Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 340: Áo rộng sẽ vừa




Chương 340: Áo rộng sẽ vừa

Thượng tuần tháng 10, Yết Kiêu đề đạt nạo vét sông Thiên Đức đoạn từ làng Long Ngô Động đến ngã ba hợp lưu với sông Nhật Đức hòng thuận tiện cho chiến thuyền qua lại. Quân dân huyện Vũ Ninh, Thiên Đức và Thuận Thiên được huy động. Cụ Vũ Miên tuy tuổi cao nhưng vẫn đứng ra kêu gọi và chỉ huy việc nạo vét. Lòng sông nạo vét đến đâu, Chương cho đắp đê bằng bê tông, làm đường đến đó.

Nhờ cụ Vũ Miên và các bậc cao niên góp ý, Chương chọn những đoạn sông hẹp làm cầu phao qua sông. Cầu có thể là những bè tre lớn nối với nhau hoặc vài chục thuyền nhỏ xếp thành hàng, lót ván gỗ làm đường, thành cầu bằng tre đực. Đặc điểm chung của những cầu dạng này là dễ làm, dễ tháo, dễ di chuyển khi có thuyền bè lớn nhỏ đi qua. Nhờ có hàng trăm chiếc cầu phao thô sơ bắc qua các con sông lớn như Thiên Đức, Văn Giang, Dâu, Kinh Sư, Kinh Môn, Nghĩa Trụ… mà dân chúng trong vùng đi lại thuận lợi hơn, việc giao thương nội vùng nhờ đó được thúc đẩy.

Thực tế, tại các huyện mới, ngay sau khi ổn định tình hình, hệ thống giao thông thuỷ bộ luôn được chú trọng. Dân ở đâu làm đường ở đó, dần dà khoán cho từng địa phương, đến tận xã. Đường làm xong báo lên Ty Giao thông đến nghiệm thu, nếu đạt, Ty Giao thông báo cáo cho văn phòng giúp việc của Vạn Thắng vương. Ty Tài chính sẽ lập tức chi trả cho dân làng đó tiền, vàng hoặc lương thực tuỳ chọn. Hoặc dân làng xã làm đường cái xong, đề đạt nguyện vọng miễn thuế, cách này dễ dàng và nhanh nhất, thường được các nơi áp dụng. Bởi vậy, tốc độ phát triển đường bộ liên xã, liên huyện nhanh đến chóng mặt.

Những Lê Văn Thịnh, Ngô Miên Thiệu, Trịnh Hoài Thượng, Vũ Trinh… hiểu lợi ích của việc làm đường nên ra sức đốc thúc. Những nhân sĩ khi làm đường, đều để tâm làm cầu đường bộ với lời dặn riêng của Chương:

-Cầu bắc ngang mương máng thuỷ lợi phải nạo vét cho sâu lòng mương, những cầu ở nơi hiểm yếu phải dài ít nhất 5 trượng.

Còn như tại sao phải làm vậy, những nhân sĩ đủ thông minh để hiểu mà không cần phải nói ra. Những cầu đường bộ càng gần vùng lõi của phủ Thiên Đức càng dài, có cầu dài đến hơn 10 trượng. Các cầu đều dễ dàng phá huỷ khi cần thiết. Cầu gần làng nào sẽ giao làng đó cai quản, các cầu trọng yếu giao cho địa phương quân trông giữ.

Duệ mới sinh chưa được trở lại làm việc chính thức, cô thường bàn thảo với Ngô Thì Nhậm về luật, chỉnh sửa trước khi được ban hàng. Uyển Như miệt mài việc kiếm tiền, Lam Khuê làm nội tướng nên việc giá·m s·át làm cầu, đường hay trồng trọt đều do Thiên Bình đảm trách. Điều này vô cùng phù hợp với vị trí Hoàng hậu, mẫu nghi thiên hạ.

Thiên Bình vốn thích bay nhảy, ưa thích mọi chuyện giải quyết theo lối nhanh gọn, muốn xông pha nơi hòn đạn mũi tên lập chiến công vang danh trước trận tiền nhưng thân phận Công chúa rơi xuống đầu đã khiến Thiên Bình trăn trở nhiều đêm.

Cô đã dành nhiều thời gian nghe mẹ kể vể cha, kể về những điều bậc quân vương đã làm được và chưa làm được. Phạm Tu cũng nói với Thiên Bình nhiều chuyện. Trong thâm tâm, Thiên Bình muốn ngày nào đó được thắp nén hương thơm trên lăng mộ của tiên vương.

Thiên Bình bị choáng ngợp và muốn thay đổi nhưng thực chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Duệ nói với Thiên Bình rằng nông nghiệp là nền tảng xây dựng đất nước, nên bắt đầu từ nông nghiệp vì như vậy phù hợp với tôn chỉ lấy dân làm gốc của quân Thiên Đức và giúp Chương an dân.

