Uông Xưởng Công

Chương 817




Khi dặn Nghi Loan Vệ điều tra phủ Thừa Ân Công một lần nữa, Vĩnh Chiêu Đế đã có sự lựa chọn trong lòng.

Ông ta nghi ngờ những việc này là do phe cánh của Vi hoàng hậu đứng đằng sau thúc đẩy, càng nghi ngờ Vi hoàng hậu có bụng dạ giống như thái hậu Vĩnh Long.

Cái gọi là “nghi ngờ láng giếng trộm búa”*, đó là một khi hạt giống hoài nghi được gieo xuống thì lập tức mọc rễ nảy mầm trong lòng, rồi trở nên tươi tốt, gần như che phủ toàn bộ tâm trí của ông ta. Ngay cả khi phó tướng quân Dư Cảnh Hoài của Nghi Loan Vệ đến bẩm báo rằng phủ Thừa Ân Công không có động tĩnh gì khác thường, Vĩnh Chiêu Đế vẫn không thấy yên tâm.

(*) Có một người bị mất cái búa, nghi ngờ cho đứa con trai nhà hàng xóm, nhìn cách đi đứng nói năng của đứa trẻ đều tỏ rõ là một kẻ đã trộm búa. Nhưng vài hôm sau, người đó lại tìm thấy búa, từ đó trở đi nhìn đứa con nhà hàng xóm lại thấy đứa trẻ không có gì giống như người đã ăn trộm búa nữa.

“A… Người đâu, cứu giá! Cứu giá!” Vĩnh Chiêu Đế kinh hãi hét lên và ngồi bật dậy, trên trán đẫm mồ hôi lạnh, trong mắt có nỗi sợ hãi không thể xua tan đi được.

Ánh nến lờ mờ trong điện Tử Thần đột nhiên sáng rõ, Cầu Ân và Ngụy Li Cung canh gác trong điện vội vàng chạy tới bên cạnh giường của đế vương, dè dặt nói: “Hoàng thượng, mọi thứ trong điện đều an toàn. Hoàng thượng đang nằm mơ thôi, không cần phải hoảng sợ.”

Nằm mơ sao?

Vĩnh Chiêu Đế đưa ánh mắt sợ hãi nhìn khắp xung quanh một lượt, sau khi nhìn ánh sáng trong điện, nhìn thấy mấy người Cầu Ân, ông ta mới thở phào, nỗi hoảng sợ trong mắt dần dần tiêu tan, nhưng sống lưng vẫn ướt đẫm mồ hôi.

Hóa ra là nằm mơ, may mắn chỉ là giấc mơ…

Tuy nhiên, mọi thứ trong giấc mơ đều chân thật như vậy, cảm giác sắp chết rõ ràng như vậy, những điều đó đều khắc sâu trong đầu Vĩnh Chiêu Đế.

Ông ta mơ thấy hoàng hậu. Trong mơ, hoàng hậu không còn mang dáng vẻ đoan trang của ngày thường nữa mà mặt mũi đầy sát khí độc ác, cầm một con dao găm sắc bén, đi từng bước tới gần ông ta.

Ông ta muốn kêu to, muốn tránh đi, nhưng lại phát hiện ra mình không phát ra được âm thanh nào, cơ thể giống như bị cố định, không thể nhúc nhích, chỉ có thể trơ mắt nhìn hoàng hậu mỗi lúc một đến gần.

Hoàng hậu cười gằn, nói: “Hoàng thượng, ngài đã tại vị hai mươi lăm năm, đã đủ lâu rồi, cũng đã đến lúc thoái vị rồi! Hoàng thượng, để thần thiếp tiễn ngài một đoạn đường!”

Dứt lời, bà ta liền giơ tay lên, con dao găm sắc bén lóe lên ánh sáng lạnh lẽo, đột nhiên cắm phập xuống lồng ngực của ông ta.

Đúng vào lúc này, ông ta kinh hãi thét lên và tỉnh giấc, như thể đã thoát khỏi cái gì đó, cơ thể đã có thể cử động được.

Sau khi nhìn thấy mấy người Ngụy Li Cung, Vĩnh Chiêu Đế biết đây là ác mộng, là do ông ta “ngày nghĩ gì đêm mơ nấy”. Nhưng nỗi sợ hãi chết chóc đó từ đầu chí cuối luôn chiếm cứ trong lòng ông ta, không chịu tan đi.

Đây là ác mộng sao, hay là sự phản ánh nào đó của hiện thực?

Vĩnh Chiêu Đế không dám tưởng tượng, nếu đây là hiện thực thì điều này thật sự sẽ xảy ra, vậy thì…

Ông ta nhắm mắt lại, vẻ mặt tái nhợt khác thường, hồi lâu không nói gì.

Thấy thế, Cầu Ân vẫn thu hết can đảm, nói: “Hoàng thượng, nô tài đi mời đại nhân của Tư Thiên Giám đến đây, xin hoàng thượng cho phép!”

Truyền thuyết nói Tư Thiên Giám có thể giao tiếp với quỷ thần. Hiện tại hoàng thượng rõ ràng là đang bị bóng đè, bất luận Tư Thiên Giám có thể giao tiếp với quỷ thần hay không thì có Tư Thiên Giám ở trong điện Tử Thần, hoàng thượng cũng có thể yên tâm.

Vĩnh Chiêu Đế lắc đầu, cuối cùng lên tiếng: “Không cần phải đi mời Chu Điển, trẫm không sao.”

Chu Điển chỉ có thể bốc quẻ xem điềm lành, điềm dữ. Nhưng Vĩnh Chiêu Đế biết lành dữ nằm ở đâu, ông ta không cần Chu Điển, ông ta cần ám vệ.

