Chương 161: Xưởng quân khí
Những ngày cuối năm cũ, đầu năm mới Chương thật rất bận, cả việc công lẫn việc tư.
Chương dựng một xưởng quân khí rộng hàng nghìn mét vuông nằm gần bản doanh, phía sau làng Đường Vỹ để chuyên tâm nghiên cứu, chế tạo v·ũ k·hí bí mật. Xưởng có tường gạch bao, cao 1 trượng 5 thước, có nhiều tháp canh, mây gai được trồng kín bên ngoài bờ tường. Người ra vào nơi này rất hạn chế, ngoài bốn cô gái thoải mái ra vào còn có Thái Hương, Nguyệt, Cự Lượng, Trương Lôi, Bỉnh Di, Phạm Tu cùng đầu lĩnh Thiên Gia Bảo Hựu. Những người khác ra vào đều phải được sự đồng ý của Chương. Xưởng này đồng thời là nơi ở của Đại đội Thần Vũ với ba trung đội thay nhau cảnh giới suốt ngày đêm.
Chương đã cho rời xe tải quân sự về đây trong đêm. Hàng nghìn binh sĩ Thiên Đức lần đầu nhìn thấy thần mã của chủ tướng đã không khỏi ngạc nhiên, dù xe đã phủ kín bằng vải. Để không kinh động dân trong làng, xe được di chuyển trên những con lăn gỗ. Xe vẫn nổ máy được nhưng bánh xe hết hơi. Điều này không đáng lo.
Trải qua cuộc chiến hao tổn nhân mạng, Chương buộc phải tính đến những cách giúp giảm thiểu việc này bởi như cậu nói với bọn Thiên Bình:
-Các bà mẹ ở Thiên Đức đẻ không kịp nếu anh còn non nớt. Pháo đá, nỏ Liên Châu, guồng xoay đều đã cho người khác cả rồi, anh sẽ chế ra những thứ tốt hơn giúp lấy ít địch nhiều, lấy thiểu thắng đa.
Xưởng nghiên cứu chế tạo quân khí ban đầu có hơn năm chục thợ rèn, thợ mộc và 10 nho sinh cùng 20 thiếu niên giúp việc. Chương bắt tay vào thiết kế trang thiết bị quân sự.
Thứ đầu tiên Chương cho làm thử là mẫu xe tiếp cận thành trì đối phương nhưng giảm thiểu t·hương v·ong, lấy thành Luy Lâu làm mẫu. Mẫu thiết kế đầu tiên lấy tên Thiên Đức 1.
Thiên Đức 1 là xe thang di dộng có sáu bánh nhỏ, mái che bằng sắt hoặc đồng mỏng, khi xung trận đặt nệm rơm ẩm trát bùn làm mái che chống tiễn, hoả tiễn, dầu sôi. Chín binh sĩ ở bên trong xếp thành ba hàng đẩy xe thang. Thang lắp ở phía sau, dài hơn hai trượng, gập đôi được, đầu thang có móc sắt. Lúc công thành đẩy xe đến sát chân tường, cắt dây buộc, thang sẽ bật lên móc vào luỹ thành. Binh sĩ phía sau cứ thế mà chạy lên thang. Chín binh sĩ trong xe thang tuỳ trường hợp mà trợ chiến, tuyệt đối không bị cái gì rơi vào đầu.
Thiên Đức 2 là xe quan sát di động có sáu bánh, dùng ngựa kéo. Tre vẫn là nguyên liệu chính dùng làm chòi, cao gần hai trượng. Khi sử dụng, kéo thang cao lên, binh sĩ ngồi trên đỉnh thang quan sát được tứ phía, khi không dùng tháo chốt hạ thang, chỉ còn cao một trượng. Xe gọn nhẹ, một ngựa kéo, cần chở thêm lương thảo, khí giới thì thêm ngựa kéo. Trong quá trình hành quân hoặc hạ trại đều dễ dàng sử dụng, không tốn thời gian dựng tháp canh. Mỗi xe Thiên Đức 2 kèm theo một loa bằng sắt mỏng.
Thiên Đức 3 là chiến xa bắn lao có hai bánh lớn, 2 binh sĩ hoặc một ngựa kéo dễ dàng. Mỗi chiến xa có 12 ống phóng lao ngắn, tầm sát thương hiệu quả trong 10 trượng, càng gần thì tầm sát thương càng lớn, có thể xuyên giáp trụ. Lam Khuê và Bùi Thị Xuân giúp Chương hoàn thiện mẫu Thiên Đức 3.
