Văn Võ Trong Triều Đều Nghe Thấy Tiếng Lòng Của Ta

Chương 55




 

Chọc cho người Kim văn học phái tức giận mắng hắn là kẻ phản bội, là chó săn dưới trướng Cổ văn học phái!

Quyền Ứng Chương trong đầu ong ong, đợi đến khi hoàn hồn, liền cười to sảng khoái: “Tốt! Tốt! Lão phu còn tưởng rằng Cổ văn trên triều đình không còn người theo nữa! Không ngờ các ngươi lại đang che giấu thực lực, nhẫn nhục chịu đựng!”

Hứa Yên Miểu: 【Đánh nhau đi đánh nhau đi!】

Ông chống gậy xuống đất, ngạo nghễ nhìn Kim văn học phái đối diện: “Đạo của ta không cô độc! Các ngươi còn có lời hoang đường nào nữa không? Đều lấy ra đây cho ta!”

Hứa Yên Miểu: 【Đánh nhau đi đánh nhau đi!】

Nhóm người Cổ văn học phái đứng sau lưng Quyền Ứng Chương, cũng dùng ánh mắt kiêu ngạo nhìn về phía đối diện.

Người Kim văn học phái cười lạnh một tiếng: “Thật là tự mình chui đầu vào rọ!”

Hứa Yên Miểu: 【Đánh nhau đi đánh nhau đi!】

Người của Kim văn học phái và Cổ văn học phái bỗng nhiên đồng thanh nói: “Ngươi im miệng!!!”



Mắt Hứa Yên Miểu sáng lên.

【Oa! Đánh nhau rồi!】

Khóe mắt Binh Bộ Tư Vụ giật giật.

Trận biện kinh này, thiếu ngươi một câu cũng không được! Chỉ cần thiếu của ngươi một câu, bọn họ sẽ không đánh nhau.

 

Lão Hoàng đế cũng xem náo nhiệt không ngại chuyện lớn, sai Cẩm Y Vệ dọn đến mười mấy bộ án thư và đệm mềm, tạo điều kiện cho hai bên ngồi xuống luận đạo.

—— Chủ yếu là bởi vì Quyền Ứng Chương tuổi đã cao, biện kinh bình thường đều không thể nào kết thúc trong vòng mấy canh giờ, thật sự để cho lão nhân gia này đứng ở chỗ này lâu như vậy, hôm nay khéo phải làm tang lễ luôn.

Kim văn học phái là người đầu tiên lên tiếng: “«Cổ văn Thượng Thư» lúc mới xuất hiện đã nói rõ ràng so với «Kim văn Thượng Thư» trước đó thì nhiều hơn mười sáu thiên, bốn trăm năm qua số lượng không hề thay đổi, bốn trăm năm sau gặp phải chiến loạn, đợi đến khi thái bình, sao lại biến thành nhiều hơn hai mươi lăm thiên? Số thiên không đúng, có thể thấy là giả!”

Sắc mặt người Cổ văn học phái trở nên nghiêm trọng.

Ngay cả Quyền Ứng Chương, vị minh chủ văn đàn này cũng nhíu mày.



Bọn họ là đang biện kinh nghiêm túc, không phải đánh nhau ngoài đường, nếu là đánh nhau ngoài đường, bọn họ đương nhiên có thể lớn tiếng nói “Văn thư chính thức không có thay đổi, không có nghĩa là trong dân gian không tồn tại, dân gian rộng lớn như vậy, sách vở lưu truyền khắp nơi, bốn trăm năm sau mới tìm được chẳng phải rất bình thường sao”.

Nhưng biện kinh không thể biện như vậy.

Biện kinh, nhất định phải tìm ra nội dung tương ứng từ trong kinh sử điển tịch để phản bác đối phương.

Cho dù cả thiên hạ đều biết Khổng Tử là nam, lúc biện kinh, nếu muốn nói rõ điểm này, thì nhất định phải tìm ra câu nói nào đó từ trong điển tịch để chứng minh ông ấy—— Ví dụ như, Khổng Tử và phu nhân của Vệ Linh Công là Nam Tử ở chung một phòng, ngay cả đồ đệ của ông cũng nghi ngờ không biết Khổng Tử có trong sạch hay không, từ đó có thể chứng minh Khổng Tử là nam nhân.

Nếu ngươi không thể nào biện minh được, đợi đến khi đối phương nắm giữ quyền lên tiếng chính thức, trong cuộc đời truyền kỳ của Khổng Tử phỏng chừng sẽ có thêm một câu “Khổng Tử nữ cải nam trang, cả đời kiên cường bất khuất”.

Nếu quyền lên tiếng chính thức này tiếp tục được nắm giữ lâu hơn một chút, đề thi khoa cử lại do học phái này ra, đáp án phải dựa theo cách giải thích kinh điển của học phái này, một đời hai đời, mọi người còn nhớ rõ lịch sử, còn âm thầm mắng chửi học phái này to gan lớn mật, dám tự ý thay đổi giới tính của Khổng Tử, bọn họ biết Khổng Tử là nam nhân nhưng vì khoa cử/ vì muốn tạo dựng danh tiếng cho mình, nên đối ngoại chỉ có thể nói mình ủng hộ quan điểm này.

Nhưng mà năm đời sau, quan điểm Khổng Tử là nữ cải nam trang nhất định sẽ trở thành một trong những quan điểm chính thống.

—— Đây cũng là lý do vì sao các học phái luôn phải tranh giành vị trí chính thống, tranh giành được vị trí chính thống, thì tương đương với việc trực tiếp độc chiếm quyền lên tiếng trong một khoảng thời gian nào đó, muốn truyền bá quan điểm gì cho các sĩ tử thiên hạ thì truyền bá quan điểm đó, cho dù là quan điểm hoang đường cỡ nào cũng được.

Người của Cổ văn học phái hận không thể lập tức biện đến mức khiến đối phương câm nín.

Vậy thì Khổng Tử... À không đúng, vậy thì số lượng của «Cổ văn Thượng Thư» tại sao lại đột nhiên tăng lên?