“Sáng ngày mai cho triệu Hàn Châu Tiết vào cung!” Vĩnh Chiêu Đế ra lệnh, cố gắng hết sức ổn định trái tim đang đập dồn dập của mình.

Chức quan cao nhất của phò mã là ngũ phẩm, Hàn Châu Tiết vẫn là tự thừa của Hồng Lư Tự, nhưng Vĩnh Chiêu Đế muốn Hàn Châu Tiết đi làm việc với thân phận của ám vệ.

Nếu Hàn Châu Tiết không làm được thì cần phải gọi Thang Nhân vào cung một chuyến.

Ông ta đã gặp ác mộng vì hoàng hậu nên tất nhiên phải bóp chết nguyên nhân của cơn ác mộng này. Ông ta tuyệt đối không thể đột ngột băng hà, tuyệt đối không thể!

Ngày hôm sao, Hàn Châu Tiết lập tức được gọi vào cung. Ngay cả nội thị hầu cận Cầu Ân của hoàng thượng cũng không thể biết được hoàng thượng đã dặn dò Hàn Châu Tiết việc gì. Tuy nhiên, những lời đồn về thái hậu Vĩnh Long ở trong cung lại lặng lẽ biến mất, giống như bị một bàn tay lớn siết chặt, không rò rỉ một chút tin tức nào.

Còn Thừa Ân Công - Vi Thịnh luôn cảm thấy dường như đã xảy ra chuyện gì đó trong phủ, như thể có người nào đó đang nấp trong chỗ tối nhìn trộm. Nhưng thị vệ trong phủ tra đi tra lại cũng không tra ra được nguyên do.

Vi Thịnh không biết là bản thân đa nghi hay đang xảy ra chuyện gì, đành phải ra nghiêm lệnh cho tất cả mọi người trong phủ phải thận trọng từ lời nói đến hành động, tuyệt đối không được nói gì lỡ lời, nếu không sẽ bị phạt nặng.

Ông ta không biết thư phòng quan trọng trong phủ Thừa Ân Công đã bị Hàn Châu Tiết lục tìm một lượt. Về phần Hàn Châu Tiết lục tìm thứ gì cũng chỉ có Vĩnh Chiêu Đế và Hàn Châu Tiết biết.

“Chuyện này không sai chứ? Phủ Thừa Ân Công quả thật có qua lại với các nhà buôn ở đạo Giang Nam?” Vĩnh Chiêu Đế hỏi Hàn Châu Tiết với vẻ mặt trầm tĩnh.

Hàn Châu Tiết khom lưng, đáp: “Đúng vậy, thưa hoàng thượng. Thần đã tìm thấy những manh mối này trong phủ Thừa Ân Công, phát hiện ra giữa bọn họ có sự qua lại. Nhưng không có chứng cứ chứng minh phủ thừa Ân Công có liên quan đến bê bối trong việc vận chuyển bằng đường thủy của đạo Giang Nam.”

Suy cho cùng, người qua lại với các nhà buôn ở đạo Giang Nam không chỉ có mình phủ Thừa Ân Công, rất nhiều các gia tộc lớn và các quan viên ở Kinh Triệu cũng như vậy.

Đạo Giang Nam là mảnh đất trù phù, giàu có và đông đúc của Đại An, lá trà và tơ lụa của nơi đó nổi tiếng nhất trong cả nước. Rất nhiều gia tộc lớn còn chuyên môn cử con cháu trong tộc đến đây thường trú, để tiện cho việc mua sắm những món hàng này.

Vì vậy, phủ Thừa Ân Công cũng không phải trường hợp đặc biệt. Theo như Hàn Châu Tiết thấy, manh mối này không có giá trị lớn.

Tuy nhiên, hiện tại việc vận chuyển bằng đường thủy ở đạo Giang Nam xảy ra vấn đề, trong thời điểm nhạy cảm này, hắn vẫn phải bẩm báo manh mối đó lên hoàng thượng.

Vĩnh Chiêu Đế xem đi xem lại những manh mối này, nét mặt dần dần xuất hiện vẻ tức giận. Rõ ràng là ông ta không nghĩ như Hàn Châu Tiết.

Việc phủ Thừa Ân Công qua lại với các nhà buôn ở đạo Giang Nam cũng có thể được, nhưng tình hình vận chuyển bằng đường thủy của đạo Giang Nam lại có liên quan đến phủ Thừa Ân Công.

Đế vương càng tin rằng Thừa Ân Công - Vi Thịnh có bản lĩnh này hơn là thái tử.

Cuối cùng chuyện này quanh đi quẩn lại lại rơi vào đầu thái tử, ở đây có bàn tay của phủ Thừa Ân Công không?

Vĩnh Chiêu Đế ngẫm nghĩ chốc lát rồi lệnh cho Hàn Châu Tiết: “Ngươi nhanh chóng dẫn theo ám vệ đến đạo Giang Nam một chuyến. Trẫm muốn biết rốt cuộc tiền bạc của những nhà buôn kia đã rơi vào tay ai.”

Tiền Khả Kính và những nhà buôn kia đều đã nhận tội, lí do bọn họ làm những việc đó là muốn góp công phò tá người kế vị lên ngôi. Thái tử thật sự đáng để bọn họ đi theo như thế sao?

Vĩnh Chiêu Đế khá hoài nghi điều này. Hiện tại cứ đợi kết quả điều tra của Hàn Châu Tiết đã.

Trong tình huống bình thường, Vĩnh Chiêu Đế sẽ điều động Nghi Loan Vệ và Đề Xưởng mà rất ít dùng đến Hàn Châu Tiết và ám vệ. Nay ông ta đã gạt Nghi Loan Vệ và Đề Xưởng sang một bên, chứng tỏ đây đã không phải là chuyện bình thường trong lòng đế vương.