Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 598: Đà Bắc động chủ




Chương 598: Đà Bắc động chủ

Đinh Sơn đang có những chuỗi ngày vô cùng vui vẻ, ra vào lúc nào cũng sai kẻ dưới bày tiệc rượu thết đãi tả hữu ở nhà lang.

Mấy năm về trước, một thầy tướng số người Hán được mời đến xem tiền vận đoán tương lai phán rằng đường tài vận, quan lộ của Đinh Sơn hanh thông, sống thọ và xứ mường yên bình thịnh thế. Là một người Mường nhưng bôn tẩu giang hồ, Đinh Sơn tin vào phép phù thủy, tin vào tướng số một cách… có chọn lọc. Đại ý cái nào có lợi thì tin và nghịch nghĩ chẳng nghe.

Thứ sử Vân Nam Lưu Trừng sai người đem thư khen Đinh Sơn có nhiều công lao giúp đỡ bách tính Vân Nam nói riêng và Hán tộc nói chung. Trong thư Lưu Trừng cho biết, đã tấu trình lên Đại Vũ Hoàng đế xin phong Đinh Sơn làm Đà Bắc động chủ. Đây là một tin mừng với Đinh Sơn và xứ mường thuộc quyền cai quản. Được phong làm Đà Bắc động chủ, thế và lực thêm lớn mạnh, có chỗ dựa, đồng nghĩa Đinh Sơn có quyền đòi hai xứ mường lớn còn lại cống nạp, đồng thời dễ dàng thu phục các xứ mường nhỏ khác.

Tin vui xếp hàng đến Mường Đội.

Trữ quân sai bọn Liễu Môn Nhân, Từ Quý Châu dẫn đoàn sứ đến kết mối giao hảo, lại phong cho Đinh Sơn làm Chúa đất mường. Đinh Sơn vốn chẳng coi Trữ quân là chính thống, song việc Trữ quân phong Chúa, lại muốn kết liên minh, phân chia đất Sơn Lăng, mảnh đất vốn đang thuộc Thiên Đức kiểm soát, thuộc về Mường Động một khi chiếm được cũng ít nhiều khiến Đinh Sơn hài lòng. Phải nói rằng Đinh Sơn muốn được thừa nhận, được công nhận. Nay đạt được điều ấy Đinh Sơn lấy làm vui trong dạ, mừng ra mặt.

Bên cạnh đó, cầu Cổng Trời đã làm xong, Đinh Sơn chờ ngày đẹp xuất binh, giáng cho Thiên Đức một đòn chí mạng, tạo uy danh trong thiên hạ xem như khao chức mới.

Chiều muộn hôm ấy Đinh Sơn ngà ngà say nằm vật ra ngủ chưa được bao lâu thì thuộc hạ xin cấp báo.

- Đám ngư phủ ở Hắc Giang đang đồn đãi ầm lên rằng quan lang Mường Động cử thích khách á·m s·át Vạn Thắng vương bất thành ạ!

Đinh Sơn còn chưa tỉnh rượu, quát hỏi:

- Đứa nào đơm đặt chuyện ấy?

Thuộc hạ đáp:

- Dạ bẩm quan lang, chuyện này đang truyền nhanh hơn gió, ngư phủ hai bên sông Hắc đương nhốn nháo. Thuộc hạ chẳng tin là thật, song tận mắt trông thấy thủy quân Thiên Đức xuất hiện rất nhiều trên mặt sông, chúng phong toả mọi thuyền bè qua lại. Trên bờ nhiều toán quân kị tra soát bến sông dường như đang tìm kiếm ai đó.

Đinh Sơn sai gia nô pha nước uống giải rượu, khật khưỡng ngồi xếp bằng trên sập gụ, thân trên có chút ngả nghiêng.

- Bọn Thiên Đức rất tinh ranh, có thể Mạc Thiên Chương sắp đến huyện Sơn Lăng thá·m s·át quân tình nên chúng mới bố ráp như vậy. Tao có cử ai đi g·iết Mạc Thiên Chương đâu? Tao với nó không thù không oán, nó cũng chưa hại gì đến tao. Chuyện tao đánh quân Thiên Đức và chuyện hành thích Mạc Thiên Chương là khác nhau. Tao làm tao nhận, tao không làm đứa nào vu tao sẽ chém. Mày mau đi nghe ngóng thêm, đây có thể là gian kế. Chúng bay còn ngu lắm, chơi với bọn Kinh phải lọc lõi vào, ngu ngơ có ngày nó làm cha chúng bay.

