Chương 17: Ý trung nhân của Duệ!
Nhìn bộ dáng của người đàn ông đang đứng như trời trồng, bộ dáng nhếch nhác, nét mặt sạm đen, có lẽ vì sợ bỗng Duệ cảm thấy người này đáng thương. Duệ đã quan sát từ nãy, áo nâu sồng anh ta vận có vài miếng vá, cái quần thì chắc chắn được khâu từ váy đụp cũ nhưng người khâu vá không khéo tay cho lắm. Ông ta cao, phải cao ngang với anh Bỉnh Di hay ông Phục.
Chui ra khỏi bụi cây, Duệ khẽ cười với người đàn ông theo thói quen mỗi khi gặp người lạ. Duệ nhìn kỹ hơn, đây không phải một ông chú, nhìn dáng dấp là thanh niên mới phải. Duệ bước lại gần và tin vào nhận định của bản thân. Đôi bàn tay lấm lem của anh ta có mười ngón thon gọn như người dùng bút, chả lẽ là một nho sinh ư? Duệ nhìn xuống chân anh ta, đôi bàn chân không gân guốc giống nông dân, thậm chí còn có phần trắng trẻo, gót chân thậm chí còn hồng hồng. Duệ ngước nhìn thẳng vào mắt người đàn ông khiến ông ta lúng túng quay nhìn sang hướng khác.
-“Giống nho sinh quá, da mặt sạm đen là do cháy nắng, râu ria lâu không cạo nên trông hơi già nhưng… nhưng hai bàn tay rõ là của một thanh niên hay chữ. Ánh mắt hiền lành, nếu mày râu nhẵn nhụi hình như còn tuấn tú.”
Duệ cất giọng oanh vàng hỏi:
-Anh có sao không?
Người đàn ông lắp lắp, hai bàn tay đan vào nhau, chỉ một thoáng mà mặt đã đỏ lựng, lảng tráng cái nhìn của Duệ. Ông ta ấp úng thì vừa lúc lũ trẻ dưới suối chạy lên.
-Thầy có sao không thầy?
Người đàn ông quay sang khẽ nheo mắt, hành động này chỉ xảy ra trong một giây nhưng vì Duệ đang chú nên nhìn thấy rất rõ. Duệ hơi chột dạ. Cô không nghe nhầm, đứa trẻ mục đồng vừa mới gọi người này là thầy.
-Cảm ơn các chị, đội ơn các chị đã cứu anh của em.
Thằng bé gầy nhẳng, đen nhẻm mau mồm mau miệng cúi đầu cảm ơn Duệ, Bình và Xuân. Người đàn ông chắp hai tay trước ngực, lưng hơi khom, nét mặt vẫn còn phảng phất nỗi sợ.
-Em đội ơn các chị, đội ơn các chị đã cứu.
Người đàn ông vừa dứt lời thì Bình đã đứng cạnh Duệ hất hàm bảo:
-Ông chú, chúng ta mới đôi mươi mà ông gọi là chị ư? Sợ mất mật nên ăn nói lẫn lộn hả?
Duệ đưa tay che miệng cười ngoái lại nhìn Xuân, Xuân chẳng quan tâm đến câu chuyện, cô rút mũi tên vẫn cắm trên con rắn ra lau qua máu rồi nhảy trở lại bụi rậm.
-Dạ! Dạ… dạ tôi… tôi… xin đội ơn ạ.
-Hừ! Một kẻ to xác mà lá gan chuột nhắt, đứng lui lui ra, mùi ngai ngái ta không chịu được.
Bình đưa ngón tay che mũi, nhăn mặt, phẩy tay khiến người đàn ông vô thức đưa hai tay che hạ bộ cúi người lùi về sau vài bước, bộ dáng rõ là thảm. Bình nói dăm ba câu với đám mục đồng vì những lần qua đây đều gặp bọn nó. Xuân trở ra với đòn gánh đầy những xâu chim cùng con lợn rừng vẫn đang cựa quậy. Xuân cho đám trẻ mấy con chim để lấy chỗ quấn con rắn chiến lợi phẩm.