Thiên Đức 4 cũng có sáu bánh nhỏ, là hoả pháo liên hoàn, tầm sát thương sáu đến bảy mươi trượng. Thiên Đức 4 có bốn cần bắn đồng trục, một mã kéo hoặc bốn binh sĩ đẩy. Xe trang bị tiêu chuẩn 24 quả đạn niêu đất nung. Một lượt bắn được 4 niêu đất hoặc dừa khô bên trong đựng hỗn hợp cháy các loại như dầu phụng, mỡ đun sôi hoặc đá, chông đều được.
Nỏ Liên Châu cỡ trung được cải tiến thành Liên nỗ, bắn một lượt 5 tiễn dài.
Thiên Đức 5 là chiến xa đa tầng, cao 3 đến 4 trượng, có nhiều bánh xe dùng để công thành luỹ. Mặt trước và hai bên hông có ván hoặc tre đan che chắn. Thiên Đức 5 chỉ được dạy cho tướng sĩ, khi công thành mới dựng vì rất nặng. Chiến xa đa tầng do quân đẩy sát chân tường thành, có các lỗ tròn ở mặt trước để đâm giáo. Tháo dây chằng buộc các tấm ván gỗ ở mặt trước, ván gỗ lập tức trở thành cầu cho bộ binh đổ lên tường thành. Bộ binh các tầng dưới cứ thế mà leo lên tầng trên vào thành nhanh chóng. Đối phó với hoả tiễn vẫn là rơm ướt, chỉ huy làm chiến xa phải tự sắp xếp.
Thiên Đức 6 còn gọi là Thiết xa có vỏ hoàn toàn từ đồng, sắt hoặc bọc đồng, sắt mỏng bên ngoài chống tiễn, giáo đâm. Thiết xa có hình chữ nhật, dài hơn 1 trượng, bề ngang hơn 6 thước. Chở tối đa 8 người. Xe có bốn bánh lớn, sàn gỗ mỏng. Một mã kéo khi hành quân, lúc xung trận làm quân tiên phong, hai binh lính vận hành bằng cách đạp pê đan như xe đạp chở số người còn lại. Truyền động bằng xích sắt, bánh trước có ghi đông chỉnh hướng trái phải nhưng chỉ được 15 độ mỗi bên. Tuy xích sắt làm còn thô sơ, tốc độ đi chuyển chỉ bằng người đi bộ nhanh, song như vậy đã là quá tốt, đảm bảo được an toàn cho binh sĩ.
Thiết xa đục nhiều lỗ nhỏ vừa để thông hơi vừa quan sát ba hướng, xe không có cửa sau để ra vào dễ dàng, giảm trọng lượng.
Bởi đã giao cho Sơn Tây vương thiết kế nỏ Liên Châu và pháo bắn đá nên Chương phải có thứ v·ũ k·hí tối tân hơn trong điều kiện và hoàn cảnh hiện tại. Đảm bảo rằng khi có thứ này thì Chương sẽ tuyệt đối làm chủ chiến trường, ấy chính là thuốc súng!
Trong gần cả năm qua, Chương bằng nhiều cách đã làm ra diêm tiêu từ phân gia súc, nước tiểu, đất trong chuồng gia cầm và phân dơi lẫn với đất, đá trong các hang trên núi Linh Sơn cộng thêm phân dơi do thương nhân mua về.
Phân gia súc như trâu, bò, ngựa, lợn được đem về cho vào các chum, vại lớn vừa làm. Đáy chum vại có một lỗ gắn ống trúc bịt vải mịn ở đầu ống. Sau đó, Chương đổ nước tiểu của binh sĩ vào chum vại, thêm cả nước sạch rồi đóng nắp lại. Nhiều chum vại không đục lỗ ở đáy được dùng đựng phân và nước tiểu để đối chiếu cách làm. Sau khi phân huỷ phân, thứ Chương thu được là muối diêm trắng ở bề mặt.
Quân sĩ Thiên Đức nhận lệnh tiểu đúng chỗ, dân trong các làng cũng ủng hộ nước tiểu trong các chum vại dù chẳng hiểu tại sao phải làm vậy.
Bên cạnh đó, đất, đá vụn cạo từ các hang dơi được nghiền mịn, trộn thêm tro bếp, pha với nước đun sôi, dùng vải lọc, cô đặc, phơi khô. Phân dơi không dính đất đá đỡ tốn công sức lọc và cô đặc. Phân chuông gia cầm cũng làm theo cách như với đất, đá vụn ở hang dơi song hiệu quả không bằng.
