Chương 292: Gắp lửa bỏ tay người
Anh em họ La và Cao Mộc Viễn không chịu khoanh tay ngồi nhìn. Sau mấy ngày thu nạp tàn binh, tạm nương nhờ trên đất Phạm Lệnh công, có lương thảo tạm đủ. La Đình Đệ chia quân thành những nhóm từ năm mươi đến một trăm người, lợi dụng đêm tối và thông thuộc địa hình trở lại Tế Giang. Ban ngày ẩn náu, ban đêm nhắm vào các trại quân của Thiên Đức vừa mới th·iếp lập, dùng hoả tiễn quấy phá rồi lại rút chạy.
Quân Thiên Đức mỗi khi hạ trại đều cắt cử quân tuần phòng, mật phục kết hợp các trạm gác xung quanh trại nhưng anh em họ La đu bám như ruồi nhặng, lẩn như trạch trong đêm lại được dân Tế Giang che chở bằng cách không báo tin tức cho quân Thiên Đức đồn trú. Điều này đặt ra cho các trại quân đồn trú của Thiên Đức một vấn đề nan giải.
Các cuộc đuổi bắt trong đêm không mang lại kết quả nào khả quan và kéo dài tất khiến binh sĩ mệt mỏi, xuống tinh thần hoặc gây ức chế, có thể dẫn đến nhưng việc đáng tiếc giữa quân và dân.
Nguyễn Lạc Thổ, E trưởng Thiên Đức, chỉ huy quân đồn trú tại Tế Giang đau đầu mấy ngày liền chưa tìm ra đối sách. Họp bàn với bọn Nghiêm Phúc Lý, Lý Kế Nguyên, Lý Công Thành, Phạm Sĩ Sách hòng tìm ra kế sách. Lý Kế Nguyên đưa ra ý kiến tung quân đánh thẳng vào bản doanh của anh em họ La và Cao Mộc Viễn đang trú bên Đằng Châu sát vách. Cả bọn thống nhất xin ý kiến tham mưu của Lý An và Phạm Tu. Hai lão tướng thấy phải, muốn diệt nọc nhất định phải phá trại của bọn La Đình Đệ, bắt sống quân sĩ mới giải quyết được vấn đề.
Ấy thế nhưng đưa kế hoạch cho Chương xem, Chương nói với hai lão tướng:
-Các chàng trai của chúng ta quen đánh nhanh thắng nhanh, chiếm thế thượng phong nên chọn cách khó nhất, mệt nhất để làm mà hai ông thuận cho bọn họ thì con cũng lấy làm lạ.
Phạm Tu và Lý An nhìn nhau, Chương phì cười:
-Đánh sang đó phần thắng là nhiều, chả khác được. Con cũng chả ngán tay Phạm Khải Ca đó động binh, thích thì chiến. Hai ông là chiến tướng, lắm khi phân định hơn thua trên chiến trường là xong. Bọn La Đình Đệ đã chủ trương chia quân quấy phá để ta không yên thân, muốn trị chúng có khó gì.
Phạm Tu cười mà rằng:
-Con nói cho hai lão già nghe thử.
-Hai ông với các cậu ấy thắng chóng vánh, dễ dàng nên quên đó thôi. Chúng ta ở Thiên Đức lấy dân làm gốc, dân là tai mắt. Bên Tế Giang không thể ngày một ngày hai ổn định được nhưng đó sẽ là đất của chúng ta, dân của chúng ta. Đừng có hạ trại ngoài đồng trống nữa, trong làng để làm gì chứ?
Lý An và Phạm Tu nghe đến đó dường như hiểu ra vấn đề. Chương nói tiếp:
-Dân vận! Mới Tết xong nên Ty Dân vận còn chưa vào việc, ta gây bất ngờ với chính người nhà mình nên cũng không tránh được chỗ thiếu sót. Hai ông nên tham mưu cho anh Thổ chia quân thành các đại đội ở trong các làng, giúp dân việc nọ việc kia, cũng bắt đầu vụ cấy còn gì. Bọn La Đình Đệ muốn quấy sẽ phải phá làng phá xóm, làng có người ưng người không nhất định sẽ lòi ra hết. Đánh nhau phải ăn, tung thêm quân trinh sát dò xem nơi ăn của chúng ở đâu, tìm ngược về nơi cấp lương, hội quân rồi túm một lượt. Lúc ấy đánh sang trại bên Đằng Châu chưa muộn. Chúng nó tập kích ta thì ta phục kích ngược lại, đừng có để chúng nắm thế chủ động chứ.