-Ông kia cũng chăn trâu với hội chúng mày à? – Bình hỏi thằng bé gầy gò, Duệ nhớ là nó tên Tôn hay Tông gì đấy. Đây là một thằng bé tinh ranh, mau mồm mau miệng.
-Đấy là thầy à, đấy là anh Chương, anh ấy tên Chương. Người làng em, anh ấy ra đây chơi với bọn em ấy mà.
-Mày ở Đường Vỹ nhỉ? – Bình hỏi, thằng bé gật đầu.
-Thôn ấy có phải nằm ở mé bờ sông, gần khu đầm lầy không em? - Duệ hỏi.
-Vâng, đúng rồi chị.
-Thôn ấy đàn ông b·ị b·ắt theo quân Vũ Ninh vương cả làng, đúng không em?
-Lâu rồi chị.
-Vậy sao ông… à… anh này thoát được?
-Anh ấy là cháu ruột bà Cả Ngư, từ làng khác mới đến chơi chị ơi.
Duệ định hỏi thêm nhưng Bình giục mau về, nói chung ấn tượng của Bình về ông chú chuột nhắt không tốt nên cô chẳng để tâm. Xuân lại càng không.
Lũ trẻ cảm ơn bọn Duệ rối rít, Duệ có xoa đầu vài đứa, nhìn chúng nó đứa nào đứa nấy gầy nhẳng khiến Duệ cũng thương. Duệ biết đám này còn cha mẹ hoặc người thân nhưng họ đều nghèo nên còn tí tuổi thế này đã phải đi chăn trâu thuê như này.
Ba cô gái đi băng băng trên cánh đồng, Bình và Xuân cùng khiêng đòn gánh, Xuân còn xách thêm con lợn. Duệ đi sau cùng, chốc chốc cô ngoái lại nhìn nơi bìa rừng bởi người đàn ông vừa rồi khiến cô lấn cấn trong lòng. Đoạn Duệ chạy vọt lên, đi song song rồi hỏi Xuân và Bình:
-Hai người có thấy người khi nãy lạ không?
Bình quay sang bảo:
-Này, đàn ông con trai ở làng không thiếu, có cả đám xếp hàng mà chị còn chưa ưng ai, đừng có nói với em là chị nhất kiến chung tình đấy nhá?
-Không có, không có! - Duệ vội xua tay.
-Em thấy gì lạ hả? – Xuân hỏi.
-Nãy chị không thấy đám trẻ gọi ông ta là gì ư?
Xuân và Bình cùng lắc đầu.
-Chúng gọi ông ta là thầy nhưng ông ta khẽ nheo mắt như nhắc nhở nên chúng lập tức đổi sang gọi anh, đấy chẳng phải lạ là gì?
-Có chuyện đấy à? – Bình thoáng ngạc nhiên. - Chắc chị nghe nhầm hoặc ông ta lớn nên chúng nó gọi thế, có gì lạ đâu.
-Chẳng biết thân thế ra sao.
-Ui xời, chị để tâm làm cái gì. Đàn ông đứng trước ba chị em mình mà tè ướt cả quần, mặt cắt không còn giọt máu không đáng để tâm. – Bình gạt đi.
-Chắc do sợ quá nên mới vậy, cũng không thể trách người ta.
-Chị Xuân thấy chứ? Có khi chị Duệ nhà mình thích cái ông đấy rồi.
Xuân tủm tỉm cười còn Bình thì không, cô cười rất đắc chí. Duệ chỉ biết thở dài rồi nói thêm:
-Đôi bàn tay của ông ta cả mười ngón đều thon gọn như tay con gái, gân tay rất ít, đôi bàn chân cũng không gân guốc, gót chân hãy còn hồng. Nói trắng ra thì gót chân còn đẹp hơn chúng ta đấy chứ.
