Đọc truyện vip online, đọc truyện chữ, truyện full, truyện hay. Tổng hợp đầy đủ và cập nhật liên tục.
Vạn Xuân Đế Quốc

Chương 318: Thánh chỉ đến!




Chương 318: Thánh chỉ đến!

Nói tràng giang đại hải mãi cũng hết lời hay ý đẹp dành cho Thái uý, bấy giờ Phạm Tu mới hắng giọng hô lớn:

-Thánh chỉ đến!

Khuông Vạn Thái sư mở hộp gỗ sơn son thếp vàng, cung kính lấy ra một cuộn vải màu vàng, bề ngang chừng 1 thước, trông khá dày. Chương tròn mắt nhìn thầm nghĩ:

-“Chiếu chỉ của tiên vương Lý Nam Vương á? Đem ra đây làm gì nhỉ? Ờ! Ra thế, đem thứ ấy móc họng lão Thái uý đây mà. Bảo sao nãy giờ cứ gài lão ấy.”

Phạm Tu giục Chương:

-Thánh chỉ đến, mau quỳ xuống chứ!

Chương nhìn quanh chỉ thấy Phạm Quý phi, hai vị cao tăng cùng đoàn tuỳ tùng tăng ni phật tử lẫn người trong ba làng Vạn nhất loạt quỳ. Ba quân Thiên Đức không quỳ, đơn giản bởi Chương đâu hạ lệnh.

-Ơ mà… tiên vương là vua của Tả Đô đốc chứ đâu phải vua của cháu?

Phạm Quý phi vội đứng dậy lom khom chạy đến giật nhẹ tay áo của Chương, nói nhỏ:

-Con hãy nghe ta, con quỳ ba quân của con quỳ mới thể hiện được uy quyền của tiên vương.

Chương nói:

-Quân kỷ có lệ, đâu thể quỳ trước vua hả mẹ?

-Vậy hiền tế quỳ trước nhạc phụ, mau lên con.

-Cha? Hả? Ai ạ?

-Mẹ sẽ giải thích sau, con nghe mẹ, đừng làm ông Tu mất mặt.

Chương ngẫm cũng đúng, Thiên Bình là nghĩa nữ của Phạm Quý phi, cũng tính là nghĩa nữ của tiên vương. Chương quỳ gối trước chiếu chỉ của cha vợ cũng không tính phạm vào điều lệnh do mình đặt ra.

Anh vén vạt áo quỳ gối, ba quân nhất loạt quỳ theo. Phạm Quý phi thở phào, quỳ rạp bên cạnh. Chương rạp người theo, ba quân cũng y như vậy.

-Thái uý! Thánh chỉ đến mà không quỳ, đó là tội gì? Đại nghịch bất đạo?

Tô Trung Từ đáp:

-Ô! Ta nào biết thánh chỉ là thật hay giả, nhỡ đâu là mưu kế của lão thất phu nhà ông thì sao.

-Thái uý! Ông sống hơn nửa đời người chẳng lẽ cho rằng thánh chỉ có thể làm giả sao?

Tô Trung Từ không đáp nhưng trong bụng cơ hồ đoán được có sự chẳng lành, lưỡng lự giữa việc thúc quân sang đánh luôn và chờ thêm một chút.

Phạm Tu giở tấm lụa vàng, hai viền thêu hoạ tiết rồng vàng ẩn trong mây trắng. Chiếu chỉ rất dài, hai vị cao tăng đứng tả hữu đỡ giúp, Phạm Tu tuyên đọc:



“Vâng thừa mệnh trời, nhà vua chiếu rằng:

Trẫm nghĩ: Ngọc Hoàng trị vì thiên đình tất phải nhờ vào lục tử để thành công. Bậc nắm quyền mưu tính việc lớn phải dựa vào bầy tôi hiền để cùng lo việc chính sự.

Nghĩ rằng: Tả Đô đốc Phạm Tu là tướng tài phụ giúp, rường cột triều đình, cùng trẫm trải qua bao phen nguy khốn, là bề tôi xả thân vì nghĩa, đánh Tây dẹp Bắc đuổi giặc Hoa về cố quốc. Phạm Tu làm quan trong triều, có tiếng hơn hẳn đồng liêu, một lòng tận tuỵ, công chính liêm minh, được kính trọng.