Đoạn rồi Đinh Sơn bảo gia nô mời mưu sĩ và các tướng đến… uống rượu bàn đại sự.

Tửu lượng của đàn ông người Mường rất đáng nể. Trẻ con Mường lên sáu uống rượu c·ần s·ay rồi lại tỉnh, đàn bà Mường uống rượu cũng tốt, có điều chừng mực hơn một chút. Mùa đông đến, mùa gặt sắp đến, càng phải uống để xua đuổi giá lạnh.

Điền Hoành đương được trọng dụng, ngồi xếp bằng cạnh quan lang. Nghe quan lang thuật lại điều thuộc hạ mới bẩm báo, Điền Hoành mặt đỏ gay, nói rằng:

- Động chủ anh minh! Mạc Thiên Chương đến Sơn Lăng xem xét quân tình, quân của chúng đề cao cảnh giác là phải. Mạc Thiên Chương lắm mưu nhiều kế, hắn phao tin xứ mường ta sai người hành thích hắn là có ý đồ cả.

Đinh Sơn nói:

- Điền đại nhân giảng rõ cho mọi người cùng nghe có được không?



Điền Hoành chẳng vội nói, tranh thủ ít thời gian tận hưởng hư vinh khi hàng chục cặp mắt cùng hướng về chờ Điền Hoành tuôn lời vàng ý ngọc.

Nhà lang im phăng phắc, chỉ còn tiếng gió thổi nhè nhẹ thoáng qua mấy ô cửa. Điền Hoành chậm rãi cất lời:

- Thiên Đức mạnh thì có mạnh nhưng La thành liên thủ với Đỗ Động Giang và các xứ mường, tận dụng địa thế có thể chống Thiên Đức lâu dài. Thiên Đức muốn chiếm được La thành, Đỗ Động Giang hay lên xứ mường ta sẽ phải trả một cái giá đắt đến nỗi hắn không dám mạo hiểm. Nhìn thế cục, La thành đất không rộng nhưng người đông, chẳng thể suy yếu trong ngày một ngày hai. Ngô Thiên Sách có núi non hiểm trở, bọn Thiên Đức muốn chiếm cũng chẳng dễ. Tuy thế, để thực hiện ý đồ chiếm kinh sư, Thiên Đức sẽ phải o bế, chia cắt kinh sư với các nơi khác. Mạc Thiên Chương cho đóng một đạo ở cuối đất Sơn Lăng, ý đồ chia cắt Đỗ Động Giang và xứ mường là rõ như ban ngày. Tiếp đó, Mạc Thiên Chương muốn gây hấn với xứ mường ta, chẳng ngoại trừ khả năng hắn động binh. Lúc ấy Động chủ phải lo đối phó với Mạc quân, không thể tiếp ứng cho Đỗ Thục và sứ quân ở kinh sư được.

Chúng tướng chăm chú lắng nghe, gật gù cho lời Điền Hoành là phải lắm.

Điền Hoành lại nói:

- Trong thời gian ngắn Thiên Đức lấy đất Sơn Tây, Tam Đái, Sơn Vi rồi thêm Thanh Hoa ở mạn Nam, điều này đặt ra nhiều thử thách cho Mạc Thiên Chương trong việc áp đặt thống trị vì muôn dân các xứ ấy không hẳn tất cả đều theo hắn. Gần đấy nhất, cuộc tiến chiếm Tây Phù Liệt khiến Thiên Đức thiệt hại không ít, nay hắn tiếp tục động binh, dân chúng ắt oán hắn. Xứ mường chúng ta rừng thiêng nước độc, dễ đến khó về, ngay như năm xưa Hoa quốc đặt quan lại cũng chẳng đoái các xứ mường vì e dân không phục. Các vị cứ ngẫm thử mà xem, cớ sao Mạc Thiên Chương chỉ chú tâm chinh phạt các sứ quân đồng bằng mà không muốn gây hiềm miền thượng?