Lý An cười giả lả:
-Đúng là bọn ta nóng vội nên thiếu sót.
Chương bấy giờ mới dừng tay, bỏ mô hình pít tông bằng gỗ sang một bên, nói với Lý An:
-Hai công tử lập đại công vang danh toàn quân nên ông ngoại Thiên Kim vẫn còn trên mây, khổ chưa. Đúng là trẻ cậy cha già cậy con.
Đoạn Chương tặc lưỡi:
-Ba quân đang hưng phấn vì nhiều lẽ, tướng cũng vui là thường. Con bận nên đành tạm gác việc vui sang một bên chứ không phải sáng suốt gì.
Phạm Tu nãy giờ nheo mắt nhìn mô hình gỗ của Chương, bây giờ mới hỏi:
-Thứ này làm thành sẽ không cần mái chèo thật chứ? Không cần đạp luôn sao?
Chương giải thích cho hai ông lão một hồi rồi than thở:
-Thử nghiệm thất bại mấy phen nên con lắm lúc phát điên. Đến bây giờ các tàu Mông Đồng cải tiến không hoạt động hiệu quả do sức nặng của thuyền, của người và sức đẩy của hơi quá yếu. Tuy nhiên, mô hình mẫu này con cảm thấy khá hơn cả, tiếp theo chỉ cần làm mẫu thật rồi thử là xong. Ngày nào chiếc thuyền chiến đầu tiên bằng sắt chạy không cần đạp mái chèo hạ thuỷ, hai ông có muốn được đặt tên cho thuyền không?
Phạm Tu tròn mắt:
-Chả phải cái đầu tiên sẽ mang tên Yết Kiêu?
Chương sực nhớ ra, rồi nói:
-Vậy tên hai ông phải gắn với soái thuyền để địch thấy Phạm Tu với Lý An là xếp giáp quy hàng chả cần đánh.
Ngồi hàn huyên mãi đến chập tố, Phạm Tu cùng Lý An ở lại làng Vạn Xuân qua đêm nghe Chương giảng giải về động cơ hơi nước.
Trần Minh Dũng sang Tế Giang trực tiếp nói kế sách cho Lạc Thổ, Thổ nghe xong cơ mặt giãn hẳn ra, bèn gọi chiến hữu đến bàn định.
Bấy giờ khoảng trung tuần tháng Giêng.
Lạc Thổ chia E Thiên Đức thành 9 đại đội, mỗi đại đội 150 người, còn lại làm lực lượng dự bị. Các đại đội trang bị mạnh vào ở trong các làng, nhà nào neo người cho ở nhờ thì tốt, còn không các binh sĩ chia thành các tiểu đội trải rơm nằm bờ ngủ bụi.
Các binh sĩ được quán triệt tốt ngay từ đầu, vậy nên ban ngày ra đồng giúp dân cấy lúa. Dân không khiến, có ý khước từ thì lại vào làng nạo vét giếng, lợp mái tranh, làm lại cột kèo, dựng cái chuồng trâu… thấy gì làm nấy như thể con cháu trong nhà. Đám trẻ con trong các làng đứa nào cũng như nhau, trời lạnh mà phong phanh tấm áo vá chằng vá đụp.
Quân sĩ Đại đoàn Thiên Đức bấy giờ làm thân, cho bọn trẻ con lương khô và rất nhiều quần áo cũ hãy còn lành lặn. Mặc dù quần áo đều quá khổ người của đám trẻ nhưng may vá lại cũng tốt chán. Độ cuối tháng Giêng, quần áo trẻ con cũ ở phủ Thiên Đức được Ty Dân vận chuyển đến, chia hết cho đám trẻ con cũng được gần hai nghìn bộ lành lặn.
Quân không ăn ở nhà nào, đến bữa tự ra ngoài đồng hì hụi chổng mông nấu nướng và cũng là thói quen trước đó, cứ đất chỗ nào quanh làng trống, binh sĩ mượn cuốc, thuổng, mai đem ra đào xới rồi gieo trồng đủ loại như dưa chuột, dưa gang, mướp hoặc khoai lang.
Mươi ngày đầu dân làng nào cũng đề phòng nhưng con người với con người chung tiếng nói, các tráng niên gặp ai cũng thưa gửi đường hoàng mãi rồi cũng có hiệu quả.