Xét thấy: Trẫm dựng nước Vạn Xuân với mong muốn muôn dân được vạn mùa xuân thái bình, chẳng còn cảnh binh đao loạn lạc. Nay trẫm bốn mươi bốn tuổi, chỉ bốn năm nữa sẽ theo các bậc tiền hiền mà còn bao việc dang dở phải lo toan, sợ ngày đêm gắng sức không xong.

Năm xưa lúc trẫm dấy binh bao phen nguy khốn, quân mỏng tướng ít, lương thảo không có là bao, đều nhờ bách tính lo cho cả. Một đêm, trẫm nương nhờ Linh Sơn cổ tự, nằm mộng gặp thần nhân chỉ cho thuật dùng người, kế sách đánh giặc, từ đó chuyển bại thành thắng mới có được cơ đồ. Nay thần nhân hiển linh mách trẫm đối sách an dân, hòng giúp muôn dân hưởng thái bình thịnh trị.

Nay giao cho Tả Đô đốc Phạm Tu mật chỉ lập làng gần Linh Sơn cổ tự thuộc châu Vũ Ninh, bên bờ hữu ngạn sông Thiên Đức. Phạm Tu phải treo ấn từ quan, đưa Công chúa Lý Thiên Bình về ở trong dân gian, đổi sang họ Phạm, đến khi nào Thiên Bình đủ 18 tuổi hoặc thành thân mới được cho biết thân phận.

Phạm Quý phi, người trẫm hết mực thương yêu, sẽ phải chịu điều tiếng rời cung về làm thứ dân chăm sóc Công chúa Lý Thiên Bình. Phạm Tu là người trẫm tin tưởng, khanh phải thay trẫm nuôi nấng, bảo ban Thiên Bình thành người đức hạnh, yêu nước, thương dân.

Chức vụ Tả Đô đốc của Phạm Tu sau khi treo ấn từ quan sẽ không được bổ cho ai khác. Phạm Tu là Tả Đô đốc trọn đời của trẫm.

Hãy kính lấy.

Ngày 18 tháng 9 năm Thiên Đức thứ 10 (Thiên Đức thập niên, cửu nguyệt, thập bát nhật)”

Chương nghe mà lùng bùng lỗ tai, quay ra tròn mắt nhìn mẹ vợ. Phạm Quý phi giục:

-Con mau hô “Vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”.

Chương dập đầu hô, ba quân liền hô theo, tiếng hô vang dậy trời đất trong khi bên kia sông vắng lặng như tờ. Ba quân Thiên Đức xì xào bàn tán, ngay như Chương bây giờ bên tai như thể có con ong đang bay vò vè.

-Mẹ sẽ giải thích tường tận với con, Thiên Bình là con của mẹ, là mẹ đẻ ra nó chứ không phải con nuôi. Con… con đừng trách mẹ, mẹ cũng đau lòng lắm. Thiên Bình mới biết đêm vừa rồi mà thôi, nó cũng như các con, đều không hay biết.

Chương nhớ lần đầu gặp Phạm Quý phi ở làng Vạn đã nhầm tưởng bà là mẹ đẻ Thiên Bình bởi hai người có nhiều nét giống nhau y như khuôn đúc. Chương nhớ lúc dạm ngõ, ăn hỏi rồi cưới đều hành lễ trước ban thờ tiên vương Lý Nam Vương song cứ nghĩ làm theo phép hoặc giả tỉ đó là bậc đế vương mà Phạm Tu và bà Dung kính trọng.

Chương buột miệng nói:

-Ơ… vậy… vậy chả phải con là Phò mã sao?

Pham Quý phi gật gật, cười, đưa tay quệt nước mắt rồi vuốt nhẹ mái tóc của Chương, bà nói:

-Con từng là Phò mã, đang là Phò mã, sẽ vẫn là Phò mã và… là đấng quân vương đích thực của Vạn Xuân này.