Thiên Bình bắt đầu tìm hiểu và… đi sâu vào quần chúng để không bị chồng phê bình ý thức chính trị non kém. Có bắt tay vào công việc tưởng chừng như đơn giản ấy Thiên Bình mới biết không hề giản đơn. Cô đến Nghĩa Trụ Thượng, đến Siêu Loại và trở về với trăn trở thay vì hào hứng. Vị thế Công chúa nhà Lý, người được chọn nối ngôi và Hoàng Hậu của Vạn Thắng vương vô hình chung khiến Thiên Bình cảm thấy bao quanh mình như có một lớp bảo vệ vô hình, kèm theo đó là sức nặng ngàn cân đặt lên vai.

Thiên Bình đến Nghĩa Trụ Thượng trong hàng nghìn cặp mắt dõi theo từng cử chỉ, hành động, lời nói của cô khiến cô cảm thấy thiếu tự tin. Thiên Bình chợt hiểu vì sao bấy lâu nay Chương không muốn đứng đầu thiên hạ mà chỉ muốn ở trong một mái tranh đơn sơ và chẳng ai biết anh là ai.



Những người trẻ mà Thiên Bình gặp, họ thường chen chân ngó xem Hoàng hậu của Vạn Thắng vương, người đang nổi như cồn trông ra làm sao. Gặp các cụ cao niên trong làng, họ một dạ hai vâng luôn miệng bẩm tấu nhưng không giấu ánh mắt tò mò. Dường như Thiên Bình đọc được suy nghĩ của các cụ:

-“Hoàng hậu có tài năng gì mà tiên vương lại truyền ngôi cho?”

Đem những thắc mắc thủ thỉ với Chương, Chương bảo:

-Em muốn hiểu họ nghĩ gì thì em phải đặt em vào địa vị của họ. Như anh hay bảo em, dù em không muốn thì em vẫn là mẫu nghi thiên hạ. Chẳng có cái áo may sẵn nào vừa vặn với mình em ạ, mình phải tự thích nghi để vừa cái áo cho đẹp.

-Nhưng em không biết phải làm thế nào, em cứ như không còn là em nữa.

-Em thiếu tự tin cũng chẳng có gì lạ, hãy mặc kệ.

-Em đã hăm bốn, là mẹ của hai đứa trẻ. - Thiên Bình buồn rầu. - Hồi em biết anh, anh mới đôi mươi mà chững trạc hơn biết mấy. Lúc anh hăm bốn, anh đã làm được bao việc lớn. Em thấy chị Duệ hợp làm mẫu nghi thiên hạ hơn em.

Chương cười, kéo vợ vào lòng, nhỏ nhẹ nói:

-Em sẽ không biết em giỏi như thế nào nếu em không đứng ở thấp nhìn lên cao. Duệ nhà ta thông tuệ nhưng lại nhân hậu quá, Uyển Như sắc sảo song chỉ quan tâm đến cái lợi. Lam Khuê đủ thông tuệ, đủ bao dung nhưng thích vun vén cho gia đình hơn là lo thiên hạ. Em có cá tính, em quyết đoán và dễ dàng nhận góp ý để tiến bộ. Mẫu nghi thiên hạ phải nhân hậu như mẹ nhưng em thấy đấy, mẹ dù hiền đến đâu cũng có lúc roi vọt thì con cái mới thành người có ích. Em thông minh, muốn tìm hiểu dân tình, giúp dân thì đừng có cờ gióng trống reo.

-Ý anh là em cứ âm thầm mà đi?

-Hồi trước chúng ta chẳng là gì, ta thấy bất cập khi quan lại, binh sĩ nhũng nhiễu và muốn kẻ mạnh hơn trị họ. Nay ta mạnh, ta chính là kẻ mạnh! Ta lại quên béng điều ấy. Họ biết em đến, họ chuẩn bị, vậy cái em thấy chưa chắc là cái em thấy. Với lại, em à, tham là bản chất của con người.

-Anh tính dung túng cho tham lam?



Chương lắc đầu:

-Với địa vị của em, em có thể thay đổi đại thể thay vì xử lý một việc nhỏ. Em thấy một người tham, em triệt họ cũng tốt, thoả lòng em, thoả lòng người bị ức h·iếp nhưng em hay anh cũng chỉ có hai mắt, hai tai và 12 canh giờ một ngày. Nếu ta cứ chăm chăm xử lý tiểu tiết thì đại cuộc sao thành? Em thấy các vấn đề bất cập thì ghi lại, tìm hướng xử lý rồi gọi người có trách nhiệm đến bảo ban họ. Như thế em không chỉ khiến một kẻ sợ mà hàng trăm kẻ sợ. Nông dân thấp cổ bé họng nên ai họ cũng sợ. Em đến thăm họ được một chốc em đi, em xử lý k·ẻ g·ian tham xong rồi thoả lòng em nhưng…

Chương thở dài:

-Dân vẫn ở đó, những kẻ tham khác lại lộ diện và tham hơn người trước, gian hơn người trước. Thấy việc bất bình, thay vì em ra tay nghĩa hiệp ngay lập tức, hãy tìm hiểu căn nguyên và thiếu gì cách trừ khử.

Thiên Bình ghi nhớ những điều ấy, cô âm thầm đến vùng Nam Sách chỉ với khẩu súng lục giấu trong người cùng dăm nữ binh. Cả bọn giả trang thành thôn nữ đi tìm việc làm thêm trong lúc giáp hạt. Bọn Thiên Bình dừng chân ở làng Thượng Triệt, một ngôi làng yên bình có nghề làm gốm, cách huyện Thuận Thiên không xa.

