mình nên đền ơn bà Cả Ngư ra sao, suy nghĩ này lởn vởn trong đầu cậu mấy hôm nay.
Chương không biết ở đây người ta đi dép hay giày, bà Cả Ngư thì chân đất, không thấy bà có đôi dép nào song cũng không tiện hỏi vì bản thân cậu đang ăn nhờ ở đậu. Chương đi chân đất chưa quen, đôi giày thể thao chả biết dùng lúc nào, cũng không dám dùng.
-Có tốn nhiều tiền không hả bà? Cháu ngại quá.
-Mấy quả đu đủ xanh hôm qua đám ấy trả hẳn hai chục đồng, mua bộ này vẫn chưa hết.
Bà Cả Ngư đã nói với Chương ở đây 1 quan bằng 10 tiền, 1 tiền bằng 60 đồng. Chương đã cầm thử hai mươi đồng xu hôm qua, chúng khá mỏng, đục lỗ vuông ở giữa, nặng chừng một lạng. Bộ quần áo bình dân và cái khăn vấn đầu mua hết 17 đồng. Ngắm bộ quần áo một lượt, Chương nhẩm tính thời của cậu cũng phải bỏ ra năm trăm nghìn mới mua được.
Trong bữa trưa với rau muống và cá kho mặn chát, Chương hỏi bà Cả Ngư rõ hơn về thời cuộc nơi này, bả Cả Ngư kể cho cậu những gì bà nghe nói.
Nước Vạn Xuân chia năm xẻ bảy, thiên hạ thi nhau xưng vương nhưng dân gọi là sứ quân, sứ quân có nghĩa là vua cai trị. Có cả thảy mười lăm sứ quân trên đất Giao Châu, mỗi sứ quân trấn giữ một phương, quân binh ít thì dăm bảy nghìn, đông thì lên đến hàng vạn. Đó là chưa kể những nhóm của các hào trưởng cát cứ tứ phương, quân binh vài trăm, nay theo phe này mai theo phe khác.
Chương nhớ thời vua Đinh dẹp loạn 12 sứ quân sau khi vua Ngô Quyền mất, tình hình nơi này cũng na ná, Lý Nam Vương mất, quần hùng nổi lên tranh bá, tận những mười lăm sứ quân thì hơi nhiều, chả hiểu đất Giao Châu này rộng lớn đến bao nhiêu đường đất.
Như bà Cả Ngư kể thì bờ Bắc sông Thiên Đức có sứ quân của Vũ Ninh vương đóng trong thành Bát Vạn, một toà thành lớn, tường cao hào sâu, quân binh hơn một vạn. Sứ quân này trấn giữ vùng đồng bằng rộng nên tài lực cũng khá, vài sứ quân khác nhăm nhe tiến đánh nhưng đều phải rút thì thiếu lương.
Vùng Tế Giang nào đó có sứ quân của La Lệnh công, mạn Kỳ Bố gần cửa sông lớn nào đó do sứ quân Trần Minh công kiểm soát.
Bờ Nam sông Thiên Đức, nơi Chương đang ở có sứ quân Lý Lệnh công đóng trại ở vùng Siêu Loại, kiểm soát một phần châu Vũ Ninh và một phần châu Sơn Nam cũ, nay là Tế Giang.
-Đường Vỹ thôn chịu kiểm soát của sứ quân này, nhưng do gần bờ sông, xa với trại nên dễ thở hơn một tí. Sứ quân Lý Lệnh công ở sau dãy Linh Sơn, ta chưa đến đó bao giờ, nghe bảo xuôi dòng Thiên Đức là đến.
Bà Cả Ngư nói rõ hơn cho Chương nghe.
-Mấy năm trước quân của Vũ Ninh vương vượt sông Thiên Đức đánh Lý Lệnh công, đánh nhau dai dẳng hơn tháng trời lại rút. Chỗ vượt sông ở phía hạ nguồn, nghe bảo cách nhà ta hai ba chục dặm. Lý Lệnh công chưa thấy đem quân đánh ai, chỉ lo tích trữ lương thảo, luyện binh mã, lưu dân các châu khác thường tìm đến nương nhờ. Quân thì ta chả biết mạnh không chứ đông là chắc, bên Vũ Ninh vương một vạn thì bên này cũng chín nghìn.
-Bác nhà mình và anh Ngư theo phe nào hả bà?
-Dân nào được chọn phe, ông nhà ta với thằng Ngư trong quân Vũ Ninh vương. Nghe nói ông ấy lo cơm nước còn thằng Ngư là tốt. Hồi quân Vũ Ninh vương qua sông đóng trại, ông ấy với thằng Ngư nhờ được người đến dúi cho ta ít tiền.
Bà Cả Ngư đề cập đến sứ quân thứ sáu đóng ở La thành, kinh đô Vạn Xuân, là của Lý Long Xưởng, trưởng nam của Lý Nam Vương. Một người con khác của Lý Nam Vương, là sứ quân của hoàng tử Lý Long Trát đóng trại ở thành Sơn Tây, gần kinh thành. Sứ quân của Long Trát và Long Xưởng khi thì tạo lập liên minh, lúc thì quay ra chống lẫn nhau. Hai sứ quân này rất mạnh vì khi triều đình tan rã, sĩ tốt chủ lực quanh kinh thành đều đầu quân về hai hoàng tử này.
Bà Cả Ngư không thể kể hết 15 sứ quân vì hiểu biết của bà cũng gói gọn trong thôn ngoài giáp, phần đa tin tức bà biết đều có được từ những phiên chợ ven sông, những người buôn muối, buôn mắm, buôn vải là nguồn tin của bà với các vùng khác.
Bà Cả Ngư tưởng Chương đến từ kinh thành nên cậu thừa nhận phải trốn chạy, cha mẹ và anh chị em tứ tán, gia sản đã bị tịch biên.
-Cháu họ gì?
-Cháu họ Mạc, là lớn trong nhà.
-Thế gọi là Cả Chương à? Làng này không có họ Mạc, tổ tiên của cháu ở Hoa quốc hay người Vạn Xuân?
-Cháu người Việt, à ý cháu là người Vạn Xuân. Bà, thế bà họ gì ạ?
-Ta họ Trần, ông lão nhà ta thì họ Ngô.
Chương gật đầu ghi nhớ, trong khi chưa tìm được cách rời khỏi nơi này, cậu cần phải tạo ra một lai lịch, ngộ nhỡ có biến còn ứng phó được. Kinh thành mà bà Cả Ngư hay nhắc đến, cách đây quãng một ngày đường đi thuyền liệu có phải Thủ đô, nơi có cha mẹ và em gái cậu hay không?