Hai vị cao tăng cuộn chiếu chỉ dài đến cả trượng để vào hộp, lại cung kính lấy một chiếu chỉ khác chờ sẵn.

Bấy giờ Phạm Tu cất tiếng nói lớn:

-Thái uý, ta biết ông đã nghe rõ, miệng ông nói trung thành với tiên vương mà thánh chỉ đến ông đứng không quỳ là cớ làm sao? Ta đã tuyên đọc rồi đấy.

Tô Trung Từ cười lớn:



-Lão thất phu họ Phạm kia ơi, lão tự biên tự diễn như vậy để làm gì? Tưởng lừa ta mà dễ ư?

Phạm Tu cũng nói:

-Được, hôm nay ông có thể xem là giả, vậy bách tính Vạn Xuân hẳn có người sẽ phân biệt được thật giả. Ta chỉ khoe như vậy để ông biết, ta còn được tiên vương phong làm Nh·iếp chính đại thần, ông gặp ta còn phải quỳ lạy đấy.

-Thằng giặc Phạm Tu, mày giả chiếu chỉ tiên vương tự phong cho tước cho bản thân và lệnh muội, tội đáng muôn c·hết!

Phạm Tu cười lớn một tràng rồi lại hô:

-Thánh chỉ đến!

Phạm Quý phi lại kéo Chương quỳ rạp, Chương nhăn nhó:

-Còn bao nhiêu cái thánh chỉ như thế? Lão già họ Tô không tin cứ đánh cho lão một trận là xong, cần gì tốn lời với lão.

-Con ạ, con hãy còn trẻ, chinh chiến còn nhiều. Ông Tu muốn tận dụng lúc này bố cáo trước vạn người thân phận của vợ con, điều ấy chỉ có lợi cho con về sau mà thôi.

-Hử? Khoan đã… nếu vậy chả lẽ… chả lẽ Thiên Bình sẽ vua ư?

Phạm Quý phi gật đầu, Chương trợn mắt:

-Và con gặp sẽ phải quỳ gối á? Sao có thể? Bình thường em ấy đã như hổ, giờ thêm thân phận này chẳng phải mọc cánh ư?

Phạm Quý phi cố nhịn cười trong khi Chương tỏ ra hoang mang. Anh chẳng quan tâm đến chiếu chỉ, thứ ấy chỉ dệt gấm thêu hoa cho Thiên Bình, dĩ nhiên là tốt.

“Vâng thừa mệnh trời, nhà vua ban chiếu:

Trẫm thấy: Tự cổ chí kim Hoa quốc chưa từng có vua bà, nữ vương mà Vạn Xuân vốn khác dòng giống, tiếng nói, tục lệ với Hoa quốc. Nam - Bắc không chung nhau, nước nào có lệ của nước ấy, không nhất thiết phải bắt chước nhau. Trẫm dựng nước Vạn Xuân được mười năm, ngày đêm canh cánh nỗi lòng lo cho cho bách tính.

Trẫm nghĩ: Muốn quần thần an lòng, bách tính biết tương lai, cần phải sớm lập Hoàng thái tử. Công khanh đại thần đều muốn lập Long Xưởng nhưng trẫm chưa thuận. Trẫm muốn Hoàng Thái tử phải là người thương dân, biết lo cho bách tính. Long Xưởng có tính bạo tàn, học hành chểnh mảng, lại ham mê tửu sắc, nếu Long Xưởng kế vị trẫm ắt muôn dân lầm than.

Nay trẫm chọn Công chúa Lý Thiên Bình làm Hoàng thái tử kế vị. Các quan đại thần, ba quân tướng sĩ trung thành với trẫm phải một lòng phò tá Hoàng thái tử, Hoàng nữ Lý Thiên Bình đưa nước Vạn Xuân của trẫm ngày một cường thịnh.

Trẫm biết: Trẫm chọn người kế vị là Công chúa sẽ gây nhiều điều tiếng nhưng ý trẫm đã quyết. Lý Thiên Bình nối ngôi trẫm. Trẫm mong Hoàng nữ ngày sau của trẫm chọn được người hiền, đù tài đủ sức nên duyên chồng vợ, cùng lo cho muôn dân. Dẫu thiên hạ đổi sang họ khác trẫm cũng mừng lắm thay, chỉ mong muôn dân không còn cơ cực, lầm than.