Nam Sách là vùng đất thuộc về Thiên Đức chưa được bao lâu nên kinh tế chưa lấy gì làm phát triển, đường xá cũng mới bắt đầu làm, giao thương với các vùng khác cũng hạn chế. Nghề làm gốm được coi là nghề chính của làng Thượng Triệt. Thiên Bình chẳng biết gì về gốm, chỉ thấy một số bình gốm, đĩa, bát có hoa văn đẹp nên mua mỗi thứ một chục đem về làm bát ăn.

Lâm Chí Hoà đến thăm cháu ngoại vô tình thấy thứ bát đĩa Thiên Bình đem về và tỏ ra vô cùng hứng thú. Lâm Chí Hoà dò hỏi nguồn gốc, Thiên Bình ỡm ờ đáp không nhớ mua ở đâu. Lâm Chí Hoà bèn ngỏ ý muốn bao tiêu sản phẩm để bán sang Hoa quốc. Lâm Uyển Như ngửi thấy mùi lợi nhuận muốn Ty Thương nghiệp bao tiêu. Thiên Bình đồ rằng thứ cô đem về là đồ tốt bèn giao kèo rằng, Ty Thương nghiệp sẽ bao tiêu trong nước, còn hẹn trả lời Lâm Chí Hoà sau.

Chương lấy làm lạ, hỏi:

-Ông ngoại muốn bao tiêu sao em không thuận?

-Nếu đồng ý nhỡ đâu em bị hớ thì sao? Em cần phải quay lại làng ấy hỏi rõ hơn nguyện vọng của dân. Nếu đồ tốt, ông ngoại sẽ phái Lâm Minh Tự đến mua, thuận mua vừa bán. Thương nhân sẽ tự tìm đến đặt hàng, nhiều người mua ắt giá sẽ cao, dân làng đó sẽ có lợi, chả phải anh vẫn hay dùng chiêu đó sao?

-Hề hề hề! Quả có việc ấy. Uyển Như dễ dàng đạt được lời đề nghị là cớ làm sao? Là vì người trong nhà?

-Ty Thương nghiệp của của Thiên Đức, với lại em nghĩ bát đĩa do làng Bạch Thổ làm ra đáp ứng nhu cầu thường nhật. Thượng Triệt có bát đĩa song em cảm thấy có gì đó khác khác.



-Cao cấp hơn? Ý là đồ thượng hạng?

-Em biết gì về thứ đó đâu, chỉ là cảm nhận. Nếu thương nhân Hoa quốc thích thứ ấy ắt thế gia Vạn Xuân cũng muốn, khi ấy chị Uyển Như mới có lợi.

Chương gật gù đồng tình. Anh cũng chẳng để tâm đến gốm sứ vì không hiểu biết. Tuy nhiên, Lâm Chí Hoà để tâm ắt thứ ấy sinh lợi.

-Bao giờ em đến Thượng Triệt?

-Em sẽ rủ chị Uyển Như đi cùng, em muốn làng ấy giàu lên.

Chương ngó trước nhìn sau thì thào:

-Em nên nhớ em là Hoàng hậu và trong buôn bán, địa vị ảnh hưởng lớn lắm. Tính toán sao cho dân làng ấy được lợi, ông cụ được lợi, Uyển Như cũng được lợi tự nhiên mối làm ăn sẽ bền chặt. Thông qua đó, địa vị của em trong mắt mọi người vì thế là nâng cao.

Thiên Bình nhăn nhó cầm cái đĩa có hoa văn ngó nghiêng:

-Chẳng lẽ em vì vô tình mua thứ này về mà làng ấy phát tài ư? Chuyến đi chả thu nhặt được gì.

-Điều ấy chứng tỏ nhân sĩ mà chúng ta trọng dụng đang làm việc tốt. Em mà giúp dân làng ấy phát tài, họ sẽ nhớ ơn em. Mà trách nhiệm của em phải giúp dân giàu nước mạnh, đừng có nhận lời cảm ơn.

-Nhưng thứ này có gì hay mà ông ngoại Thiên Kim lại xin về nhỉ? Đẹp thì có đẹp nhưng… ông cụ giàu có mấy đời chả lẽ chưa từng thấy thứ tương tự?

-Anh với em xuất phát nông dân chả thể hiểu người giàu nghĩ gì đâu. Ông cụ để tâm chứng tỏ nó có giá.

Thiên Bình bán tín bán nghi rủ Uyển Như cùng đến làng Thượng Triệt. Uyển Như cũng không biết về gốm, cô theo đóm ăn tàn, cha cô hứng thú nhất định thứ bát đĩa này có giá trị.

Trong khi ấy, Mạc Dật âm thầm chuyển lương thảo từ ba huyện Thiên Đức, Thừa Thiên và Thuận Thiên đến các kho bí mật tại Phượng Sơn theo chỉ thị của Chương, chuẩn bị cho kế hoạch tiến lên vùng Tây Bắc.