Thực tế, kể từ khi các đại đội vào làng đóng quân, anh em La Đình Kính có chút lúng túng. Sau đó vẫn dùng tiễn bắn hú hoạ vào luỹ tre rồi rút lui. Thấy quân Thiên Đức trồng trọt, đêm quân Tế Giang mò đến bới tung hết cả. Binh sĩ Thiên Đức không có bất kỳ phản ứng nào, cũng chẳng truy đuổi hay phục kích.
Đến cuối tháng Giêng, 9 đại đội thông thuộc hết đường ngang ngõ tắt, gò đống hào nước quanh làng trên xóm dưới trong hai xã mới nhận mật lệnh triển khai kế hoạch “Gắp lửa bỏ tay người”.
Trong cùng một đêm, 9 làng đều bị t·ấn c·ông b·ằng tiễn, hoả tiền. Quân Tế Giang hò hét một hồi rồi rút lui giống như mọi khi. Dân trong các làng ấy đêm hôm biết có đánh nhau nào ai dám bước chân ra khỏi cửa, sáng ngày ra thì… ôi thôi.
Chỗ thì đống rơm cháy, mái bếp cháy vát góc, trâu bị trúng tên, nghé cũng bị, cổng làng đổ sập, trên những bụi tre còn dính đầy tiễn, nhiều bụi tre cháy xém. Quân Thiên Đức xin lỗi dân làng, hứa nếu quân Tế Giang đến sẽ đuổi đi.
Đêm gần sáng hôm sau, quân Tế Giang lại đến chửi rủa, hò hét ngoài cánh đồng, bắn tiễn vào làng. Quân Thiên Đức hò hét nhau nổ súng đùng đùng rồi xông ra khỏi làng truy đuổi. Quân Tế Giang bỏ chạy hết cả. Quân Thiên Đức trở lại làng, lại xin lỗi dân vì quân Tế Giang thông thuộc đường đi lối lại lẩn mất chẳng bắt được. Dân làng lẳng lặng chẳng đáp lời, cũng chẳng để ý phân nửa quân Thiên Đức có đôi bàn chân ướt nhẹp.
Sáng ngày ra, ngoài cánh đồng ven các làng gần như cùng lúc vang lên những bài dân ca và nhạc cổ truyền. Quân Thiên Đức kéo nhau ra xem sự tình, thấy nhiều ruộng lúa bị giẫm nát cả, hướng bước chân xuôi về Nam và Tây Nam. Quân Thiên Đức được thể mớm lời rằng binh sĩ Tế Giang trốn theo lối cánh đồng bảo sao tìm không được, chỉ có vậy thôi.
Của đau con xót, dân cần cớ để chửi, cần triệu tổ tiên nhà ai đó lên nghe.
Quân sĩ Thiên Đức tỏ ra căm giận, xin hứa đêm nay sẽ đóng quân ở ngoài cánh đồng mật phục bọn Tế Giang để bắt cho kỳ được.
Thực tế đêm hôm ấy, các đại đội quân Thiên Đức gặp nhau ở điểm hẹn, chia người canh gác rồi ngủ chổng kềnh giữa cảnh màn trời chiếu đất, thi thoảng sẽ có nhóm binh tản ra nổ đì đùng vài loạt rồi im bặt. Mấy đêm sau cũng vậy, quả nhiên không có ruộng nào bị phá nữa.
Dân các làng ấy cũng tội nghiệp trai tráng đêm hôm đi canh ngoài đồng, đuổi quân phá lúa nên ban ngày khi các binh sĩ trở về, cũng hỏi thăm dăm câu, dúi cho củ khoai, bắp ngô. Binh sĩ không dám nhận vì quân cấm tơ hào của dân dù rất thèm ăn. Dân cứ nhét vào tay, bảo rằng cho chứ không ai ép đưa cả.
Các binh sĩ Thiên Đức mỗi đêm chăm chỉ tuần quanh làng không cho quân Tế Giang phá lúa, lại còn nhờ vài người trong làng dẫn đường, tìm chỗ nấp hộ. Mấy đêm liền chẳng thấy quân Tế Giang xuất hiện.
Sự thật thì quân Tế Giang chẳng bao giờ giẫm đạp, phá làng phá xóm vì đó vốn là đất của họ, ruộng của dân trong vùng nỡ nào họ phá. Người lính nào cũng từ nông dân mà ra.
Nỗi oan này anh em họ La không bao giờ có thể gột rửa được. Ấy là chưa để, Cự Lượng còn phái thêm một E tân binh do D Tam Vạn dìu dắt chia nhau ra thực hiện y chang cách mà E Thiên Đức đã làm.
Mưa kế này thật giản đơn mà thâm hiểm vô cùng.