Âu Minh Thông lúc này đã ngà ngà, nghe Điền Hoành nói có chỗ hợp lý, có chỗ chẳng lọt tai liền đứng ra nói:

- Điền tiên sinh, tại hạ còn có chỗ chưa hiểu, mong tiên sinh giảng giải giúp cho. Thực muôn dân dưới xuôi không phải ai cũng thần phục họ Mạc, song đó chỉ là những người bị ảnh hưởng quyền lợi bởi chính sách do họ Mạc đưa ra khiến họ không còn quyền hành gì. Đại bộ bận quân dân đều theo họ Mạc vì lẽ đơn giản, theo Mạc Thiên Chương có cái ăn, cái mặc và không b·ị b·ắt ép lính. Hơn nữa, trong con mắt của bách tính, Mạc Thiên Chương tự giành lấy thiên hạ từ tay trắng và… Điền tiên sinh cũng biết đấy, bách tính thích điều đó.

Nét mặt Đinh Sơn thoáng không vui trong khi Điền Hoành vẫn giữ vẻ thản nhiên.

Điển Hoành hỏi:

- Âu tiên sinh, điều tiên sinh thắc mắc là gì? Tại hạ chưa hiểu.

Âu Minh Thông lại nói:

- Tại hạ nhận thấy chúng ta nên kết giao với Thiên Đức hơn là những sứ quân đang hồi hấp hối. Gây hấn với Thiên Đức, lấy mối lợi nhỏ trước mắt đổi lấy đại hoạ dài lâu thực không nên. Mường Động rừng sâu núi cao, lợi thủ khó công, tiên sinh cũng phải lường đến trường hợp Thiên Đức phong toả xứ mường.

Điền Hoành cười lớn, nói rằng:

- Âu tiên sinh thứ lỗi tại hạ thất lễ. Thứ sử Vân Nam mới đây cho biết sẽ xin với Đại Vũ Hoàng đế phong quan lang là Đà Bắc động chủ. Thứ sử sẽ gửi bạc, lương và cả binh nếu kẻ nào x·âm p·hạm xứ mường ta. Từ rày về sau Mường Động có thể xưng hùng vì bốn cõi đã thừa nhận, Đại Vũ chống lưng thì sợ gì đám tôm tép Thiên Đức.

Âu Minh Thông vẫn nói:

- Một Thứ sử nhỏ bé mới thua lấm lưng trắng bụng, ngẫm khó nuốt Thiên Đức thì quay ra vỗ về các xứ mường làm phên giậu, làm tiền đồn cho bọn họ mà thôi. Điền tiên sinh có nghe trong thiên hạ người ta đang luận bàn nhà Lý suy vi đến mức mời ngoại bang vào đánh anh em, đánh không lại phải đền bạc vạn không? Tại hạ nghĩ, xứ mường ta cứ nên trung dung, tuyệt không nên tham gia vào bên nọ chống bên kia mà đã tham gia phải nhìn thế cuộc, sao lại ủng hộ bên nắm phần thua cơ chứ?

Điền Hoành chưa kịp đối đáp lại thì Đinh Sơn đã giơ tay ra hiệu cho Âu Minh Thông ngừng lời. Yên Định và Lạc Hi nãy giờ ngồi bất động, thấy tình hình sẽ căng thẳng, lời Minh Thông căn vặn lại không vừa lòng quan lang nên vội kéo Âu Minh Thông, ấn ngồi xuống.

Lạc Hi và Yên Định có nhiều điểm không thuận với Điền Hoành, thấy rằng Điền Hoành đề cao xứ mường, coi khinh Thiên Đức thì lấy làm lạ xong chưa thể lí giải cặn kẽ, chỉ đành lặng yên quan sát.

Đinh Sơn cất giọng vang như sấm:



- Thời thế thế thời nay đã khác, Mường Động lớn mạnh, được Thứ sử Vân Nam coi trọng, Trữ quân La thành cậy nhờ, Đỗ Thục cầu cạnh. Đành rằng bọn Thiên Đức dưới xuôi quân đông thóc nhiều nhưng xứ mường ta cũng chẳng thua kém. Trữ quân sai sứ đến thương thảo, các người cũng đã tỏ cả rồi. Đất Sơn Lăng từ giờ là của người mường, vậy chẳng thể để Thiên Đức chiếm cứ được.