-Có chuyện đó ư? – Bình nhăn mặt.
-Có thể đấy là một nho sinh, bàn tay ấy là bàn tay của người cầm bút, dù có lấm lem nhưng chỉ cần nhìn kỹ là thấy. Với lại hai người bận tranh giành xem ai hạ con rắn trước nên không để ý đến một điều khác mà bình thường hai người hay bàn luận đó sao?
-Cái gì? Còn gì mà chị không để ý? – Đến lượt Xuân nhăn mặt.
-Ông ta, à… anh ta cao hơn chị em mình gần cả cái đầu đấy.
Bình ngoái lại hỏi Xuân:
-Phải không chị?
Xuân lắc đầu, nhìn Duệ. Duệ lại nói:
-Chỗ đấy là dốc xuống suối, anh ta đứng dưới, em đứng trên cao, gần như mặt đối mặt mà vẫn thấp hơn anh ta chừng ba đốt ngón tay. Tại hai người đứng cao hơn nên nhìn anh ta thấp thôi. Người này phải cao bằng anh Di, ông Phục và chắc không thấp hơn cha. Chưa kể lúc nói chuyện dăm ba câu, anh ta cứ khom lưng lảng tránh ánh nhìn của em, như vậy là người không ngay thẳng, nhân thân bất minh, ngại chạm mặt người khác.
-Thật ư? – Bình tròn mắt hỏi lại.
-Chị em mình cao ngót năm thước thì anh ta phải cao năm thước rưỡi, phải chừng ấy.
-Hả? Sao chị không nói từ nãy?
-Thôi… bỏ tật mê trai đi em. – Xuân nói. - Đấy là cái Duệ nói chứ chắc gì đã phải. Mà kể có phải cũng chả ham, đàn ông khom lưng, mắt nhìn xuống đất là chị không thèm. Ngữ ấy sống chỉ tổ chật đất, chả thể làm được đại sự đâu.
-Đúng! Chị thì chỉ có anh Diệu là nhất, chị nhỉ? – Bình lại cười.
-Nói vậy là em cũng không thèm hả Bình? - Duệ ngạc nhiên.
-Của chị tất! Em đây sẽ tìm một anh cao, tài năng phải kinh bang tế thế, nam tử hán đầu đội trời chân đạp đất, nói một câu ba quân tướng sĩ phải nghe.
-Vậy là em sẽ chọn người giống như cha chứ gì? - Duệ bĩu môi.
-Đúng thế! Đằng nào cũng lấy chồng thì phải chọn cực phẩm chứ chị. Chị hăm mươi, chị Xuân thì hăm mốt lẻ, không lấy mau là ế chứ em đây còn ối thời gian chọn.
Bình nói đầy tự tin. Duệ và Xuân bĩu môi chê bai.
-Chị ưng ông chú ấy thật ư?
Duệ chưa kịp đáp thì Bình tuyên bố chắc nịch:
-Vậy là chị Duệ nhà ta đã có ý trung nhân, một ông chú lưng còng, đen như củ tam thất và tè dầm. Chị thật khéo chọn, chẳng ai dám tranh với chị.
Duệ cốc đầu Bình một cái, mặt hằm hằm bước vội, Bình vẫn không ngừng trêu.
Nhưng cuộc đời ai biết được chữ ngờ… rồi Bình sẽ sớm cảm thấy ân hận bởi nếu cô không háo thắng, chịu để ý một tí, không gán ghép ông chú cho chị thì ngày sau đỡ phải theo đuổi, nhớ nhung một người tưởng có lúc ruột gan quặn thắt. Còn với Duệ, cô chưa có cảm tình đặc biệt nào với người đàn ông lạ vừa mới gặp, chỉ là người đàn ông đó khiến cô phải bận tâm, nhất là ánh mắt lúc ông ta ra hiệu cho đám trẻ.