Đây là ý chỉ cũng là di nguyện của trẫm.

Hãy kính lấy.

Ngày 4, tháng 12 năm Thiên Đức thứ 10.” (tức ngày Bính Thân, tháng Quý Hợi)

Lạy tạ xong Chương đứng dậy ra hiệu ba quân tuyệt đối im lặng. Anh sẽ hiểu mọi sự, hiểu được ý nguyện của n·gười đ·ã k·huất, người mà anh còn chưa biết phải gọi là gì theo phép Vạn Xuân. Nhạc phụ tiên vương?

Tại sao lại như vậy chứ? Ngày mới trôi dạt đến Vạn Xuân này, bà Cả Ngư có nói nhiều về Lý Nam Vương. Tiên vương có công đánh đuổi giặc Hoa về phương Bắc, bách tính một lòng hướng về. Nay Lý Nam Vương truyền ngôi cho con gái thay vì mấy anh con trai thật cũng khác lạ thay. Có điều, người con gái ấy đang là chính thất, là Hoàng hậu do Chương tấn phong.



“-Tờ chiếu này chỉ toàn những lợi, tận dụng cái này kẻ nào chống đối đều là giặc, mình nhớ là thế. Mình sinh vào giờ nào mà chuột sa chĩnh gạo thành chạn vương thế này? Ây da, có ông bố vợ hoành tráng như vậy thật đúng là hơn trúng độc đắc vạn lần.”

Chương chắp tay sau lưng đến bên cạnh Phạm Tu, ngó nhìn tờ di chiếu rồi nói:

-Ô! Bây giờ cháu là Phò mã à?

Phạm Tu lắc đầu, đáp:

-Thiên Bình nối ngôi xưng là Nữ hoàng hay vua bà, cháu chính là Hoàng tế.

-À, tế tử của Hoàng thượng? - Chương cười. - Thế chức Hoàng tế có to hơn Thái uý không ạ?

-Ôi, sao lại so như thế? Theo di chiếu, Thiên Bình lên ngôi vua lúc 18 tuổi nên cháu là Hoàng tế, ai cũng phải quỳ xưng thần.

-Kể cả Tả Đô đốc?

-Đúng là vậy!

Phạm Tu định quỳ gối, Chương ngăn lại cười nham nhở:

-Miễn lễ, miễn hết lễ cho Tả Đô đốc nhưng cháu muốn lão họ Tô quỳ chơi.

Đoạn Chương nhảy phốc lên mô đất cao, một tay chống nạnh, một tay chỉ thẳng về phía Tô Trung Từ hô lớn:

-Tô Trung Từ! Ngươi là mệnh quan triều đình gặp Hoàng tế sao không quỳ? Ngươi muốn tạo phản phải không? Tội ngươi đáng bêu đầu.

Chương chỉ tay một loạt rồi nói thêm:

-Ba quân La thành nghe đây, ta tha c·hết cho các ngươi, giữ nguyên chức vị. Kẻ nào túm cổ lôi đầu lão phản thần tặc tử Tô Trung Từ sang đây cho ta, ta sẽ phong tước.

Chương quay lại hỏi Phạm Tu:

-Phong tước gì cho họ thì đúng hả bác?

-Tước hầu, tước hầu.

Chương lại hắng giọng:

-Ta sẽ phong hầu cho, ba đời kế tự. Thưởng một nghìn nén vàng, một thái ấp, một Thiết mã Phượng Hoàng và… mười mẫu ruộng.

Phạm Tu thì thào:

-Một nghìn hơi nhiều, năm trăm đủ rồi.

Chương nói:

-Bọn họ không nhận được đâu, lão già ấy nhất định sẽ nói thánh chỉ giả vì lời lẽ trong thánh chỉ toàn có lợi cho ta.

Phạm Tu đồng tình với nhận định ấy.

Tô Trung Từ liệu sẽ xử trí tình huống này ra sao đây?