Chương 46: Trước giờ thử thách
Sau gần chục ngày luyện tập, Chương nhận thấy mọi thứ tốt hơn cậu nghĩ, hẳn do nền tảng thể lực của các chàng trai nơi này cũng không như Chương.
Chiều hôm ấy, Chương cho dựng một cột bằng tre cao hai trượng ngay cạnh bãi tập. Chương đã tốn cả ngày trời làm ròng rọc bằng tre để kéo cờ, mãi đến chiều tối mới xong xuôi.
Chương mua một con gà của bà Cả Ngư, bà cụ không nhận tiền nên Chương đành nói rõ lý do, bà cụ nhận một đồng tượng trưng. Bà Cả Ngư cũng đồ xôi và tự tay chuẩn bị những thứ cần thiết giúp Chương, từ trầu cau đến cút rượu. Sau khi nghe Chương nói, bà biết đây là việc hệ trọng nên làm mọi thứ rất kỹ. Niềm tin chồng con sớm trở về đoàn tụ của bà Cả Ngư ngày càng lớn.
Tinh mơ sáng hôm sau, Chương vô cùng ngạc nhiên khi ngoài cổng nhà đầy đủ những người quan trọng của làng Vạn. Người nào người nấy ăn mặc chỉnh tề, nét mặt vô cùng hân hoan. Căn nhà nhỏ của bà Cả Ngư không thể chứa hết khách nhưng chẳng ai lấy làm phiền, họ kê giày rơm ngồi cả ngoài sân.
Phạm Tu, Đoàn Thượng, Triệu Quang Phục, bà Dung, Bỉnh Di và vài người khác thắp hương trên ban thờ Phật, ban gia tiên rồi cùng nhau vái lạy vô cùng thành kính. Bà Cả Ngư cả đời chưa từng nhìn thấy đoàn người ăn mặc trang trọng đến nhà nên lúng túng và xúc động đến rơi nước mắt.
Bà Dung đỡ bà Cả Ngư ngồi xuống ghế trong khi tất cả mọi người kể cả Phạm Tu đều đứng thẳng, họ đồng loạt cúi đầu chào bà cụ. Phạm Tu nói:
-Thưa bà! Ta là Phạm Tu, hôm nay thay mặt bạn bè, thân tín trên dưới và Thiên Gia Bảo Hựu quân đến đây trước là bái gia tiên sau có đôi lời cảm tạ bà đã cưu mang cậu Chương lúc khốn khó.
Bà Cả Ngư muốn đứng lên nhưng bà Dung cứ giữ bà ngồi yên.
-Các cụ xưa từng dạy, công sinh không bằng ơn dưỡng. Nhờ bà mà chúng ta nay mới có được cậu Chương giúp sức, thật thất lễ, đúng ra chúng ta nên đến sớm hơn nhưng cậu Chương một hai từ chối. Hôm nay chúng ta trên dưới, già trẻ của làng Vạn đều đến đông đủ, mong bà hãy yên tâm rằng chúng ta trước sau đều coi cậu Chương như con cháu làng Vạn. Hôm nay là ngày trọng đại, Thiên Gia Bảo Hựu quân mong bà hãy nhận của chúng ta những tình cảm chân thành.
Phạm Tu cúi đầu chào, tất cả mọi người làm theo. Sau đó ông giới thiệu lần lượt từng người nhưng bà Cả Ngư nào có nhớ hết vì liên tục đưa ống tay áo quệt nước mắt gật đầu vâng dạ. Một người phụ nữ nhỏ bé, gần đất xa trời nay lại có cả đoàn người đến cảm tạ thì khó mà giữ được bình tĩnh.
Chương cũng không hiểu vì sao ông Phạm Tu lại rình rang thế này, cậu cho là ở Vạn Xuân lễ nghi là vậy nên cũng không suy nghĩ thêm.
Chào hỏi xong xuôi, mọi người theo Nguyệt, Bình và Duệ ra bãi tập chỉ còn bà Dung ngồi lại hàn huyên.
-Chị ạ! Cả tháng nay con cháu nhà em ăn dầm nằm giề ở đây mà em chẳng đến có nhời, mong chị bỏ quá cho. Nhà có ba cái giường, chúng nó ăn ngủ ra làm sao? Cái Bình là con nuôi của em chị ạ.
-Thì tôi với con bé nhà tôi ngủ giường này, cái Bình với cái Duệ giường kia còn thằng Chương bên đấy. Thi thoảng thằng Lượng ngủ với thằng Chương nhưng tôi cấm tiệt vì con gái tôi chưa xuất giá.
-Chị làm thế là phải. Thằng Lượng cũng tốt, nó là con của ông anh ruột em, ông Tu ấy mà.
-Tôi biết, thằng đấy thì tốt nhưng con gái tôi mới mười sáu.
-Qua năm chị kết thông gia với bác Tu đi chị ạ, chuyện sớm muộn thôi mà.
-Chả giấu gì cô, chuyện đại sự của con nay bố với anh nó không có nhà nên tôi không dám quyết. Tôi cũng đã giao con Nguyệt cho thằng Chương, chúng nó là thầy trò, thầy nói sao trò nghe vậy cô ạ.
-Em cũng muốn nhận thằng Chương làm con nuôi, chị thấy thế nào?
-Cô nhận nó làm con nuôi làm gì? Kéo nó về làm con rể chả tốt hơn sao?
-Em là cứ lo thằng Chương không ưng con Bình.
-Chúng nó dính nhau như sam, cô lại khéo lo. Có điều cô Dung nhanh thì làm mẹ vợ cả chứ không thì…
-Chả sao chị ạ, trai tài năm thê bảy th·iếp cũng là lẽ thường. Em chỉ mong con em được thằng Chương đối đãi tử tế là mừng rồi.
