Chương 20: Vó ngựa trong đêm
Hy vọng trở về của Chương ngày một xa vời sau hơn nửa năm, mà nếu ở lại đây sẽ làm gì để sống? Suy nghĩ bản thân là một kẻ vô dụng, ăn bám bà cụ tuổi gần sáu mươi khiến Chương càng chán nản hơn. Chương chả biết kiếp trước đã gây ra lỗi lầm gì mà bị đoạ đầy nơi chốn đây.
Chương nghe người ta bảo trầm cảm hay tự kỷ là một bệnh, cậu không hiểu rõ nhưng nếu tình trạng thân một nơi hồn một nẻo kéo dài, sợ là cậu sẽ rơi vào tình cảnh ấy. Thậm chí, Chương có thể sẽ phát điên không chừng.
Gần đây Nguyệt cứ tháng xin về một lần, sau ngày rằm, để báo với Chương rằng cô đã thuộc làu làu những gì cậu dạy và nhận thêm bài tập mới. Chữ viết của Nguyệt giống gà bới nhưng chả sao, so với việc không biết chữ thì vậy là tốt quá rồi. Chương tính sau Rằm tháng Bảy này Nguyệt về, cậu sẽ dạy cho cô làm phép cộng trừ đơn giản. Một cô gái chăm chỉ và sáng dạ như vậy rất nên bồi dưỡng.
Ngoài Nguyệt, Chương còn dạy cho Tôn và đám trẻ, cậu dạy Nguyệt ít thời gian hơn so với đám trẻ nhưng tiến bộ thì… cách một khoảng rất xa. Bốn tháng dùi mài kinh sử, Tôn và đám bạn đã thuộc làu làu bảng chữ cái, nhận được mặt chữ, viết được tên những người trong gia đình, làng mạc rồi những thứ cây cối bên sườn núi.
Từ nhà bà Cả Ngư tới chân núi chỗ đám trẻ hay tụ tập cũng không xa, chỉ năm cây số đổ lại. Chương đã đi bộ vài lần còn phần đa lũ trẻ sẽ cắt cử hai, ba đứa chập tối cưỡi trâu về đón thầy. Sau thời gian gắn bó, đám trẻ đã xem Chương là một phần không tách rời. Tuy vậy chúng vẫn một câu dạ, hai câu thưa thầy vô cùng kính trọng. Ngoài dạy chữ, Chương không dạy được thêm gì nhiều cho lũ trẻ, cậu nghĩ vậy. Chương không kể về thế giới của cậu mà chỉ cố gắng lý giải cho đám trẻ một vài hiện tượng tự nhiên như mây, mưa, sấm chớp, nước triều dâng và không thể thiếu những điều giúp con một người trở nên tốt hơn. Tôn nói với đám bạn rằng chị Nguyệt đã từng ghé tai nó thì thào rằng Chương là con ông Bụt. Kết hợp với những gì mắt thấy tai nghe, đám trẻ tin Chương đích thị là con ông Bụt, nếu không sao có thể biết được vì sao có mây, tại sao lại mưa…
Thầy tay trắng, trò thì nghèo không kém mấy, uống thì có nước suối Chương bắt đun sôi, ăn thì phần đa là quả, củ và rau trong rừng. Thảng hoặc mới có nồi cháo loãng thầy trò mỗi người một bát. Chương ở với đám trẻ dăm ba ngày lại về thăm bà Cả Ngư, kiểm tra thần khí rồi sau đó lại đi. Chương muốn làm gì đó, có nhiều người gần bên để vơi đi phần nào nỗi nhớ nhà quay quắt. Hơn cả, cậu không muốn bản thân tuyệt vọng mà buông xuôi.
Bốn tháng vừa qua, ngoài làm bạn với đám trẻ, Chương cũng đọc mấy cuốn sách của bạn tặng đến vài lần. Đấy là những thứ kết nối Chương với thế giới thuộc về cậu. Chương đọc rồi quên, quên rồi đọc lại, chả biết đã nhớ được bao nhiêu. Tháng trước, Chương đã xé ra vài tờ vô thưởng vô phạt đưa cho Nguyệt dặn cất kỹ, rảnh rỗi thì tìm chỗ vắng mà ngồi đọc.