Than củi xoan dễ bắt lửa có sẵn hàng chục đống lớn. Chương trộn than củi xoan giã mịn với diêm tiêm hàng trăm lần với các tỉ lệ khác nhau theo trí nhớ và nhận ra rằng tỉ lệ than củi nhiều sẽ cháy lâu hơn. Chương trộn thêm vôi bột, ớt hiểm phơi khô giã mịn hoặc những mảnh sắt li ti cắt nhọn… thử nghiệm nhiều lần nhưng sức nổ rất yếu, song có thể làm hoả hổ cận chiến. Thiết kế hoả hổ ban đầu bằng ống tre đựng hỗn hợp thuốc súng, nhựa thông, vôi bột, mạt sắt dùng cho bộ binh bắn khi chuẩn bị cận chiến.
Cần phải có lưu huỳnh mới đạt được mục tiêu làm ra thuốc súng.
Lưu huỳnh ở đâu? Đó là một từ xa lạ với dân trong vùng Thiên Đức nói chi mô tả cho họ. Ngay như Chương còn chưa bao giờ cầm trên tay mà chỉ từng thấy trên sách vở.
May thay, trong rất nhiều mẫu khoáng thạch Nguyệt đem về từ Sơn Tây, Chương đã có thứ cậu cần, những viên giống như đá có màu vàng chanh rất xốp. Chương đã thử dùng lửa đốt và ngửi thấy mùi trứng ung thum thủm. Theo giấy ghi chép, những cục đá xốp này thu lượm ở ven suối nước nóng gần núi cao.
Muốn bí mật không bị lộ, Chương gửi thư xin Sơn Tây vương cho một mỏ sắt để chế tạo vòng bi cùng đao kiếm. Xin khoáng vật màu vàng ở suối nước nóng về tìm cách chế biến ra thứ phân bón ruộng. Sơn Tây vương đồng ý cho.
Cuối tháng Giêng, hơn trăm tráng niên tin cẩn của Thiên Đức theo thương thuyền đến Sơn Tây tự khai thác mỏ sắt và đá xốp chở về. Những người này cũng chỉ biết sắt làm đao kiếm, vòng bi, thứ đất đá màu vàng. Do Thiên Đức cần dân no ấm nên đất đá màu vàng ưu tiên chở về trước vì mạ mới cấy được một tháng. Họ cũng được dặn ngược dòng suối nước nóng đó để tìm khoáng thạch tương tự.
Lưu dân đến Thiên Đức thưa dần do sợ cảnh binh đao, song Chương không lấy làm phiền lòng vì cậu xác định năm Thiên Đức 27 tập trung phát triển kỹ thuật quân sự thuỷ bộ, huấn luyện binh mã tinh nhuệ, cải cách nông nghiệp trong vùng, dạy dân làm những nghề mới, chú trọng giáo dục cho người dưới ba mươi tuổi.
Thiên Bình và Duệ thông qua Thiên Đức hội tuyên truyền thường xuyên, vận động các làng để mỗi làng có một lớp học tạm ở bất kỳ chỗ nào, dạy mỗi ngày từ sáng đến chiều, ai cũng có thể học. Người biết nhiều chỉ người biết ít.
Dân Thiên Đức dưới ba mươi tuổi bắt buộc phải học thuộc bảng chữ cái của Bụt. Các chợ lớn nhỏ trong vùng đều dựng các tấm bảng gỗ viết sẵn chữ cái bằng than củi. Dân muốn đến chợ buôn bán, mua sắm… đều phải đọc đúng ít nhất ba chữ cái, cứ sau ba phiên chợ lại nâng lên hai chữ. Ai đọc sai phải quay về hoặc nhờ người khác mua giúp.
Các cụ già cũng học vì chẳng mất gì.
Trong các lớp học, truyền thuyết trăm trứng thường được kể cùng hàng trăm câu chuyện về những chỉ huy và quân sĩ Thiên Đức từng lập nhiều công trạng hoặc những câu chuyện về tấm gương anh dũng của các tử sĩ…
Những người như Cự Lượng, Nguyệt, Lạc Thổ, Trương Lôi, Chu Diện… ngoài việc luyện quân còn phải đi kể chuyện bản thân đã làm được gì, đang làm được gì và mong muốn sẽ làm gì. Những người này đều phải kể ra cả những khó họ từng gặp, lo lắng từng trải qua, làm thế nào để vượt qua được hoặc nếu kể về thất bại, phải tự nói ra vì sao thất bại…
Duệ cho nho sinh ghi chép lại nhiều chuyện, đóng thành cuốn rồi đưa đến Hàn Thuyên. Hàn Thuyên sẽ đọc, chắt lọc ra những câu chuyện hay rồi cho biên lại thành quyển “Tấm gương binh sĩ Thiên Đức”.
Bên cạnh đó, những người trong Bát Vạn Thương Nhân cũng được mời kể chuyện làm ăn của họ, khó khăn, thất bại ra sao… Hàn Thuyên và các nho sinh chép lại thành “Tấm gương thương nhân Thiên Đức”.