-Vậy cô Dung càng không lo, cái thằng Chương nó chiều con Bình. Có rể tài thì ngày sau cô cũng có chỗ nương nhờ mà tôi cũng thế.
-Thế em cứ nói trước, chị làm thông gia với ông Tu rồi sau làm thông gia với em. Chứ dâu hiền rể thảo phải xin sớm chị ạ.
-Vầng, vầng, nếu được như thế thì tôi nhắm mắt xuôi tay cũng chẳng còn lo gì nữa.
Chương không biết cuộc nói chuyện của hai người phụ nữ bởi cậu còn đang ngạc nhiên khi quanh bãi tập bây giờ đông đến vài trăm người, hình như Phạm Tu đã cho phân nửa ba làng Vạn đến đây. Dân làng Đường Vỹ chả hiểu chuyện gì mà mới tảng sáng đèn đuốc đỏ rực ngoài đồng nên cũng bảo nhau kéo ra xem.
Những tráng niên của Đại đội Thiên Đức ngây người hết lượt, kẻ nào kẻ nấy lúng túng khi trong đám đông có người thân hoặc người thương. Bọn họ thi nhau gọi tên tạo ra cảnh huyên náo chưa từng có. Bỉnh Di còn đem theo cả trống và bây giờ, khi mặt trời ló rạng, trống đánh liên hồi.
Phạm Tu đến bảo Chương đi theo, ông dẫn cậu đến gặp một vị sư già:
-Đây là Thiền sư Ngô Chân Lưu, trụ trì Linh Sơn cổ tự. Tiên vương đã phong Thiền sư là Khuông Vạn Thái sư.
Chương cúi đầu chào và tự giới thiệu. Thiền sư Ngô Chân Lưu nói với Chương:
-Bần tăng hiếm khi xuống núi vì tuổi cao sức yếu nhưng được Tả Đô đốc cho biết hôm nay cháu sẽ làm lễ thượng cờ xưng danh. Ta đã nghe bà Dung và Tả Đô đốc kể nhiều về cháu, nay gặp quả nhiên thấy Tả Đô đốc có mắt nhìn người.
-Cháu mới có hai mươi, hãy còn nông nổi lắm ông ạ, còn phải không ngừng học hỏi.
-Phật dạy rằng khiêm tốn mới dễ thành công và nhận được phúc báo. Làm người phải biết khiêm tốn, lấy khiêm nhường làm thước đo để hành xử. Phật cũng dạy hãy thắng người hơn mình bằng đức tính khiêm cung.
-Vâng ạ.
-Cửa chùa rộng mở, ta mong một ngày gần đây con đến vãn cảnh. Bây giờ con cứ lo việc của con, khi nào xong ta sẽ làm lễ giúp.
Dứt lời, Thiền sư chắp tay niệm Phật, ông toạ luôn trên cỏ. Chương cúi chào cả hai nhà sư đứng sau rồi xin phép lui.
Bãi tập bây giờ chẳng khác gì một sân vận động nhỏ, không khí vô cùng náo nhiệt. Chương nói với Bỉnh Di, Bỉnh Di cho ngưng trống và ra hiệu mọi người giữ trật tự. Những người lớn tuổi, trẻ em và con gái được ngồi xung quanh xem còn cánh đàn ông con trai đứng phía sau.
Sau khi tất cả yên vị, Chương trèo lên cao dõng dạc tuyên bố nội dung cuộc thi và phần thưởng. Tất cả mọi người trong khi xem được hò la thoải mái nhưng không được chạm vào vạch vôi đã kẻ sẵn.
Trong khi Chương nói, Triệu Quang Phục thắc mắc với Phạm Tu:
-Tôi chả thấy có gì đặc biệt, chỉ lạ mắt thôi. Những thứ ấy giúp binh sĩ khoẻ và nhanh hơn ư? Thật khó mà tin được.
-Ta nào khác gì ông nhưng ông xem mặt mũi đám trẻ chưa? Đứa nào cũng tím mặt, ta nghe cái Duệ bảo hầu hết bọn chúng đều… đập mặt vào chỗ cột tre đằng kia, thằng Lượng còn chảy máu mũi.
-Sao có thể, chỗ đó làm gì có bẫy, tôi xem rồi, tuyệt không có gì lạ.
-Ông đã thử chạy luồn lách thật nhanh qua những cọc tre đó chưa? Chúng nó sẽ thi, cái đám máu nóng này đâu chịu chậm hơn chúng bạn. Thẳng Chương đã khích tướng nên đứa nào cũng muốn mình là nhanh nhất. Nhìn cả cái bãi này chả thấy gì nguy hiểm nhưng chốc nữa ông thử làm xem sao. Ta thì không dám vì sẽ mất mặt lắm, thằng Di đã khuyên ta đừng dại.
-Được, chốc nữa tôi sẽ khích lão Thượng.
-Còn ông?
-Tả Đô đốc không muốn mất mặt chả lẽ ta lại muốn?
-Ông như thế là khôn đấy! Con Duệ kể là lúc đầu thằng Lượng tưởng ngon ăn mà sau muối mặt vào xin xỏ cho hẳn mươi hôm luyện tập là ông hiểu rồi. Sức chúng ta sao bằng bọn nó được.
Tiếng trống lại đổ dồn một hồi dài, Phạm Tu tạm ngưng câu chuyện vì ông đã thấy Thiên Bình và Duệ cầm một lá cờ nhỏ màu đỏ trong tay đứng đối diện nhau ở nơi gọi là vạch xuất phát.