Chương về nhà lúc trời nhá nhem, cơm nước xong, bên ngoài trăng đã treo, cậu khoe với bà Cả Ngư nắm trà tươi mà đám trẻ hái được hồi sáng. Chương tự đun nước pha trà ngồi uống một mình, bà Cả Ngư ngồi phệt dưới nền nhà đan lát. Hai bà cháu cứ người hỏi, người đáp mãi như vậy. Bà Cả Ngư đã xem Chương như con, cậu đi thì thôi chứ khi cậu về là hai bà cháu tíu tít. Chẳng biết có phải vì vui hay không mà gần đây những nếp nhăn, nét khắc khổ trên gương mặt bà Cả Ngư dường như giảm đi vài phần.
-Bà mới mua bộ ấm chén này ạ?
Bây giờ Chương mới hỏi vì những lần trước pha trà, pha lá vối đều để trong âu, uống bằng bát.
-Đầu tháng ta đi chợ, thấy có người gánh mấy thứ đồ tráng men này đẹp đẹp là, nhiều người xem thử nhưng chả mấy người mua. Ta cũng chỉ xem thôi.
-Thế bộ này ở đâu ra ạ? Hoa văn tinh xảo đấy bà nhỉ? Hẳn là đồ nhiều tiền.
-Có một bà ta quen sơ sơ vì hay gặp lúc đi chùa. Bà ấy mua nhiều chén, đĩa, bát và ấm trà. Cả cái gánh ấy bà ta mua sạch cả, người bán phải gánh về tận nhà cho bà ấy.
-Ổ, một phú bà, mua gì mà mua lắm thế. Vậy bà ấy tặng bà một bộ ạ?
-Đúng rồi. - Bà Cả Ngư ngơi tay. - Thêm mấy cái bát với đĩa. Người đâu mà vừa đẹp vừa tốt bụng, ăn nói cũng nhẹ nhàng dễ nghe. Ta thì thấp hèn, bà ấy người quyền quý mà chả nề hà. Đây này, ta đan mấy cái rổ này, định hôm nào gặp thì biếu bà ấy. Mình không ăn không của người ta được cháu ạ.
-Bà ấy người làng mình hay đâu hả bà?
-Không, mãi bên làng Vạn cơ.
-Làng Vạn ạ? À… có phải làng Vạn có ba làng tên Nhất Vạn, Nhị Vạn và Tam Vạn không bà?
-Phải, người làng ấy dựng cờ chống lại Lý Lệnh công mấy tháng rồi, ta nghe nói là cái gì mà bảo hựu quân. Sắp tới họ sẽ cai quản vùng này, bà ấy chắc là chính thất của cái ông đứng đầu, xem nào… Tả Đô đốc Phạm Tu.
Chương gật gù. Cậu cũng hay nghe đám của Tôn nhắc đến làng Vạn, mấy làng ấy có vẻ giàu nhưng ít giao thiệp với bên ngoài. Họ đã dựng cờ, nghe đâu sẽ miễn thuế cho dân trong vùng. Dù Chương chả biết họ vỗ ngực xưng hùng xưng bá được bao lâu nhưng giảm nhiều thuế thì bà Cả Ngư bớt cơ cực, vậy là tốt. Chương mong bọn họ sau này cũng vậy chứ đừng có chiêu mới dấy cờ thì lấy lòng dân, đoạt được giang sơn lại đâu vào đấy.
Nói đến làng Vạn, Chương lại nhớ lần mất mặt dạo trước khi được ba cô gái cứu, cũng vì mất mặt nên mấy lần sau nhác thấy bóng từ xa là Chương lặn không tăm.
-Cái gì đấy bà?
Chương dỏng tai lên nghe, hình như có tiếng gì đấy từ xa vọng đến. Đêm thanh vắng, ngoài tiếng côn trùng rả rích kêu không ngừng, rõ là Chương nghe có âm thanh lạ. Bà cả Ngư có lẽ cũng nghe thấy nên dừng tay bước ra sân và hấp tấp chạy ngược vào, nét mặt lộ rõ vẻ hoảng hốt, tay chân lóng ngóng.