Chúng tướng nhao nhao hùa theo lời Đinh Sơn. Điền Hoành tiếp lời:

- Sơn Tây vương đớn hèn dâng đất làm tôi mọi cho Mạc Thiên Chương. Hắc Giang là con sông lớn mà hạ du lại bị bọn Thiên Đức kiểm soát một phần, nhờ đó chúng khống chế đường thủy, chèn ép người Mường ta. Quan lang chẳng cần bọn Lý Long Xưởng nhượng phần đất vốn không còn thuộc về họ Lý, nhưng có giấy làm bằng, chúng ta phải lấy đất Sơn Lăng, có vậy sẽ kiểm soát toàn bộ Hắc Giang.

Đinh Sơn vui mừng nói:

- Lời của Điền tiên sinh thật hợp ý ta! Sau đây chúng tướng phải đến các xứ mường loan báo cho dân được biết Đinh Sơn nay là Đà Bắc động chủ. Sông Hắc nghĩa là đen, không tốt, từ nay đổi sang gọi sông Đà, con sông này là của xứ Mường Động.

Chúng tướng lại hò reo rồi say khướt, duy có bọn Âu Minh Thông cảm thấy rượu cần nhạt thếch bèn cáo lui trước.

Âu Minh Thông bực tức nói:

- Một đám ngu độn, vì mấy lời phỉnh nịnh của thằng cha căng chú kiết Lưu Trừng ở mãi tận đâu đã vội lên mặt xưng vua xưng chúa. Lại còn đám thuyết khách ngoại bang dưới kinh sư mò lên đây nữa, lời của chúng thật khó lọt tai. Chúng đem gạo muối, bạc vàng mua lòng quan lang thì thôi đi, lại còn bày đặt nhượng phần đất tổ tiên của chúng, phần đất mà chúng chẳng có, cho quan lang.

Lạc Hi lắc đầu cười khổ:

- Sơn Lăng là hòn than, sờ vào không m·ất m·ạng phải do phúc ấm tổ tiên hãy còn dày lắm. Âu huynh, huynh có không bằng lòng cũng nên nín nhịn, dẫu sao bọn ta đều là kẻ ăn nhờ ở đậu. Quan lang không vừa lòng sinh lắm chuyện chẳng hay.

Yên Định trầm ngâm hồi lâu, bây giờ mới nói:

- Điền Hoành thực có nhiều quỷ kế khó đoán, hai huynh ngẫm thử đi. Lưu Trừng thua muối mặt chưa bao lâu, lại phỉnh quan lang bằng chức tước, bạc vàng, đem xứ Mường Động thành tiền đồn chống Thiên Đức. Tại hạ ngờ rằng có bàn tay của Điền Hoành cả.

Lạc Hi hỏi lại:

- Ý huynh là… Điền Hoành… là tay trong của Lưu Trừng?

Âu Minh Thông chợt đọc hai câu thơ:

“Giang sơn bốn bể là nhà,

Đâu đâu người Hán cũng là anh em.”

Đoạn rồi chua chát:

- Hán tộc đông, chúng nó đánh nhau thì kém nhưng mưu một bụng. Bọn Hán biết bảo ban nhau, tại hạ chẳng lạ nếu Điền Hoành là gian tế của Lưu Trừng.

Yên Định ngửa cổ uống cạn chén rượu, thở mạnh một cái, nói rằng:



- Mạc Thiên Chương cần một cái cớ để quy tụ lòng bách tính. Hắn sẽ đánh Mường Động như một cách đánh vào hậu quân, cắt lương thảo, binh lực. Mường Động có vài nghìn tráng đinh, bắt thêm lính cứ cho cả vạn cũng chỉ là một đám ô hợp. Mạc Thiên Chương chỉ cần dăm ba nghìn tinh binh sẽ khiến quan lang ăn ngủ không yên. Điều này Điền Hoành nói không sai.

Lạc Hi thắc mắc:

- Như vậy huynh cho rằng lời đồn đãi có thích khách Mường Động á·m s·át Mạc Thiên Chương do bọn Thiên Đức phao?