“Tấm gương nông dân Thiên Đức” chép về nông dân trong vùng, chọn những người, những gia đình tiêu biểu thay đổi nhờ chăm chỉ nuôi lợn, bò, trâu, chim câu, gà vịt, nuôi cá… ai muốn học hỏi thì đến những nhà đó xin học theo. Những nông dân tiêu biểu nếu dạy cho dân trong làng hay dân làng khác mà họ làm ăn có kết quả tốt sẽ được Thiên Đức quân ghi nhận công lao, được vào Thiên Đức hội.
Mỗi làng có một chi hội nông dân, mỗi xã có một hội nông dân. Người đứng đầu chi hội nông dân và hai người phó đều do dân làng đó chọn ra theo hình thức bỏ phiếu bằng que tre. Ba người này phải làm nông giỏi, là thành viên của Thiên Đức hội. Các Chi hội trưởng bầu ra Hội trưởng của xã đó.
Cha của Kình Ngư, ông Lăng, được chỉ định tạm thời làm Phó chủ tịch Hội Nông dân Thiên Đức, Duệ làm Chủ tịch. Ông Lăng thay mặt Duệ, ba nho sinh của Hàn Thuyên được cử làm thư ký giúp ông Lăng sổ sách, giấy tờ. Bước đầu manh nha kê khai ruộng đất để quản lý bài bản hơn.
Những người giữ chức từ Chi hội phó trở lên đều được trả lương hàng tháng, bắt đầu từ 10 đồng. Hội trưởng 15 đồng. Ngoài ra, nếu làng nào làm ăn tốt, xã nào tốt thì Hội trưởng và Chi hội trưởng xã đó được khắc tên lên bia đá trong xã cùng tiền thưởng cá nhân, như tiền thưởng khao cả làng.
Chỉ huy Thiên Đức từ cấp Tiểu đội phó trở lên bắt buộc phải tham gia cái gọi là lớp Sơ cấp chính trị ngắn hạn do Chương giảng dạy. Các lớp này truyền bá tư tưởng, thay đổi cách nhìn, tầm nhìn cho cấp chỉ huy trong hướng đến mục tiêu lập Nhà nước Vạn Xuân thống nhất, giàu mạnh, tự lập tự cường, lấy dân làm gốc.
Do tất cả các cấp chỉ huy đều là thành viên của Thiên Đức hội, Chương dần giao việc đào tạo chính trị, tư tưởng lại cho Thiên Bình và Duệ vì tướng sĩ đều thừa nhận tài năng của hai cô. Thứ nữa hai nàng đều là vợ sắp cưới của chủ tướng. Các cấp chỉ huy sau khi học xong về dạy lại cho quân của mình.
Từ tháng 4 năm Thiên Đức 27, tất cả quân Thiên Đức mới gia nhập đều phải trải qua lớp học chính trị kéo dài năm ngày. Sau đó viết hoặc kể lại những gì mình đã tiếp thu được cho chỉ huy trực tiếp. Chỉ huy phải nhận xét đạt hay không đạt, báo lại cho Duệ bằng văn bản. Cái này cũng được ghi vào hồ sơ quân nhân.
Về sau Chương một tháng đứng lớp nửa buổi, nói tình hình các sứ quân đã thu lượm được, đưa ra các nhận định, dự đoán của bản thân để mọi người cùng trao đổi. Sau cùng luôn là Thiên Đức quân sẽ phải làm gì? Mỗi người chỉ huy phải tự đưa ra kế hoạch rồi tự hoàn thành với sự giúp đỡ của nhiều người khác.
Có thể nói Thiên Đức hội phát triển nhanh trong năm Thiên Đức 27 về chất lượng và số lượng thành viên. Cuối năm đó, số thành viên Thiên Đức hội đã hơn một nghìn người. Việc kết nạp thành viên mới vì vậy mà có những điều kiện khắt khe hơn. Sự thay đổi về lượng dẫn đến thay đổi về chất chính là vậy.
Cuối năm Thiên Đức 27, mỗi đại đội trong quân Thiên Đức đều có một người giữ nhiệm vụ Chính trị viên, thường là Đại đội phó, lo công tác tư tưởng cho binh sĩ trong đại đội, tuyên truyền đường lối, chủ trương của chủ tướng hoặc của hội, giảng giải thắc mắc của binh sĩ, làm tiền đề thay đổi sau này trong quân Thiên Đức.
Điều lệ đầu tiên các thành viên phải tuyên thệ khi tham gia Thiên Đức hội là trung thành tuyệt đối với Thiên Đức quân! Sau này đổi thành trung thành tuyệt đối với Thiên Đức hội bởi nhiều lý do khác nhau.