-Có ánh đuốc, là tiếng vó ngựa chạy về đây. Quan quân đấy.
Chương giật mình luống cuống, ngó nhìn quanh định ôm đồ đạc chạy ra cửa, nấp trong đống rơm thì không kịp nữa. Bà Cả Ngư vội cài then cửa rồi thổi tắt đèn, hạ hai tấm liếp che cửa sổ. Đứng trong bóng tối, Chương nghe rõ từng hơi thở và từng nhịp tim đập thình thình như tiếng trống.
Tiếng vó ngựa dừng trước cổng nhà, ánh đuốc hắt vào tấm liếp. Chương vội khom người đến bên giường, lần mò bao súng, đeo vội vào hông. Tay cầm chắc gậy ba khúc nhưng nhất thời không thể chế ngự được nỗi sợ xâm lấn tâm trí, nó khiến cậu ngột ngạt, khó thở.
Thời gian trôi qua chừng hai đến ba phút, bên ngoài không có động tĩnh gì. Chương nép sát bên cửa sổ, nhìn qua những khe nhỏ thấy ngoài cổng đuốc vẫn cháy, thấp thoáng vài bóng người. Hàng chục câu hỏi chạy qua đầu Chương, cậu mong họ tình cờ đi ngang qua và dừng chân. Nhưng hy vọng mong manh của Chương đứt phựt khi có tiếng một chàng thanh niên:
-Bà Cả Ngư có trong nhà không đấy?
Bà Cả Ngư đứng gần bên Chương, Chương cảm nhận được bà cụ đang sợ đến mức run lẩy bẩy. Cậu cũng sợ song lạ thay, nhận thấy bà cụ nhỏ thó đang sợ hãi, cậu lại thì thào:
-Bà đừng sợ, đám người ngoài ấy không đông, nếu muốn cháu có thể tiêu diệt họ trong nháy mắt.
Vừa nói cậu vừa đặt tay lên bờ vai gầy guộc của người đã nhặt lại một mạng cho cậu và che chở bấy lâu nay.
-Có cháu ở đây, bà đừng lo. Đám tép riu ấy mà, tiêu diệt họ xong cháu sẽ vào trong núi trốn là xong.
May cho Chương là trong nhà tối đen nên bà Cả Ngư không nhìn được mặt cậu lúc này, gương mặt sợ đến… tái dại, mồ hôi chảy đầm đìa hai bên thái dương nhưng cố tỏ ra can đảm.
Chương bây giờ khác đôi chút so với Chương của hơn nửa năm trước khi mới đến đây. Cậu đã khoẻ hơn, cơ thể có phần rắn chắc vì hoạt động tay chân nhiều. Chương vẫn hay hít đất, đu xà, leo trèo với đám trẻ và cả cưỡi trâu nữa… nói chung, Chương có phân nửa dáng dấp của một chàng nông dân, gần phân nửa thôi. Tất nhiên, ngoài những thay đổi mà Chương tự nhận ra thì có vài thay đổi khác mà cậu không để ý hoặc không hay biết song chủ yếu liên quan đến thể lực. Chương đã không còn là cậu thư sinh nữa mà đã phần nào có nét rắn rỏi của một chàng trai nơi thôn dã.
-“Nếu chúng đụng vào bà cụ này thì thôi vậy, đồng quy vu tận. - Chương mím môi hít sâu một hơi. - Đằng nào mình cũng chẳng về được, sống ăn bám bà cụ mãi cũng không được. Sống chưa làm được gì cho đời thì toi mạng cũng phải có chút ý nghĩa.”
Chẳng biết có phải nghĩ quẩn muốn liều một phen để bảo vệ bà cụ hay không mà Chương đổi tay cầm gậy, tay phải sờ xuống hông, mở khoá bao da đặt ngón cái lên thứ sắt lạnh ngắt.
-“Tám viên tất cả, bình tĩnh chờ chúng áp sát may ra hạ được tám kẻ, mong chúng sợ quá mà chạy hết thì bà cụ sẽ thoát.”