Âu Minh Thông cười khùng khục, nói:

- Thích sát Mạc Thiên Chương? Việc ấy khó hơn lên trời. Xung quanh hắn là thiên binh vạn mã, trừ phi những kẻ thân tín ra tay, nhược bằng không thì… cầm chắc cái hoạ. La thành, Tam Đái, Tế Giang hay Đằng Châu… có bao người muốn làm điều đó nhưng đều không thành, đó chỉ là ảo vọng của những kẻ ngắn nghĩ mà thôi. Giết được Mạc Thiên Chương lúc này không thể làm Thiên Đức tan rã, hắn đã lập Trữ quân. Hắn c·hết thì quần thần, bầy tôi trung thành sẽ phò tá con hắn. Các huynh phải biết họ Phạm trung thành với Hoàng hậu như thế nào. Túm lại, hành thích vương Thiên Đức là thất sách.

Lạc Hi và Yên Định đồng tình với nhận định của Âu Minh Thông. Lạc Hi bổ sung ý kiến:

- Gần đây Mạc Thiên Chương trọng dụng các tướng Lý Văn Ba, Bàn Phù Sếnh, Nguyễn Lạc Thổ, Lê Phụng Hiểu và đám Sơn Tây quy thuận. Văn nhân có bọn Ngô Hy Doãn, Nguyễn Nhân Nghĩa đều gốc gác làm quan tiền triều. Cổ nhân dạy dụng nhân như dụng mộc, qua cách dùng người đã thấy Mạc Thiên Chương có cái nhìn sâu rộng. Hắn muốn cân bằng thế lực, vì vậy hiền tài về theo mỗi lúc một đông. Hắn dụng cả người nghịch ý, miễn có thực lực là hắn dụng. Trưởng tử Phan Văn Hầu nay thống lĩnh binh Tam Đái, thử hỏi mấy người dám làm như hắn.

Yên Định nói thêm:

- Thân tín hắn dùng hộ vệ nghe nói đều không phải người gốc phủ Thiên Đức. Các huynh ngẫm xem, chỗ đáng sợ của Mạc Thiên Chương còn nằm ở chỗ đó. Hắn rất tin người nhưng lại tính kế dài lâu, cất nhấc thêm người trẻ vô danh để họ mang ơn hắn, sau phò tá hậu duệ họ Mạc. Tam Vạn Phạm thị là rường cột rõ như ban ngày, song chẳng có nghĩa che được trời.

Bàn qua bàn lại thêm một hồi, Âu Minh Thông kết luận:

- Thiên Đức chĩa mũi dùi vào Mường Động, bọn dưới xuôi chẳng giúp mà đám Vân Nam quá xa. Nếu thực tình quan lang phái người thích sát Mạc Thiên Chương thì chúng ta cũng phải đánh bài chuồn thôi. Nơi này chẳng còn chỗ cho đám bất tài như bọn ta nữa.

Cả ba mưu sĩ bất đắc chí say khướt. Trưa hôm sau tỉnh giấc thần trí hãy còn mơ màng, lại thoáng nghe Thiên Đức sai sứ đến hạch tội thì ngạc nhiên lắm, muốn đến nhà lang nghe ngóng mà mãi chẳng được quan lang cho gọi.

Âu Minh Thông vục mặt vào vại nước mát lạnh cho tỉnh táo, nói với Yên Định:

- Mạc Thiên Chương sai Bố Giáp đi sứ hẳn chuyện thích sát không phải tin đồn nữa rồi.

Yên Định chau mày:

- Không loại trừ khả năng có kẻ đục nước đắc lợi. Quan lang không hồ đồ đến mức thích sát Mạc Thiên Chương đâu, ông ấy ngay thẳng, làm là nhận.

Lạc Hi đứng chống nạnh gần đó, nói:

- Nghe nói chánh sứ là Liêu Nhất Khổng, kẻ đó là ai?

Âu Minh Thông đáp:

- Nghe nói Liêu Nhất Không từng là môn khách của Tô Thái uý, chẳng biết sao ông ta lại sang đầu Thiên Đức. Liêu Nhất Khổng đó có giao tỉnh với Từ Quý Châu, muốn biết rõ về ông ta hỏi Từ Quý Châu sẽ tỏ.

Lạc Hi đề nghị:

- Đoàn sứ La thành vẫn chưa về, chúng ta đến đó xem sao. Dù gì quan lang cũng chẳng vời bọn ta vào hỏi chuyện đâu.

Âu Minh Thông và Yên Định đồng ý, cả ba bèn kéo nhau đi gặp đoàn sứ La thành.