Chương nhìn đăm đăm vào khung cửa sổ sau nhà, nơi có chiếc giường cậu hay nằm. Ánh sáng trăng bên ngoài giúp Chương phát hiện ra vừa có bóng người lướt qua. Đoán ngôi nhà đã bị bao vây, Chương không đắn đo rút chó lửa ra khỏi bao đựng.
-Bà ơi!
Bên ngoài lại oang oang.
-Bọn cháu bên làng Vạn, không phải phường trộm c·ướp đâu. Bà có ở trong nhà không bà Cả Ngư ơi? Mấy lần trước bọn cháu đi cùng anh Lượng ấy mà, bà ơi.
-À… thằng hay lảng vảng cũng người làng Vạn, không phải quân binh. - Bà Cả Cư khẽ thở phào. - Thằng đó ta biết, chắc chúng nó đi đâu ngang qua.
-Đừng vội tin, bà cứ cẩn thận.
-Ở yên trong nhà mãi không được, chúng nó ập vào thì sao? Cháu cứ nấp ở đây, để ta ra xem sao.
Chương ngẫm nghĩ trong giây lát rồi ghé tai bà cụ:
-Bà đứng gần cửa thôi, đừng ra cổng. Mà bà đứng lệch sang bên trái cửa giúp cháu, đừng đứng chính giữa.
-Làm sao?
-Có chuyện cháu còn ra tay kịp.
Ngoài cổng lại vọng vào tiếng gọi, bà Cả Ngư đáp lại:
-Đây, nghe rồi nghe rồi. Đêm hôm chúng bay đi đâu mà ồn ào thế?
Bà Cả Ngư châm đèn dầu, lạch cạch rút then cài cửa. Chương đã đặt cây gậy xuống, tay phải cầm chó lửa, tay trái đặt lên thân thép lạnh sẵn sàng lên đạn. Cậu tự dặn lòng phải thật bình tĩnh.
-Đây rồi, đây rồi. Gớm, đi đâu mà đèn đuốc sáng choang thế này?
-Bà đi ngủ sớm thế, đã hết canh hai đâu?
-Già cả khó ngủ, chợp mắt được lúc nào hay lúc ấy. Ta dậy lúc gà chưa gáy cơ mà, thế đêm hôm các cậu tới có việc gì?
-Bọn cháu đi tìm người.
-Quân Vũ Ninh vương vượt sông hở?
-Trong nhà còn ai không bà?
-Làm gì còn ai, thân già này ở có một mình, các cậu còn lạ gì.
Chương đang cố lục trí nhớ xem đó phải giọng của tay Lượng hay không nhưng có vẻ không phải. Tay Lượng nói chuyện với bà cụ này có phần giả lả như thể muốn lấy lòng cơ. Chương đang miên man suy nghĩ, chợt giật mình khi nghe tiếng con gái:
-Trong nhà còn người, bà đừng giấu bọn cháu.
Chương nghĩ:
-“Vừa rồi có bóng người lướt qua cửa sổ sau nhà, đúng là chúng đã dò la kỹ càng”.
-Nào đâu có.
-Cháu chắc chắn có người.
Vẫn giọng con gái, hình như Chương từng nghe giọng này rồi.
-Này! Ông chú, ông chú ở bên trong thì mau bước ra, đừng có như chuột nhắt nấp sau lưng bà cụ, chả đáng mặt nam tử hán đâu.
Chương giật mình thon thót khi nghe có người gọi mình là ông chú.
-“Hừ, làng Vạn, lại gọi ông chú thì chỉ có mấy đứa lần trước cứu mình, là đứa nào nhỉ? Ờ… hoặc con bé vận quần áo đỏ có thêu kim tuyến hoặc đứa cầm cung còn lại. Chắc là con bé có dao, chỉ nó thôi, giọng trẻ lắm. Sao nó biết mình nấp trong nhà?”
Chương đảo mắt một lượt khắp nhà và phán đoán có thể cô gái đã nấp đâu đó sau nhà phát hiện ra cậu khi bà Cả Ngư thắp đèn qua những khe hở ở tấm liếp cửa sổ.
-“Lộ thì đã lộ nhưng đám người này đến đây làm gì? Chắc không phải tìm mình đấy chứ?”
Chương tuyệt không dám buông lỏng cảnh giác.